Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hội chứng sợ chuột và những cách khắc phục

Ngày 28/10/2022
Kích thước chữ

Hầu hết mọi người thường có cảm giác ghét hay sợ hãi với loài chuột hay một số loài gặm nhấm khác. Tuy nhiên, nỗi sợ thông thường sẽ khác xa với hội chứng sợ chuột. Vì ngoài cảm giác sợ hãi, người mắc còn có nhiều cảm giác khác như tăng nhịp tim, run rẩy, đổ mồ hôi và có thể ngất xỉu ngay khi nhìn thấy chuột.

Chuột là loài gặm nhấm có khả năng sinh sản nhanh chóng. Tuy là kích thước nhỏ bé nhưng mức độ phá hoại rất lớn, chúng có thể phá hoại mùa màng, cắn phá đồ đạc và gây ra mùi hôi khó chịu với môi trường sống của bạn. Ngoài ra chuột còn chứa rất nhiều nguy cơ lây lan virus như Yersinia pestis gây ra bệnh dịch hạch là nguyên nhân cho cái chết của hàng chục triệu người.

Hội chứng sợ chuột là gì?

Đây là dạng ám ảnh nỗi sợ cụ thể. Người mắc hội chứng sợ chuột sẽ có nỗi sợ dai dẳng, tột độ và quá mức với loài chuột. Khi nhìn thấy chuột, người bệnh sẽ bị run rẩy, choáng váng, buồn nôn, sợ hãi tột độ, nhịp tim tăng và có thể bị ngất xỉu.

Hội chứng này rất phổ biến, nó có sức ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn người trên toàn thế giới. Chính vì khả năng sinh sản nhanh chóng nên chúng thường xuất hiện ở ngoài đường phố, công viên… Do đó, người mắc hội chứng này rất khó để đến những khu vực công cộng.

Hội chứng sợ chuột và những cách khắc phục 1 Người mắc hội chứng sợ chuột thường trở nên hoảng loạn cực độ khi nhìn thấy chuột

Nguyên nhân mắc hội chứng sợ chuột

Những yếu tố, nguyên nhân gây ra hội chứng sợ chuột:

  • Có trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ: Nỗi sợ gây sự ám ảnh thường được phát triển từ những trải nghiệm tiêu cực đã diễn ra trong quá khứ. Hội chứng sợ chuột cũng vậy, có thể gặp ở những người đã từng bị chuột cắn hay nhiễm bệnh từ chuột. Đối với những trải nghiệm này khiến người bệnh hình thành nỗi sợ với chuột để bản thân không mắc phải những tình huống tương tự.
  • Hành vi học được từ những người xung quanh: Ngoài những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ, nỗi sợ vô lý về loài chuột có thể là hành vi học được từ gia đình và bạn bè. Nếu tiếp xúc và sống chung với những người đang mắc hội chứng sợ chuột, trẻ nhỏ sau khi lơn lên có thể sẽ hình thành nỗi sợ và phản ứng tương tự khi nhìn thấy chuột.
  • Do sự nguy hiểm của loài chuột: Trên thực tế, chuột có thể lây nhiễm vi khuẩn nguy hiểm cho con người. Đại dịch hạch do chuột gây ra đã được xem là “cái chết đen” vì mức độ nghiêm trọng của nó đã gây tử vong cho hàng chục triệu người. Vì vậy, một số người có thể đã bị ám ảnh và sợ hãi quá mức đối với loài chuột.
  • Do bị ảnh hưởng từ các hội chứng sợ khác: Hội chứng sợ chuột cũng có thể là hậu quả của một số hội chứng sợ khác như sợ vi trùng, hội chứng sợ bẩn hay sợ động vật. Ngoài ra người mắc một số vấn đề về tâm lý như stress mãn tính, trầm cảm và rối loạn lo âu sẽ có nguy cơ mắc hội chứng này cao hơn so với người bình thường.
Hội chứng sợ chuột và những cách khắc phục 2 Người mắc hội chứng sợ chuột có thể bị các rối loạn ám ảnh

Những cách khắc phục hội chứng sợ chuột

Chứng sợ chuột có thể gây ra các vấn đề lớn hơn về tâm lý hay tâm thần khác. Vì vậy, bệnh nhân cần được thăm khám và điều trị trong thời gian sớm nhất. Hội chứng sợ chuột thường được các bác sĩ điều trị bằng thuốc hay trị liệu tâm lý.

Liệu pháp tâm lý

Liệu pháp tâm lý là phương pháp điều trị chính với người mắc hội chứng sợ chuột. Phương pháp tiếp cận này giúp người bệnh giảm bớt sự sợ hãi vô lý với loài chuột. Hiện nay, các chuyên gia ưu tiên liệu pháp tiếp xúc và liệu pháp nhận thức hành vi trong quá trình điều trị chứng sợ chuột.

Liệu pháp tâm lý có hai loại như sau:

  • Liệu pháp tiếp xúc: Đây là liệu pháp được thực hiện bằng cách cho người bệnh tiếp xúc trực tiếp với chuột và lặp đi lặp lại nhiều lần trong thời gian dài. Thực hiện quá trình này theo từng giai đoạn, đầu tiên người bệnh sẽ đề cập đến chuột trong cuộc trò chuyện, tiếp đó là nhìn hình ảnh, video clip về chuột và cuối cùng là tiếp xúc với chuột. Các chuyên gia sẽ đồng hành và định hướng giúp bệnh nhân vượt qua nỗi sợ.
  • Liệu pháp nhận thức hành vi: Liệu pháp này được thực hiện bằng hình thức giao tiếp. Các chuyên gia sẽ yêu cầu người bệnh viết ra suy nghĩ của bản thân về loài chuột và cùng đề cập đến vấn đề này. Lúc này, chuyên gia sẽ giúp thay đổi suy nghĩ theo hướng tích cực và kỹ năng đối phó với nỗi sợ cho người bệnh. Sau khi trị liệu, bệnh nhân sẽ giảm bớt được sợ hãi và tình trạng hoảng loạn, mất kiểm soát khi nhìn thấy chuột.
Hội chứng sợ chuột và những cách khắc phục 3 Liệu pháp tâm lý được xem là phương pháp điều trị chính cho hội chứng này

Dùng thuốc

Khi gặp chuột, nỗi sợ của người mắc hội chứng sợ chuột sẽ làm tăng hormone adrenaline và cortisol làm cho người bệnh có các triệu chứng như choáng váng, đau đầu, buồn nôn, tăng nhịp tim, nín thở… Để có thể giảm các triệu chứng này, các chuyên viên y tế có thể xem xét cho bạn sử dụng các loại thuốc:

  • Thuốc an thần: Thuốc có tác dụng giảm căng thẳng, lo âu và cải thiện tinh thần cho người bệnh do hội chứng sợ chuột gây ra. Thuốc mang lại hiệu quả cao và có tác dụng nhanh chóng. Tuy nhiên, nên lưu ý vì thuốc có nguy cơ gây nghiện nên thuốc này chỉ được sử dụng trong trường hợp cần thiết hoặc có cách sử dụng thuốc an thần đúng cách.
  • Thuốc chẹn beta: Đây là thuốc được sử dụng để giảm các triệu chứng có liên quan tên tăng hormone adrenaline. Loại thuốc này thường được dùng ngắn hạn vì có nhiều tác dụng phụ không mong muốn.
  • Thuốc chống trầm cảm: Thường được sử dụng để giảm đi tình trạng phiền muộn và đau khổ từ hội chứng sợ chuột. Nhóm thuốc này có hiệu quả khá chậm nên thường phải sử dụng lâu dài từ 6 - 12 tháng. Thuốc có chứa chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc là nhóm thuốc đang được sử dụng phổ biến.

Hội chứng sợ chuột là chứng ám ảnh tương đối phổ biến. Đừng chủ quan khi thấy nó có vẻ như không nghiêm trọng, nhưng thật chất hội chứng này gây mất cân bằng cuộc sống và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người bệnh. Vì thế nên có biện pháp điều trị kịp thời để có thể trở lại với cuộc sống bình thường trong thời gian sớm nhất nhé.

Minh Hạnh

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin