Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hướng dẫn cách sơ cứu 5 loại chấn thương hay xảy ra ở trẻ nhỏ

Ngày 06/02/2023
Kích thước chữ

Trẻ nhỏ rất hiếu động lại chưa biết cách bảo vệ cơ thể mình nên rất dễ gặp phải chấn thương. Để tránh những hậu quả không đáng có xảy ra với bé con của mình, bố mẹ nên nắm rõ phương pháp sơ cứu cho trẻ trong những trường hợp như vậy.

Các chấn thương mà trẻ nhỏ gặp phải thường không quá nguy hiểm nhưng nếu không được chăm sóc tốt, nó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Hãy tham khảo cách sơ cứu và chăm sóc 5 loại chấn thương hay xảy ra ở trẻ nhỏ trong bài viết dưới đây để bảo vệ thiên thần nhỏ của mình một cách tốt nhất bố mẹ nhé!

Trầy xước da

Cách sơ cứu

Nếu bé bị rách da và có chảy máu, bạn hãy dùng một khăn sạch ấn vào vết thương cho đến khi máu ngừng chảy. Làm sạch vết thương bằng nước ấm sau đó dùng khăn thấm nhẹ để làm khô. Nếu vết thương bị bám bẩn hoặc trẻ bị thương do động vật cào, bố mẹ nên rửa bằng nước sạch và xà phòng. 

Khi trẻ bị rách da, bạn có thể bôi một lớp mỏng thuốc kháng sinh dạng mở rồi dùng băng gạc băng miệng vết thương lại. Băng dán có gạc Urgosterile có khả năng dung nạp cao với da, thấm hút dịch và giúp vết thương thông thoáng, mau lành hơn. Sản phẩm bám dính tốt nên bảo vệ vết thương luôn sạch sẽ, đảm bảo môi trường vô khuẩn và giảm sẹo khi hồi phục. Nếu trẻ bị lóc một mảng da lớn, dày, bố mẹ nên gói nó vào một miếng vải ẩm sạch, cho vào túi rồi đặt trong thùng đá lạnh để sau này bác sĩ có thể khâu lại vùng da đó.

Cách chăm sóc

Thoa thuốc mở kháng sinh và thay băng gạc mỗi ngày đến khi miệng vết thương liền lại. Nhắc nhở bé không được chạm vào vết thương. Nếu vị trí da bị trầy xước có hiện tượng sưng đỏ, phù nề thì bố mẹ cần đưa ngay trẻ đến bác sĩ để thăm khám, tránh nguy cơ nhiễm trùng. Để hạn chế sẹo xuất hiện, bạn có thể bôi kem mờ sẹo và kem chống nắng cho trẻ.

Hướng dẫn cách sơ cứu 5 loại chấn thương hay xảy ra ở trẻ nhỏ 1

Băng dán có gạc Urgosterile giúp bảo vệ vết thương

Vết bỏng

Cách sơ cứu

Ngay khi phát hiện con bị bỏng, bạn phải để vết bỏng của trẻ dưới vòi nước mát hoặc đắp khăn ướt lên vị trí đó cho đến khi cơn nóng rát dịu đi sau đó dùng băng gạc để che đi những nốt phỏng nhỏ. Nếu vết bỏng nằm trên mặt, bộ phận sinh dục hay các vị trí da nhạy cảm khác hoặc có kích thước lớn hơn 3cm thì bạn nên đưa con đến bác sĩ để được chăm sóc tốt hơn.

Trong trường hợp trẻ bị bỏng sâu, da chuyển sang màu trắng, nâu và khô thì hãy đưa trẻ đến phòng cấp cứu. Nếu vết bỏng lớn hơn 1/10 cơ thể, bố mẹ hãy gọi cấp cứu ngay lập tức, dùng vải sạch phủ cho bé để tránh cho bé bị hạ thân nhiệt.

Cách chăm sóc

Với các tình trạng vết bỏng nhỏ có thể chăm sóc tại nhà, phụ huynh có thể bôi kem kháng sinh, che vùng da bị bỏng bằng băng gạc cho đến khi vết bỏng liền lại. Không tự ý chọc vỡ các nốt phỏng đồng thời quan sát vùng da bị bỏng có các dấu hiệu của nhiễm trùng như đỏ, sưng, chảy dịch hay không để kịp thời đưa con đến bác sĩ.

Hướng dẫn cách sơ cứu 5 loại chấn thương hay xảy ra ở trẻ nhỏ 2

Che vùng da bị bỏng bằng băng gạc cho đến khi vết bỏng liền lại

Chảy máu mũi

Cách sơ cứu

Đặt bé ngồi thẳng, không để bé ngửa đầu ra sau. Nới lỏng cổ áo, dùng tay kẹp đầu mũi trẻ (phần mềm ở cánh mũi), giữ chặt khoảng 5-10 phút trong khi cho trẻ cúi nhẹ người ra phía trước. Thả tay ra và kiểm tra, nếu máu vẫn chưa ngừng chảy thì thực hiện lại bước này.

Cách chăm sóc

Nếu trẻ bị chảy máu do chấn thương, sau khi máu chảy chậm lại, bố mẹ có thể giảm sưng cho trẻ bằng cách đặt túi chườm lạnh lên sống mũi. Nếu tình trạng chảy máu mũi vẫn không dừng lại sau 10 phút, hoặc đã dừng nhưng chảy lại, bạn nên đưa bé đến bệnh viện để kiểm tra cẩn thận hơn.

Dằm đâm, giẫm mảnh thủy tinh

Cách sơ cứu

Sử dụng xà phòng và nước sạch để vệ sinh khu vực da bị dằm/ thủy tinh đâm. Dùng một chiếc nhíp đã được sát trùng để gắp vật đâm ra rồi rửa lại vùng da đó một lần nữa. Nếu dằm cứng, khó lấy, hãy giữ nguyên và chờ xem ngày hôm sau nó có tự trồi ra không. Nếu sau vài ngày mà dằm vẫn không ra, vị trí bị dằm đâm mưng mủ, đỏ đau thì phụ huynh nên liên lạc với bác sĩ để loại bỏ nó.

Cách chăm sóc

Trong trường hợp với mảnh thủy tinh đâm sâu, bố mẹ nên dùng khăn sạch quấn nhẹ vào vùng bị thương và đưa trẻ đến cơ sở y tế để chụp phim và được xử lý đúng cách, tránh nhiễm trùng.

Hướng dẫn cách sơ cứu 5 loại chấn thương hay xảy ra ở trẻ nhỏ 3

Dùng nhíp để gắp dằm ra khỏi da bé

Bị ong, côn trùng đốt

Khi trẻ bị ong hay côn trùng đốt và để lại ngòi, bố mẹ có thể dùng thẻ nhựa hoặc móng tay cào nhẹ vào da bé để đưa ngòi ra ngoài mà không làm nó bị gãy. Không nên dùng nhíp để kẹp rút ngòi vì có thể làm nọc đốt tiết ra nhiều hơn. Nếu bé có hiện tượng khó thở, nổi mề đay, ho, khàn tiếng, sưng môi, sưng lưỡi,... thì hãy nhanh chóng gọi cấp cứu cho trẻ. 

Để giảm đau, giảm ngứa cho trẻ, bạn có thể đắp gạc lạnh lên vùng vết thương trong vòng 1 phút hoặc thoa kem hydrocortisone 1% hay thuốc kháng histamin (nếu không bị rách da).

Những loại chấn thương nêu trên đều có thể xảy ra với bất kỳ bạn nhỏ nào. Vì thế, bố mẹ hãy nắm chắc các phương pháp sơ cứu cũng như chăm sóc trẻ để bảo vệ sức khỏe thiên thần nhỏ nhà mình một cách tốt nhất nhé!

Hoàng Trang

Nguồn tham khảo: moh.gov.vn

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin