Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Sốt bao nhiêu độ là cao? Cách xử trí khi sốt cao

Ngày 01/06/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Sốt là khi cơ thể có nhiệt độ cao hơn giá trị bình thường, thường được xác định khi nhiệt độ ở miệng là trên 37.8 độ C hoặc trực tràng là trên 38.2 độ C. Sốt xảy ra khi hệ thống điều hòa nhiệt độ của cơ thể, chủ yếu nằm ở vùng dưới não, tăng lên để đối phó với một trạng thái nhiễm trùng. Vậy sốt bao nhiêu độ là cao?

Sốt là khi thân nhiệt của cơ thể tăng lên cao hơn mức bình thường. Việc cần nhập viện do sốt cao phụ thuộc vào nhiều yếu tố như triệu chứng, nguyên nhân gây sốt và tình trạng sức khỏe tổng thể. Vậy sốt bao nhiêu độ là cao và khi nào thì cần phải nhập viện để điều trị sốt cao?

Tình trạng sốt là gì?

Sốt là tình trạng thân nhiệt tăng cao hơn so với mức bình thường hàng ngày của một người. Điều này xảy ra khi vùng điều nhiệt (nằm ở dưới đồi) hoạt động ở nhiệt độ cao hơn bình thường, thường là để đối phó với một nhiễm trùng.

Vùng dưới đồi, một phần của não, chịu trách nhiệm điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể. Khi mọi thứ trong cơ thể ổn định, vùng dưới đồi sẽ duy trì ở nhiệt độ cơ thể bình thường. Sốt xảy ra khi vùng dưới đồi được đặt ở mức nhiệt độ cao hơn bình thường, thường là do có pyrogens trong máu.

Pyrogens có thể từ bên ngoài (như chất độc từ vi rút hoặc vi khuẩn) hoặc từ bên trong cơ thể (như các hóa chất bất thường từ khối u hoặc các protein do hệ thống miễn dịch phản ứng). Khi sốt, hệ miễn dịch tăng cường hoạt động, bao gồm tăng sản xuất thực bào và kháng thể. Tuy nhiên, cần phải can thiệp đúng lúc trong một số trường hợp như khi có sốt quá cao (hơn 41 độ C) hoặc khi có các vấn đề y tế khác như thiếu máu cơ tim, phụ nữ mang thai hay tiền căn động kinh.

Sốt bao nhiêu độ là cao? Cách xử trí khi sốt cao 2
Sốt là tình trạng thân nhiệt tăng cao hơn so với mức bình thường hàng ngày của một người

Thân nhiệt bao nhiêu được coi là sốt?

Để biết về sốt bao nhiêu độ là cao, trước tiên chúng ta cần biết thân nhiệt bao nhiêu được gọi là sốt?

Thông thường, nhiệt độ cơ thể thay đổi theo từng vùng khác nhau. Nếu đo ở miệng trên 37,5 độ C hoặc ở hậu môn trên 38 độ C thì được coi là sốt nhưng mức nhiệt độ này chưa phải là nguy hiểm. Ngoài ra, có một số trường hợp không phải là sốt nhưng vẫn làm nhiệt độ cơ thể tăng cao, chẳng hạn như:

  • Người lớn hoạt động liên tục, ở cường độ cao trong điều kiện thời tiết nắng nóng.
  • Trẻ em vui chơi, đùa nghịch quá nhiều.
  • Tác dụng phụ của tiêm chủng hoặc thuốc kháng sinh mạnh.

Một số dấu hiệu nhận biết cơn sốt bao gồm:

  • Cảm thấy rét, da nổi da gà dù thời tiết nóng bức.
  • Có dấu hiệu mất nước và luôn cần uống nhiều nước.
  • Đau nhức cơ, mệt mỏi.
  • Da có thể ửng đỏ, nóng ran.
  • Đôi khi xuất hiện những cơn co giật bất ngờ, đặc biệt là ở trẻ em.

Có nhiều nguyên nhân gây ra sốt, nhất là nhiễm khuẩn, nhiễm virus, dị ứng,... Đôi khi, chỉ dựa vào nhiệt độ cơ thể tăng cao thì không đủ để xác định chính xác liệu có bị sốt hay không mà cần xem xét các triệu chứng liên quan đi kèm.

Sốt bao nhiêu độ là cao? Cách xử trí khi sốt cao 3
Sốt từ 38 độ C trở lên có thể coi là sốt cao

Sốt bao nhiêu độ là cao?

Để xác định mức độ sốt của bệnh nhân có nguy hiểm hay không và khi nào cần đến bệnh viện, cần xem xét độ tuổi, triệu chứng và bệnh nền của họ.

Trẻ em sốt bao nhiêu độ là cao?

Sốt ở trẻ em thường nghiêm trọng hơn do cơ thể của trẻ dễ bị tổn thương bởi sốt. Phụ huynh nên đưa trẻ đi khám ngay nếu trẻ sốt trên 38.5 độ C và có một trong những triệu chứng hoặc yếu tố liên quan dưới đây:

  • Trẻ sơ sinh dưới 2 tháng tuổi.
  • Trẻ thở nhanh, bị khó thở, buồn nôn, đau nhức toàn thân.
  • Xuất hiện các cơn co sản, giật, li bì.
  • Xuất hiện phát ban trên da.
  • Tiêu chảy, phân có máu.
  • Trẻ bỏ bú, không chơi, quấy khóc nhiều.
  • Sốt rất cao trên 40 độ C.
Sốt bao nhiêu độ là cao? Cách xử trí khi sốt cao 4
Sốt ở trẻ em thường nghiêm trọng hơn do cơ thể của trẻ dễ bị tổn thương bởi sốt

Người lớn sốt bao nhiêu độ là cao?

Người trưởng thành có sức đề kháng và hệ miễn dịch tốt hơn trẻ em, nhưng sốt cao cũng có thể gây nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Các trường hợp người lớn sốt cao cần sự hỗ trợ từ bác sĩ bao gồm:

  • Sốt trên 38.5 độ C, đã dùng thuốc hạ sốt và các biện pháp hỗ trợ nhưng không giảm.
  • Sốt cao kéo dài đến 48 giờ mà không có dấu hiệu hồi phục.
  • Sốt rất cao từ 41 độ C.
  • Có bệnh nền về tim, phổi.
  • Đau họng không rõ nguyên do hoặc ho nhiều.
  • Xuất hiện phát ban trên da và xuất hiện các vết bầm tím trên cơ thể.

Cách xử trí khi sốt cao

Cách xử trí khi bệnh nhân đang lên cơn sốt:

  • Môi trường thông thoáng: Đặt bệnh nhân ở nơi thoáng mát, tránh gió lùa và hạn chế nhiều người vây quanh.
  • Đo thân nhiệt: Đo thân nhiệt bệnh nhân bằng nhiệt kế dưới nách hoặc hậu môn.

Điều trị tích cực nguyên nhân gây sốt là giải pháp cơ bản hạ sốt. Ví dụ, đối với sốt do truyền nhiễm, nên chọn thuốc theo nguồn lây nhiễm; bệnh nhân bị mất nước nên tích cực bù nước,... Đối với sốt truyền nhiễm, bản thân sốt là một trong những biểu hiện của hệ thống miễn dịch của cơ thể đang loại bỏ nguồn lây nhiễm. Trừ khi sốt cao và bệnh nhân không khỏe, thường không cần vội vàng sử dụng thuốc hạ sốt và các loại thuốc khác.

Nếu thân nhiệt không quá 39 độ C:

  • Mặc thoáng mát: Bệnh nhân nên mặc quần áo thoáng mát, cởi bớt quần áo ấm, không đắp chăn. Theo dõi thân nhiệt thường xuyên, khoảng 1 - 2 giờ đo một lần.
  • Chườm mát đúng cách: Lau người hoặc tắm bằng nước ấm. Nhúng khăn bông mềm vào nước ấm, vắt ráo rồi lau khắp thân mình bệnh nhân, đặc biệt là ở nách và bẹn. Lặp lại đến khi thân nhiệt hạ xuống dưới 38 độ C rồi mặc lại quần áo.
  • Theo dõi liên tục: Nếu thân nhiệt tăng trở lại, tiếp tục chườm mát.

Nếu thân nhiệt từ 39 độ C trở lên:

  • Dùng thuốc hạ sốt: Sử dụng thuốc hạ sốt paracetamol theo liều lượng và cân nặng (đặc biệt đối với trẻ nhỏ) và duy trì khoảng cách 4 - 6 giờ giữa hai lần uống. Nếu bệnh nhân buồn nôn, không uống được thuốc, có thể dùng thuốc đặt vào hậu môn.
  • Uống nhiều nước: Cho bệnh nhân uống nhiều nước để tránh mất nước. Trẻ còn bú mẹ nên được bú nhiều hơn. Có thể bù nước và điện giải bằng Oresol theo hướng dẫn sử dụng.
  • Ăn uống bình thường: Cho bệnh nhân ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu như cháo, súp và các loại nước trái cây nhiều vitamin C như bưởi, cam, chanh.
  • Lưu ý với kháng sinh: Nếu cơn sốt cao do virus, thuốc kháng sinh thường không có tác dụng, nên tập trung vào việc giảm triệu chứng.
Sốt bao nhiêu độ là cao? Cách xử trí khi sốt cao 5
Khi bị sốt nên bổ sung các loại nước trái cây nhiều vitamin C

Bài viết trên đây của Nhà thuốc Long Châu đã giải đáp về thắc mắc sốt bao nhiêu độ là cao. Sốt là phản ứng tự nhiên của cơ thể nhằm chống lại nhiễm trùng và bệnh tật, tuy nhiên, sốt cao có thể trở nên nguy hiểm và cần được xử lý kịp thời. Trong trường hợp sốt cao không giảm sau khi sử dụng các biện pháp hạ sốt tại nhà, bạn nên tìm đến sự hỗ trợ của các chuyên gia y tế để đảm bảo an toàn cho bản thân.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường đại học Võ Trường Toản. Nhiều năm làm việc trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin