Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Ở người cao tuổi, sự lão hóa diễn ra kèm theo những sự thay đổi về cả thể chất và tinh thần. Trong đó sự thay đổi về cấu trúc và hoạt động của các hệ cơ quan là những thay đổi dễ nhận thấy nhất, nổi bật là hệ tim mạch.
Những kiến thức về sự thay đổi huyết áp và nhịp tim của người cao tuổi là vô cùng quan trọng vì có thể hỗ trợ người cao tuổi bằng nhiều biện pháp khác nhau giúp nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống và phòng tránh các biến cố tim mạch. Nếu bạn đang quan tâm đến vấn đề trên, bài viết dưới đây sẽ có thể giúp bạn hiểu rõ và giải đáp những thắc mắc của bạn về sự thay đổi huyết áp và nhịp tim của người cao tuổi.
Huyết áp là áp lực của máu tác động lên thành động mạch để đưa máu từ tim đến các mô trong cơ thể. Huyết áp chịu sự ảnh hưởng bởi lực co bóp của cơ tim và sức cản trở trên thành mạch.
Trong cơ thể, huyết áp được giữ ổn định sự cân bằng bởi nhiều cơ chế khác nhau, nổi bật là vai trò của các xoang cảnh và tiểu thể cảnh tại động mạch cảnh. Tuy nhiên, ở người cao tuổi sự lão hóa mạnh mẽ diễn ra dẫn đến sự ít nhạy cảm hơn của hai thụ thể này. Bệnh lý hạ huyết áp thế đứng (huyết áp giảm đột ngột khi có sự thay đổi tư thế từ nằm hay từ ngồi sang đứng dậy) thường hay gặp ở người già cũng vì lý dó trên. Bệnh nhân sẽ thấy hoa mắt, chóng mặt và choáng váng do lưu lượng máu đến não bị suy giảm đột ngột. Nghiêm trọng hơn là nếu lượng máu đến não không hồi phục được nhanh chóng sẽ có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề cho người bệnh.
Ngoài ra, những thay đổi trong mô liên kết của thành mạch máu dẫn đến tình trạng động mạch sẽ trở nên dày, cứng và kém linh hoạt hơn gây các ảnh hưởng đến huyết áp ở người lớn tuổi như: Huyết áp sẽ cao hơn, tim hoạt động mạnh dẫn đến làm các sợi cơ tim dày lên, từ đó người lớn tuổi có nhiều nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch (bệnh tim thiếu máu cục bộ, nhồi máu cơ tim). Bên cạnh đó, sự dày lên của thành mao mạch cũng khiến cho sự trao đổi chất với tế bào diễn ra chậm hơn do làm cản trợ tốc độ trao đổi.
Vì vậy, ở những người khỏe mạnh khi cao tuổi thì huyết áp động mạch thường có xu hướng tăng nhưng không tăng vượt quá giới hạn cho phép. Các nghiên cứu cho thấy rằng ở người cao tuổi, huyết áp tâm thu có thể tăng thêm 29 mmHg và tâm trương tâm thêm 8,8 mmHg so với lúc trẻ. Nhưng cần lưu ý tình trạng huyết áp tăng khi chỉ số huyết áp tâm thu lớn hơn 160 mmHg và huyết áp tâm trương lớn hơn 95 mmHg.
Nhịp tim là nhịp của đập tim được xác định bằng số lần co thắt của tim mỗi phút. Nhịp tim có thể thay đổi theo nhu cầu thể chất của cơ thể, bao gồm cả nhu cầu hấp thu oxy và bài tiết carbon dioxide.
Trong cơ thể, nhịp tim được điều khiển nút xoang, một bộ phận tạo nhịp của tim và tự phát ra các xung động lan khắp cơ tim qua hệ thống dẫn truyền, từ đó có thể giúp cho bốn buồng hoạt động nhịp nhàng và phối hợp cùng nhau như một thể thống nhất. Sự lão hóa diễn ra ở người cao tuổi sẽ khiến cho nút xoang cùng với hệ thống dẫn truyền bị xơ hóa và cấu trúc của tim bị biến đổi dẫn đến con đường dẫn truyền không còn được nguyên vẹn. Vì thế, có thể làm cho người cao tuổi bị rối loạn nhịp tim.
Bên cạnh đó, sự lão hóa cũng khiến cho hệ tuần hoàn nuôi tim bị xơ vữa, chai cứng gây ra các ảnh hưởng đến sự trao đổi dinh dưỡng của nút xoang và hệ dẫn truyền. Hệ quả là sự suy yếu của nút xoang cùng với hệ dẫn truyền làm tần số tim chậm hơn, nhịp đập không đều và thường xuyên xảy ra những tắc nghẽn trên đường dẫn truyền.
Nghiêm trọng hơn là sự xuất hiện các ổ phát nhịp khác ngoài nút xoang. Điều này dẫn đến sự lấn át vai trò chủ nhịp của nút xoang, khiến nhịp tim đập quá nhanh không kiểm soát được và dễ có nguy cơ dẫn đến đột tử.
Từ các thông tin đã đề cập, sự lão hóa diễn ra ít nhiều đều ảnh hưởng đến huyết áp và nhịp tim của người cao tuổi. Sự lão hóa là một yếu tố tự nhiên không thể thay đổi được nên để phòng ngừa các biến cố tim mạch ở người cao tuổi thì cần có sự chú ý đến các yếu tố khác đi kèm mà vẫn có khả năng điều chỉnh được. Việc tầm soát, điều trị và phòng ngừa là một yếu tố góp phần duy trì sự ổn định của sức khỏe theo thời gian. Dưới đây là một số cách đề phòng biến cố tim mạch:
Nếu kết quả khám bệnh cho biết tình trạng huyết áp cao thì cần tuân thủ việc sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp khi có sự chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, để phòng tránh hạ huyết áp thế đứng, người cao tuổi cần hạn chế đứng hay ngồi dậy một cách đột ngột.
Khám định kỳ mỗi sáu tháng đến một năm, tầm soát tiểu đường và rối loạn lipid huyết kèm theo các bệnh lý về tim mạch để có thể nhận được sự can thiệp từ nhân viên y tế, giúp phòng tránh các biến cố và cải thiện sức khỏe.
Một số trường hợp bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng bất thường nhưng kết quả khám lâm sàng chỉ số huyết áp vẫn không ở mức cao, các thủ thuật khác như đo điện tim cũng không ghi nhận được bất kỳ sự bất thường nào thì bệnh nhân nên được theo dõi huyết áp và điện tim liên tục trong 24 giờ để có thể phát hiện bệnh lý và có kế hoạch điều trị sớm cho người bệnh.
Vai trò của ăn uống đóng vai trò vô cùng quan trọng trong phòng ngừa và hỗ trợ cải thiện sức khỏe cũng như bệnh lý. Các chuyên gia khuyến khích nên bổ sung các thực phẩm nhiều chất xơ như: Gạo lứt, rau xanh, quả chín,... và các thực phẩm giàu omega 3 như: Cá hồi, cá thu,...
Bên cạnh đó, cần tránh hoặc hạn chế tối đa trong bữa ăn các thực phẩm như: mỡ, các loại sản phẩm chế biến sẵn, nội tạng động vật hay thực phẩm chứa nhiều muối như cá hộp, thịt muối, dưa cà muối, các món kho, rim, muối, các loại nước sốt, nước chấm mặn.
Điều chỉnh lối sống cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cải thiện huyết áp và nhịp tim của người cao tuổi. Người cao tuổi nên tránh hoặc hạn chế sử dụng thuốc lá, các loại đồ uống chứa cồn (rượu, bia). Ngoài ra, chế độ luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, đều đặn có thể hỗ trợ giữ cho động mạch đàn hồi tốt, giúp giấc ngủ sâu, giảm lo âu, căng thẳng từ đó, góp phần làm giảm huyết áp, nguy cơ tim mạch và tử vong.
Bài viết trên đây đã cung cấp thông tin về huyết áp và nhịp tim của người cao tuổi, đồng thời giúp bạn nhận biết chúng có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe.
Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân
Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.