Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hiến máu có hại không? Những ai không nên hiến máu?

Ngày 28/10/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bạn muốn tham gia hiến máu nhân đạo nhưng còn đắn đo hiến máu có hại không? Bài viết này sẽ giúp bạn giải tỏa nỗi lo và biết thêm những trường hợp nào không nên hiến máu.

Phong trào hiến máu được phát động hàng năm với sự tham gia của đông đảo các tầng lớp đối tượng. Những người đủ 18 tuổi đến 60 tuổi, sức khỏe tốt và đáp ứng điều kiện hiến máu đều có thể cho đi “những giọt máu hồng”. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người lo ngại hiến máu có hại cho sức khỏe không nên chưa dám tham gia. Cùng giải đáp sự thật việc hiến máu có gây hại gì không nhé!

Hiến máu có lợi ích gì cho sức khỏe?

Theo thống kê, năm 2021 cả nước vận động và tiếp nhận được 1 304 191 đơn vị máu. Con số này thể hiện phong trào hiến máu ngày càng được hưởng ứng mạnh mẽ. Hiến máu không chỉ là thực hiện cuộc vận động của cơ quan, địa phương, trường học mà còn có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Trước khi tìm hiểu hiến máu có hại không, bạn hãy xem những lợi ích mà hiến máu mang lại.

hiến máu có hại không 1 Rất nhiều người tham gia hiến máu vì nghĩa cử cao đẹp

Kích thích khả năng tạo máu

Hiến máu là lấy máu từ tĩnh mạch của người hiến, dự trữ trong túi bảo quản chống đông và dùng cho mục đích truyền máu. Tùy vào trọng lượng cơ thể, một người có thể hiến từ 250ml đến 500ml máu. Khi một lượng máu mất đi, hệ thống tủy xương sẽ tự động phản ứng để sản xuất máu bù đắp. Quá trình này giúp điều chỉnh máu trong cơ thể và trẻ hóa chất lượng hồng cầu.

Giảm gánh nặng sắt tồn dư

Sắt trong các tế bào chiếm 70% tổng hàm lượng sắt của cơ thể. Hồng cầu sẽ già hóa và tự tiêu hủy nhưng thành phần sắt vẫn được tái sử dụng. Nói cách khác, sắt không bị hao hụt và có thể bị dư thừa nếu bổ sung quá nhiều thông qua ăn uống hàng ngày. Dư thừa sắt dễ dẫn tới bệnh về tim, phổi, gan, thận. Hiến máu là hiến cả chất sắt, gián tiếp đào thải sắt và giảm gánh nặng tồn dư sắt.

Giảm nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng

Ít ai biết rằng, hiến máu có thể giúp bạn giảm được các nguy cơ mắc bệnh lý nghiêm trọng về tim mạch, ung thư gan. Quá trình tái tạo máu sẽ làm giảm nguy cơ lão hóa của tế bào máu, kiểm soát ổn định lượng sắt trong cơ thể. Như đã thông tin ở trên, sắt có thể bị tồn dư, tích tụ và làm tổn thương một số cơ quan. Cân bằng được hàm lượng sắt sẽ giảm thiểu bệnh do vấn đề này gây ra.

hiến máu có hại không 2 Hiến máu giúp cải thiện sức khỏe, đẩy lùi bệnh tim mạch và ung thư gan

Các lợi ích khác của việc hiến máu

Bên cạnh những lợi cải thiện sức khỏe, bạn còn được y bác sĩ khám sàng lọc trước khi hiến máu. Bạn sẽ được xét nghiệm một mẫu máu nhỏ trước khi hiến, được đo huyết áp, đo nhịp tim, kiểm tra thân nhiệt. Mặc dù không quá chuyên sâu nhưng cũng giúp phát hiện bất thường nếu có. Tham gia hiến máu cũng giúp bạn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc vì đã làm được việc có ý nghĩa.

Hiến máu có hại không?

Thể tích máu của mỗi người chiếm 1/10 khối lượng cơ thể. Người trưởng thành nặng 50kg có lượng máu khoảng 5000 ml. Trong 1 lần hiến máu, lượng máu cho đi không quá 9 ml/kg (khoảng 450 ml) và không quá 500 ml. Như vậy, máu cho đi không quá nhiều nên không lo ngại thiếu máu, mất máu đột ngột. Hiến máu không gây hại đến số lượng, chất lượng máu còn lại trong cơ thể.

Các chỉ số máu trong cơ thể sẽ thay đổi chút ít sau khi hiến máu. Tuy nhiên chúng vẫn nằm trong giới hạn sinh lý bình thường. Các hoạt động thường ngày của cơ thể gần như không bị ảnh hưởng. Tế bào hồng cầu cũng nhanh chóng sản sinh mới trong vòng 24 - 48 giờ sau hiến máu. Trong vòng 4 - 8 tuần, những tế bào hồng cầu đã mất đi khi hiến máu sẽ được thay thế lại hoàn toàn.

hiến máu có hại không 3 Nhiều người đắn đo hiến máu có hại không nên chưa mạnh dạn tham gia

Trong điều kiện hiến máu đạt tiêu chuẩn và sức khỏe tốt, việc hiến máu là an toàn. Nhưng tùy vào thể trạng, hiến máu vẫn có thể gây ra một số phản ứng tạm thời và tác dụng phụ hiếm gặp. Có thể kể đến các phản ứng:

  • Chóng mặt, hoa mắt, cảm giác người lâng lâng, buồn nôn.
  • Chảy máu ở vị trí gắn kim lấy máu, đau và bầm tím chỗ lấy máu.
  • Tụt huyết áp, nôn mửa, khó thở ở người trẻ tuổi hoặc lần đầu hiến máu.

Những phản ứng sau hiến máu không quá lo ngại. Chúng sẽ biến mất trong vòng 24 giờ sau hiến máu. Nếu được bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, nghỉ ngơi nhiều thì cảm giác khó chịu đó sẽ sớm hết. Hiến máu không gây hại sức khỏe, không nguy hiểm nhưng cần lưu ý thể trạng sức khỏe để đảm bảo đủ tiêu chuẩn.

Những trường hợp nào hiến máu sẽ gây hại?

Hiến máu có hại cho sức khỏe không còn tùy vào thể trạng của người hiến. Trong nhiều trường hợp, hiến máu sẽ gây hại nếu sức khỏe không đảm bảo. Theo Bộ Y tế, những người sau đây không nên hiến máu hoặc cần trì hoãn thời gian hiến máu cho đến khi sức khỏe đủ tiêu chuẩn.

  • Phụ nữ mang thai.
  • Phụ nữ sinh con hoặc chấm dứt thai kỳ.
  • Những người làm công việc đặc thù như: Phi công, tài xế, thợ mỏ, thủy thủ, vận động viên chuyên nghiệp.
  • Người vừa khỏi bệnh sốt rét, quai bị, uốn ván, viêm não, viêm dạ dày ruột, viêm phế quản, viêm phổi…
  • Những người đã hiến máu toàn phần lần gần nhất chưa đủ 12 tuần.
hiến máu có hại không 4 Bạn không nên tham gia hiến máu nếu sức khỏe yếu hoặc mới khỏi bệnh

Trường hợp đến tháng có đi hiến máu được không? Với các bạn nữ thì việc hiến máu trong ngày “đèn đỏ” cũng không nên. Ngày kinh nguyệt, bạn không chỉ bị ra máu mà còn có thể bị đau bụng, mệt mỏi nên tốt nhất vẫn là trì hoãn hiến máu. Trước ngày hiến máu, bạn tránh nhịn đói, thức khuya, làm việc quá sức vì có thể gây mệt mỏi sau khi hiến máu. Sau hiến máu, bạn có thể bổ sung thêm vitamin và khoáng chất để nhanh phục hồi.

Mong rằng giải đáp hiến máu có hại không đã giúp bạn chuẩn bị tinh thần, thể chất tốt nhất cho việc hiến máu. Hãy yên tâm trao đi những giọt máu hồng nếu bạn có sức khỏe tốt và đủ tiêu chuẩn hiến máu nhé!

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm