Bế trẻ lên hoặc cho trẻ nằm nghiêng về một bên là những cách đơn giản, hiệu quả để xử lý khi trẻ bị trào ngược dạ dày một cách nhanh chóng.
Trào ngược dạ dày thực quản là một căn bệnh về đường tiêu hóa vô cùng phổ biến. Đối tượng mắc căn bệnh này có thể là trẻ nhỏ cho tới người cao tuổi. Với những người bình thường, khi thức ăn vào dạ dày, dạ dày sẽ tiết axit, co bóp để nghiền nát thức ăn. Đồng thời phần cơ thực quản dưới (nối giữa dạ dày với thực quản) sẽ tự động co đóng lại bịt kín lấy dạ dày.
Còn đối với người bệnh, vùng cơ này hoạt động không được bình thường. Dẫn tới thức ăn, dịch vị và axit sẽ trào ngược lên trên thực quản.
Bệnh này sẽ khiến cho bệnh nhân vô cùng khó chịu. Lâu dần nó sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe. Nhất là với trẻ em bị trào ngược dạ dày khả năng hấp thu dinh dưỡng kém, bé sẽ chậm lớn, còi cọc.
Triệu chứng khi trẻ bị trào ngược dạ dày
Bé bị trào ngược dạ dày thường cáu kỉnh, quấy khóc
Bố mẹ thường không nhận ra con bị trào ngược dạ dày. Đơn giản vì căn bệnh này rất dễ nhầm lẫn với việc bé đang bị nôn trớ do ăn no. Mẹ cần nhận ra thật sớm thì mới có cách xử lý khi trẻ bị trào ngược dạ dày nhanh nhất.
- Bé nôn trớ, nôn ngay sau khi bú, nôn rất nhanh và trớ càng nhiều khi ăn càng no
- Bé hay quấy khóc thậm chí la hét (khi bị đau dạ dày, thực quản)
- Thường xuyên cáu kỉnh, không thích tự chơi đùa
- Bé cự tuyệt, không muốn bú mẹ
- Ngủ không sâu, hay khóc vào ban đêm
- Trẻ sụt cân nhanh chóng
- Thường xuyên bị viêm họng, nhiễm trùng phổi
- Thờ khò khè, nghẹt thở
Cách xử lý khi trẻ bị trào ngược dạ dày
Chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống thích hợp giúp bé giảm tình trạng trào ngược
Các xử lý khi trẻ bị trào ngược dạ dày hiệu quả nhất là thay đổi cách ăn uống cho con. Với những bé chưa ăn dặm (dưới 6 tháng tuổi) thì mẹ nên cho bé bú nhiều lần trong ngày, mỗi lần chỉ bú ít tối đa trong khoảng 15 phút. Các đợt bú phải cách nhau ít nhất là 1,5 giờ. Lúc bú phải đặt bé đúng tư thế, ngậm vú mẹ đúng để hạn chế nuốt hơi vào dạ dày gây đầy bụng. Nếu phải cho bé bú sữa ngoài phải kiểm tra chính xác núm vú đã phù hợp chưa. Mẹ cũng cần ăn đủ chất, đa dạng đồ ăn để có sữa chất lượng nhất cho con.
Với những trẻ đã lớn, tự ăn thì mẹ hạn chế cho con những thức ăn nhiều chất béo như mỡ động vật, socola, nước ngọt có gas,... Chia nhỏ thức ăn cho trẻ và mỗi lần ăn cách nhau 1.5 giờ.
Tránh để bé uống những loại nước hoa quả như: nước cam quýt, nước bưởi,...những nước nhiều vitamin C có vị chua. Không để bé ăn thức ăn quá đặc khiến dạ dày phải tiết nhiều axit, làm việc nhiều. Nếu có thể hãy sử dụng loại sữa cho trẻ bị trào ngược dạ dày riêng biệt.
Tư thế nằm
Khi trẻ vừa mới ăn xong, không để bé nằm luôn mà phải bế đứng thân người trong ít nhất 30 phút. Cũng không được rung lắc khi bế bé, không thay đổi tư thế đột ngột. Cần cho bé ăn trước khi ngủ ít nhất 2-3 giờ. Để bé nằm cao đầu nhưng không gập cổ bằng cách sử dụng gối chuyên dụng. Không để bé mặc quần áo nhỏ, không quấn tã quá chặt.
Chăm sóc bé bị trào ngược
Nếu bé bị trào ngược mẹ cần bế bé dậy
Nếu bé bị ho trào ngược dạ dày gây nôn trớ, mẹ phải cho bé ăn lại sau khoảng 30 phút. Nhớ lau rửa cho bé bằng nước ấm, hút dịch mũi, thay quần áo rộng rãi, thoải mái tránh để bé nhiễm lạnh. Nếu bé nôn nhiều quá trong nhiều ngày liên tục phải đưa bé đến cơ sở y tế ngay.
Huyền Trang