1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Tìm hiểu chi tiết về bệnh viêm da tiếp xúc ở trẻ

Thanh Hương

24/06/2025
Kích thước chữ

Viêm da tiếp xúc ở trẻ nhỏ khiến da bé nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy, đôi khi bong tróc khiến cha mẹ vô cùng lo lắng. Đây là phản ứng da liễu thường gặp do tiếp xúc với chất gây kích ứng hoặc dị ứng. Hiểu đúng nguyên nhân và cách chăm sóc sẽ giúp trẻ nhanh chóng phục hồi và tránh tái phát.

Làn da của trẻ nhỏ rất mỏng manh và nhạy cảm, dễ bị tổn thương trước các yếu tố môi trường và hóa chất. Một trong những vấn đề da liễu phổ biến ở trẻ khiến nhiều cha mẹ lo lắng là viêm da tiếp xúc. Tình trạng này có thể khởi phát đột ngột sau khi trẻ chạm vào xà phòng, chất tẩy rửa, quần áo mới, thậm chí cả phấn hoa hoặc côn trùng.

Nhiều phụ huynh thường nhầm lẫn viêm da tiếp xúc với dị ứng thực phẩm hoặc bệnh ngoài da nghiêm trọng, dẫn đến điều trị sai cách. Bài viết này sẽ giúp bạn tìm hiểu nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết viêm da tiếp xúc ở trẻ và cách chăm sóc đúng chuẩn y khoa tại nhà.

Nguyên nhân chính gây viêm da tiếp xúc ở trẻ

Viêm da tiếp xúc ở trẻ là tình trạng viêm da xảy ra khi da tiếp xúc trực tiếp với các chất gây kích ứng hoặc dị ứng từ môi trường bên ngoài. Khác với viêm da cơ địa có tính chất mạn tính và liên quan nhiều đến yếu tố cơ địa dị ứng, viêm da tiếp xúc thường xuất hiện đột ngột sau khi tiếp xúc với tác nhân cụ thể và không có tính lây nhiễm.

Tuy nhiên, tình trạng này vẫn có thể gây khó chịu đáng kể cho trẻ như ngứa ngáy, đỏ rát hoặc nổi mẩn.

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ dễ mắc viêm da tiếp xúc như:

  • Trước hết, làn da của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ còn rất non nớt, hàng rào bảo vệ da chưa hoàn thiện, mỏng manh nên dễ bị tổn thương và thẩm thấu các chất lạ từ môi trường.
  • Hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn chỉnh khiến cơ thể dễ phản ứng quá mức với những tác nhân bên ngoài, dù đó là các chất tưởng chừng vô hại với người lớn.
  • Trẻ nhỏ thường xuyên tiếp xúc với nhiều sản phẩm và vật dụng khác nhau như tã, quần áo, sữa tắm, phấn rôm, đồ chơi,… Đây đều là những yếu tố có thể tiềm ẩn nguy cơ gây viêm da tiếp xúc nếu không phù hợp hoặc chứa thành phần kích ứng.
Tìm hiểu chi tiết về bệnh viêm da tiếp xúc ở trẻ 1
Viêm da tiếp xúc ở trẻ em là một bệnh ngoài da phổ biến

Các dạng viêm da tiếp xúc ở trẻ

Có hai dạng viêm da tiếp xúc ở trẻ là viêm da tiếp xúc kích ứng (ICD) và viêm da tiếp xúc dị ứng (ACD). Mỗi loại có nguyên nhân, triệu chứng và cách xử lý khác nhau. Việc phân biệt đúng là bước quan trọng để cha mẹ biết cách chăm sóc và điều trị viêm da tiếp xúc cho trẻ hiệu quả.

Viêm da tiếp xúc kích ứng (Irritant contact dermatitis - ICD)

Đây là dạng viêm da phổ biến nhất ở trẻ, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Viêm da tiếp xúc kích ứng xảy ra khi da bị tổn thương do tiếp xúc trực tiếp với chất gây kích ứng mạnh hoặc do tiếp xúc lặp đi lặp lại với chất kích ứng nhẹ mà không cần có sự tham gia của hệ miễn dịch.

Tổn thương thường xuất hiện nhanh, chỉ sau vài giờ tiếp xúc với chất gây kích ứng, và cải thiện nhanh khi loại bỏ nguyên nhân.

Khi gặp dạng viêm da tiếp xúc này, trẻ sẽ có các biểu hiện như: Da bị đỏ, sưng nhẹ, cảm giác nóng rát, có thể nổi mụn nước nhỏ li ti, bong tróc da hoặc nứt nẻ. Trẻ cũng có cảm giác ngứa hoặc đau rát, ranh giới tổn thương rất rõ ràng, đúng với vùng da tiếp xúc với tác nhân.

Các tác nhân phổ biến gây viêm da tiếp xúc kích ứng ở trẻ bao gồm: Nước tiểu và phân, xà phòng, sữa tắm, cặn hóa chất trong nước giặt và nước xả vải, đồ kim loại,…

Tìm hiểu chi tiết về bệnh viêm da tiếp xúc ở trẻ 2
Viêm da tiếp xúc kích ứng và viêm da tiếp xúc dị ứng là 2 loại phổ biến

Viêm da tiếp xúc dị ứng (allergic contact dermatitis - ACD)

Viêm da tiếp xúc dị ứng là phản ứng của hệ miễn dịch sau khi cơ thể đã từng tiếp xúc trước đó với chất gây dị ứng. Phản ứng thường chậm (xuất hiện từ 24 - 72 giờ sau tiếp xúc) và có xu hướng lan rộng hơn so với vùng tiếp xúc ban đầu.

Các triệu chứng thường sau 1 - 3 ngày kể từ khi tiếp xúc, và có thể kéo dài hơn nếu không được phát hiện và tránh tiếp xúc lại với dị nguyên.

Đặc điểm tổn thương điển hình của viêm da tiếp xúc dị ứng là: Da đỏ, sưng, xuất hiện các mụn nước li ti, có thể chảy dịch hoặc đóng vảy.

Trẻ bị ngứa dữ dội, thường nặng hơn viêm da tiếp xúc kích ứng. Tổn thương không có ranh giới rõ ràng, có thể lan rộng ra các vùng da lân cận. Trong một số trường hợp, bé có thể gãi gây trầy xước, tăng nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn.

Các tác nhân phổ biến gây viêm da tiếp xúc dị ứng ở trẻ gồm: Nickel trong đồ kim loại, một số thuốc bôi ngoài da (kháng sinh neomycin, corticoid hoặc chất bảo quản trong kem dưỡng, kem trị hăm), dị ứng cao su, nhựa cây, cỏ dại, phấn hoa, thuốc nhuộm và hóa chất trong quần áo,…

Cách xử lý và chăm sóc viêm da tiếp xúc ở trẻ tại nhà

Khi nhận thấy các dấu hiệu viêm da tiếp xúc ở trẻ, dưới đây là những việc cha mẹ nên làm:

Xác định và loại bỏ tác nhân

Cha mẹ cần quan sát và kiểm tra kỹ các sản phẩm mới được sử dụng gần đây như xà phòng, sữa tắm, nước giặt, quần áo mới mua, hoặc đồ chơi có bề mặt kim loại. Nếu trẻ bị hăm tã ở vùng mông và bẹn, bạn nên cân nhắc đổi loại tã mới.

Tìm hiểu chi tiết về bệnh viêm da tiếp xúc ở trẻ 3
Cần tìm ra và loại bỏ tác nhân gây viêm da tiếp xúc ở trẻ

Làm sạch vùng da bị ảnh hưởng

Cha mẹ nên rửa vùng da tổn thương của trẻ bằng nước sạch và sử dụng sữa tắm hoặc xà phòng không mùi, không chứa sulfate, được thiết kế riêng cho làn da nhạy cảm. Khi làm sạch da cha mẹ không được chà xát mạnh, chỉ dùng khăn bông mềm thấm nhẹ nhàng, tránh làm trầy xước da.

Làm dịu và bảo vệ da đang bị viêm

Sau khi vệ sinh da sạch sẽ cho bé, cha mẹ hãy thoa kem dưỡng ẩm dịu nhẹ dành riêng cho da nhạy cảm. Bạn nên ưu tiên chọn các sản phẩm không mùi, không màu, không paraben để hạn chế nguy cơ kích ứng thêm.

Với những trường hợp viêm da tiếp xúc kích ứng, đặc biệt là hăm tã, kem chứa kẽm oxit (zinc oxide) giúp làm dịu, chống viêm và tạo lớp màng bảo vệ hữu hiệu cho làn da tổn thương.

Nếu viêm da tiếp xúc ở trẻ gây ngứa nhiều hoặc vùng viêm kéo dài, bác sĩ có thể khuyến nghị kem hydrocortisone liều thấp. Loại kem này chỉ nên bôi đúng vùng da tổn thương, không bôi diện rộng và không dùng kéo dài quá 5 - 7 ngày.

Để phòng tránh trẻ gãi mạnh gây xước da, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng thứ phát, cha mẹ nên cắt móng tay cho bé, giữ vệ sinh móng sạch sẽ, đeo bao tay vải mềm để bảo vệ da. Ngoài ra, bạn hãy cho bé mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, chất liệu cotton thấm hút tốt, tránh gây cọ sát và giữ ẩm quá mức trên da.

Tìm hiểu chi tiết về bệnh viêm da tiếp xúc ở trẻ 4
Cần loại bỏ các tác nhân gây viêm da tiếp xúc ở trẻ

Lưu ý về chế độ ăn uống

Viêm da tiếp xúc do thực phẩm không phải do ăn uống mà do da tiếp xúc bề mặt với các thành phần gây kích ứng hoặc dị ứng có trong thực phẩm.

Trong trường hợp này, các biểu hiện xuất hiện tại vùng da tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, thường là quanh miệng, hai má, tay, cổ hoặc ngực. Nếu trẻ có tiền sử dị ứng thực phẩm, phụ huynh nên xem xét loại bỏ các thực phẩm nghi ngờ trong khẩu phần ăn (sữa bò, trứng, hải sản, đậu phộng,...).

Viêm da tiếp xúc ở trẻ không quá nguy hiểm nếu được phát hiện sớm và xử trí đúng cách. Cha mẹ hãy luôn quan sát các thay đổi nhỏ trên da trẻ, giữ vệ sinh da sạch sẽ và tránh để bé tiếp xúc với các yếu tố dễ gây kích ứng. Khi có dấu hiệu bất thường như mụn nước, sưng đỏ lan rộng, hoặc bé quấy khóc nhiều, nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để được thăm khám.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Chăm sóc trẻ