Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Giới tính/
  4. Sức khỏe sinh sản

Bao quy đầu là gì? Các bệnh lý thường gặp phải ở bao quy đầu

Ngày 30/05/2023
Kích thước chữ

Tìm hiểu chi tiết bao quy đầu là gì, chức năng của bao quy đầu và những bệnh lý thường gặp giúp nam giới hiểu rõ hơn về bộ phận này và có cách chăm sóc, phòng bệnh hiệu quả.

Bao quy đầu được biết đến là một bộ phận bao bọc bên ngoài dương vật. Nó có tác dụng giúp bảo vệ quy đầu khỏi các tác động có thể gây tổn thương từ bên ngoài như vi khuẩn có hại, bụi bẩn… Các bệnh lý ở bao quy đầu đa phần không gây nguy hiểm tới tính mạng. Tuy nhiên, nam giới vẫn nên lưu tâm để phát hiện bệnh sớm và xử lý kịp thời để không gặp phải nhiều rắc rối ngoài ý muốn trong sinh hoạt thường ngày. 

Bao quy đầu là gì?

Có thể hiểu đơn giản, bao quy đầu là cấu trúc bao bọc bên ngoài quy đầu với chức năng chính là bảo vệ cho dương vật. Ở các bé trai còn nhỏ, vùng da này sẽ bao trọn đầu dương vật và tự tụt xuống khi trẻ bắt đầu lớn hơn (trong khoảng từ 4 đến 5 tuổi).

Bao quy đầu là gì? Các bệnh lý thường hay gặp phải ở bao quy đầu 1
Bao quy đầu có chức năng chính là giúp bảo vệ dương vật

Các bệnh lý thường gặp ở bao quy đầu

Các bệnh lý ở bao quy đầu cần được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa để có hướng xử lý, điều trị phù hợp. Dưới đây là một số bệnh hay gặp ở bao quy đầu mà nam giới nào cũng nên biết:

Bệnh lý hẹp bao quy đầu hay còn gọi là hẹp da quy đầu

Đây là tình trạng da bao quy đầu không tuột lên hoàn toàn khỏi quy đầu. Hẹp bao quy đầu được xem là trạng thái sinh lý bình thường ở trẻ sơ sinh (một số trường hợp có thể kéo dài đến độ tuổi thanh niên). Đến độ tuổi dậy thì, khi dương vật phát triển nhanh, dài và to ra thì bao quy đầu sẽ tự tuột ra ngoài.

Nếu không có vấn đề gì quá nghiêm trọng, khi bị hẹp bao quy đầu có thể áp dụng những phương pháp sau đây mà không cần đến phẫu thuật như:

  • Thoa kem steroid (0.1% betamethasone) trong 4 đến 6 tuần. Đây là một phương pháp dễ áp dụng, ít rủi ro, giá thành rẻ mà lại đạt hiệu quả cao.
  • Thực hiện nong da quy đầu bằng tay, bong bóng hay một số dụng cụ khác… Lúc đầu, bác sĩ sẽ là người trực tiếp thực hiện. Tuy nhiên sau đó bệnh nhân có thể tự áp dụng tại nhà. Phương pháp này khá nhẹ nhàng, không gây sang chấn nhưng cần lưu ý làm đúng cách để tránh gây chảy máu, xơ dính.

Đối với các trường hợp bôi thuốc không có hiệu quả, bao quy đầu vẫn hẹp và da quy đầu bị căng phồng khi tiểu tiện; thường xuyên bị viêm bao quy đầu, nhiễm trùng tiểu thì bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định phẫu thuật.

Sưng mô bao quy đầu hay nghẹt bao quy đầu

Tình trạng nghẹt bao quy đầu thường gây ra sưng mô bao quy đầu ở bệnh nhân. Theo đó, người bệnh bị sưng bao quy đầu không thể kéo phần da trở lại phủ đầu dương vật sau khi đã lột ra. Do vậy dẫn đến sưng đau, cản trở tuần hoàn. Đối với trường hợp này, bệnh nhân cần phải được can thiệp y tế sớm.

Những nguyên nhân gây nghẹt bao quy đầu thường là do: Không kéo bao quy đầu trở lại như cũ sau khi tuột ra kiểm tra, bao quy đầu hẹp gây nhiễm trùng đầu dương vật, lột bao quy đầu mạnh tay và giữ bao quy đầu bị tuột quá lâu.

Một số triệu chứng cho thấy bị nghẹt bao quy đầu cần được kiểm tra y tế đó là:

  • Màu sắc bất thường ở dương vật.
  • Bao quy đầu bị sưng và co thắt.
  • Bị đau nhức ở vùng đầu dương vật hoặc bao quy đầu.
  • Bị mất cảm giác ở bao quy đầu hoặc đầu dương vật.
  • Không thể kéo được bao quy đầu để che phủ đầu dương vật.
Bao quy đầu là gì? Các bệnh lý thường hay gặp phải ở bao quy đầu 2
Nghẹt bao quy đầu có thể gây đau nhức ở vùng đầu dương vật của nam giới

Nam giới không nên tự ý sử dụng chất bôi trơn kéo bao quy đầu trở lại mà hãy đến gặp bác sĩ để được chỉ định điều trị đúng cách. Thông thường trong trường hợp này, bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật.

Tình trạng bao quy đầu bị viêm do nhiễm trùng

Viêm quy đầu thường sẽ dẫn đến viêm bao quy đầu (ngoại trừ các trường hợp đã cắt bao quy đầu). Chất tiết ở rãnh quy đầu có khả năng bị nhiễm khuẩn kị khí và gây ra tình trạng nhiễm trùng. Các triệu chứng nhận biết viêm bao quy đầu đó là:

  • Dương vật bị sưng và có thể thấy đau khi đi tiểu.
  • Dịch tiết bất thường ở dương vật và kèm theo mùi hôi.
  • Thấy đau hoặc ngứa xung quanh quy đầu.
  • Xuất hiện các đốm trắng nhỏ xung quanh quy đầu và bao quy đầu.

Phương pháp điều trị tình trạng này ở thời điểm hiện nay đó là bôi kem steroid hoặc thuốc mỡ có kháng sinh, chống nấm để khắc phục các triệu chứng. Ngoài ra, người bệnh cần giữ gìn vệ sinh, rửa dương vật chưa lột quy đầu bằng nước ấm; đồng thời lựa chọn sản phẩm chăm sóc cơ thể có thành phần dịu nhẹ và nguồn gốc tự nhiên.

Viêm bao quy đầu do dị ứng

Các dấu hiệu nhận biết bệnh viêm bao quy đầu do dị ứng bao gồm: 

  • Thấy sưng và đau ở bìu.
  • Khó tiểu, tiểu ra máu.
  • Xuất hiện mụn nước, phát ban, cảm giác sần sùi.
  • Xuất hiện các mảng màu nâu, đỏ, hoặc xám trên da.
  • Da trở nên nhạy cảm hơn, dày cộm lên và bị ngứa.
  • Sau khi quan hệ tình dục bị đau nhức và cơn đau nghiêm trọng kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ.

Nguyên nhân của bệnh lý này có thể là do đầu dương vật bị tổn thương do kẹt khi kéo khóa quần; mặc quần lót có thiết kế quá bó, chất liệu nóng gây hầm bí; hẹp bao quy đầu chưa lột bao quy đầu; dị ứng với clo trong các sản phẩm tắm gội, bao cao su hoặc nước trong bể bơi; viêm khớp phản ứng hay bệnh vảy nến.

Bao quy đầu là gì? Các bệnh lý thường hay gặp phải ở bao quy đầu 3
Mặc quần lót có thiết kế bó sát quá mức là nguyên nhân gây viêm bao quy đầu

Trong trường hợp viêm bao quy đầu nhẹ, nam giới cần lưu ý loại bỏ những chất gây kích ứng và tự áp dụng các biện pháp điều trị tại nhà như sau:

  • Giảm sưng đau bằng cách chườm khăn lạnh vào vùng bị viêm khoảng 20 phút mỗi ngày.
  • Thoa thuốc mỡ hoặc kem hydrocortisone 1% giúp giảm ngứa.
  • Dùng một số thuốc điều trị dị ứng như cetirizine, diphenhydramine…
  • Giảm kích thích các mô bằng cách sử dụng băng y tế, gạc sạch hay mảnh vải sạch để băng dương vật hoặc bao quy đầu bị trầy xước.
  • Sử dụng các sản phẩm dịu nhẹ, tránh tiếp xúc với những hóa chất gây kích ứng mạnh.

Khô và nứt bao quy đầu 

Nhiễm trùng nấm men candida albicans, mụn rộp hoặc không giữ gìn vệ sinh dương vật đúng cách thường là những nguyên nhân chính gây khô và nứt bao quy đầu. Các biểu hiện điển hình của bệnh lý này này là nứt nẻ; kích ứng, tấy đỏ hoặc sưng tấy trắng; co thắt bao quy đầu; có tiết dịch trắng ở bao quy đầu.

Nguyên nhân gây bệnh bao quy đầu là gì?

Bất cứ hoạt động nào liên quan đến bao quy đầu đều có thể là nguyên nhân gây ra bệnh lý ở bộ phận này, bao gồm:

  • Vệ sinh dương vật kém khiến dương vật bị nhiễm trùng.
  • Cắt bao quy đầu không đúng cách.
  • Có các hoạt động tình dục thô bạo hoặc thường xuyên thủ dâm.
  • Thường đặt ống thông bàng quang.
  • Sau khi thụt bao quy đầu vào thì không để trở lại vị trí bình thường.
Bao quy đầu là gì? Các bệnh lý thường hay gặp phải ở bao quy đầu 4
Vệ sinh dương vật kém có thể dẫn đến các bệnh lý ở bao quy đầu

Như thế nào là bao quy đầu bình thường, không mắc bệnh?

Những dấu hiệu nhận biết sau cho thấy nam giới có bao quy đầu bình thường:

  • Sau độ tuổi dậy thì, phần bao quy đầu có thể tuột lên - xuống qua rãnh quy đầu một cách dễ dàng mà không bị chít hẹp hay đau đớn, khó chịu.
  • Trong tình trạng cương cứng, lớp da bao bọc sẽ tự lột xuống, để lộ rõ quy đầu và không có cảm giác đau đớn do bị bao quy đầu siết chặt.
  • Quy đầu và bao quy đầu có đặc điểm khỏe mạnh, hồng hào, không tiết dịch hay có mùi hôi khó chịu.

Khi nào người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được hỗ trợ?

Đa phần các trường hợp bị hẹp bao quy đầu đều không bắt buộc phải can thiệp y tế khẩn cấp. Đặc biệt, những trường hợp nhẹ có thể tự hết. Tuy vậy, nếu nhận thấy bất thường ở hệ tiết niệu như tiểu rắt, khó tiểu thì người bệnh nên đến gặp bác sĩ. 

Trong trường hợp nghẹt bao quy đầu mà không thể kéo trở lại vị trí ban đầu, có cảm giác đau nhức, sưng tấy, màu sắc bất thường thì cũng cần đi khám ngay để ngăn ngừa những biến chứng nặng.

Bao quy đầu là gì? Các bệnh lý thường hay gặp phải ở bao quy đầu 5
Khi có các dấu hiệu bất thường, nam giới cần đến gặp bác sĩ để được hỗ trợ

Làm thế nào để phòng ngừa các bệnh lý ở bao quy đầu?

Nam giới hãy đặc biệt lưu ý những vấn đề sau để hạn chế nguy cơ mắc phải các bệnh lý về bao quy đầu:

  • Nên đi khám nam khoa ít nhất 2 lần mỗi năm.
  • Vệ sinh sạch sẽ dương vật với nước sạch ít nhất 1 lần/ngày. 
  • Lựa chọn trang phục rộng rãi, thoải mái.
  • Quan hệ tình dục an toàn, nên sử dụng bao cao su và quan hệ chung thủy với 1 bạn tình.

Hy vọng rằng những thông tin ở trên đã giúp bạn có thêm các kiến thức cần biết về bao quy đầu và bệnh lý thường gặp. Qua đó, giúp bạn bảo vệ sức khỏe cơ quan sinh dục nam tốt hơn và kịp thời chữa trị nếu có xuất hiện những bất thường. 

Xem thêm: Cách chăm sóc và phòng tránh biến chứng sau khi cắt bao quy đầu

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin