Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hội chứng xuất huyết tiêu hóa là gì? Những điều cần biết về hội chứng xuất huyết tiêu hóa

Ngày 18/02/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Xuất huyết tiêu hóa là một hội chứng vô cùng nguy hiểm. Khi gặp hội chứng này, bệnh nhân cần được cấp cứu kịp thời để hạn chế những diễn biến xấu nhất có thể xảy ra. Ở bài viết dưới đây, Nhà Thuốc Long Châu sẽ giúp bạn tìm hiểu các thông tin liên quan tới hội chứng xuất huyết tiêu hóa.

Hội chứng xuất huyết tiêu hóa là một hội chứng khá nghiêm trọng, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo về một tình trạng nguy hiểm, thậm chí là ung thư các cơ quan tiêu hóa. Vậy, hội chứng xuất huyết tiêu hóa là gì? Hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu qua bài viết dưới đây!

Hội chứng xuất huyết tiêu hóa là gì?

Xuất huyết tiêu hóa (hay còn gọi là chảy máu đường tiêu hóa) là một trình trạng cấp cứu y tế nghiêm trọng, có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được can thiệp kịp thời. Đây là hệ quả của các bệnh liên quan tới hệ thống đường tiêu hóa. Xuất huyết đường tiêu hóa có thể được phân loại theo nhiều cách khác nhau. Dựa vào tình trạng tổn thương niêm mạc, có thể phân loại tình trạng chảy máu thành các mức độ từ nhẹ đến nặng, còn căn cứ vào vị trí xuất huyết của ống tiêu hóa, tình trạng này được chia thành 2 dạng:

  • Xuất huyết tiêu hóa trên: Hiện tượng chảy máu xuất hiện trong thực quản, dạ dày, tá tràng.
  • Xuất huyết tiêu hóa dưới: Hiện tượng chảy máu xuất hiện trong ruột non, ruột già, hậu môn.
Hội chứng xuất huyết tiêu hóa là gì? Những điều cần biết về hội chứng xuất huyết tiêu hóa 1 Hội chứng xuất huyết tiêu hóa là gì?

Một số nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa

Xuất huyết tiêu hóa có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, bao gồm:

  • Loét dạ dày tá tràng: Là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến xuất huyết đường tiêu hóa trên. Loét dạ dày tá tràng là tình trạng vết loét phát triển tại niêm mạc dạ dày và tá tràng, nguyên nhân do axit dạ dày, vi khuẩn hoặc sử dụng thuốc chống viêm sai cách làm tổn thương lớp niêm mạc.
  • Giãn tĩnh mạch thực quản: Giãn tĩnh mạch thực quản có thể gây xuất huyết do vỡ các tĩnh mạch giãn, thường xảy ra ở những người bị xơ gan nặng.
  • Viêm thực quản: Nguyên nhân do bệnh trào ngược dạ dày thực quản gây ra, khiến axit dạ dày trào lên thực quản làm loét niêm mạc thực quản.
  • Bệnh túi thừa: Sự phát triển của các túi nhỏ phình ra trong đường tiêu hóa hình thành nên các túi thừa. Viêm những túi thừa này có thể gây xuất huyết đường tiêu hóa dưới.
  • Khối u: Các khối u ác và lành tính có thể làm suy yếu lớp niêm mạc đường tiêu hóa, từ đó gây chảy máu.
  • Bệnh trĩ: Trĩ là những tĩnh mạch sưng phồng ở hậu môn, tương tự như giãn tĩnh mạch, có thể gây xuất huyết đường tiêu hóa.
  • Viêm niêm mạc trực tràng: Có thể gây chảy máu trực tràng.
Hội chứng xuất huyết tiêu hóa là gì? Những điều cần biết về hội chứng xuất huyết tiêu hóa 2 Loét dạ dày là nguyên nhân dẫn đến hội chứng xuất huyết tiêu hóa

Biến chứng của xuất huyết tiêu hóa

Xuất huyết tiêu hóa nếu không được điều trị sớm có thể dẫn tới các biến chứng đáng lo ngại dưới đây:

  • Thiếu máu mạn tính: Chảy máu kéo dài có thể dẫn tới thiếu huyết sắc tố và hồng cầu gây thiếu máu mạn tính. Các triệu chứng có thể gặp ở hội chứng thiếu máu bao gồm: Tức ngực, mệt mỏi, suy nhược, đau đầu, khó thở, kém tập trung, tình thần không minh mẫn…
  • Thiếu máu cấp tính: Nếu mất máu nghiêm trọng có thể gây khó khăn trong việc bơm máu của tim. Các dấu hiệu của mất máu cấp tính bao gồm: Dạ xanh và lạnh, vã mồ hôi, lú lẫn, bị kích động, thở nhanh và mất ý thức.
  • Sốc và tử vong: Chảy máu cấp tính có thể gây tổn thương các cơ quan nội tạng. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng sốc gây tổn thương không phục hồi hoặc có thể dẫn tới tử vong. Các dấu hiệu của sốc bao gồm: Tụt huyết áp, môi và móng tay xanh, tức ngực, da xanh xao, mạch đập yếu, nước tiểu giảm, thở nông và bất tỉnh.

Điều trị xuất huyết tiêu hóa như thế nào?

Dựa vào việc hỏi bệnh và thăm khám, các bác sĩ sẽ chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa qua những dấu hiệu dưới đây:

  • Triệu chứng điển hình: Nôn ra máu, đại tiện ra phân đen, các dấu hiệu mất máu cấp.
  • Triệu chứng không điển hình: Chỉ có biểu hiện của mất máu cấp, lúc này cần đặt ống thông dạ dày để kiểm tra xem có máu không, hoặc thăm khám trực tràng để tìm dấu hiệu phân đen.

Khi phát hiện các triệu chứng trên do hội chứng xuất huyết tiêu hóa gây ra, các bác sĩ có thể sử dụng một hoặc kết hợp các phương pháp điều trị dưới đây:

Bảo vệ đường hô hấp

Xuất huyết tiêu hóa có thể gây tàn phế hoặc tử vong nếu hít phải máu. Vì vậy, để phòng tránh tối đa rủi ro này, những bệnh nhân có phản xạ nôn kém, hôn mê hoặc mất ý thức cần được xem xét áp dụng phương pháp đặt nội khí quản giúp cho việc thở trở nên thuận lợi hơn.

Hội chứng xuất huyết tiêu hóa là gì? Những điều cần biết về hội chứng xuất huyết tiêu hóa 3 Bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa có thể được đặt nội khí quản để tránh hít phải máu

Bù dịch và truyền máu

Người bệnh bị hạ huyết áp do xuất huyết tiêu hóa nhiều cần phải được bù dịch qua đường tĩnh mạch càng sớm càng tốt, với dung lượng trung bình 500 – 1000ml nước muối sinh lý và ở trẻ em tối đa là 2l.

Ngoài ra, đối với những trường hợp thiếu máu nghiêm trọng, bệnh nhân cần phải được truyền máu. Tuy nhiên, đối với các trường hợp mắc bệnh mạch vành, suy tim mạn, trẻ em, người cao tuổi, việc này cần được xem xét cẩn trọng nhằm phòng tránh các biến chứng có thể xảy ra.

Điều trị thuốc

Bên cạnh các phương pháp trên, điều trị bằng thuốc cũng là một phương pháp được áp dụng nhiều. Trong xuất huyết tiêu hóa, người bệnh được chỉ định sử dụng các thuốc thuộc nhóm PPI (thuốc ức chế bơm proton đường tĩnh mạch) hoặc thuốc co mạch tạng để điều trị.

Cầm máu

Đa số các bệnh nhân gặp phải hội chứng xuất huyết tiêu hóa có thể tự cầm máu, tuy nhiên có một số trường hợp cần phải sử dụng đến biện pháp điều trị đặc hiệu. Việc điều trị cần phụ thuộc vào vị trí chảy máu, đồng thời cần được tiến hành từ sớm nhằm giảm thiểu nguy cơ tử vong ở người bệnh. Các phương pháp cầm máu đang được sử dụng hiện nay bao gồm:

  • Điều trị nội soi cầm máu tại chỗ bằng các phương tiện như nhiệt điện, hóa chất gây tắc mạch, co mạch đối với bệnh nhân loét dạ dày tá tràng.
  • Trong trường hợp bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa do giãn tĩnh mạch, cần được điều trị bằng cách thắt vòng, tiêm xơ hoặc phẫu thuật nối thông 2 hệ tĩnh mạch cửa chủ.
  • Phẫu thuật cắt bỏ một phần đại tràng được áp dụng trong một số trường hợp đặc biệt.
  • Nếu xuất huyết do trĩ nội cấp hoặc mạn tính, bệnh nhân cần được điều trị bằng phương pháp soi hậu môn để phẫu thuật hoặc thắt dây cao su, tiêm xơ để cầm máu.

Như vậy, bài viết trên đã giúp bạn tìm hiểu các thông tin liên quan đến hội chứng xuất huyết tiêu hóa, bao gồm nguyên nhân, biến chứng và các phương pháp điều trị. Chúc bạn đọc nhiều sức khỏe và hãy tiếp tục theo dõi những bài viết tiếp theo trên trang web của Nhà Thuốc Long Châu nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm