Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hội chứng ure huyết cao là gì? Nguyên nhân và phương pháp điều trị hội chứng ure huyết cao

Ngày 21/02/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hội chứng ure huyết cao có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Bệnh nhân mắc hội chứng ure huyết cao thường đi kèm nhiều biến chứng khác như suy thận (đột ngột - cấp tính hay phát triển dần theo thời gian - mãn tính), cao huyết áp, co giật, đột quỵ, hôn mê, gặp tình trạng về rối loạn đông máu, tim mạch, tiêu hóa… Vậy hội chứng ure huyết cao là gì?

Trong những năm gần đây, bệnh nhân mắc hội chứng ure huyết cao tăng lên. Tuy nhiên, những thông tin về hội chứng được đưa ra trên các trang thông tin còn gây nhiều hoang mang. Để cho bạn đọc hiểu rõ hơn về hội chứng ure huyết cao, Nhà thuốc Long Châu đã chia sẻ bài viết “Hội chứng ure huyết cao là gì? Nguyên nhân và phương pháp điều trị hội chứng ure huyết cao” ở ngay dưới đây. Bạn đọc có thể tham khảo để biết thêm những thông tin bổ ích về “hội chứng ure huyết cao” nhé!

Hội chứng ure huyết cao là gì?

Hội chứng ure huyết cao còn gọi là hội chứng tan máu tăng ure máu (hemolytic uremic syndrome, HUS) là một nhóm bệnh hiếm gặp, đặc trưng bởi thiếu máu tan máu, xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối, suy thận (cấp tính hoặc mãn tính), tổn thương nặng ở hệ thần kinh, bệnh vi mạch máu. HUS xảy ra trong trường hợp trẻ em bị nhiễm trùng Shiga - vi khuẩn sản sinh độc tố hoặc người lớn cũng có nguy cơ mắc hội chứng này.

Nguyên nhân mắc hội chứng ure huyết cao

HUS do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là:

  • Nhiễm khuẩn đường ruột: Vi khuẩn Escherichia coli hoặc Sero type 0157:H7 là những vi khuẩn đường ruột gây nên hội chứng tan máu tăng ure ở người. Ngoài ra ở bệnh nhân mắc hội chứng ure huyết cao cũng gặp một số vi khuẩn bao gồm Salmonella, Shigella và một số vi khuẩn đường ruột không đặc hiệu khác. Hoặc bệnh nhân nhiễm phế cầu, HIV cũng có nguy cơ mắc HUS.
  • Nguyên phát: Hội chứng ure huyết cao có thể xảy ra nguyên phát, tuy nhiên chưa xác định rõ nguyên nhân.
  • Trong hội chứng ure huyết cao thường kết hợp một số tình trạng hoặc bệnh lý liên quan khác. 
  • Trường hợp ít gặp khác của hội chứng tan máu tăng ure máu do mất điều hòa của hệ thống bổ thể: Sự rối loạn bổ thể do đột biến gen kiểm soát các protein hoặc do rối loạn bẩm sinh.

Phân loại hội chứng ure huyết cao

Hội chứng tan máu tăng ure máu có 3 thể lâm sàng, chúng khác nhau về biểu hiện lâm sàng, tuy nhiên cũng có một số điểm chung nhất định.

Ví dụ như: Sự biến đổi mô bệnh học của thân tương tự nhau, bệnh nhân tổn thương cầu thận cấp tính hoặc mãn tính, bệnh nhân có tiền sử bệnh cấp tính có huyết khối tiểu cầu và fibrin ở các động mạch nhỏ, tiểu động mạch và mao mạch cầu thận. Những tổn thương này được đặc trưng bởi dày thành động mạch tương tự như xơ cứng bì hoặc tăng huyết áp ác tính. 

Hội chứng ure huyết cao là gì? Nguyên nhân và phương pháp điều trị hội chứng ure huyết cao 1 Hội chứng ure huyết cao gây ra tổn thương cầu thận cấp tính hoặc mãn tính

Thể ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối (thrombotic thrombocytopenic purpura)

Thể này thường xuất hiện ở những bệnh nhân nữ từ 10 - 50 tuổi. Sốt và giảm tiểu cầu (thường xuất hiện với ban xuất huyết) là hai triệu chứng đặc trưng nhất. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể xuất hiện những bất thường về thần kinh, bệnh vi mạch, suy thận hoặc thiếu máu tan máu. Khi bệnh khởi phát, bệnh nhân có triệu chứng giống với cúm. Thời kỳ tiến triển tiếp theo, xuất hiện những ban xuất huyết và kèm theo triệu chứng suy thận, thần kinh. 

Thể trẻ em

Hội chứng tăng ure huyết ở trẻ em thường do bắt nguồn từ giai đoạn bệnh nhân bị nhiễm virus đường ruột hoặc nhiễm khuẩn. Triệu chứng ban đầu là nôn, tiêu chảy từ nhẹ đến nặng, nhiễm độc tố do Escherichia (đặc biệt là sero typ 01:H7) được giải phóng hay do độc tố từ các vi khuẩn khác gây nên. Trong thể này, suy thận xảy ra nặng hơn so với type ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối. Trường hợp vô niệu chiếm 50% tổng số bệnh nhân, thường xuyên gặp tình trạng tăng huyết áp.

Thể người lớn

Hội chứng tan máu tăng ure máu ở người lớn là nguyên phát. Tuy nhiên, trong một số trường hợp có thể thấy kết hợp một số tình trạng hoặc bệnh lý khác như: Có thai (đặc biệt là trong thời gian 3 tháng cuối), sử dụng thuốc tránh thai có thành phần estrogen, ung thư tụy, ung thư niêm mạc đường tiêu hóa, ung thư tuyến tiền liệt, uống cyclosporin, làm hóa trị liệu với mitomycin hoặc kết hợp với Bleomycin và cyplatin. Tương tự như type trẻ em, bệnh nhân ở giai đoạn viêm dạ dày ruột có thể xảy ra nhưng rất ít. 

Triệu chứng lâm sàng 

Bệnh nhân mắc hội chứng tăng ure huyết có những triệu chứng lâm sàng sớm hoặc muộn cụ thể như:

  • Triệu chứng sớm: Giai đoạn đầu mắc HUS bệnh nhân thường bị sốt, nôn và tiêu chảy nặng. Thần kinh rơi vào trạng thái dễ bị suy yếu do kích thích, bệnh nhân thường thờ ơ với ngoại cảnh. 
  • Triệu chứng muộn: Người bệnh có những tình trạng như thiểu niệu, vô niệu, ban xuất huyết thành từng mảng hoặc từng chấm do giảm tiểu cầu, da xanh xao do thiếu máu. Da và niêm mạc vàng do tan máu, gặp phải rối loạn ý thức và có thể dẫn tới hôn mê. Khám lâm sàng cho thấy gan to, lách to và một số triệu chứng bất thường của hệ thần kinh.

Chẩn đoán hội chứng tăng ure huyết

Hội chứng tăng ure huyết được chẩn đoán dựa trên triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm. Bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng của HUS sẽ làm một số xét nghiệm như: Xét nghiệm huyết học, xét nghiệm đông máu, xét nghiệm sinh hóa máu, xét nghiệm nước tiểu… và làm sinh thiết thận.

Hội chứng tan máu tăng ure máu cần phân biệt với hội chứng đông máu rải rác trong lòng mạch dịch dựa vào tiêu chí: HUS có giảm tiểu cầu, nồng độ bổ thể trong máu bình thường, tỷ lệ Prothrombin và APTT bình thường. 

Hội chứng ure huyết cao là gì? Nguyên nhân và phương pháp điều trị hội chứng ure huyết cao 2 Chẩn đoán HUS dựa trên triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm

Phương pháp điều trị 

Hội chứng tăng ure huyết thường gây ra biến chứng nặng cho cả trẻ em và người lớn. Trong trường hợp bệnh nhân có suy thận cấp có nguy cơ tử vong. Điều trị HUS bằng cách phục hồi số lượng tiểu cầu. Khi phục hồi được số liệu tiểu cầu sẽ gây ra đáp ứng với cả tổn thương hoại tử do thiếu máu gây ra bởi huyết khối tiểu cầu và chảy máu gây ra bởi giảm tiểu cầu. Tỷ lệ phục hồi hoàn toàn là 60% đối với người lớn và trẻ em có tiên lượng tốt hơn. 

  • Truyền hồng cầu và tiểu cầu: Là điều kiện cần thiết để điều trị hội chứng tăng ure huyết, tuy nhiên có thể gây ra hai biến chứng tiềm ẩn là suy thận do huyết khối lan rộng và xuất hiện những triệu chứng thần kinh mới hoặc làm triệu chứng thần kinh cũ trở nên trầm trọng. 
  • Cho bệnh nhân dùng Prednisolon liều cao 2mg/kg/ngày, dùng đơn độc, có tác dụng với các thể nhẹ. Tuy nhiên trong 48h sau khi dùng thuốc nếu số lượng tiểu cầu không tăng thì cần xem xét thay huyết tương. Aspirin và dipyridamole là hai loại thuốc kháng tiểu cầu nên không có tác dụng đơn độc nhưng lại có ích khi thêm vào thay huyết tương.
  • Truyền hoặc thay huyết tương là phương pháp có tác dụng tốt nhất.
  • Khi có suy thận cấp có thể lọc máu ngoài thận. 
Hội chứng ure huyết cao là gì? Nguyên nhân và phương pháp điều trị hội chứng ure huyết cao 3 Truyền huyết tương là phương pháp tốt nhất điều trị hội chứng ure huyết cao

Trên đây là tất cả những thông tin về bài viết “Hội chứng ure huyết cao là gì? Nguyên nhân và phương pháp điều trị hội chứng ure huyết cao” mà Nhà thuốc Long Châu chia sẻ. Bạn đọc có thể tham khảo thêm để biết rõ hơn về hội chứng ure huyết cao, nếu người bệnh có những dấu hiệu như trên, cần đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Chúc bạn đọc có một sức khỏe tốt và đừng quên theo dõi trang web của nhà thuốc Long Châu để biết thêm nhiều thông tin về sức khỏe nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Msdmanual.com

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm