Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Máy monitor là gì? Những điều cần biết về máy monitor

Ngày 24/07/2024
Kích thước chữ

Máy monitor là một trong những thiết bị quan trọng đối với hồi sức cấp cứu và chăm sóc đặc biệt. Trong bài viết hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ cùng bạn tìm hiểu thêm thông tin về máy monitor.

Máy monitor là thiết bị gần như không thể thiếu trong việc hồi sức cấp cứu và chăm sóc đặc biệt. Cũng vì vậy mà máy monitor được trang bị trong hầu hết các bệnh viện, cơ sở y tế uy tín trên toàn quốc. Để hiểu hơn về máy monitor, bạn hãy tham khảo ngay thông tin dưới đây.

Máy monitor là máy gì?

Máy monitor được biết đến là thiết bị sử dụng để theo dõi người bệnh ở khoa cấp cứu, khoa gây mê hồi sức và chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện. Máy monitor có công dụng đo, phân tích và đồng thời theo dõi nhiều chỉ số sinh tồn quan trọng của bệnh nhân như nhịp tim, huyết áp, nhiệt độ, nồng độ oxy bão hòa trong máu, nhịp hô hấp,…

Khi sử dụng máy monitor, trên thiết bị y tế này sẽ hiển thị những thông số này và hệ thống sẽ phát cảnh báo giúp bác sĩ luôn theo dõi chính xác tình trạng của bệnh nhân, từ đó có phương án xử lý, điều trị thích hợp.

Máy monitor là gì? Những điều cần biết về máy monitor 1
Máy monitor dùng để theo dõi bệnh nhân

Công dụng của máy monitor

Máy monitor được sử dụng nhiều nhất trong bệnh viện, các địa điểm, cơ sở y tế khám chữa bệnh và tại nhà của bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, có nguy cơ cao gặp biến chứng. Những vai trò quan trọng của máy monitor gồm:

  • Tạo cơ sở đánh giá một cách toàn diện sức khỏe bệnh nhân.
  • Theo dõi sát sao quá trình phục hồi của người bệnh sau quá trình điều trị.
  • Theo dõi các chỉ số, dấu hiệu sinh tồn của người bệnh sau phẫu thuật nhằm giảm bớt nguy cơ biến chứng không mong muốn.
  • Phân tích phản ứng của bệnh nhân với phương pháp điều trị nhất định, sau đó có phương án điều chỉnh sao cho phù hợp.
  • Hỗ trợ các bác sĩ chẩn đoán tình trạng bệnh ban đầu.
  • Theo dõi nhịp tim của bệnh nhân đang điều trị chứng rối loạn nhịp tim.
  • Hỗ trợ quá trình chăm sóc người bệnh liệt giường.
  • Theo dõi sóng não của bệnh nhân đang hôn mê.
  • Máy monitor có thể di động, hỗ trợ truyền dữ liệu đến bác sĩ, từ đó góp phần chẩn đoán, ngăn ngừa bệnh nhân xảy ra biến chứng.
Máy monitor là gì? Những điều cần biết về máy monitor 2
Máy monitor có nhiều loại khác nhau nhưng đều có công dụng tương tự

Các dòng máy monitor thường dùng trong y tế

Hiện nay, những dòng máy monitor dùng nhiều nhất trong y tế gồm có:

  • Máy monitor 2 thông số: Là loại máy monitor có màn hình nhỏ, hiển thị 2 thông số là huyết áp không xâm lấn (NIBP) và nồng độ oxy bão hòa trong máu (SpO2).
  • Máy monitor 3 thông số: Là loại máy monitor thể hiện 3 thông số trên màn hình, bao gồm nhiệt độ cơ thể (Temp), huyết áp không xâm lấn (NIBP) và nồng độ oxy bão hòa trong máu (SpO2).
  • Máy monitor 5 thông số: Loại máy monitor hiển thị trên màn hình 5 thông số là huyết áp không xâm lấn (NIBP), nhiệt độ cơ thể (Temp), nồng độ oxy bão hòa trong máu (SpO2), chỉ số điện tim (ECG) và nhịp thở.
  • Máy monitor 6 thông số: Loại máy monitor hiển thị 6 thông số gồm huyết áp không xâm lấn (NIBP), nhiệt độ cơ thể (Temp), nồng độ oxy bão hòa trong máu (SpO2), chỉ số điện tim (ECG), huyết áp xâm lấn (IBP) và nhịp thở.
  • Máy monitor 7 thông số: Hiển thị 7 thông số gồm có huyết áp không xâm lấn (NIBP), nhiệt độ cơ thể (Temp), nồng độ oxy bão hòa trong máu (SpO2), chỉ số điện tim (ECG), huyết áp xâm lấn (IBP), CO2 và nhịp thở.
  • Máy monitor sản khoa: Loại máy monitor được sử dụng cho sản phụ với mục đích chính là theo dõi tim thai, tư thế, cử động, tuổi thai và cơn gò tử cung để hỗ trợ chăm sóc mẹ và bé tốt hơn.
Máy monitor là gì? Những điều cần biết về máy monitor 3
Hình ảnh máy monitor sản khoa

Khi nào cần dùng đến máy monitor?

Việc sử dụng máy monitor để theo dõi người bệnh sẽ diễn ra khi bác sĩ hoặc nhân viên y tế cần liên tục cập nhật, theo dõi các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân, qua đó đưa ra đánh giá cụ thể, chi tiết về tình trạng người bệnh dựa trên kết quả hiển thị của máy monitor.

Máy monitor chất lượng là thiết bị có khả năng hỗ trợ việc đưa ra kết quả theo dõi người bệnh một cách nhanh chóng và chính xác. Ngoài ra, sử dụng máy monitor còn hỗ trợ bác sĩ không cần túc trực 24/24 bên người bệnh vì máy monitor có tích hợp tính năng tự động đo và cập nhật chỉ số thu được, phát báo động kịp thời nếu xảy ra bất kỳ trường hợp bất thường nào về sức khỏe bệnh nhân.

Ý nghĩa các chỉ số trên máy monitor khi theo dõi bệnh nhân

Các chỉ số trên máy monitor giúp bác sĩ nhanh chóng nắm bắt thông tin quan trọng về chỉ số sinh tồn của người bệnh nhằm xử lý nhanh chóng biến chứng (nếu có). Những ý nghĩa của chỉ số hiển thị trên máy monitor gồm:

  • NIBP: Chỉ số huyết áp không xâm lấn mà máy đo được;
  • ECG: Chỉ số điện tim của người bệnh;
  • SpO2: Chỉ số cho thấy nồng độ bão hòa oxy trong máu;
  • Temp: Nhiệt độ cơ thể của bệnh nhân;
  • Nhịp thở: Số lần thở/phút;
  • Nhịp tim: Số lần nhịp tim/phút;
  • EtCO2: Áp lực (đơn vị mmHg) hoặc nồng độ khí cacbonic vào cuối kỳ thở ra của người bệnh, được đo bằng phương pháp không xâm lấn.

Các chỉ số trên hiển thị trên máy monitor sẽ được cập nhật liên tục và tự động vào thời gian áp dụng. Ví dụ bác sĩ cài đặt máy monitor đo tự động chỉ số huyết áp trong một khoảng thời gian cố định.

Máy monitor là gì? Những điều cần biết về máy monitor 4
Các chỉ số trên máy monitor thể hiện tình hình sức khỏe của người bệnh

Thắc mắc phổ biến về máy monitor

Ngoài những thông tin nêu trên, nhiều bạn đọc cũng có một số thắc mắc khác về máy monitor như:

Máy monitor dùng để làm gì?

Máy monitor được sử dụng để theo dõi người bệnh tại khoa cấp cứu, khoa gây mê hồi sức và chăm sóc đặc biệt. Máy monitor dùng để đo, theo dõi và phân tích các chỉ số sinh tồn như nhịp tim, nhịp hô hấp, nồng độ oxy bão hòa trong máu,… để đánh giá tình trạng và xử lý kịp thời khi có biến chứng.

Máy monitor chạy mất bao lâu?

Máy monitor được sử dụng liên tục trong phòng mổ vô trùng, phòng hồi tỉnh đến khi người bệnh được chuyển về khoa.

Mong rằng những thông tin trên đây từ Nhà thuốc Long Châu đã giúp bạn hiểu hơn về máy monitor. Khi người bệnh cần sử dụng máy monitor tại nhà, người thân bệnh nhân cần chú ý quan sát, theo dõi chỉ số trên máy thường xuyên để kịp thời phát hiện và báo cho bác sĩ (nếu có vấn đề).

Xem thêm: Cách đọc kết quả chạy máy monitor theo từng loại

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin