Xuất huyết tiêu hóa trên là tình trạng rất nguy hiểm, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí là đe dọa tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vậy hội chứng xuất huyết tiêu hóa trên là gì? Đâu là nguyên nhân gây ra hội chứng này? Hội chứng xuất huyết tiêu hóa trên có những triệu chứng nào? Phương pháp phòng và điều trị ra sao? Tất cả sẽ có trong bài viết dưới đây.
Hội chứng xuất huyết tiêu hóa trên là gì?
Hội chứng xuất huyết tiêu hóa trên là gì?
Hội chứng xuất huyết tiêu hóa trên là tình trạng chảy máu từ đường tiêu hóa mà vị trí chảy máu từ góc Treitz trở lên (chỗ nối của tá tràng và tiểu tràng). Xuất huyết tiêu hóa trên thường xảy ra ở thực quản, dạ dày và tá tràng.
So với hội chứng xuất huyết tiêu hóa dưới thì hội chứng xuất huyết trên phổ biến hơn, chiếm khoảng 80% các trường hợp xuất huyết tiêu hóa và có thể biến chứng gây tử vong nếu không được chẩn đoán và can thiệp kịp thời.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hội chứng này, trong đó phải kể đến:
-
Loét dạ dày tá tràng là nguyên nhân thường gặp nhất. Xuất huyết tiêu hóa xảy ra khi lớp viêm và loét ở niêm mạc dạ dày - tá tràng sâu gây vỡ mạch máu dưới. Hầu hết các trường hợp chỉ ảnh hưởng đến các mao mạch nhỏ và gây chảy máu ở mức độ nhẹ sau đó tự ngưng. Song, nếu không được điều trị tốt, vết loét sâu có thể gây chảy máu ồ ạt gây nguy hiểm và cần được can thiệp cấp cứu ngay lập tức để cầm máu. Biến chứng do xuất huyết dạ dày - tá tràng thường gặp ở người cao tuổi, nhất là các trường hợp viêm dạ dày do dùng thuốc giảm đau và chống viêm như Indomethacin, Aspirin, các Corticoid dài ngày.
-
Khối u lành tính: Polyp ở dạ dày tá tràng chảy máu.
-
Khối u ác tính như: Ung thư dạ dày, ung thư thực quản.
-
Vỡ búi tĩnh mạch thực quản do tăng áp lực tĩnh mạch cửa trong xơ gan gây chảy máu ồ ạt và dễ dẫn đến tử vong.
-
Chảy máu đường mật, sỏi túi mật, ung thư gan, dị dạng mạch máu trong gan có thể gây chảy máu trong gan, qua đường mật và đổ vào tá tràng.
-
Một số bệnh của hệ tạo máu như bệnh bạch cầu cấp, bệnh ưa chảy máu, bệnh máu không đông.
-
Dùng thuốc chống đông quá liều hoặc có tổn thương sẵn ở ống tiêu hóa cùng với việc dùng thuốc chống đông gây chảy máu.
-
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân ít gặp khác gây xuất huyết tiêu hóa trên như hội chứng Mallory - Weiss, tổn thương Dieulafoy, viêm dạ dày cấp do trầm cảm và stress…
Viêm loét dạ dày - tá tràng là nguyên nhân gây ra hội chứng xuất huyết tiêu hóa trên
Triệu chứng của hội chứng xuất huyết tiêu hóa trên
Các triệu chứng thường gặp của xuất huyết tiêu hóa trên bao gồm:
-
Nôn ra máu: Người bệnh có thể nôn ra máu tươi hoặc máu đen, không có bọt, có lẫn thức ăn. Người bệnh có thể nôn ra máu đột ngột, không có dấu hiệu báo trước như đau vùng thượng vị hoặc cồn cào dưới mũi ức. Tùy vào nguyên nhân gây ra hội chứng này mà lượng máu người bệnh nôn ra có thể nhiều hoặc ít. Tình trạng nôn ra máu nhiều và liên tục là dấu hiệu báo động xuất huyết ồ ạt và không tự ngừng, cần được can thiệp cầm máu ngay.
-
Đi ngoài phân đen: Xuất huyết tiêu hóa trên có thể không gây nôn ra máu mà máu theo thức ăn ra ngoài cùng phân khiến phân có màu đen nát hoặc đen kịt như bã cà phê, nhựa đường và có mùi khắm. Triệu chứng này rất dễ nhầm lẫn với đi ngoài phân đen do dùng thuốc Bismuth hoặc sắt.
-
Mất máu: Tùy vào mức động chảy máu cũng như mất máu, người bệnh có thể: Mệt mỏi hoặc choáng nhẹ thoáng qua đối với trường hợp mất máu nhẹ. Chóng mặt, hoa mắt, khát nước, đi tiểu ít, da xanh, niêm mạc nhợt, mạch nhanh, huyết áp dao động ở mức thấp trong trường hợp người bệnh mất máu vừa. Thậm chí, người bệnh rơi vào tình trạng sốc với biểu hiện mạch nhanh, huyết áp tụt, vã mồ hôi, thở nhanh, vật vã, hốt hoảng, khát nước, đi tiểu ít hoặc vô niệu, da xanh, niêm mạc nhợt nếu mất máu nặng.
Ngoài ra, tùy vào nguyên nhân gây ra tình trạng xuất huyết tiêu hóa trên mà người bệnh còn có thể gặp một số triệu chứng sau:
-
Xuất huyết tiêu hóa trên do tăng áp lực tĩnh mạch cửa: Mệt mỏi, vàng da, tuần hoàn bàng hệ.
-
Xuất huyết tiêu hóa trên do loét dạ dày tá tràng: Đau vùng thượng vị, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, nôn.
-
Xuất huyết tiêu hóa trên do khối u ác tính: Sụt cân không rõ nguyên nhân, suy nhược cơ thể, người mệt mỏi.
-
Thêm vào đó, 80% người bệnh mắc hội chứng xuất huyết tiêu hóa trên có sốt, nhất là khi mất máu quá nhiều.
Nôn ra máu là triệu chứng phổ biến của hội chứng xuất huyết tiêu hóa trên
Chẩn đoán và điều trị hội chứng xuất huyết tiêu hóa trên
Phương pháp chẩn đoán
Để chẩn đoán hội chứng xuất huyết tiêu hóa trên, bác sĩ cần dựa vào các triệu chứng lâm sàng như: Nôn ra máu, đi ngoài phân đen, mất máu cấp tính cùng một số biểu hiện khác như đã kể trên.
Ngoài ra, bác sĩ cần dựa vào các xét nghiệm để đánh giá tình trạng mất máu (thường là xét nghiệm công thức máu): Ở người bệnh mắc hội chứng xuất huyết tiêu hóa trên, số lượng hồng cầu thường giảm, tỷ lệ huyết sắc tố và hematocrit cũng giảm.
Thêm vào đó, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh làm thêm một số xét nghiệm khác để xác định nguyên nhân gây chảy máu như:
-
Soi thực quản, dạ dày, tá tràng cấp cứu khi điều kiện cho phép.
-
Chụp Xquang thực quản, dạ dày trong trường hợp người bệnh ổn định.
-
Làm các xét nghiệm chức năng gan nếu nghi ngờ xơ gan.
-
Xác định nhóm máu để truyền máu khi cần.
Điều trị hội chứng xuất huyết tiêu hóa trên
Điều trị hội chứng xuất huyết tiêu hóa trên cần tuân thủ nguyên tắc: Đảm bảo khối lượng tuần hoàn, điều trị nội khoa, điều trị can thiệp qua nội soi. Cụ thể:
-
Bù lại thể tích máu đã mất bằng cách truyền máu tùy theo mức độ mất máu.
-
Cầm máu tại chỗ qua nội soi nếu có chỉ định.
-
Tùy vào nguyên nhân và điều trị nội khoa bằng các loại thuốc khác nhau như thuốc cầm máu, thuốc giảm áp lực tĩnh mạch cửa…
-
Phẫu thuật cầm máu khi điều trị nội khoa thất bại.
-
Giải quyết nguyên nhân gây chảy máu để tránh xuất huyết tái phát.
Các biện pháp phòng ngừa hội chứng xuất huyết tiêu hóa trên
Để phòng ngừa hội chứng xuất huyết tiêu hóa trên, người bệnh có thể tham khảo các biện pháp sau đây:
-
Thực hiện chế độ ăn uống khoa học: Đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng, ưu tiên chế độ ăn nhiều rau xanh, hạn chế ăn đồ ăn nhanh, đồ ăn cay nóng cũng như một số thực phẩm gây kích thích dạ dày. Hạn chế uống bia, rượu và các chất kích thích khác.
-
Thực hiện ăn chín, uống sôi để tránh bị ngộ độc cũng như nhiễm ký sinh trùng gây ra các bệnh về tiêu hóa có thể gây xuất huyết.
-
Không ăn quá no và không để bụng quá đói, hạn chế vận động mạnh hoặc nằm ngay sau khi ăn để giảm nguy cơ đau dạ dày, trào ngược dạ dày.
-
Duy trì thói quen vận động ít nhất 30 phút/ngày giúp duy trì hoạt động của nhu động ruột ổn định.
-
Giữ thói quen chăm sóc hệ tiêu hóa nhằm nâng cao hệ miễn dịch bằng cách tẩy giun định kỳ, bổ sung men tiêu hóa và các loại vitamin…
-
Nếu thấy xuất hiện các biểu hiện bất thường như mệt, choáng váng nhẹ, mạnh nhanh… cần đến bác sĩ thăm khám để được chẩn đoán và điều trị sớm tránh những biến chứng nguy hiểm.
Chế độ ăn uống khoa học giúp giảm nguy cơ xuất huyết tiêu hóa
Trên đây là toàn bộ thông tin xoay quanh hội chứng xuất huyết tiêu hóa trên mà Nhà Thuốc Long Châu đã tổng hợp để chia sẻ đến bạn đọc. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn. Chúc bạn đọc thật nhiều sức khỏe và đừng quên tiếp tục truy cập vào trang web của Nhà Thuốc để cập nhật thêm nhiều bài viết bổ ích khác bạn nhé!
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Medlatec