Long Châu

Lá sầu đâu: Lợi ích sức khỏe và cảnh báo tác dụng phụ

Ngày 30/01/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Sầu đâu là cây trồng có nguồn gốc Ấn Độ. Ít ai biết lá sầu đâu có tác dụng gì và được sử dụng như thế nào. Bài viết sẽ cung cấp thông tin cần biết về tác dụng của lá sầu đâu.

Ở Việt Nam, cây sầu đâu còn được gọi với nhiều cái tên khác như: Sầu đông, xoan Ấn Độ, xoan ăn gỏi, xoan trắng… Nó khác với cây xoan hoa tím thường được trồng để lấy gỗ ở nước ta. Xoan hoa tím chứa độc tố có thể gây tử vong. Xoan sầu đâu có nhiều hoạt chất quý nên được ứng dụng để điều chế thuốc chữa bệnh. Dưới đây là chi tiết về công dụng, liều dùng của lá xoan sầu đâu.

Những điểm đặc trưng của lá sầu đâu

Sầu đâu Ấn Độ được trồng phổ biến ở các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Ninh Thuận, Châu Đốc. Thân cây sầu đâu cao từ 15 - 19m, cành nhánh tỏa rộng đường kính 15 - 20m thành hình oval hoặc hơi tròn. Sầu đâu có lá kép lông chim hình ngọn giáo không cân đối, mọc so le nhau dài 20 - 30cm, mép lá có răng. Vào mùa khô hạn, cây rụng lá và bắt đầu thay lá mới từ tháng 10 âm lịch.

lá sầu đâu 1
Xoan sầu đâu có lá màu rất xanh, mọc so le dài 20 - 30cm

Lá sầu đâu có ăn được không?

Lá của cây xoan Ấn Độ có thể ăn được nên còn gọi là xoan ăn gỏi. Vị của lá rất đắng nhưng sau đó sẽ cảm thấy ngọt. Người dân địa phương thường dùng lá xoan trắng để chế biến món gỏi đặc sản quê nhà. Những chiếc lá bánh tẻ tươi ngon được rửa sạch, trần qua với nước cơm sôi để bớt vị đắng. Sau đó trộn với thịt luộc, tôm luộc, cá sặc khô, dưa leo, xoài xanh, rau thơm, mắm ớt...

Với nhiều người, gỏi lá xoan trắng là món ăn dân giã nhưng không phải sơn hào hải vị nào cũng sánh bằng. Du khách phương xa được thưởng thức dù chỉ một lần cũng đủ để nhớ nhung hương vị độc đáo khác biệt của món gỏi. Ngoài ra, lá của cây xoan ăn gỏi còn chứa nhiều chất quý có tác dụng chữa bệnh. Tuy nhiên, cần phân biệt với lá của cây xoan hoa tím chứa độc tố không thể ăn được.

lá sầu đâu 2
Lá cây sầu đâu Ấn Độ có thể chế biến món gỏi ăn rất ngon

Lá sầu đâu có tác dụng gì?

Từ xa xưa, cây sầu đâu đã được người dân Ấn Độ ứng dụng rộng rãi để làm thuốc chữa bệnh. Y học hiện đã cũng có nhiều nghiên cứu chứng minh lợi ích cải thiện sức khỏe của cây sầu đâu. Từ rễ đến thân, cành, lá, hoa và quả của sầu đâu đều có thể sử dụng được. Phổ biến nhất là dùng lá để ăn, nấu lấy nước, làm tinh dầu hoặc giã nát đắp vào vết thương.

Theo nghiên cứu, lá cây xoan ăn gỏi chứa chất azadirachtin đóng vai trò như một chất khử trùng, chống viêm, chống khuẩn. Vì vậy, nó có thể loại bỏ vi trùng, vi khuẩn và chữa lành tổn thương trên da, đặc biệt là bệnh về da liễu. Lá này có thể xay nhuyễn để đắp vào các vết lở loét, vùng da bị kích ứng. Tắm, rửa hoặc gội đầu bằng nước lá cây sầu đâu giúp khử khuẩn ngoài da. Lá xoan sầu đâu được sử dụng như một giải pháp chữa nấm, ghẻ lở, ngứa vùng kín…

Đặc tính chống viêm của lá xoan sầu đâu còn có tác dụng giảm đau khớp. Nghiên cứu khoa học đã chứng minh chất polysaccharides trong lá này giúp làm giảm kích ứng ở các khớp, từ đó giảm đau và cải thiện sức khỏe của xương khớp. Nghiên cứu lâm sàng về lá xoan sầu đâu cho thấy khả năng ngăn chặn chảy máu nướu, giảm sâu răng và bảo vệ sức khỏe răng miệng.

lá sầu đâu 3
Sử dụng lá sầu đâu giúp chữa bệnh ngoài da, giảm đau xương khớp và bảo vệ răng miệng

Giá trị y học của lá xoan sầu đâu còn phải kể đến tác dụng giảm lượng đường trong máu. Vị đắng của lá giúp chống lại bệnh tiểu đường. Nhai 3 - 4 lá tươi khi đói hoặc sắc lấy nước uống sẽ kiểm soát được chỉ số đường huyết. Chiết xuất lá cây sầu đâu cải thiện lưu thông máu, giảm nguy cơ đông máu để bảo vệ tim mạch. Ngoài ra, nó còn có khả năng điều hòa huyết áp, chống đột quỵ.

Đặc tính chống viêm, kháng khuẩn của lá xoan sầu đâu còn có tác dụng chống lại tác nhân gây đột biến gen, từ đó phòng ngừa bệnh ung thư. Theo nghiên cứu đã công bố vào năm 2014 trên tạp chí Leukemia and Lymphoma, chiết xuất lá cây sầu đâu có thể điều trị bệnh bạch cầu lymphocytic mãn tính. Đây là một dạng ung thư máu và tủy.

Đông y cổ truyền thường dùng lá cây sầu đâu để chữa sốt rét, bệnh phong, giun đường ruột, chảy máu mũi, rối loạn mắt… Ngoài ra, lá này còn có tác dụng ngừa thai, làm sảy thai. Chiết xuất lá cây sầu đâu ứng dụng đa dạng trong sản xuất thuốc và dược phẩm, mỹ phẩm, dầu gội đầu, tinh dầu, nước súc miệng, thuốc viên, bột… Tính kháng khuẩn, chống nấm, khử trùng của lá cây sầu đâu cũng được ứng dụng làm thuốc trừ sâu, thuốc đuổi côn trùng.

lá sầu đâu 4
Lá cây sầu đâu có thể điều chế thuốc, dược mỹ phẩm

Cảnh báo tác dụng phụ của lá cây sầu đâu

Sầu đâu ăn được lá nhưng bạn chớ lạm dụng. Lá cây sầu đâu có các tác dụng phụ như: Nôn mửa, tiêu chảy, rối loạn nhịp tim, suy thận. Mỗi tuần, bạn chỉ nên ăn 2 - 3 bữa lá xoan sầu đâu, tránh ăn liên tục hàng ngày. Đối việc dùng lá để chữa bệnh, tùy tình trạng bệnh mà bạn dùng 5 - 10 lá mỗi ngày. Các bộ phận khác từ cây sầu đâu như: Hoa, quả, rễ, vỏ cây cũng không nên tùy tiện sử dụng.

Những người đang mong muốn thụ thai, phụ nữ có thai hoặc cho con bú tuyệt đối không dùng là cây sầu đâu. Tác dụng ngừa thai, phá thai của lá cây sầu đâu sẽ ảnh hưởng xấu đến quá trình thụ thai và sức khỏe thai kỳ.

Y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian có rất nhiều bài thuốc hay từ thảo mộc. Tuy nhiên, bạn cần tìm hiểu kỹ lưỡng để sử dụng đúng liều lượng và phòng tránh tác hại ngoài ý muốn. Thay vì phân vân khi dùng lá cây chữa bệnh, bạn nên tham khảo các loại dược phẩm, thuốc được điều chế từ thảo mộc.

lá sầu đâu 5
Phụ nữ mang thai tuyệt đối không ăn lá cây sầu đâu

Lá sầu đâu thường được dùng để điều trị một số vấn đề như chảy máu mũi, giun đường ruột, buồn nôn, ăn mất ngon, loét da, bệnh tim mạch, sốt, tiểu đường, bệnh nướu răng và các vấn đề về gan. Bên cạnh đó, kiểm soát sinh sản cũng là một công dụng khác của lá sầu đâu ít người biết đến.

Ngày nay, các bệnh về huyết áp, tim mạch, tiểu đường, da liễu đều có thuốc chữa hoặc hỗ trợ điều trị. Các thực phẩm chức năng tăng cường sức khỏe cũng rất đa dạng. Bạn có thể liên hệ tới hệ thống Nhà Thuốc Long Châu để được tư vấn và tìm hiểu về thuốc, thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe.

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Suckhoedoisong

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm