Vi khuẩn tụ cầu vàng sau khi tấn công tuyến bã nhờn và nang lông ở trong ống tai ngoài gây viêm nang lông toàn bộ, khiến các nang lông bị hoại tử tạo thành ngòi nhọt. Đây là tình trạng viêm nhiễm khu trú ở một vị trí của ống tai ngoài và thường gặp ở một bên tai. Người bệnh có thể bị một nhọt hoặc nhiều nhọt cùng lúc.
Nguyên nhân chính gây ra nhọt ống tai là do tụ cầu khuẩn, ngoài ra có một số yếu tố nguy cơ khác như chấn thương ở tai, suy giảm miễn dịch, người có bệnh nền tiểu đường…
Nhọt ống tai có thể tự khỏi mà không cần nằm viện
Mặc dù khiến người bệnh đau tai dữ dội nhưng việc điều trị nhọt ống tai ngoài ở người lớn tương đối đơn giản. Còn đối với trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi vì điều này lại khá gian nan. Trong đó, sử dụng kĩ thuật chích nhọt ống tai thường được áp dụng để điều trị dứt điểm căn bệnh này.
Nhọt ống tai và những dấu hiệu điển hình
Với người lớn, nhọt ống tai rất dễ nhận biết thông qua các triệu chứng phổ biến như đau tai, cơn đau có thể lan rộng ra vùng thái dương, sau gáy. Ngoài ra, người bệnh sẽ cảm thấy đau hơn khi há miệng, nhai thức ăn, ngáp ngủ hoặc khi kéo nhẹ vành tai. Đôi khi, nhọt ống tai có thể gây ra những cơn sốt nhẹ hoặc sốt cao do viêm tấy. Nếu nhọt nằm sát phía ngoài, ta có thể quan sát thấy nốt gờ màu đỏ hồng, đau khi chạm vào ở giai đoạn đầu. Đến giai đoạn sau, vùng da xung quanh nhọt thường bị phù nề, lòng tai thu hẹp, khó quan sát màng nhĩ và có thể thấy đầu nhọt trắng khi chín. Đây cũng là giai đoạn thích hợp để thực hiện chích nhọt ống tai ngoài.
Khi chín, đầu nhọt sẽ có ngòi trắng
Đối với trẻ em chưa có ngôn ngữ, việc phát hiện nhọt ống tai rất khó khăn. Để phát hiện sớm bệnh nhọt ống tai, phụ huynh hoặc người thường xuyên chăm sóc trẻ cần chú ý quan sát trẻ cẩn thận. Nếu thấy trẻ có các biểu hiện quấy khóc liên tục bất thường, trẻ hay kéo tai hoặc chạm vào tai thì có thể nghi ngờ trẻ đang gặp vấn đề ở tai. Lúc này, người lớn cần kiểm tra bằng cách ấn nhẹ vào nắp tai của trẻ từng bên một, nếu trẻ khóc thét lên ngay lập tức thì rất có thể trẻ đang bị nhọt ống tai ngoài. Sau khi loại trừ các bệnh lý khác, hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán chính xác và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho trẻ.
Ngoài các triệu chứng kể trên, khi bị nhọt ống tai người bệnh có thể bị chảy máu hoặc chảy mủ nếu nhọt tự vỡ hoặc giảm thính lực nhẹ.
Chích nhọt ống tai ngoài - Khi nào nên thực hiện?
Dù nhọt ống tai không hề nguy hiểm nhưng lại gây đau đớn, ảnh hưởng tới sinh hoạt của người bệnh. Nhiều trường hợp nhọt ống tai có thể tự vỡ và tự lành nhưng để đảm bảo an toàn, người bệnh cần được điều trị theo phác đồ chuẩn để tránh bội nhiễm.
Khi bị nhọt ống tai, tùy vào mức độ và giai đoạn tiến triển của bệnh mà phác đồ điều trị sẽ khác nhau.Trong đó, có 2 giai đoạn chính gồm:
-
Giai đoạn sưng tấy (nhọt còn non): Người bệnh không nên chích nhọt ống tai ngoài lúc này vì không chỉ gây tổn thương ống tai mà còn khiến nhọt dễ dàng tái phát. Điều người bệnh nên làm ở giai đoạn này thường là điều trị làm giảm các triệu chứng sưng đau như chườm nóng hàng ngày, sử dụng cồn iot 5%, sử dụng thuốc kháng viêm, giảm đau, dùng thuốc nhỏ tai, hạ sốt…
-
Giai đoạn hóa mủ, tạo ngòi: Đây là thời điểm vàng để thực hiện thủ thuật chích rạch nhọt ống tai, nhằm giúp tổn thương nhanh lành, không sẹo và hạn chế nguy cơ viêm nhiễm. Việc chích nhọt ống tai được thực hiện sau khi gây tê tại chỗ bằng Lidocain 10%, nhân viên y tế sẽ dùng lưỡi dao 11 hoặc đầu kim 18 để xẻ nhọt và nặn sạch mủ ở đầu nhọt. Tiếp theo, dùng dung dịch Betadine để sát khuẩn vết chích, đặt meche tẩm Betadine vào ống tai. Song song với việc chích nhọt ống tai ngoài, người bệnh sẽ được chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm đau tại nhà và hàng ngày cần kiểm tra vết rạch đến khi ổn định.
Trường hợp người bệnh không đi khám hoặc bỏ lỡ thời điểm nhọt chín để nhọt tự vỡ, thì vẫn cần đến cơ sở y tế để thực hiện vệ sinh, hút sạch mủ nếu còn và kết hợp sử dụng thuốc theo hướng dẫn.
Chich nhọt ống tai nên thực hiện tại cơ sở y tế
Chích nhọt ống tai kịp thời và dẫn lưu hết mũ là rất quan trọng bởi nếu không thực hiện đúng mủ nhọt sẽ không hết hẳn và rất dễ tái lại nhiều lần. Để đảm bảo an toàn, chích nhọt ống tai chỉ nên thực hiện tại các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị, vệ sinh sạch sẽ, đội ngũ nhân viên y tế có chuyên môn để tránh những biến chứng không đáng có.
Những biện pháp phòng ngừa sau khi chích nhọt ống tai ngoài
Nhìn chung, nhọt ống tai là bệnh lý nhẹ, có thể xử trí nhanh chóng bởi bất cứ cơ sở y tế nào. Tuy nhiên, nếu không điều trị sớm và đúng cách thì có thể gây ra nhiều biến chứng hoặc dễ bị mắc lại nếu người bệnh không tuân thủ các biện pháp phòng ngừa. Sau khi chích nhọt ống tai, người bệnh cần lưu ý thực hiện đúng hướng dẫn chăm sóc tại nhà và lưu ý những điều sau để tránh xa hoàn toàn nhọt ống tai:
-
Không ngoáy tai bằng tăm bông, vật cứng không được vô trùng.
-
Vệ sinh tai sạch sẽ hàng ngày, hạn chế để nước bẩn vào trong tai hoặc ứ đọng lại trong tai.
-
Tránh làm trầy xước ống tai.
-
Khám lại khi hết thuốc để kiểm tra tình trạng bệnh sau chích nhọt ống tai ngoài.
-
Ăn uống đủ chất tăng cường miễn dịch.
-
Sử dụng bịt tai khi đi bơi hoặc khi phải làm việc dưới nước.
An An
Nguồn tham khảo: Tổng hợp