Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hội chứng kháng phospholipid là gì? Triệu chứng và điều trị như thế nào?

Ngày 23/02/2023
Kích thước chữ

Hội chứng kháng phospholipid hay hội chứng Hughes là một rối loạn gây tăng nguy cơ đông máu. Bệnh thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn ở nam giới và có thể xuất hiện trong thai kỳ. Nhà thuốc Long Châu sẽ gửi đến bạn chi tiết thông tin về hội chứng này để kịp thời phát hiện và điều trị.

Khi mắc phải hội chứng kháng phospholipid, bệnh nhân có các biểu hiện như nhồi máu phổi, nhồi sâu, thiếu máu cơ tim thoáng qua, đột quỵ… khá nguy hiểm. Nắm được kiến thức về bệnh sẽ giúp bạn phát hiện nhanh chóng để đến bệnh viện thăm khám, điều trị kịp thời, tránh tình huống xấu nhất có thể xảy ra ảnh hưởng đến tính mạng.

Khái niệm hội chứng kháng phospholipid là gì?

Hội chứng kháng thể kháng Phospholipid (Antiphospholipid antibodies syndrome - APS) thuộc nhóm bệnh tự miễn. Khi mắc phải hội chứng này, các kháng thể của hệ miễn dịch nhầm lẫn chất béo có trong tế bào Phospholipid thành chất có hại và tấn công. Các tế bào đó sẽ bị tổn thương. Những tổn thương này gây hình thành các khối máu đông ở động mạch và tĩnh mạch.

Hội chứng kháng phospholipid là gì? Triệu chứng và điều trị như thế nào? 1APS là hội chứng rối loạn làm tăng nguy cơ đông máu

Tình trạng đông máu là hiện tượng bình thường trong cơ thể giúp vết thương nhỏ hoặc thành mạch máu bị vỡ nhanh lành hơn. Tuy nhiên, khi mắc phải hội chứng kháng thể kháng phospholipid, máu đông quá mức gây tắc dòng chảy của máu dẫn đến tổn hại các bộ phận trong cơ thể.

Nguyên nhân gây hội chứng APS

Hội chứng kháng thể kháng phospholipid xảy ra do một số nguyên nhân sau:

  • Bệnh lý tiềm ẩn như rối loạn tự miễn.
  • Một số loại thuốc.

Các yếu tố gây tăng nguy cơ mắc phải hội chứng APS bao gồm:

  • Người đang mắc bệnh tự miễn như hội chứng Sjogren, lupus ban đỏ toàn thân.
  • Bệnh nhân bị bệnh truyền nhiễm khiến hệ miễn dịch cơ thể suy giảm như giang mai, Lyme, HIV/AIDS.
  • Người đang dùng thuốc cao huyết áp hydralazine, thuốc chống động kinh phenytoin (Dilantin), thuốc ổn định nhịp tim quinidin, thuốc kháng sinh amoxicillin.
  • Tiền sử gia đình có người mắc APS.

Dấu hiệu và biến chứng của hội chứng kháng thể kháng phospholipid

Những triệu chứng của hội chứng kháng phospholipid có liên quan đến tình trạng đông máu bất thường, phụ thuộc vào vị trí và kích cỡ của các khối máu đông. Chúng bao gồm:

  • Khó thở, đau ngực.
  • Phát ban, đau nhức, cảm giác nóng ở tay chân.
  • Đau đầu liên tục.
  • Khó chịu ở phần trên cơ thể như cổ, hàm, cánh tay, lưng.
  • Nói ngọng.
  • Buồn nôn.
  • Tấn công thiếu máu não thoáng qua (TIA). Triệu chứng này tồn tại trong vài phút và không gây thiệt hại vĩnh viễn.
  • Triệu chứng thần kinh như đau nửa đầu, nhức đầu mãn tính, mất trí nhớ hoặc co giật.
  • Sự chảy máu: Một số bệnh nhân bị giảm tế bào máu cần thiết cho quá trình làm đông máu, gây nên các đợt chảy máu, nhất là từ mũi, nướu, xuất huyết dưới da.
Hội chứng kháng phospholipid là gì? Triệu chứng và điều trị như thế nào? 2Hội chứng kháng phospholipid gây triệu chứng phát ban

Tình trạng đông máu bất thường có thể gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy thận, thuyên tắc phổi, huyết khối tĩnh mạch sâu. Thai phụ bị APS có nguy cơ cao sảy thai, thai chết lưu cùng các vấn đề khác liên quan đến sinh sản nghiêm trọng hơn bình thường.

Hội chứng kháng phospholipid nếu để lâu không điều trị sẽ dẫn đến những biến chứng như:

  • Suy thận: Giảm lưu lượng máu đến thận, lâu ngày gây ra suy thận.
  • Đột quỵ: Lượng máu lên não bị giảm do các cục huyết khối gây ra bởi APS làm ngăn cản dòng máu lên não dẫn đến đột quỵ, chấn thương thần kinh vĩnh viễn, chẳng hạn như tê liệt một phần hoặc làm mất khả năng nói chuyện.
  • Tim mạch: Cục huyết khối ở chân có thể gây tắc nghẽn các van trong tĩnh mạch, máu hạn chế đổ về tim dẫn đến tình trạng sưng và đổi màu chi dưới. Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể bị tổn thương tim.
  • Phổi: Các cục huyết khối gây tắc mạch phổi.
  • Biến chứng thai kỳ: Thai phụ bị hội chứng kháng phospholipid dễ gặp phải các biến chứng như sảy thai, sinh non, thai chết lưu, thai chậm phát triển, huyết áp cao khá nguy hiểm trong quá trình mang thai.

Phương pháp chẩn đoán hội chứng kháng phospholipid

Bác sĩ sẽ chỉ định bạn thực hiện 3 xét nghiệm máu chính để chẩn đoán hội chứng antiphospholipid:

  • Xét nghiệm anti cardiolipin.
  • Xét nghiệm chống đông máu lupus.
  • Xét nghiệm chống beta-2-glycoprotein I.

Để xác nhận một người mắc hội chứng ASP, các kháng thể cần xuất hiện trong máu ít nhất 2 lần, các xét nghiệm tiến hành cách nhau từ 12 tuần trở lên. Người bệnh có thể xuất hiện kháng thể kháng phospholipid và không bao giờ phát triển bất kỳ triệu chứng hay dấu hiệu nào. Việc chẩn đoán hội chứng chỉ được thực hiện khi kháng thể này gây nhiều vấn đề về sức khỏe.

Hội chứng kháng phospholipid là gì? Triệu chứng và điều trị như thế nào? 3Các xét nghiệm máu sẽ được chỉ định để chẩn đoán APS

Biện pháp điều trị hội chứng kháng thể kháng phospholipid

Tuy không thể chữa khỏi nhưng bạn có thể kiểm soát tác dụng của hội chứng kháng thể kháng phospholipid. Thuốc chống đông máu có thể giúp ngăn ngừa cục máu đông và vấn đề sảy thai. Một số loại thuốc thường được chỉ định là aspirin, heparin và warfarin. Tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ khuyến cáo dùng các loại thuốc khác nhau.

Đối với tình trạng thai phụ mắc hội chứng antiphospholipid, dùng aspirin liều thấp là phương pháp điều trị thông thường. Mặc dù vậy, mẹ bầu cũng được tiêm heparin hàng ngày nếu có tình trạng sảy thai trước đó hoặc bị biến chứng thai kỳ khác, chẳng hạn như tiền sản giật. Warfarin có hại cho em bé nên mẹ bầu sẽ được đổi thành heparin để thay thế. Việc dùng thuốc làm loãng máu cũng gây tăng nguy cơ bị chảy máu ở người bệnh.

Hội chứng kháng phospholipid là gì? Triệu chứng và điều trị như thế nào? 4Aspirin chống đông máu thường được dùng để điều trị APS

Ngoài phương pháp sử dụng thuốc trên, bệnh nhân cũng được áp dụng những biện pháp điều trị hỗ trợ khác song song bao gồm:

  • Luyện tập thể dục thường xuyên để có sức khỏe tốt và giữ cho trái tim luôn khỏe mạnh.
  • Xây dựng khẩu phần ăn uống đầy đủ dưỡng chất: Theo nhiều ý kiến cho rằng, tăng lượng axit béo thiết yếu, đặc biệt là omega 3 trong cá có dầu sẽ giúp giảm nguy cơ đông máu. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa có bằng chứng cụ thể chứng minh. Chưa kể, lượng lớn vitamin A trong dầu cá có khả năng gây hại trong thai kỳ. Do vậy, bạn cần có chế độ ăn cân bằng, lành mạnh để ngăn ngừa phát triển cục máu đông.
  • Ngừng hút thuốc để không làm tăng nguy cơ đông máu.
  • Không uống nhiều rượu.
  • Không dùng thuốc tránh thai vì loại thuốc này làm tăng nguy cơ đông máu.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ thường xuyên, đặc biệt là ở bệnh nhân huyết áp cao, tiểu đường, cholesterol cao.
  • Người đang dùng thuốc warfarin cần cẩn thận tránh bị tai nạn vì vết bầm tím có thể tồi tệ hơn.
  • Phụ nữ mang thai nên kiểm tra sức khỏe định kỳ và thực hiện xét nghiệm theo dõi cần thiết.

APS xuất hiện ở các độ tuổi nhưng phổ biến nhất là người trưởng thành, từ 20 đến 50 tuổi. Mong rằng những chia sẻ trên đã giúp bạn có cái nhìn chi tiết nhất về hội chứng kháng phospholipid để có biện pháp điều trị khi phát hiện triệu chứng. Hội chứng này gây ra nhiều hậu quả vô cùng nặng nề nên ngay khi xuất hiện bất thường, bạn cần đi khám để có hướng khắc phục phù hợp.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Vinmec.com

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.