Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Chăm sóc bé

Hướng dẫn một số cách hạ sốt cho trẻ 7 tuổi không phải cha mẹ nào cũng biết

Ngày 17/07/2024
Kích thước chữ

Sốt là tình trạng xảy ra khá phổ biến ở trẻ nhỏ và điều này khiến cho các bậc cha mẹ không khỏi lo lắng, hoang mang. Vậy cha mẹ cần làm gì khi trẻ bị sốt. Trong bài viết sức khỏe hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ hướng dẫn cho cha mẹ cách hạ sốt cho trẻ 7 tuổi.

Sốt khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi và khó chịu. Nếu không hạ sốt kịp thời, trẻ có thể phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm. Trước khi tìm hiểu về cách hạ sốt cho trẻ 7 tuổi, hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu sơ qua về tình trạng sốt ở trẻ em bạn nhé.

Tổng quan về tình trạng sốt ở trẻ em

Sốt ở trẻ em là hiện tượng tăng nhiệt độ của cơ thể, được xác định khi nhiệt độ đo được ở hậu môn trên 38 độ C, đo ở miệng trên 37,5 độ C hoặc đo ở nách trên 37,2 độ C. Về bản chất, sốt không phải là bệnh mà đây chỉ đơn thuần là một dấu hiệu cho thấy cơ thể đang chống lại nhiễm trùng.

Theo mức độ, sốt được phân loại ở các mức độ như sau:

  • Sốt nhẹ: Nhiệt độ ở nách là 37,5 - 38 độ C, nhiệt độ ở hậu môn là 38 - 38,5 độ C.
  • Sốt vừa: Nhiệt độ ở nách từ trên 38 - 39 độ C, nhiệt độ ở hậu môn là trên 38,5 - 39,5 độ C.
  • Sốt cao: Nhiệt độ đo được ở nách là từ trên 39 - 40 độ C, nhiệt độ ở hậu môn là từ trên 39,5 - 40,5 độ C.
  • Sốt rất cao: Nhiệt độ ở nách trên 40 độ C và nhiệt độ ở hậu môn lớn hơn hoặc bằng 40,5 độ C.

Theo thời gian, sốt được chia thành sốt cấp tính và sốt kéo dài. Trong đó, sốt cấp tính thường kéo dài dưới 14 ngày còn sốt kéo dài khi thời gian sốt kéo dài 14 ngày hoặc trên 14 ngày.

Hướng dẫn một số cách hạ sốt cho trẻ 7 tuổi không phải cha mẹ nào cũng biết 1
Sốt ở trẻ em được định nghĩa như thế nào?

Nguyên nhân khiến trẻ 7 tuổi bị sốt

Thực tế cho thấy, sốt là tình trạng xảy ra khá phổ biến ở trẻ em. Sốt có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó không thể không kể đến một số nguyên nhân phổ biến như:

  • Do trẻ mắc một số bệnh lý gây ra bởi vi khuẩn hoặc virus như viêm phổi, cảm cúm, sốt xuất huyết, sốt virus, viêm não, viêm màng não mủ…
  • Do trẻ đang có nhiễm trùng tại một bộ phận nào đó của cơ thể.
  • Do trẻ mắc bệnh liên quan đến chuyển hóa hoặc di truyền như thiểu sản tuyến mồ hôi, loạn sản ngoại bì, bất sản…
  • Do rối loạn trung tâm điều nhiệt trong các bệnh tổn thương thần kinh như chấn thương, u não…
  • Do tiêm chủng.
  • Do mọc răng.
  • Do tác dụng phụ của một số loại thuốc mà trẻ sử dụng.
Hướng dẫn một số cách hạ sốt cho trẻ 7 tuổi không phải cha mẹ nào cũng biết 2
Trẻ 7 tuổi bị sốt có thể do bị nhiễm bệnh gây ra bởi vi khuẩn hoặc virus

Hướng dẫn cách hạ sốt cho trẻ 7 tuổi

Sốt mặc dù là một phản ứng tự nhiên của cơ thể song sốt cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe nào đó mà trẻ đang mắc phải. Chưa kể, sốt khiến trẻ cảm thấy khó chịu và mệt mỏi vô cùng. Nếu trẻ bị sốt cao, trẻ có thể phải đối diện với nhiều triệu chứng nguy hiểm như co giật, mất ý thức… Vậy phải làm sao khi trẻ 7 tuổi bị sốt?

Dưới đây là một số cách hạ sốt cho trẻ 7 tuổi, cha mẹ có thể tham khảo:

Nới rộng quần áo

Sốt có thể khiến trẻ cảm thấy lạnh song việc cho trẻ mắc quá nhiều quần áo lúc này sẽ khiến cho thân nhiệt của trẻ không ngừng tăng lên, gây khó khăn cho quá trình hạ thân nhiệt cho trẻ về mức bình thường.

Do đó, khi trẻ bị sốt cha mẹ nên nới rộng quần áo cho trẻ hoặc cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thấm hút mồ hôi để có thể tỏa bớt nhiệt, giúp trẻ hạ sốt nhanh chóng.

Bù nước cho trẻ

Bù nước cũng là một cách hạ sốt cho trẻ 7 tuổi đơn giản và nhanh chóng. Nguyên nhân là do sốt khiến thân nhiệt tăng cao, trẻ dễ bị mất nước vì thế cần đảm bảo cơ thể trẻ được cung cấp đủ nước thông qua việc cho trẻ uống nhiều nước.

Để bù nước cho trẻ, bên cạnh việc cho trẻ uống nước, cha mẹ có thể bổ sung nước thông qua một số loại đồ uống khác như sữa, nước ép hoặc thức ăn dạng lỏng. Ngoài ra, cha mẹ có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc cho trẻ sử dụng một số sản phẩm bù nước và điện giải đường uống như hydrite, oresol…

Hướng dẫn một số cách hạ sốt cho trẻ 7 tuổi không phải cha mẹ nào cũng biết 3
Cha mẹ cần cho trẻ bù nước khi trẻ bị sốt

Lau người và chườm ấm cho trẻ bằng nước ấm

Thay vì cho trẻ tắm, cha mẹ hãy dùng nước ấm và khăn sạch để lau người và chườm ấm cho trẻ. Đây cũng là một cách hạ sốt cho trẻ 7 tuổi an toàn và nhanh chóng, được các chuyên gia công nhận.

Theo các chuyên gia, việc lau người và chườm ấm cho trẻ bằng nước ấm không chỉ giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn mà còn giúp hạ nhiệt độ cơ thể. Khi da tiếp xúc với nước ấm sẽ khiến mạch máu giãn ra, nhờ đó máu được lưu thông dễ dàng hơn.

Với cách hạ sốt này, mẹ chỉ cần chuẩn bị một chiếc khăn mềm và một thau nước ấm. Dùng khăn mềm thấm vào thau nước ấm sau đó tập trung lau hoặc chườm ấm cho trẻ ở những khu vực như trán, thái dương, nách và bẹn. Mẹ không nên dùng khăn ấm lau ngực của trẻ bởi điều này sẽ dễ khiến trẻ bị nhiễm lạnh.

Cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt

Sử dụng thuốc hạ sốt là một trong những cách giúp trẻ hạ sốt được nhiều cha mẹ nghĩ đến khi trẻ bị sốt. Tuy nhiên, loại thuốc và liều lượng sử dụng cho trẻ khi bị sốt phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cân nặng, độ tuổi, thể trạng, mức độ sốt cũng như nguyên nhân gây sốt.

Để công dụng của thuốc được phát huy tối đa và không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé thì cha mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ.

Hiện nay, có 2 loại thuốc hạ sốt thường dùng cho trẻ con bao gồm:

  • Paracetamol: Khoảng cách giữa mỗi lần dùng là 4 - 6 tiếng, không sử dụng quá 5 lần/24 giờ. Liều dùng thuốc được tính theo cân nặng của trẻ.
  • Ibuprofen: Khoảng cách giữa 2 liều là 6 tiếng, không dùng cho trẻ dưới 3 tuổi và dưới 5kg, liều thuốc cũng tính dựa theo cân nặng của trẻ.
Hướng dẫn một số cách hạ sốt cho trẻ 7 tuổi không phải cha mẹ nào cũng biết 4
Sử dụng thuốc hạ sốt là một trong những cách hạ sốt cho trẻ 7 tuổi hiệu quả

Khi nào cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ?

Cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để thăm khám khi đã áp dụng các phương pháp hạ sốt nêu trên nhưng không hiệu quả. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần đặc biệt chú ý theo dõi và đưa trẻ đến gặp bác sĩ để thăm khám khi trẻ có các dấu hiệu sau đây:

  • Sốt cao trên 40 độ hoặc sốt kéo dài trên 3 ngày;
  • Co giật;
  • Ngủ li bì, khó đánh thức;
  • Da xanh, niêm mạc nhợt;
  • Bàn tay, bàn chân lạnh;
  • Nôn kèm theo phát ban;
  • Mất nước nghiêm trọng;
  • Một số biểu hiện khác như: Ho nhiều, đau bụng, đại tiện phân lỏng…

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản xoay quanh tình trạng trẻ 7 tuổi bị sốt mà Nhà thuốc Long Châu muốn chia sẻ đến quý độc giả. Hy vọng với những chia sẻ hôm nay, bạn đọc sẽ hiểu hơn về tình trạng sốt ở trẻ em đồng thời nắm được cách hạ sốt cho trẻ 7 tuổi. Cảm ơn bạn đã luôn đón đọc các bài viết sức khỏe của Nhà thuốc Long Châu trong suốt thời gian qua.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin