Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Phác đồ điều trị động kinh và nguyên tắc điều trị bệnh động kinh

Ánh Vũ

15/03/2025
Kích thước chữ

Động kinh là căn bệnh khá phổ biến song không phải độc giả nào cũng hiểu rõ về căn bệnh này. Trong khuôn khổ bài viết hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ chia sẻ đến bạn đọc những thông tin cơ bản nhất về căn bệnh này, bao gồm cả phác đồ điều trị động kinh.

Vậy bạn hiểu gì về căn bệnh động kinh? Chẩn đoán căn bệnh này ra sao? Nguyên tắc điều trị và phác đồ điều trị động kinh như thế nào? Theo dõi ngay bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu đã biết được thông tin chi tiết bạn nhé.

Tổng quan về căn bệnh động kinh

Cơn động kinh là một hiện tượng lâm sàng xảy ra do sự phóng điện bất thường và quá mức của một nhóm nơron ở não. Các triệu chứng của động kinh có thể bao gồm thay đổi về ý thức, vận động, cảm giác, tự động hoặc tâm thần, xảy ra đột ngột và tạm thời liên quan đến vùng vỏ não bị phóng điện.
Động kinh được định nghĩa là sự tái diễn của hai cơn động kinh trở lên, xảy ra cách nhau trên 24 giờ mà không phải do các nguyên nhân cấp tính như sốt cao, rối loạn chuyển hóa, ngừng thuốc hay ngừng rượu đột ngột.

Cơn động kinh có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ các rối loạn chuyển hóa, tổn thương cấu trúc não, đến các yếu tố di truyền và bệnh lý hệ thần kinh. Những nguyên nhân này thay đổi tùy theo độ tuổi và các yếu tố nguy cơ cụ thể của từng nhóm bệnh nhân. Việc chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây động kinh sẽ giúp trong việc điều trị và phòng ngừa tái phát.

Bệnh động kinh có thể điều trị và kiểm soát hiệu quả nếu người bệnh tuân thủ đúng phác đồ điều trị và phát hiện sớm. Do đó, việc khám và điều trị sớm là rất quan trọng để nâng cao cơ hội điều trị thành công và giảm thiểu các tác động xấu đến cuộc sống của người bệnh.

Phác đồ điều trị động kinh và nguyên tắc điều trị bệnh động kinh 1
Bệnh động kinh là một trong những căn bệnh khá phổ biến hiện nay

Chẩn đoán bệnh động kinh

Để chẩn đoán động kinh, các chuyên gia sẽ kết hợp giữa khám lâm sàng và các phương pháp cận lâm sàng hiện đại. Quá trình này giúp xác định chính xác nguyên nhân và tình trạng bệnh lý của người bệnh.

Ban đầu, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng. Các bước khám lâm sàng bao gồm khai thác tiền sử bệnh, kiểm tra hành vi và kỹ năng vận động.

Sau khi khám lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh làm thêm một số thăm dò cận lâm sàng để xác định rõ hơn về tình trạng bệnh. Các thăm dò cận lâm sàng hỗ trợ chẩn đoán động kinh bao gồm xét nghiệm máu, điện não đồ, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ… Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu các phương pháp chẩn đoán khác như chụp cắt lớp phát xạ positron, chụp cắt lớp gamma đơn năng phát xạ (SPECT), chụp ảnh nguồn điện (ESI) và từ não đồ (MEG).

Phác đồ điều trị động kinh và nguyên tắc điều trị bệnh động kinh 2
Khám lâm sàng là một bước quan trọng trong chẩn đoán bệnh động kinh

Nguyên tắc điều trị bệnh động kinh

Khi xác định chính xác tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân. Về nguyên tắc điều trị, điều trị động kinh sẽ dựa trên nguyên tắc:

  • Chẩn đoán đúng loại cơn: Việc xác định đúng dạng động kinh (cục bộ hay toàn thể) rất quan trọng để chọn loại thuốc phù hợp. Các thuốc điều trị động kinh được thiết kế để xử lý từng dạng cơn cụ thể, vì vậy việc phân loại chính xác giúp nâng cao hiệu quả điều trị.
  • Chọn thuốc và điều chỉnh liều: Bắt đầu điều trị bằng thuốc từ liều thấp và tăng dần liều cho đến khi cơn động kinh được kiểm soát (cắt cơn). Liều thuốc được duy trì ổn định trong khoảng 1-2 năm sau khi bệnh nhân không còn lên cơn. Sau đó, liều thuốc có thể giảm dần, nhưng việc giảm thuốc phải thực hiện cẩn thận dưới sự giám sát của bác sĩ.
  • Không cắt thuốc đột ngột: Việc ngừng thuốc đột ngột có thể dẫn đến nguy cơ trạng thái động kinh liên tục, một tình trạng nguy hiểm và khó điều trị. Do đó, việc giảm hoặc ngừng thuốc phải thực hiện từ từ và theo dõi chặt chẽ.
  • Thay thuốc khi cần thiết: Nếu đã tăng đến liều tối đa của một loại thuốc mà vẫn không kiểm soát được cơn động kinh, bác sĩ sẽ chuyển sang một loại thuốc khác, phù hợp hơn với tình trạng của bệnh nhân.
  • Hạn chế sử dụng nhiều loại thuốc: Sử dụng hai hoặc nhiều loại thuốc động kinh cùng lúc chỉ nên thực hiện khi thật sự cần thiết và phải được theo dõi kỹ lưỡng để phát hiện các tác dụng phụ. Điều này giúp tránh các tương tác thuốc không mong muốn và cải thiện hiệu quả điều trị.
  • Điều trị nguyên nhân nếu có: Nếu bệnh động kinh có nguyên nhân rõ ràng (ví dụ: khối u não, nhiễm trùng, hoặc rối loạn chuyển hóa), bác sĩ sẽ điều trị nguyên nhân gốc rễ của bệnh trước. Nếu không có nguyên nhân cụ thể hoặc nguyên nhân không thể điều trị được, bác sĩ sẽ tập trung vào điều trị thuốc kháng động kinh để kiểm soát các cơn động kinh.
Phác đồ điều trị động kinh và nguyên tắc điều trị bệnh động kinh 3
Lựa chọn và điều chỉnh liều thuốc phù hợp là nguyên tắc trong điều trị động kinh

Phác đồ điều trị động kinh

Phác đồ điều trị động kinh sẽ phụ thuộc vào loại động kinh, mức độ nặng nhẹ của cơn động kinh và tình trạng sức khỏe chung của bệnh nhân. Phác đồ điều trị động kinh phải được cá nhân hóa và thay đổi theo từng giai đoạn của bệnh. Các bác sĩ sẽ theo dõi sát sao tình trạng của bệnh nhân, điều chỉnh thuốc và phương pháp điều trị sao cho hiệu quả nhất đồng thời hạn chế các tác dụng phụ không mong muốn.

Các phương pháp điều trị động kinh thường bao gồm điều trị bằng thuốc và phẫu thuật.

Điều trị bằng thuốc

Các loại thuốc được chỉ định trong điều trị động kinh có thể kể đến như:

  • Phenobarbital: Chỉ định đối với trường hợp động kinh cơn lớn, động kinh cục bộ, trạng thái động kinh. Liều sử dụng là 60 - 120 mg/ngày (uống một lần).
  • Phenytoin: Chỉ định trong trường hợp động kinh cơn lớn, động kinh từng phần phức tạp. Liều dùng có sự khác biệt giữa người lớn và trẻ em. Người lớn là 200 - 600 mg/ngày. Trẻ em là 5 - 8 mg/kg/ngày.
  • Tegretol (Carbamazepine) chỉ định trong trường hợp động kinh từng phần phức tạp và đơn giản, động kinh cơn lớn. Liều dùng từ 300 - 600 mg/ngày, tăng dần liều trong một tuần cho đến khi cơn động kinh được kiểm soát. Liều tối đa là 60 mg/kg/ngày chia 3 lần.
  • Ethosuccimide: Chỉ định đối với cơn động kinh vắng ý thức điển hình. Liều dùng của người lớn là 750 - 1500 mg/ngày. Trẻ em dưới 6 tuổi là 20 - 30mg/kg/ngày. Trẻ em trên 6 tuổi là 0,5 g - 1 g/ngày.
Phác đồ điều trị động kinh và nguyên tắc điều trị bệnh động kinh 4
Bác sĩ giải thích cho người bệnh về phác đồ điều trị động kinh bằng thuốc

Điều trị phẫu thuật

Chỉ định phẫu thuật trong các trường hợp:

  • Động kinh kháng thuốc: Khi bệnh nhân không đáp ứng với điều trị thuốc, ngay cả khi sử dụng đa trị liệu.
  • Động kinh cục bộ ổ khu trú nhỏ: Khi ổ động kinh có thể được cắt bỏ mà không gây nguy hiểm cho chức năng não.
  • Động kinh cục bộ toàn thể hóa: Khi các cơn động kinh bắt đầu từ một khu vực cụ thể nhưng lan rộng ra toàn bộ não.

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản xoay quanh bệnh động kinh, chẩn đoán bệnh động kinh, nguyên tắc điều trị và phác đồ điều trị động kinh mà Nhà thuốc Long Châu muốn chia sẻ đến bạn đọc. Hy vọng, qua những chia sẻ trong bài viết hôm nay, bạn đọc sẽ có thêm nhiều kiến thức hữu ích về căn bệnh này. Đừng quên truy cập kênh sức khỏe của Nhà thuốc Long Châu mỗi ngày để cập nhật thêm nhiều kiến thức bổ ích khác bạn nhé.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin