Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Khám phá công dụng thảo dược thổ phục linh

Ngày 06/02/2023
Kích thước chữ

Thổ phục linh từ lâu đã được dùng như một vị thuốc trong Đông y có tác dụng chữa bệnh phong thấp và nhiều căn bệnh khác. Nó có thể được dùng riêng biệt hoặc kết hợp với các vị thuốc khác để gia tăng tác dụng.

Trong Đông y, thổ phục linh là vị thuốc được dùng khá phổ biến. Loại thảo dược này có nhiều công dụng khác nhau từ trị giun, trị mụn nhọt, ổn định đường huyết đến điều trị bệnh về xương khớp. Trong phạm vi bài viết, Long Châu sẽ cùng bạn tìm hiểu đặc điểm và khám phá những công dụng của loại thảo dược này.

Thổ phục linh - Thảo dược trị bệnh hiệu quả

Thổ phục linh còn có tên gọi khác là kim cang, khúc khắc, mọt hoi đòi,... Cây phân bố nhiều ở các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam. Trước đây, loài thảo dược này thường mọc hoang ở các vùng rừng núi, thung lũng. Nhưng ngày nay, nó được trồng phổ biến ở các vùng dược liệu để khai thác làm vị thuốc Đông y hay phục vụ điều chế dược liệu.

Loài thảo dược này có những đặc điểm như:

  • Thân cây là dạng thân leo mềm, không có gai.
  • Lá cây hình bầu dục, có đầu nhọn, mọc so le, mặt trên nhẵn bóng.
  • Hoa nhỏ, mọc thành cụm ở kẽ lá.
  • Quả hình tròn, mọc thành chùm. Lúc non quả màu xanh, khi chín chuyển dần sang màu đỏ, tím, đen.
  • Rễ cây cứng, là một khối lồi lõm không đều dạng củ. Bên ngoài, củ có màu nâu, vỏ có thể tạo vảy. 
thổ phục linh 1 Đặc điểm cây thuốc phổ thục linh

Bộ phận dùng làm thuốc 

Bộ phận dùng làm thuốc của loại thảo dược này là phần rễ hay củ của cây. Nó có thể được thu hái quanh năm. Nhưng thời điểm cây có dược tính cao nhất là vào mùa hè. Phần rễ tươi sau khi thu hoạch được rửa sạch. Sau đó, người ta dùng nguyên củ hoặc ngâm củ với nước sau đó thái lát mỏng rồi mang phơi khô. Dân gian cũng có cách ủ dược liệu trong khoảng 3 ngày rồi mới mang thái lát và phơi khô. 

Từng lát sau khi thái sẽ có hình dáng không đều nhau, cạnh lồi lõm do hình dáng của củ. Bề mặt lát thuốc có màu nâu đỏ nhạt, có độ dai nên khó bẻ gãy. Khi sờ tay lên bề mặt, chúng ta cảm nhận được chất bột. Nếu bị dính nước nó sẽ tạo cảm giác hơi trơn dính. 

thổ phục linh 2
Từng lát thuốc sau khi được thái mỏng

Tác dụng chữa bệnh của thổ phục linh 

Theo Đông y, thảo dược này có tính bình, vị ngọt, quy vào kinh can và vị. Nó được sử dụng trong các bài thuốc Đông y với tác dụng:

  • Giải độc cơ thể, trị mẩn ngứa, mụn nhọt, nổi mề đay...
  • Điều trị đau nhức xương khớp, nhức mỏi cơ, co rút gân cơ, chân tay đau nhức phù nề, làm mạnh gân cốt. 
  • Giảm đau bụng kinh ở nữ giới.
  • Trị các loại giun sán lá gan nhỏ, giun móc.
  • Bài thuốc lợi tiểu.
  • Giúp hạ huyết áp.
thổ phục linh 3
Phần củ là bộ phận chính dùng làm thuốc

Y học hiện đại đã nghiên cứu và khám phá ra nhiều công dụng của thổ phục linh với sức khỏe như:

Kháng viêm, tăng miễn dịch

Trong thảo dược này có chứa các hoạt chất chống viêm steroid như hoạt chất astilbin. Nó có tác dụng giảm tích tụ acid uric, phòng viêm khớp và bệnh gout. Các thử nghiệm cũng chứng minh ngoài khả năng kháng viêm, vị thuốc này còn có tác dụng nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể. 

Giảm tình trạng dị ứng

Thảo dược này cũng có tác dụng làm giảm các triệu chứng dị ứng như khó thở, co giật, mẩn ngứa, nổi mề đay. Ngoài dị ứng, nó cũng rất hiệu quả trong điều trị một số bệnh lý về da như vảy nến…

Giúp hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường

Thật đáng tiếc nếu những người bị tiểu đường không biết đến thảo dược này. Nó có tác dụng hạ đường huyết nhờ khả năng cải thiện độ nhạy của insulin. Bằng cách sử dụng bài thuốc từ thổ phục linh, bệnh nhân tiểu đường có thể phòng ngừa bệnh diễn tiến nặng dẫn đến biến chứng.

Giảm đau mỏi cơ, xương, khớp

Cao lỏng bào chế từ dược liệu này đã được nhiều người dùng công nhận hiệu quả giảm đau nhức xương khớp, giảm đau mỏi cơ hiệu quả. Cao có sự kết hợp thổ phục linh với các vị thuốc khác như cà dây leo, ngưu tất.

thổ phục linh 4
Cả Đông y và Tây y đều công nhận tác dụng của thảo dược này với xương khớp

Bài thuốc trị bệnh với thổ phục linh

Một số bài thuốc trị bệnh phổ biến với cây dược liệu này bạn có thể tham khảo như:

  • Bài thuốc trị đau nhức xương khớp, phong thấp: Hầm 100g thịt heo cùng 40g thổ phục linh và ăn cả nước lẫn cái. 
  • Bài thuốc trị viêm khớp dạng thấp: Dùng các vị thuốc gồm: 12g ý dĩ, 20g thổ phục linh, 16g huyết đằng, 12g hoàng bá, 12g tri mẫu, 6g cam thảo, 20g ké đầu ngựa, 12g đan sâm, 8g quế chi, 12g tang chi, 12g phong đều, 20g hy thiêm, 16g ngân hoa, 16g tỳ giải, 20g ngạnh mễ, 12g bạch thược sắc nước uống trong ngày. 
  • Bài thuốc trị mụn nhọt, mề đay, mẩn ngứa: Sắc nước thuốc với các vị 30g thổ phục linh, 20g nhẫn đông hoa, 15g thương nhĩ tử uống liền 3 - 5 ngày. 
  • Bài thuốc trị giang mai, lở loét: Sắc 60g thổ phục linh cùng 15g nhẫn đông hoa, 15g cây mũi mác, 20g mã xì hiện, 5g cam thảo thành nước thuốc uống hàng ngày.
  • Bài thuốc lợi tiểu cho người tiểu khó: Sắc 20g thổ phục linh với nước, uống thay nước lọc hàng ngày.
  • Bài thuốc chữa rôm sảy: Sắc 30g thổ phục linh thành nước đặc rồi pha với nước tắm hàng ngày.
  • Bài thuốc chữa chàm eczema: Dùng 50g thổ phục linh tán thành bột. Mỗi lần dùng lấy lượng vừa đủ trộn với nước để đắp lên vết chàm.
thổ phục linh 5
Phần rễ củ được phơi khô

Lưu ý khi dùng bài thuốc từ thổ phục linh

Khi dùng thổ phục linh để chữa bệnh hay chăm sóc sức khỏe, bạn cần lưu ý: 

Những người có tỳ vị hư hàn, can thận âm hư, người mắc bệnh hen hoặc thận mãn tính, phụ nữ mang thai và cho con bú... không nên dùng thảo dược này.

  • Không nên dùng quá 30g/ngày để tránh kích ứng dạ dày và dị ứng. 
  • Theo đông y, thổ phục linh không dùng cho người có chứng can thận âm hư, tỳ vị hư hàn.
  • Không nên dùng bài thuốc này chung với nước trà
  • Khi đang điều trị bằng thuốc Tây y không nên dùng thảo dược này để tránh làm biến đổi thành phần hay giảm tác dụng của thuốc. 

Qua bài viết này, Long Châu hy vọng bạn đã nắm rõ thông tin về dược liệu thổ phục linh. Dù thảo dược này có nhiều tác dụng chữa bệnh nhưng bạn không nên lạm dụng và chỉ nên sử dụng khi có sự tư vấn của thầy thuốc. 

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Suckhoedoisong

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin