Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hội chứng lỵ là do nguyên nhân gì? Triệu chứng và cách điều trị thế nào?

Ngày 21/02/2023
Kích thước chữ

Trong số các căn bệnh có liên quan đến hệ tiêu hóa, lỵ được đánh giá là nguy hiểm với nhiều biến chứng nghiêm trọng. Những thông tin về hội chứng lỵ được nhà thuốc Long Châu chia sẻ trong bài viết này sẽ giúp bạn có thêm kiến thức để xử lý kịp thời khi mắc phải.

Lỵ là tình trạng ruột già bị nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra. Đa phần các trường hợp nhiễm trùng ở dạng mang mầm bệnh không xuất hiện triệu chứng, nhưng nếu có thì lại khá nghiêm trọng. Hiểu được các nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán, biện pháp điều trị và phòng tránh của hội chứng lỵ sẽ giúp bạn có phương pháp xử lý tốt nhất.

Tổng quan về hội chứng lỵ

Lỵ trực khuẩn là nhiễm trùng đường ruột cấp tính gây ra bởi trực khuẩn Shigella. Hội chứng này chiếm từ 5 đến 15% tổng số căn nguyên gây bệnh tiêu chảy. Đây còn là nguyên nhân chính khiến trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do tiêu chảy. Trong trường hợp nhiễm trùng, nhiễm độc, người bệnh bị sốc, có thể tử vong.

Hội chứng lỵ là do nguyên nhân gì? Triệu chứng và cách điều trị thế nào? 1 Lỵ trực khuẩn là tình trạng nhiễm trùng đường ruột cấp tính

Con đường lây truyền của lỵ do Shigella là do con người. Lỵ trực khuẩn lây lan trực tiếp từ người sang người qua đường phân - miệng. Người nhiễm khuẩn sẽ thải vi khuẩn hàng ngày qua phân, trường hợp nhẹ có thể kéo dài khoảng 6 tuần. Một số con đường lây truyền khác là gián tiếp qua thức ăn, nước uống, đồ dùng, ruồi nhặng…

Nguyên nhân gây bệnh lỵ trực khuẩn

Trực khuẩn Shigella có mặt trên toàn thế giới là nguyên nhân chính gây chứng lỵ. Loài này được chia thành 4 nhóm chính nhờ xét nghiệm huyết thanh học với mức độ độc hại khác nhau. Khuẩn Shigella dễ dàng xâm nhập vào niêm mạc đại tràng gây tiết dịch nhầy, sung huyết, phù, thâm nhiễm bạch cầu, loét niêm mạc bề mặt.

Shigella là trực khuẩn tương đối kháng acid dạ dày nên bạn có thể nhiễm khuẩn khi nuốt từ 10 đến 100 sinh vật. Những vùng có mật độ dân số đông, điều kiện vệ sinh không tốt là nơi dễ mắc dịch bệnh. Người trưởng thành nhiễm khuẩn sẽ ít nghiêm trọng hơn trẻ nhỏ.

Triệu chứng và dấu hiệu của hội chứng lỵ do Shigella

Thời gian ủ bệnh khi nhiễm Shigella là từ 1 đến 4 ngày. Biểu hiện phổ biến nhất là tiêu chảy. Tình trạng này có thể bị nhầm lẫn với các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm virus khác. Một số triệu chứng ban đầu khi nhiễm trực khuẩn Shigella ở người trưởng thành là:

  • Đau bụng từng cơn.
  • Mót rặn, khi đi ngoài thấy giảm đau.
  • Tiêu chảy phân mềm hoặc sệt với chất nhầy, mủ, mái.
  • Mót rặn nặng có thể gây biến chứng sa đại tràng và đi ngoài không tự chủ.
  • Sốt cao, có cơn gai lạnh, rét run.
  • Đau mỏi người, chán ăn, mệt mỏi.
  • Buồn nôn và nôn.
  • Nhiễm trùng với các biểu hiện như mê sảng, động kinh, hôn mê nhưng ít hoặc không bị tiêu chảy. Bệnh nhân có thể tử vong từ 12 đến 24 giờ.
Hội chứng lỵ là do nguyên nhân gì? Triệu chứng và cách điều trị thế nào? 2 Người mắc hội chứng lỵ có biểu hiện tiêu chảy, sốt cao

Ở người lớn nhiễm khuẩn nhẹ, bệnh thường tự khỏi trong 4 đến 8 ngày, trường hợp nhiễm khuẩn nặng sẽ kéo dài từ 3 đến 6 tuần. Người lớn suy kiệt và trẻ em dưới 2 tuổi có thể tử vong do mất nước, mất điện giải, suy giảm tuần hoàn.

Các dấu hiệu nhiễm hội chứng lỵ Shigella ở trẻ nhỏ:

  • Triệu chứng khởi phát đột ngột.
  • Sốt, khó chịu.
  • Ngủ gà, chán ăn.
  • Buồn nôn, nôn mửa.
  • Đau bụng, tiêu chảy, chướng bụng, mót rặn.
  • Máu, mủ, chất dịch nhầy xuất hiện trong phân trong vòng 3 ngày.
  • Giảm cân và mất nước trầm trọng.

Trẻ nhiễm trực khuẩn không được điều trị có thể tử vong trong 12 ngày đầu. Nếu vượt qua được, các triệu chứng cấp tính của nhiễm trực khuẩn sẽ giảm dần vào tuần thứ 2.

Chẩn đoán hội chứng lỵ do Shigella

Chẩn đoán chứng lỵ do trực khuẩn Shigella dựa vào lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng. Các xét nghiệm bao gồm:

  • Soi phân: Nhằm phát hiện hồng cầu và bạch cầu đa nhân trung tính dương tính.
  • Nuôi cấy phân tìm vi khuẩn gây bệnh để làm kháng sinh đồ, từ đó hỗ trợ điều trị bệnh.
  • Phương pháp huyết thanh học: Phát hiện kháng thể của trực khuẩn lỵ.
  • Nội soi đại trực tràng: Phát hiện viêm niêm mạc cấp tính.
  • Công thức máu, sinh hóa máu, phương pháp miễn dịch huỳnh quang trực tiếp để nhận diện lỵ trực khuẩn.
Hội chứng lỵ là do nguyên nhân gì? Triệu chứng và cách điều trị thế nào? 3 Các xét nghiệm máu được thực hiện để chẩn đoán lỵ trực khuẩn

Điều trị chứng lỵ do Shigella

Khi bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trực khuẩn lỵ do Shigella, bác sĩ sẽ chỉ định bù nước, chất điện giải và liệu pháp kháng sinh phù hợp.

Bù nước và chất điện giải

Nếu người bệnh có thể uống được thì bù nước và điện giải qua đường uống với ORS càng sớm càng tốt. Bạn hãy pha nước Oresol trong 1 lít nước đã được đun sôi và uống theo nhu cầu. Nếu người bệnh bị nôn thì cho uống bằng thìa nhỏ từng ít một. Nước canh, nước cháo, nước trái cây… cũng có thể được dùng để bù nước.

Nếu bệnh nhân bị nặng, mất nước nhiều, không thể tự uống được thì bác sĩ sẽ chỉ định bù dịch bằng đường tĩnh mạch. Khi người bệnh đã có thể tự uống được thì tiếp tục bù oresol.

Liệu pháp dùng kháng sinh

Mục đích của phương pháp điều trị này là giảm thời gian nhiễm khuẩn và rút ngắn thời gian thải khuẩn theo phân.

  • Với chủng khuẩn chưa kháng thuốc: Bệnh nhân dùng Ampicillin (liều 500mg/lần x 4 lần/ngày x 5 ngày đối với người lớn, 100mg/kg/ngày chia 4 lần đối với trẻ nhỏ); Cotrimoxazole (liều Trimethoprim 80mg/lần x 2 lần/ngày x 5 ngày đối với người lớn, 100mg/kg/ngày chia 2 lần đối với trẻ nhỏ); Nalidixic acid (500mg/lần x 2 lần/ngày x 5 ngày đối với người lớn, 55 mg/kg/ngày chia 2 lần đối với trẻ nhỏ).
  • Với chủng khuẩn kháng thuốc: Người bệnh dùng Ciprofloxacin 3 ngày với liều 500mg/lần x  2 lần/ ngày hoặc pivmecillinam 5 ngày với liều người lớn 400mg/lần x 4 lần/ngày và liều trẻ em là 20 mg/kg/lần x 4 lần/ ngày. Phụ nữ có thai và trẻ nhỏ có thể dùng Azithromycin (liều 1g duy nhất đối với người lớn, liều 12mg/kg/ngày trong ngày đầu và 6mg/kg/ngày với những ngày còn lại trong 5 ngày đối với trẻ nhỏ).

Biện pháp phòng ngừa lỵ trực khuẩn

Bạn có thể phòng ngừa mắc hội chứng lỵ trực khuẩn do Shigella với những biện pháp sau:

  • Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm bằng cách ăn chín uống sôi, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay trước và sau khi đi vệ sinh bằng xà phòng, tập thói quen sinh hoạt lành mạnh.
  • Xử lý phân và chất thải hợp vệ sinh.
  • Diệt ruồi nhặng, giữ cho môi trường sống luôn sạch sẽ.
  • Cẩn thận khi thay tã cho trẻ nhiễm khuẩn lỵ.
  • Hạn chế hoặc không ăn các thực phẩm hàng rong.
  • Uống nước đóng chai, nước máy đã được đun sôi để nguội.
Hội chứng lỵ là do nguyên nhân gì? Triệu chứng và cách điều trị thế nào? 4 Bạn nên uống nước đã đun sôi để phòng ngừa nhiễm khuẩn lỵ

Các bệnh lý về đường tiêu hóa gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Mong rằng những chia sẻ trên từ nhà thuốc Long Châu đã giúp bạn có thêm nhiều thông tin hữu ích về hội chứng lỵ. Khi phát hiện các triệu chứng, bạn hãy đến bệnh viện uy tín thăm khám để được bác sĩ chẩn đoán và có hướng điều trị thích hợp. Bệnh nhân không nên tự ý mua thuốc để tránh tình trạng bệnh thêm trầm trọng.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Vinmec.com

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Thị Dương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Nhiều năm công tác giảng dạy tại các trường trung cấp và cao đẳng dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin