Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Hẹp bao quy đầu ở trẻ em: Mức độ nguy hiểm, phương pháp chẩn đoán và điều trị

Ngày 16/07/2024
Kích thước chữ

Hẹp bao quy đầu là tình trạng khá phổ biến ở trẻ em hiện nay. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không phải bậc phụ huynh nào cũng hiểu rõ về tình trạng này. Trong bài viết sức khỏe hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn đúng hơn về tình trạng hẹp bao quy đầu ở trẻ em.

Vậy hẹp bao quy đầu ở trẻ em là tình trạng như thế nào? Hướng xử trí khi trẻ bị hẹp bao quy đầu như thế nào? Theo dõi ngay bài viết sức khỏe dưới đây để nắm được thông tin chi tiết giải đáp những thắc mắc này bạn nhé.

Tổng quan về hiện tượng hẹp bao quy đầu ở trẻ em

Hẹp bao quy đầu là hiện tượng bất thường ở dương vật, xảy ra khi phần da bao quy đầu ở phía trên không thể kéo xuống được, ngay cả khi dương vật đang trong trạng thái cương cứng. Nếu bao quy đầu có tụt xuống được thì cũng chỉ lộ ra một phần rất nhỏ, thường chỉ lộ lỗ tiểu và khi tuột xuống thì rất khó để có thể kéo lên lại như bình thường.

Hẹp bao quy đầu là vấn đề khá phổ biến ở trẻ em song tình trạng này có thể được cải thiện dần theo thời gian, khi trẻ lớn. Hẹp bao quy đầu ở trẻ em được chia thành 2 dạng đó là hẹp bao quy đầu sinh lý và hẹp bao quy đầu bệnh lý. Theo thống kê, đa phần các trường hợp trẻ bị hẹp bao quy đầu là hẹp bao quy đầu sinh lý, chỉ có 1% trẻ bị hẹp bao quy đầu là do bệnh lý. Cụ thể:

  • Hẹp bao quy đầu sinh lý: Hầu hết bé trai mới sinh ra đều có bao quy đầu che phủ hoàn toàn quy đầu của dương vật. Khi lớn lên, da quy đầu lột xuống một cách tự nhiên, làm lộ dần quy đầu của dương vật. Tình trạng này sẽ tự biến mất khi trẻ được 5 - 7 tuổi.
  • Hẹp bao quy đầu bệnh lý: Hẹp bao quy đầu có thể do tổn thương vật lý hoặc bệnh lý gây ra, thường là nhiễm trùng, viêm hoặc sẹo. Khi bị hẹp bao quy đầu bệnh lý, trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc lộn bao quy đầu xuống, có thể gây ra cảm giác đau, thậm chí là chảy máu. Nếu bao quy đầu của trẻ bị sưng khi đi tiểu, trẻ bị khó tiểu hoặc xuất hiện dấu hiệu nhiễm trùng, cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và có hướng can thiệp kịp thời.
Hẹp bao quy đầu ở trẻ em: Mức độ nguy hiểm, phương pháp chẩn đoán và điều trị 1
Hẹp bao quy đầu ở trẻ em là một trong những hiện tượng khá phổ biến hiện nay

Hẹp bao quy đầu ở trẻ em có nguy hiểm không?

Như đã trình bày phía trên, hẹp bao quy đầu ở trẻ em đa phần là do sinh lý. Tình trạng hẹp bao quy đầu có thể dần được cải thiện khi trẻ lên 5 tuổi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, hẹp bao quy đầu có thể do bệnh lý và điều này có thể gây ảnh hưởng xấu đến trẻ trong tương lai nếu không được can thiệp điều trị kịp thời. Một số vấn đề liên quan đến dương vật mà trẻ có thể phải đối mặt do bị hẹp bao quy đầu có thể kể đến như:

  • Viêm quy đầu: Phía dưới lớp da quy đầu có rất nhiều các loại vi khuẩn tồn tại. Nếu da quy đầu có thể tụt xuống bình thường thì phụ huynh và trẻ có thể dễ dàng vệ sinh vùng da này. Tuy nhiên, khi bị hẹp bao quy đầu, việc vệ sinh vùng da này trở nên khó khăn hơn. Theo thời gian, bã nhờn, nước tiểu và cặn bẩn tích tụ, tạo điều kiện lý tưởng để vi khuẩn gây bệnh sinh sôi, dẫn đến tình trạng viêm nhiễm. Lúc này, quy đầu của trẻ bị sưng đỏ và đau.
  • Viêm đường tiết niệu: Khi bị hẹp bao quy đầu, việc vệ sinh trở nên khó khăn hơn, tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn gây bệnh sinh sôi và phát triển gây tình trạng viêm quy đầu. Viêm quy đầu không được điều trị, tình trạng viêm nhiễm trở nên nghiêm trọng hơn, vi khuẩn tiếp tục sinh sôi phát triển, xâm nhiễm vào niệu đạo gây viêm niệu đạo. Thậm chí, vi khuẩn có thể từ niệu đạo ngược dòng, tấn công bàng quang, thận, niệu quản của trẻ.
  • Nghẹt quy đầu: Ở một số trẻ, da quy đầu ôm rất chặt. Khi trẻ lớn lên, quá trình cương cứng dương vật diễn ra, da quy đầu chịt hẹp như một vòng dây cao su thắt chặt vào đầu của dương vật. Tình trạng này dẫn đến tắc nghẽn lưu thông máu, gây đau và sưng phù dương vật, thậm chí có thể gây hoại tử dương vật.
  • Ung thư dương vật: Quy đầu và bao quy đầu bị viêm nhiễm mạn tính có thể dẫn đến sự biến đổi các tế bào, hình thành khối u và dẫn đến ung thư dương vật. So với trẻ có bao quy đầu bình thường thì trẻ bị hẹp bao quy đầu có nguy cơ mắc ung thư dương vật cao hơn. Với những trường hợp này, cắt bao quy đầu sớm là giải pháp hiệu quả.
  • Tăng nguy cơ vô sinh: Hẹp bao quy đầu ở trẻ em không chỉ gây viêm nhiễm tại quy đầu và bao quy đầu mà còn ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác như niệu đạo, niệu quản, bàng quang, thận, tuyến tiền liệt, tinh hoàn… Khi vi khuẩn tấn công tinh hoàn sẽ gây ảnh hưởng đến sự sản xuất tinh trùng, thậm chí gây ngưng trệ, đe dọa trực tiếp đến khả năng sinh sản của trẻ trong tương lai.
Hẹp bao quy đầu ở trẻ em: Mức độ nguy hiểm, phương pháp chẩn đoán và điều trị 2
Viêm bao quy đầu là một trong những vấn đề trẻ có thể gặp khi bị hẹp bao quy đầu

Chẩn đoán và điều trị hẹp bao quy đầu ở trẻ em

Như các bạn đã biết, hẹp bao quy đầu ở trẻ em có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng trong tương lai. Chính vì thế, việc phát hiện sớm và điều trị hẹp bao quy đầu ở trẻ em kịp thời là điều vô cùng cần thiết.

Chẩn đoán

Để xác định trẻ có bị hẹp bao quy đầu không và đưa ra chẩn đoán chính xác, bác sĩ sẽ căn cứ trên một số biểu hiện lâm sàng, chẳng hạn như:

  • Bao quy đầu chỉ tụt được xuống một phần nhỏ, không đáng kể, thậm chí là không thể tụt xuống được.
  • Miệng bao quy đầu nhỏ hoặc bịt kín toàn bộ phần quy đầu của dương vật, khó có thể quan sát thấy lỗ tiểu.
  • Nếu trẻ trong độ tuổi dậy thì, có sự cương cứng dương vật, bao quy đầu không tự lộn xuống và đẩy quy đầu ra phía trước được.
  • Trẻ tiểu khó, tia nước tiểu nhỏ, phụt xa và mạnh.
Hẹp bao quy đầu ở trẻ em: Mức độ nguy hiểm, phương pháp chẩn đoán và điều trị 3
Đưa trẻ đến gặp bác sĩ để thăm khám khi nhận thấy trẻ có các dấu hiệu hẹp bao quy đầu

Điều trị

Các phương pháp điều trị hẹp bao quy đầu ở trẻ em phụ thuộc rất nhiều vào độ tuổi của trẻ. Cụ thể:

Trẻ dưới 3 tuổi

Theo thống kê, có đến 96% trẻ trong độ tuổi này bị hẹp bao quy đầu, nguyên nhân do yếu tố sinh lý và tình trạng này sẽ dần được cải thiện theo thời gian và biến mất khi trẻ trưởng thành. Do đó mà cha mẹ hoàn toàn không cần quá lo lắng. Việc cha mẹ cần làm lúc này là chú ý giữ gìn vệ sinh vùng kín cho trẻ. Trong trường hợp nhận thấy dấu hiệu bất thường, cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để thăm khám.

Trẻ từ 3 - 7 tuổi

Theo thống kê, có khoảng 10% trẻ ở độ tuổi này gặp phải hiện tượng hẹp bao quy đầu. Lúc này, cha mẹ cần hết sức lưu tâm nếu nhận thấy bao quy đầu của trẻ không thể tự tụt xuống bởi đây có thể là dấu hiệu cảnh báo hẹp bao quy đầu bệnh lý. Cùng với đó, cha mẹ cần giữ vệ sinh vùng kín cho trẻ và tiến hành tự nong khi tắm cho trẻ.

Với các trường hợp bao quy đầu quá hẹp, dù đã thử nhiều cách nhưng vẫn không thể tụt xuống, cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để thăm khám và có hướng can thiệp kịp thời.

Bác sĩ có thể kê thuốc kháng sinh, chống viêm, thuốc bôi và hướng dẫn cha mẹ tự nong bao quy đầu cho trẻ tại nhà. Các loại thuốc này giúp làm mềm và giãn bao quy đầu. Khi kết hợp với thao tác nong dưới vòi nước, bao quy đầu sẽ dần tụt xuống theo thời gian. Ngoài ra, bác sĩ có thể trực tiếp nong bao quy đầu cho trẻ tại bệnh viện.

Trẻ trên 7 tuổi

Trẻ trên 7 tuổi có tỷ lệ mắc hẹp bao quy đầu rất thấp, chỉ khoảng 8%. Các phương pháp điều trị hẹp bao quy đầu ở trẻ em trong độ tuổi này có thể kể đến như:

  • Bôi thuốc steroid tại chỗ và hướng dẫn cha mẹ tự tụt bao quy đầu tại nhà.
  • Can thiệp nong bao quy đầu cho trẻ.
  • Phẫu thuật cắt bao quy đầu.
Hẹp bao quy đầu ở trẻ em: Mức độ nguy hiểm, phương pháp chẩn đoán và điều trị 4
Phẫu thuật cắt bao quy đầu là một trong những phương pháp điều trị hẹp bao quy đầu

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản xoay quanh tình trạng hẹp bao quy đầu ở trẻ em. Hy vọng, với những chia sẻ hôm nay, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về tình trạng này đồng thời nắm được hướng chẩn đoán cũng như điều trị hẹp bao quy đầu ở trẻ em. Cảm ơn bạn đọc đã luôn yêu và đồng hành cùng Nhà thuốc Long Châu.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin