Bệnh tổ đỉa ở chân là một bệnh viêm da cấp tính gây nổi mụn nước và rất ngứa ở lòng bàn chân. Hiện nay, tỷ lệ mắc tổ đỉa trong cộng đồng là 10 - 20%. Bệnh thường gặp ở người trẻ với tỷ lệ nam và nữ ngang nhau. Bệnh tổ đỉa có diễn tiến rất dai dẳng, hay tái phát, gây ngứa ngáy khó chịu cho bệnh nhân. Tuy nhiên bệnh có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách.
Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về các cách chữa tổ đỉa ở chân hiệu quả nhé!
Nguyên nhân gây tổ đỉa ở chân
Nguyên nhân gây bệnh tổ đỉa khá phức tạp, thường phối hợp nhiều nguyên nhân:
- Cơ địa dị ứng: Thực tế cho thấy những người bị tổ đỉa thường có tiền sử dị ứng. Các yếu tố dị nguyên có thể kể đến như thức ăn, lông chó mèo, mạt nhà, phấn hoa... Bệnh khởi phát khi người bệnh tiếp xúc với những dị nguyên này khiến cơ thể giải phóng ra histamin gây nổi mụn nước, ngứa ngáy, khó chịu.
- Tiếp xúc nhiều với hóa chất: Nếu người bệnh để tay, chân tiếp xúc nhiều với các hóa chất như xăng, dầu, xi măng, vôi... có thể gây bệnh tổ đỉa. Việc tiếp xúc nhiều với các đồ tẩy rửa như xà phòng, thuốc tẩy cũng có thể gây kích ứng da, nổi mụn nước.
- Nhiễm khuẩn: Khi chân phải tiếp xúc nhiều với bùn đất, nguồn nước ô nhiễm... sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công vào da bàn chân gây tổ đỉa.
- Bệnh tăng tiết mồ hôi tay chân: Với những người có tuyến mồ hôi hoạt động mạnh, đặc biệt khi thời tiết nóng nực, mồ hôi ra nhiều tại các kẽ chân, tạo điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn phát triển và gây bệnh.
- Nhiễm tụ cầu vàng: Tụ cầu vàng là vi khuẩn có sẵn trên da người, ở điều kiện bình thường chúng sinh sống trên bề mặt da mà không gây tác hại gì. Tuy nhiên nếu điều kiện vệ sinh không tốt, da bị tổn thương tụ cầu vàng sẽ xâm nhập và tấn công cơ thể. Chúng gây ra bệnh tổ đỉa gây ngứa ngáy, khó chịu hoặc gây các micro áp xe khiến bệnh nhân đau đớn.
Các dấu hiệu nhận biết tổ đỉa ở chân
Dưới đây là một số triệu chứng để người bệnh có thể nhận biết việc mắc tổ đỉa ở chân:
- Chân bắt đầu xuất hiện cảm giác đau rát, khó chịu.
- Chân người bệnh đổ nhiều mồ hôi hơn. Chân càng đổ nhiều mồ hôi càng tạo điều kiện cho tổ đỉa lan rộng.
- Chân bắt đầu những mụn nước li ti kích thước khoản 1 - 3 mm, màu trắng đục, nổi lên bề mặt da, có lớp da dày bao phủ và khó vỡ. Người bệnh bắt đầu cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu. Tình trạng ngứa ngáy, đau rát khó chịu tăng lên khi chân vẫn phải tiếp xúc với xà phòng, chất tẩy rửa, sữa tắm...
Mụn nước - dấu hiệu của tổ đỉa ở chân Mụn nước mọc thành từng cụm tại lòng bàn chân, gót chân hoặc rìa bàn chân, thường không mọc quá cổ chân. Các mụn nước nhỏ gần nhau lại kết hợp lại tạo thành các bóng nước lớn hơn.
Nếu người bệnh gãi hoặc bị vật gì tác động vào khiến mụn nước vỡ ra gây giải phóng dịch viêm ra các vùng da lân cận. Vùng da xung quanh trở nên dày sừng, nứt nẻ, còn các nốt mụn sau vỡ sẽ bắt đầu bong vảy. Cần cẩn thận chăm sóc các mụn nước sau khi bị vỡ bởi nó có thể gây nhiễm trùng da. Khi nhiễm trùng, các nốt mụn nước đau nhức, chảy mủ và có một lớp vảy màu vàng nhạt bao phủ. Da bị nhiễm trùng rất dễ để lại sẹo cho người bệnh.
- Móng chân có thể bị dày, mất hình dạng bình thường do tổ đỉa ở chân tái đi tái lại nhiều lần.
- Tổ địa ở chân có thể kèm theo sưng hạch bạch huyết vùng bẹn.
Cách chữa tổ đỉa ở chân hiệu quả
So với tổ đỉa ở tay, việc điều trị tổ đỉa ở chân khó khăn hơn rất nhiều. Lí do là chân phải đi lại nhiều gây áp lực lớn lên lòng bàn chân, nên vùng da chân dễ bị khô nứt, bong tróc nếu không được chăm sóc cẩn thận, gây khó khăn hơn cho việc điều trị.
Nguyên tắc điều trị tổ đỉa ở chân
- Cần tránh các yếu tố gây khởi phát bệnh như: Chất tẩy rửa, hóa chất, các dị nguyên gây dị ứng như mạt nhà, phấn hoa, lông chó mèo...
- Điều trị tình trạng viêm.
- Phối hợp với các biện pháp chăm sóc da bàn chân để giảm triệu chứng.
Điều trị bệnh tổ đỉa ở chân bằng thuốc cụ thể
- Với những mụn nước đơn thuần chưa vỡ, bôi dung dịch BSI 1% hoặc focmolsalicylic 3% vào vùng tổ đỉa.
- Với mụn mủ có thể bôi vào các nốt mụn dung dịch thuốc tím Kali Pemanganat 0.01% hoặc Xanh methylen 1%.
- Corticosteroid dạng thuốc bôi điều trị tại chỗ: Dùng cho trường hợp tổ đỉa mức độ nhẹ hoặc vừa. Có thể dùng Clobetasol propionate 0.05% hoặc Betamethasone dipropionate 0.05%. Ngày bôi 2 lần sáng - chiều trong 2 đến 4 tuần. Cần thận trọng khi dùng thuốc để tránh các tác dụng phụ trên da như teo da, giãn mạch... Mua và dùng thuốc dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ.
- Thuốc ức chế Calcineurin đường bôi (Tacrolimus): Thường được dùng phối hợp với corticosteroid để tránh dùng kéo dài corticosteroid gây tác dụng phụ teo da. Bôi mỡ Tacrolimus 0.1% ngày 2 lần đến khi ổn định.
- Corticosteroid đường toàn thân: Dùng khi tổ đỉa mức độ nặng. Liều prednisone 40mg/ngày, dùng liều cao khoảng 7 - 10 ngày, sau đó giảm dần liều 10% mỗi tuần. Không nên dùng liều cao kéo dài gây nhiều tác dụng phụ như suy giảm miễn dịch, suy thượng thận cấp, phụ thuộc thuốc...
- Trường hợp tổ đỉa bội nhiễm tụ cầu vàng cần dùng kháng sinh cho bệnh nhân: Có thể dùng oxacillin hoặc Vancomycin nếu nhiễm tụ cầu vàng kháng thuốc. Dùng kháng sinh khoảng 7 - 10 ngày.
- Các thuốc kháng histamin như Loratadin, Cetirizin... để giảm triệu chứng ngứa.
Chữa tổ đỉa ở chân bằng các loại thuốc bôi Các lưu ý khi chữa tổ đỉa ở chân
- Không ngâm chân vào các nước muối tự pha, các loại nước lá cây bởi có thể gây tình trạng viêm nặng hơn.
- Trong giai đoạn khô da, nứt da cần phối hợp bôi kem dưỡng ẩm để giảm triệu chứng ngứa ngáy, đau rát cho bệnh nhân.
Bôi kem dưỡng ẩm để giảm ngứa ngáy và đau rát cho chân bị tổ đỉa Bệnh tổ đỉa ở chân có lây không?
Rất nhiều người hiểu sai rằng tổ đỉa có thể lây nhiễm nên luôn tỏ ra xa lánh những người bị tổ đỉa. Điều đó khiến những người bị tổ đỉa vốn đã tự ti do vấn đề thẩm mỹ thì nay lại càng tự ti, chán nản hơn, dần dần khiến họ sống khép kín, ít giao tiếp với mọi người.
Điều đầu tiên cần phải khẳng định là bệnh tổ đỉa ở chân không phải bệnh lây nhiễm, không lây trực tiếp từ người sang người. Nó liên quan đến yếu tố cơ địa và miễn dịch của từng cá thể riêng biệt.
Tuy nhiên bệnh có thể gây viêm, bội nhiễm nếu không được giữ vệ sinh bàn chân sạch sẽ hoặc không được điều trị đúng cách. Do đó khi có những dấu hiệu của tổ đỉa ở chân hãy đến gặp các bác sĩ da liễu để được chẩn đoán và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Trên đây là những phương pháp để chữa tổ đỉa ở chân hiệu quả. Nhà Thuốc Long Châu mong rằng bài viết đã mang đến những thông tin hữu ích cho quý bạn đọc. Và đừng quên theo dõi trang web của Nhà thuốc Long Châu để cập nhật những bài viết hay về y học và đời sống khác nữa nhé!
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp