Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hồi hộp, tim đập nhanh, tăng huyết áp là biểu hiện bệnh gì?

Ngọc Vân

08/04/2025
Kích thước chữ

Hồi hộp, tim đập nhanh, tăng huyết áp là những triệu chứng thường gặp nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe tim mạch. Những biểu hiện này có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý nguy hiểm như rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp mãn tính, cường giáp hay thậm chí là bệnh lý tim mạch tiềm ẩn. Vậy nguyên nhân cụ thể của tình trạng này là gì? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Cảm giác hồi hộp, tim đập nhanh, tăng huyết áp có thể khiến nhiều người lo lắng về tình trạng sức khỏe của mình. Đây không chỉ là những phản ứng sinh lý thông thường mà đôi khi còn là dấu hiệu cảnh báo của một số bệnh lý tiềm ẩn. Vậy, sự kết hợp của các triệu chứng này có thể là biểu hiện của bệnh gì? Cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Triệu chứng khi hồi hộp, tim đập nhanh, tăng huyết áp diễn ra như thế nào?

Tình trạng hồi hộp, tim đập nhanh, tăng huyết áp là những triệu chứng sinh lý có thể gặp ở nhiều đối tượng và thường liên quan đến các phản ứng của cơ thể trước tình huống căng thẳng, lo lắng hay bệnh lý tiềm ẩn.

Hồi hộp, tim đập nhanh, tăng huyết áp là biểu hiện bệnh gì? 1
Hồi hộp, tim đập nhanh, tăng huyết áp là tình trạng phổ biến diễn ra với nhiều người

Các triệu chứng thường gặp:

  • Cảm giác tim đập thình thịch: Tim đập nhanh, mạnh và rõ rệt trong lồng ngực, đôi khi có thể cảm nhận nhịp đập ở cổ hoặc tai do mạch cảnh đập mạnh.
  • Nhịp tim bất thường: Nhịp tim nhanh, đập loạn xạ, nhanh rồi lại chậm.
  • Cảm giác bồng bềnh, phập phồng: Như một lực gợn trong lòng ngực hoặc một lực di chuyển không rõ nguyên nhân.
  • Tăng huyết áp: Cảm giác đau đầu, mặt đỏ bừng, chóng mặt, khi đo huyết áp thể thấy mức huyết áp đột ngột tăng cao.

Những biểu hiện này có thể xuất hiện riêng lẻ, nhưng đôi khi đi kèm nhau, đặc biệt trong tình huống stress, mệt mỏi hoặc khi mắc các bệnh lý tim mạch.

Hồi hộp, tim đập nhanh, tăng huyết áp là biểu hiện bệnh gì?

Khi hồi hộp, tim đập nhanh, tăng huyết áp diễn ra thường xuyên, có thể đây là biểu hiện ban đầu của nhiều bệnh lý nghiêm trọng. Các chứng bệnh dưới đây cần được xem xét:

Rối loạn lo âu, stress

Khi cơ thể đối mặt với một tâm trạng lo lắng, hệ thống thần kinh tự động (ANS) bị kích hoạt, dẫn đến giải phóng adrenaline khiến tim đập nhanh, huyết áp tăng cao, đổ mồ hôi, run tay, căng cơ...

Hồi hộp, tim đập nhanh, tăng huyết áp là biểu hiện bệnh gì? 2
Hồi hộp, tim đập nhanh, tăng huyết áp có thể là triệu chứng gây ra bởi chứng rối loạn lo âu

Cường giáp

Bệnh lý tuyến giáp gây tăng sản xuất hormon giáp, khiến nhịp tim tăng, hồi hộp, run tay, sụt cân, đổ mồ hôi.

Rối loạn nhịp tim

Triệu chứng điển hình là tim đập nhanh, hồi hộp, cảm giác trống ngực, có thể kèm theo chóng mặt, choáng váng hoặc cảm giác sắp ngất.

Bệnh tim mạch

Người bị suy tim, thiếu máu cơ tim hay bị tắc nghẽn động mạch vành thường xuất hiện các rối loạn nhịp tim (arrhythmias), đau ngực, hồi hộp, tim đập nhanh, thở gắng sức.

Mỡ máu cao

Các triệu chứng trên có thể là dấu hiệu của bệnh mỡ máu cao (rối loạn lipid máu) là tình trạng tăng cholesterol xấu (LDL) hoặc triglyceride trong máu. Rối loạn lipid máu làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, từ đó gián tiếp gây tăng huyết áp và thiếu máu cơ tim, có thể dẫn đến hồi hộp, tim đập nhanh.

Hồi hộp, tim đập nhanh, tăng huyết áp là biểu hiện bệnh gì? 3
Rối loạn lipid máu làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch

Cách điều trị hồi hộp, tim đập nhanh, tăng huyết áp

Khi xác định nguyên nhân của triệu chứng hồi hộp, tim đập nhanh, tăng huyết áp, các phương pháp điều trị sẽ được cá nhân hóa tùy theo bệnh lý nền. Dưới đây là một số hướng điều trị chung:

Liệu pháp tâm lý

Thích hợp cho người bị lo âu, stress kinh niên. Các phương pháp như liệu pháp hành vi nhận thức (Cognitive Behavioral Therapy – CBT), thiền, yoga có thể hỗ trợ giảm nhịp tim, huyết áp.

Điều trị bằng thuốc

Đối với bệnh nhân được chẩn đoán tăng huyết áp độ 1 và có nguy cơ tim mạch cao trở lên, cần điều trị bằng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Tùy theo mức độ tăng huyết áp và tình trạng sức khỏe toàn thân, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng một hoặc phối hợp nhiều loại thuốc điều trị.

Hiện nay, có 5 nhóm thuốc chính thường được sử dụng trong điều trị tăng huyết áp, bao gồm:

  • Nhóm thuốc ức chế men chuyển;
  • Nhóm thuốc chẹn thụ thể angiotensin;
  • Nhóm thuốc chẹn beta;
  • Nhóm thuốc chẹn kênh canxi;
  • Nhóm thuốc lợi tiểu thiazide.

Thay đổi lối sống

  • Hạn chế caffein, rượu bia;
  • Ngủ đủ giấc;
  • Tập luyện thể dục đều đặn;
  • Giảm stress: Thiền định, thở sâu, massage.

Tư vấn chuyên khoa

Trường hợp nghi ngờ bệnh tim mạch, nên đến khám chuyên khoa tim mạch, nội khoa hoặc nội tiết để được tư vấn chi tiết.

Cách phòng ngừa triệu chứng hồi hộp, tim đập nhanh, tăng huyết áp

Dưới đây là các biện pháp khoa học giúp kiểm soát và phòng ngừa hiệu quả tình trạng này:

  • Duy trì cân nặng hợp lý: Thừa cân, béo phì làm tăng gánh nặng lên hệ tim mạch. Giảm 5–10% trọng lượng cơ thể có thể giúp hạ huyết áp rõ rệt ở người thừa cân.
  • Tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh: Ưu tiên rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và thực phẩm giàu kali, hạn chế thịt đỏ, đường và chất béo bão hòa.
  • Hạn chế natri trong khẩu phần ăn: Giảm lượng muối xuống dưới 2.300 mg mỗi ngày (hoặc lý tưởng là 1.500 mg/ngày) giúp kiểm soát huyết áp hiệu quả.
  • Tăng cường hoạt động thể lực: Tập luyện aerobic mức độ trung bình ít nhất 150 phút/tuần, kết hợp các bài tập tăng cường cơ lực từ 2 ngày/tuần trở lên.
  • Giới hạn tiêu thụ rượu bia: Uống rượu ở mức vừa phải hoặc tránh hoàn toàn có thể giúp ngăn ngừa tăng huyết áp, đặc biệt ở nam giới trung niên.
  • Kiểm soát căng thẳng: Các phương pháp thư giãn như thiền, hít thở sâu hoặc yoga có thể hỗ trợ điều hòa huyết áp.
  • Theo dõi huyết áp định kỳ: Việc kiểm tra huyết áp thường xuyên giúp phát hiện sớm và theo dõi hiệu quả các biện pháp can thiệp.
Hồi hộp, tim đập nhanh, tăng huyết áp là biểu hiện bệnh gì? 4
Thường xuyên tập thể dục sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch

Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn về những cảnh báo đằng sau các triệu chứng tưởng chừng đơn giản như hồi hộp, tim đập nhanh, tăng huyết áp. Nếu bạn hoặc người thân đang gặp các biểu hiện này một cách thường xuyên, hãy sớm thăm khám chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin