Ngất xỉu là trạng thái mất ý thức một cách đột ngột, thoảng qua có liên quan đến trạng thái thiếu oxy máu não lan tỏa tạm thời. Khi gặp tình huống có người bị ngất xỉu, thường mọi người xung quanh hay tỏ ra lúng túng không biết nên xử lý vấn đề ra sao. Vì vậy bạn cần trang bị cho mình kỹ năng sơ cứu khi gặp phải tình huống có người ngất xỉu mà không có bác sĩ bên cạnh vẫn có thể tự tin xử lý được vấn đề trên.
Tìm hiểu chung về tình trạng ngất xỉu
Ngất xỉu xảy ra trong trường hợp não bộ tạm thời không nhận đủ lượng máu từ cơ thể nên làm cho cơ thể đột ngột bị mất ý thức tạm thời. Theo các chuyên gia y tế thì khái niệm ngất và xỉu được định nghĩa khác nhau như sau:
-
Ngất là khi cơ thể ở trạng thái mất ý thức hoàn toàn một cách đột ngột mà bệnh nhân không hề ý thức được mọi thứ đang diễn ra xung quanh.
-
Xỉu là khi cơ thể ở trạng thái mất ý thức không hoàn toàn, bệnh nhân vẫn có khả năng nhận biết những gì diễn ra xung quanh một cách lờ mờ.
Tình trạng ngất xỉu trông có vẻ nghiêm trọng khiến mọi người xung quanh hốt hoảng nhưng có thể nó xuất phát từ rối loạn nào đó trong cơ thể không nghiêm trọng lắm. Vì vậy khi điều trị tình trạng ngất xỉu có thể xem là bước sơ cứu đầu tiên cần thiết trước khi bắt tay điều trị vấn đề sâu xa khác.
Ngất xỉu khiến cho nạn nhân đột ngột mất ý thức
Nguyên nhân dẫn đến bị ngất xỉu
Một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng ngất xỉu như:
-
Tình trạng lo lắng, stress quá mức: Khi bị lo lắng, stress quá mức có thể dẫn đến loạt các phản ứng cơ thể như tim đập nhanh, hồi hộp, choáng váng, hoa mắt, tay chân tê liệt tạm thời, ngất xỉu.
-
Huyết áp thấp: Khi bị hạ huyết áp sẽ dẫn đến tình trạng hoa mắt, chóng mặt, dễ ngất xỉu. Tình trạng này thường gặp ở những người mắc bệnh đái tháo đường, mất máu, mất nước, các bệnh lý về thần kinh.
-
Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc nếu lạm dụng nhiều sẽ gây ra tác dụng phụ khiến bệnh nhân rơi vào tình trạng ngất xỉu như thuốc phiện, thuốc lợi tiểu, thuốc hạ huyết áp, thuốc giãn mạch máu nitroglycerin…
-
Các bệnh lý về tim mạch: Một số bệnh lý về tim mạch như loạn nhịp tim, xơ vữa động mạch, rối loạn huyết áp đều có thể tạm thời gây rối loạn tuần hoàn não dễ dẫn đến tình trạng người bệnh ngất xỉu, cảm thấy choáng váng.
-
Hạ đường huyết: Khi mức đường huyết giảm xuống dưới ngưỡng 70 mg/dl thì cơ thể thường có những phản ứng như vã mồ hôi, run tay chân, mệt mỏi, tái xanh, ngất xỉu. Tình trạng này hay gặp ở người bị đái tháo đường.
-
Mất nước: Mất nước sẽ khiến cơ thể không nhận được đủ mức nước cần thiết cho cơ thể hoạt động nên dễ dẫn đến tình trạng buồn nôn, mệt mỏi, tụt huyết áp, hoa mắt, chóng mặt, suy nhược cơ thể, ngất xỉu…
-
Thiếu máu: Khi bệnh nhân bị thiếu máu, cơ thể sẽ không có đủ lượng oxy cung cấp lên cho não hoạt động khiến cơ thể cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, choáng váng và ngất xỉu.
-
Rối loạn thần kinh: Khi hệ thần kinh bị rối loạn thì các tín hiệu truyền giữa não bộ và các hệ cơ quan khác tạm thời bị gián đoạn. Hệ tim mạch bị ảnh hưởng nhiều nhất với các vấn đề như rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, chóng mặt, hoa mắt, ngất xỉu.
Biểu hiện của người bị ngất xỉu
Một số dấu hiệu thường gặp của người ngất xỉu:
-
Người bệnh thấy choáng váng, hoa mắt, chóng mặt, ù tai… rồi ngã lăn ra hôn mê, gọi và lay động không có phản ứng.
-
Da mặt xanh, tái nhợt, toát mồ hôi.
-
Tay chân buông lỏng, không có lực; chân tay lạnh.
-
Hơi thở chậm bị nghẽn, ngưng thở từng cơn, thở ngáy, thậm chí có thể dẫn tới không thở.
-
Mạch bị rối loạn khó bắt được mạch để chẩn đoán.
-
Các hệ hô hấp và tuần hoàn khá yếu, đồng tử giãn, huyết áp thấp.
Cách cấp cứu người bị ngất xỉu hiệu quả
Quy trình cấp cứu người bị ngất xỉu đúng cách
Khi phát hiện có người bị ngất xỉu, bạn cần bình tĩnh sơ cứu theo các bước sau đây:
-
Bước 1: Bạn cần nên đặt người bệnh nằm ở tư thế duỗi dài xuống mặt phẳng, người hơi nghiêng về bên trái, kê cao đầu. Tư thế này có tác dụng giúp máu cung cấp đủ oxy và lưu thông tốt lên não. Ngoài ra, nó còn giúp bệnh nhân không bị sặc phổi nếu có xảy ra tình trạng nôn ói.
-
Bước 2: Bạn cần kiểm tra xem đường thở của người bị ngất xỉu có dị vật không. Sau đó, nới lỏng quần áo và tránh tụ tập quá đông người xung quanh dễ gây thiếu oxy cho người ngất xỉu. Điều này giúp cho người ngất xỉu có đủ oxy để thở và lưu thông khí huyết.
-
Bước 3: Bạn cần gọi người ngất xỉu tỉnh dậy có thể bằng cách đắp khăn lạnh, vẩy nước, tát vào má. Bạn có thể dùng cồn long não để massage hoặc cho nạn nhân ngửi mùi amoniac hoặc giấm…
-
Bước 4: Trong trường hợp bình thường, sau khoảng 20 giây, nạn nhân thường sẽ tỉnh lại. Một số trường hợp sau cần lập tức gọi cấp cứu đến bệnh viện như có cơn co giật động kinh, sùi bọt mép, bị chấn thương nặng do té ngã, sau 60 giây trôi qua vẫn không có dấu hiệu tỉnh lại. Trong trường hợp này trong lúc chờ xe cấp cứu có thể kết hợp ấn tim ngoài lồng ngực và hô hấp nhân tạo.
-
Bước 5: Trong trường hợp người ngất xỉu có dấu hiệu tỉnh lại thì bạn vẫn đặt người bệnh ở tư thế nằm nghiêng và gọi xe cấp cứu. Sau đó, bạn có thể hỏi thăm về các dấu hiệu của nạn nhân như tức ngực, đau đầu, đau bụng, khó thở để có thể tìm hiểu rõ hơn nguyên nhân đằng sau cơn ngất xỉu.
Trường hợp nặng cần phải làm thổi ngạt, ấn tim ngoài lồng ngực
Những điều lưu ý khi cấp cứu người bị ngất xỉu
Khi cấp cứu người bị ngất xỉu có một số lưu ý sau đây:
-
Trong trường hợp thân nhiệt người ngất xỉu thấp hơn thân nhiệt cơ thể bình thường thì cần giữ ấm.
-
Bạn có thể xoa bóp hoặc cho nạn nhân ngửi mùi dầu nóng.
-
Trong thời gian chờ cấp cứu đến, có thể day ấn nhân trung (vị trí huyệt nằm giữa 1/3 trên và 2/3 dưới rãnh nhân trung) nhanh, mạnh, dứt khoát để hỗ trợ người bệnh tỉnh lại.
-
Có thể thực hiện một số cách như sau để giúp người bệnh tỉnh táo hơn như: Đắp khăn lạnh, vẩy nước lạnh, gọi tên, ...Tuy nhiên không nên gọi bệnh nhân dậy trong thời gian ngắn vì dễ có nguy cơ khiến họ bị ngất xỉu lần nữa.
-
Tránh việc châm vào 10 đầu ngón tay, cạo gió khi không có chuyên môn vì có thể gây nhiễm trùng cho bệnh nhân.
-
Khi sơ cứu cho nạn nhân tránh việc tụ tập quá đông người để giúp bệnh nhân có đủ oxy để lưu thông khí huyết.
Khi nhận thấy dấu hiệu ngất xỉu cần tìm nơi thoáng khí để ngồi hoặc nằm nghỉ ngơi
Điều trị cho người ngất xỉu
Tùy vào nguyên nhân và mức độ ngất xỉu mà các nhân viên ty tế sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp. Mục tiêu điều trị ngất xỉu là giúp bệnh nhân hạn chế nguy cơ bị ngất xỉu. Các lựa chọn trong điều trị gồm:
-
Sử dụng thuốc điều trị hoặc thay đổi thuốc đang dùng nếu nó là nguy cơ gây ra tình trạng ngất xỉu.
-
Thiết lập chế độ ăn uống khoa học, cần bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể hoạt động, có thể chia thành nhiều bữa nhỏ.
-
Tránh thay đổi tư thế quá đột ngột mà cần thay đổi tư thế một cách từ từ chậm rãi.
-
Nâng cao chân trong khi ngủ.
-
Đeo vớ áp lực (vớ nén) để cải thiện lưu thông máu lên phần trên cơ thể.
-
Điều trị các bệnh cấu trúc tim, van tim.
-
Cấy máy điều hòa nhịp tim, máy khử rung nếu có rối loạn nhịp tim.
Cách phòng tránh tình trạng ngất xỉu
Khi bắt đầu phát hiện cơ thể bạn có một số dấu hiệu của cơn ngất xỉu thì cần nên chủ động phòng tránh ngất xỉu bằng một số mẹo nhỏ dưới đây:
-
Bạn cần lựa chọn nơi thoáng khí và lựa chọn tư thế thoải mái để cơ thể nghỉ ngơi và tỉnh táo trở lại.
-
Tránh thay đổi tư thế đột ngột vì sẽ gia tăng nguy cơ bị ngất xỉu.
-
Bạn cần uống đủ nước và ăn uống để nạp thêm năng lượng cho cơ thể.
-
Khuyến khích bạn chọn tư thế ngồi hoặc nằm để gia tăng máu lên não.
Trên đây bài viết thông tin đến bạn đọc cách cấp cứu người bị ngất xỉu, mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên nó có thể là dấu hiệu ban đầu cảnh báo nhiều bệnh lý khác, chính vì thế, khi bị ngất thường xuyên, người bệnh nên trực tiếp đến bệnh viện để được các bác sĩ kiểm tra và kịp thời can thiệp khi phát hiện các bệnh lý nguy hiểm khác, tuyệt đối không được chủ quan với sức khỏe của mình.
Ds Hải Vân
Nguồn tham khảo: Tổng hợp