Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bệnh sỏi túi mật có nguy hiểm không​? Phòng ngừa thế nào?

Ngày 27/11/2024
Kích thước chữ

Sỏi túi mật hay còn gọi là sạn túi mật hình thành và gây cản trở đến con đường vận chuyển dịch mật tự nhiên, từ đó gây ra một số tình trạng như viêm, thủng hay thậm chí là ung thư túi mật. Vậy, bệnh sỏi túi mật có nguy hiểm không?

Theo đó, mức độ gây tổn thương của tình trạng sỏi túi mật sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như kích thước và vị trí sỏi. Mời bạn đọc hãy theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về bệnh lý này cũng như tìm lời giải đáp cho câu hỏi “Bệnh sỏi túi mật có nguy hiểm không?”.

Sỏi túi mật là bệnh gì?

Sỏi túi mật hay sạn túi mật chính là những tinh thể rắn có chứa cholesterol hay bilirubin được hình thành bên trong túi mật do sự mất cân bằng giữa các thành phần chứa trong dịch mật. Sỏi có thể có nhiều kích thước khác nhau từ nhỏ đến lớn và chúng có thể làm tắc nghẽn con đường vận chuyển dịch mật tự nhiên. Tình trạng này có thể gây ra nhiều những biến chứng đáng lo ngại cho sức khỏe. Bệnh lý sỏi túi mật chính là một trong những nguyên nhân gây ra những bệnh lý nguy hiểm có thể kể tới như viêm túi mật, thủng túi mật, ung thư túi mật, viêm tụy cấp, viêm đường mật, hoại tử,...

Sỏi mật có 3 loại chính bao gồm:

  • Sỏi cholesterol: Sỏi có hình bầu dục, màu vàng nhạt, xanh đậm, trắng phấn hoặc nâu, có đốm nhỏ sẫm màu ở vị trí trung tâm. Sở dĩ, chúng được gọi là sỏi cholesterol do thành phần chứa ít nhất 80% cholesterol, thường hình thành đơn độc và có kích thước dài từ 2 đến 3 cm.
  • Sỏi bilirubin (sạn sắc tố mật): Sạn sắc tố mật thường hình thành với số lượng lớn và kích thước nhỏ, sẫm màu. Thành phần chính của chúng là muối canxi và bilirubin, chỉ có chứa ít hơn 20% cholesterol.
  • Sỏi sắc tố nâu (sạn hỗn hợp): Sỏi sắc tố nâu hay sạn hỗn hợp thường hình thành thứ phát sau khi nhiễm trùng đường mật. Bệnh dễ được phát hiện qua quá trình chụp X-quang do hàm lượng canxi cao. Thành phần của sỏi sắc tố nâu chứa từ 20 đến 80% cholesterol, còn lại là bilirubin, canxi cacbonat, palmitat photphat cùng các sắc tố mật khác.

Nguyên nhân chính hình thành nên sỏi túi mật thường là do dịch mật chứa hàm lượng cholesterol hoặc bilirubin lớn. Cholesterol dư thừa và không được hòa tan có thể hình thành nên sỏi. Mặt khác, các tình trạng như rối loạn lipid máu, xơ gan, nhiễm trùng,... có thể kích thích gan sản xuất ra quá nhiều bilirubin, gây bệnh sỏi túi mật.

Bệnh sỏi túi mật có nguy hiểm không​?1
Sự mất cân bằng các thành phần chứa trong dịch mật có thể hình thành sỏi túi mật

Dấu hiệu bệnh sỏi túi mật

Bệnh sỏi túi mật có thể gây ra nhiều biểu hiện khác nhau tùy thuộc vào vị trí sỏi gây tắc nghẽn. Nhìn chung, hầu hết các trường hợp sỏi túi mật thường không gây ra triệu chứng nào quá bất thường và chỉ có thể phát hiện bệnh một cách tình cờ thông qua việc thăm khám sức khỏe.

Sỏi sẽ ngăn chặn đường vận chuyển dịch mật tự nhiên xuống tá tràng, từ đó gây viêm túi mật, tuyến tụy hay đường mật. Người bệnh sẽ gặp các triệu chứng như:

  • Đau vùng bụng trên phía bên phải.
  • Đau vùng bụng giữa phía trên.
  • Đau vùng bụng trên bên phải, sau đó cảm giác đau có thể lan dần sang vai phải hoặc lưng.
  • Cảm giác đau sau khi ăn.
  • Buồn nôn, nôn mửa.
  • Sốt.
  • Có cảm giác ớn lạnh.
  • Nước tiểu có màu bất thường như màu nâu nhạt hay vàng sậm.
  • Thay đổi màu phân, phân bạc màu.
  • Vàng da, vàng mắt.

Một khi nhận thấy cơ thể xuất hiện các biểu hiện bất thường, người bệnh cần nhanh chóng tới các cơ sở y tế để được thăm khám. Không nên chủ quan, bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo bệnh khiến cho bệnh tình trở nên nghiêm trọng hơn.

Bệnh sỏi túi mật có nguy hiểm không​?2
Sỏi túi mật có thể gây vàng mắt, vàng da

Bệnh sỏi túi mật có nguy hiểm không?

Bệnh sỏi túi mật hoàn toàn có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, đáng lo ngại đối với sức khỏe nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời. Một số biến chứng nguy hiểm có thể kể tới như:

  • Viêm túi mật: Viêm túi mật là biến chứng nguy hiểm thường gặp của bệnh sỏi túi mật. Sỏi mắc kẹt ở ống túi mật hay phễu làm tắc nghẽn túi mật đồng thời gây ra tình trạng viêm. Người bệnh sẽ cảm thấy đau quặn dữ dội vùng dưới sườn bên phải đi kèm biểu hiện sốt.
  • Tắc nghẽn ống mật chủ: Sỏi túi mật có thể làm tắc nghẽn con đường vận chuyển dịch mật từ túi mật đến ruột non. Gây ra một loạt các triệu chứng viêm đường mật như sốt, đau bụng, vàng da và ớn lạnh. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể phải đối mặt với sốc nhiễm trùng và nguy cơ tử vong cao.
  • Ung thư túi mật: Một biến chứng nguy hiểm khác của bệnh sỏi túi mật đó chính là ung thư túi mật. Tình trạng này thường xảy ra phổ biến ở những người có tiền sử bị sỏi túi mật lâu năm, kích thước sỏi to.
  • Viêm tụy cấp, tắc nghẽn ống tụy: Ống tụy có nhiệm vụ vận chuyển dịch tụy để hỗ trợ cho hệ tiêu hóa. Sỏi túi mật khiến cho ống tụy bị tắc, từ đó gây viêm tụy với triệu chứng khó chịu như đau vùng bụng trên rốn sau khi ăn một cách dữ dội. Trường hợp này, người bệnh bắt buộc phải nhập viện để theo dõi sức khỏe và tiến hành điều trị bệnh sớm, tránh để xảy ra các biến chứng nghiêm trọng khác như suy hô hấp, suy đa tạng hay viêm tụy hoại tử.

Tùy vào từng trường hợp bệnh cụ thể và khả năng sỏi túi mật có thể gây biến chứng hay không mà các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị sỏi túi mật cho người bệnh bằng các biện pháp nội khoa, ngoại khoa hay nội soi khác nhau. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý, bệnh lý này có nguy cơ tái phát rất cao nên cần điều trị thường xuyên, thậm chí thời gian điều trị bệnh có thể kéo dài cả đời, người bệnh cũng có khả năng cao phải đối mặt với những tác dụng phụ của thuốc tan sỏi.

Bệnh sỏi túi mật có nguy hiểm không​?3
Sỏi túi mật có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như ung thư túi mật, viêm tụy cấp,...

Cách phòng ngừa bệnh lý sỏi túi mật

Sỏi túi mật là bệnh lý có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm lại rất dễ tái phát. Chính vì thế, có những phương pháp phòng bệnh từ sớm sẽ giúp bảo vệ sức khỏe một cách tối ưu, tránh gặp phải các biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể về lâu dài. Để phòng ngừa sỏi túi mật, bạn hãy có cho mình một lối sống lành mạnh kết hợp luyện tập thể dục, vận động mỗi ngày. Cụ thể:

  • Ăn nhiều các loại thực phẩm giàu chất xơ như rau củ, trái cây, ngũ cốc,...
  • Bổ sung thêm các loại thực phẩm có chứa chất béo lành mạnh như dầu ô liu, dầu cá giúp túi mật co bóp ổn định.
  • Hạn chế ăn các loại thực phẩm chứa nhiều carbohydrate tinh chế và đường.
  • Không nên ăn nhiều các loại thực phẩm có chứa thành phần chất béo không lành mạnh như đồ ăn nhanh, đồ ăn chiên rán nhiều dầu mỡ,...
  • Không nhịn ăn, không bỏ bữa.
  • Không áp dụng các phương pháp giảm cân cấp tốc để tránh làm tăng nguy cơ hình thành sỏi túi mật.

Quan trọng hơn hết, trước khi thay đổi kế hoạch ăn uống, bạn hãy tham khảo, xin ý kiến của bác sĩ để ăn uống thật đúng cách, khoa học, giúp mang lại lợi ích tốt cho sức khỏe.

Bệnh sỏi túi mật có nguy hiểm không​?4
Có một chế độ ăn uống khoa học kết hợp lối sống lành mạnh để phòng ngừa sỏi túi mật

Trên đây là toàn bộ lời giải đáp cho câu hỏi “Bệnh sỏi túi mật có nguy hiểm không?” cùng một số các thông tin khác. Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc sẽ có thêm nhiều những cập nhật hữu ích có liên quan đến vấn đề điều trị bệnh sỏi túi mật nói riêng và chăm sóc sức khỏe tổng thể nói chung.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin