Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Chẩn đoán viêm ruột thừa bằng cách nào?

Ngày 10/12/2024
Kích thước chữ

Chẩn đoán viêm ruột thừa chính xác đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra phương pháp điều trị kịp thời, giúp bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Theo dõi bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu sẽ cho bạn biết được chẩn đoán viêm ruột thừa bằng cách nào.

Viêm ruột thừa là một trong những tình trạng cấp cứu ngoại khoa phổ biến nhất, đặc biệt cần được chẩn đoán và xử lý nhanh chóng. Việc chẩn đoán viêm ruột thừa kịp thời đóng vai trò quan trọng, bởi nếu không được can thiệp sớm, bệnh có thể dẫn đến viêm phúc mạc, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Đại cương về viêm ruột thừa

Viêm ruột thừa được coi là một trong những bệnh lý cần cấp cứu ngoại khoa thường gặp nhất. Chẩn đoán viêm ruột thừa hiện nay chủ yếu dựa trên các dấu hiệu lâm sàng, mặc dù những tiến bộ vượt bậc trong chẩn đoán hình ảnh đã hỗ trợ rất nhiều trong việc xác định bệnh một cách chính xác và nhanh chóng.

Tại Hoa Kỳ, viêm ruột thừa cấp tính được xem là nguyên nhân hàng đầu gây đau bụng cấp tính cần can thiệp phẫu thuật. Theo thống kê, hơn 5% dân số từng mắc viêm ruột thừa trong đời. Bệnh thường xuất hiện phổ biến nhất ở lứa tuổi thiếu niên và độ tuổi 20, nhưng thực tế có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào. Việc chẩn đoán viêm ruột thừa kịp thời là yếu tố quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Chẩn đoán viêm ruột thừa bằng cách nào? 4
Hình ảnh trên siêu âm cho thấy thành ruột thừa đang giãn ra, thành dày hơn xung quanh

Nguyên nhân chính của viêm ruột thừa là tình trạng tắc nghẽn ruột thừa, dẫn đến nhiễm khuẩn và viêm nhiễm. Dưới đây là các yếu tố gây tắc nghẽn phổ biến:

  • Phì đại nang bạch huyết: Đây là nguyên nhân chiếm tới 60% trường hợp, xảy ra khi các nang bạch huyết dưới niêm mạc ruột thừa bị phì đại do nhiễm trùng đường ruột.
  • Ứ đọng phân: Chiếm khoảng 35% trường hợp, tình trạng này xảy ra khi chất thải trong lòng ruột thừa bị tích tụ và không thể thoát ra ngoài.
  • Vật lạ trong ruột thừa: Gây ra khoảng 4% trường hợp, bao gồm các hạt trái cây nhỏ (như hạt ổi, hạt ớt) hoặc các loại ký sinh trùng đường ruột như giun kim, sán dây.
  • Khối u: Chỉ chiếm khoảng 1% trường hợp, nguyên nhân này xảy ra khi có khối u trong thành ruột thừa hoặc thành manh tràng gây chèn ép và tắc nghẽn.

Việc hiểu rõ nguyên nhân và phát hiện kịp thời các triệu chứng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình chẩn đoán viêm ruột thừa, giúp tránh những biến chứng nguy hiểm như viêm phúc mạc hoặc thủng ruột thừa.

Chẩn đoán viêm ruột thừa như thế nào?

Chẩn đoán viêm ruột thừa ở thể điển hình, khi ruột thừa nằm tại hố chậu phải, thường khá dễ dàng. Tuy nhiên, ở những trường hợp không điển hình, việc chẩn đoán trở nên khó khăn hơn, dễ bị bỏ sót hoặc phát hiện muộn, dẫn đến nguy cơ biến chứng nghiêm trọng.

Các biện pháp chẩn đoán viêm ruột thừa như sau:

Triệu chứng lâm sàng

Bao gồm các triệu chứng cơ năng như:

  • Đau bụng: Đau bụng là triệu chứng điển hình, khiến bệnh nhân phải nhập viện. Đau có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào, trong khi làm việc, nghỉ ngơi hay ngủ. Mức độ đau thường âm ỉ, ít khi dữ dội. Trong thể điển hình, cơn đau khởi phát ở vùng thượng vị hoặc quanh rốn, sau đó lan xuống hố chậu phải.
  • Buồn nôn hoặc nôn: Một số người có thể xuất hiện triệu chứng này.
  • Rối loạn đại tiện: Có thể gặp táo bón hoặc tiêu chảy. Ở trẻ em, tiêu chảy là dấu hiệu thường thấy của viêm ruột thừa thể nhiễm độc.
  • Bí trung hoặc đại tiện: Xảy ra khi ruột thừa bị tắc nghẽn.
  • Tiểu khó hoặc tiểu rắt: Triệu chứng này xuất hiện khi ruột thừa dài và nằm ở tiểu khung, gây kích thích bàng quang.

Bên cạnh đó các triệu chứng toàn thân khác cũng báo hiệu viêm ruột thừa như sau:

  • Hội chứng nhiễm trùng: Sốt nhẹ khoảng 38°C – 38,5°C là dấu hiệu phổ biến. Nếu sốt trên 39°C, có thể đã xảy ra biến chứng như viêm phúc mạc hoặc áp xe ruột thừa.
  • Môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi cũng là các triệu chứng thường gặp.
  • Triệu chứng tiêu hóa: Táo bón hoặc tiêu chảy.

Khi nhập viện do nghi ngờ viêm ruột thừa, bác sĩ thường sẽ tập trung xác định phản ứng thành bụng. Khi đó vùng hố chậu phải thường căng cứng khi ấn. Cùng lúc đó sẽ xác định điểm đau đặc trưng là điểm McBurney trong thể điển hình, các điểm Lanz, Clado hoặc điểm đau khác tùy thuộc vào vị trí ruột thừa bất thường.

Chẩn đoán viêm ruột thừa bằng cách nào? 5
Xác định điểm McBurney trong chẩn đoán viêm ruột thừa

Cận lâm sàng

Một số xét nghiệm để tăng mức độ khẳng định cho trường hợp viêm ruột thừa bao gồm:

  • Công thức máu: Số lượng bạch cầu tăng nhẹ ở giai đoạn sớm. Khi có nhiễm trùng nặng, bạch cầu tăng cao hơn.
  • Siêu âm: Phát hiện ruột thừa với hình ảnh cấu trúc không xẹp, kèm theo thâm nhiễm mỡ xung quanh. Tuy nhiên, tỷ lệ siêu âm phát hiện chính xác chỉ khoảng 50%.
  • X - quang: Ít giá trị trong chẩn đoán viêm ruột thừa, nhưng hữu ích trong việc chẩn đoán phân biệt một số bệnh khác.
  • Chụp CT hoặc phẫu thuật thăm dò: Được áp dụng trong các trường hợp không điển hình hoặc khi cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác.

Như vậy chẩn đoán viêm ruột thừa đòi hỏi sự kết hợp giữa triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng và các phương pháp hình ảnh để xác định chính xác và kịp thời, đặc biệt trong các trường hợp phức tạp.

Chẩn đoán viêm ruột thừa bằng cách nào? 1
Siêu âm bụng cũng giúp phát hiện viêm ruột thừa

Chẩn đoán phân biệt viêm ruột thừa với các bệnh lý khác

Viêm ruột thừa có nhiều triệu chứng tương tự với một số bệnh lý khác, đặc biệt là các bệnh vùng bụng và khung chậu. Do đó, việc chẩn đoán phân biệt là rất quan trọng để tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn, dẫn đến điều trị không phù hợp. Dưới đây là một số bệnh lý cần lưu ý khi chẩn đoán phân biệt viêm ruột thừa:

  • Viêm túi thừa Meckel: Đây là một bất thường bẩm sinh ở đường tiêu hóa, có thể gây đau vùng bụng và dễ nhầm lẫn với viêm ruột thừa.
  • Thai ngoài tử cung: Là một cấp cứu sản khoa, xảy ra khi phôi thai làm tổ ngoài tử cung. Biểu hiện đau bụng dưới kèm theo xuất huyết âm đạo có thể giống với triệu chứng của viêm ruột thừa.
  • Bệnh lý viêm nhiễm vùng chậu: Bao gồm áp xe vòi trứng, viêm vòi trứng hoặc các tình trạng viêm khác ở cơ quan sinh sản nữ. Những bệnh lý này có thể gây đau vùng bụng dưới, tương tự với viêm ruột thừa.
  • Bệnh lý viêm nhiễm vùng bụng trên phải thường gặp ở các trường hợp như: Thủng túi mật, thủng dạ dày hoặc tá tràng do loét, áp xe gan. Do những bệnh này cũng có thể gây đau bụng và triệu chứng nhiễm trùng, dễ nhầm lẫn với viêm ruột thừa, đặc biệt khi ruột thừa có vị trí bất thường.
  • Bệnh thận: Các bệnh lý viêm nhiễm của thận phải, như áp xe thận hoặc sỏi thận, có thể biểu hiện triệu chứng tương tự với viêm ruột thừa, như đau vùng hố thận phải kèm các dấu hiệu nhiễm trùng.
Chẩn đoán viêm ruột thừa bằng cách nào? 3
Khám và phát hiện sớm viêm ruột thừa để tránh các biến chứng nặng hơn

Viêm ruột thừa nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như viêm phúc mạc hoặc áp xe. Do đó, việc nâng cao nhận thức, kết hợp kỹ năng lâm sàng với cận lâm sàng là yếu tố then chốt để bảo vệ sức khỏe và tính mạng người bệnh.

Như vậy bài viết trên đã giải đáp được vấn đề chẩn đoán viêm ruột thừa bằng cách nào. Hi vọng kiến thức này sẽ giúp bạn bảo vệ được sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin