1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Hình ảnh viêm da cơ địa người lớn: Nguyên nhân và cách điều trị

Phượng Hằng

03/07/2025
Kích thước chữ

Viêm da cơ địa là một trong những bệnh lý da liễu mạn tính phổ biến không chỉ ở trẻ nhỏ mà cả người trưởng thành cũng có thể mắc phải. Ở người lớn, bệnh thường tiến triển phức tạp hơn, dễ tái phát và gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống. Qua những hình ảnh viêm da cơ địa người lớn, chúng ta có thể nhận diện rõ ràng các biểu hiện của bệnh để chủ động điều trị sớm. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này và đâu là hướng điều trị hiệu quả? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết trong nội dung dưới đây.

Viêm da cơ địa người lớn là một dạng viêm da mạn tính phổ biến, đặc trưng bởi tình trạng da khô, ngứa dai dẳng và dễ bùng phát theo từng đợt. So với trẻ nhỏ, người lớn khi mắc bệnh thường gặp các triệu chứng kéo dài hơn, có nguy cơ nhiễm trùng da cao và tác động tiêu cực đến sinh hoạt hằng ngày. Việc nhận diện sớm nguyên nhân, dấu hiệu và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp là yếu tố then chốt giúp kiểm soát bệnh hiệu quả và hạn chế các biến chứng về sau.

Viêm da cơ địa ở người lớn là gì?

Viêm da cơ địa người lớn còn gọi là chàm thể tạng, là một bệnh lý da mạn tính đặc trưng bởi tình trạng ngứa ngáy kéo dài và dễ tái phát. Bệnh phát sinh khi hàng rào bảo vệ da bị suy yếu, rối loạn hệ miễn dịch và chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài như hóa chất, thời tiết hanh khô, dị nguyên trong không khí, thực phẩm hoặc nhiễm khuẩn.

Dù phổ biến ở trẻ em, song viêm da cơ địa vẫn xuất hiện ở khoảng 10% người trưởng thành. Ở nhóm tuổi này, các triệu chứng thường nghiêm trọng hơn, với biểu hiện là các mảng da dày, khô ráp, bong vảy, thô sần và ngứa dữ dội, dễ dẫn đến nứt nẻ hoặc trầy xước. Tình trạng thường tập trung ở các vùng da như cổ, gáy, lòng bàn tay, bàn chân và các vị trí có nếp gấp lớn.

Hình ảnh viêm da cơ địa người lớn: Nguyên nhân và cách điều trị 1
Viêm da cơ địa ở người lớn (chàm thể tạng) là bệnh da mạn tính, gây ngứa kéo dài và dễ tái phát

Nguyên nhân viêm da cơ địa ở người lớn và yếu tố khởi phát

Dưới đây là những nguyên nhân gây viêm da cơ địa người lớn và các yếu tố khởi phát mà bạn đọc nên biết:

Di truyền học

Yếu tố di truyền được xem là nguyên nhân phổ biến hàng đầu dẫn đến viêm da cơ địa. Nếu trong gia đình có người từng mắc các bệnh lý dị ứng như chàm, hen suyễn, viêm mũi dị ứng hoặc viêm kết mạc dị ứng, thì nguy cơ mắc bệnh ở thế hệ sau sẽ cao hơn. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa bệnh và đột biến gene FLG, đây là gene chịu trách nhiệm tổng hợp filaggrin, một loại protein giúp bảo vệ và duy trì hàng rào da khỏe mạnh.

Rối loạn hàng rào bảo vệ da

Làn da khỏe mạnh hoạt động như một “lá chắn” bảo vệ khỏi các tác nhân gây hại và duy trì độ ẩm tự nhiên. Tuy nhiên, ở người bị viêm da cơ địa, do sự thiếu hụt các chất thiết yếu như filaggrin, ceramide và cystatin A, lớp hàng rào này trở nên suy yếu. Điều này làm da dễ bị mất nước, nhạy cảm với môi trường bên ngoài và dễ khởi phát các triệu chứng như khô da, ngứa, bong tróc và viêm đỏ.

Yếu tố miễn dịch

Hệ miễn dịch đóng vai trò bảo vệ cơ thể trước vi khuẩn và virus. Nhưng khi hệ miễn dịch bị mất cân bằng, kết hợp với yếu tố di truyền và tổn thương hàng rào da, sẽ dẫn đến việc sản sinh quá mức các chất gây viêm. Chính điều này kích hoạt các phản ứng viêm da kéo dài và dễ tái phát, đặc biệt ở người lớn.

Hình ảnh viêm da cơ địa người lớn: Nguyên nhân và cách điều trị 2
Hệ miễn dịch mất cân bằng cộng với di truyền và tổn thương hàng rào da, khiến cơ thể tạo ra quá nhiều chất gây viêm

Tác động của môi trường

Thời tiết hanh khô, ô nhiễm không khí, khói thuốc lá, lông động vật, phấn hoa, nấm mốc hay các hóa chất trong mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc da đều có thể khiến da bị kích ứng. Ngoài ra, một số thực phẩm như trứng, đậu phộng, đậu nành, hải sản hay lúa mì cũng có thể là tác nhân gây bùng phát bệnh ở những người có cơ địa dị ứng.

Mất cân bằng hệ vi sinh trên da

Da của người khỏe mạnh chứa hệ vi sinh vật phong phú gồm vi khuẩn, nấm và các vi sinh vật khác giúp duy trì môi trường da ổn định. Ở người bị viêm da cơ địa, hệ vi sinh này thường bị rối loạn, tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại như tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) phát triển mạnh. Loại vi khuẩn này tiết ra độc tố gây viêm, khiến tình trạng da trở nên nghiêm trọng hơn.

Hình ảnh viêm da cơ địa người lớn

Hình ảnh viêm da cơ địa ở người lớn thường cho thấy làn da khô sần, dễ kích ứng và trở nên nhạy cảm hơn bình thường. Những vết gãi lặp đi lặp lại khiến da mỏng yếu, dễ bị tổn thương và kéo dài quá trình hồi phục.

Hình ảnh viêm da cơ địa người lớn: Nguyên nhân và cách điều trị 3
Làn da trở nên mẫn cảm, dễ bị tổn thương và khô sần hơn do hành động gãi lặp đi lặp lại

Vùng da bị viêm thường xuất hiện các mảng đỏ, sưng nhẹ hoặc đổi màu rõ rệt. Mức độ thay đổi màu sắc có thể khác nhau tùy theo sắc tố da của mỗi người.

Hình ảnh viêm da cơ địa người lớn: Nguyên nhân và cách điều trị 4
Da xuất hiện vùng viêm, sưng đỏ hoặc đổi màu tùy sắc tố da mỗi người mà mức độ khác nhau

Biểu hiện điển hình của viêm da cơ địa người lớn là da bong tróc, khô ráp và nứt nẻ ở các vị trí dễ bị ảnh hưởng như tay, chân hoặc vùng cổ. Những tổn thương này khiến người bệnh luôn cảm thấy ngứa ngáy và khó chịu kéo dài.

Hình ảnh viêm da cơ địa người lớn: Nguyên nhân và cách điều trị 5
Viêm da cơ địa người lớn thường biểu hiện qua tình trạng da khô ráp, bong tróc và dễ nứt nẻ ở các vùng bị ảnh hưởng

Triệu chứng viêm da cơ địa ở người lớn

Viêm da cơ địa người lớn có thể biểu hiện ở cả giai đoạn cấp tính và mạn tính, tùy theo tình trạng da và cơ địa từng người.

Triệu chứng trong giai đoạn cấp tính

Viêm da cơ địa ở người lớn trong giai đoạn cấp thường khởi phát đột ngột với các biểu hiện rõ rệt như da viêm đỏ, nổi mụn nước li ti, chảy dịch và có nguy cơ nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm. Tình trạng này gây cảm giác ngứa rát khó chịu và dễ lan rộng nếu không được xử lý kịp thời. Các vùng da thường bị ảnh hưởng gồm lòng bàn tay, bàn chân, mi mắt, khuỷu tay, đầu gối, cổ và có thể lan ra nhiều khu vực khác.

Triệu chứng trong giai đoạn mạn tính

Khi bệnh chuyển sang giai đoạn mạn tính, da có xu hướng trở nên khô, dày sừng, bong vảy, sẫm màu và ngứa kéo dài. Gãi thường xuyên khiến da thô ráp, dễ nứt nẻ và nhạy cảm hơn bình thường. Ngoài các tổn thương trên da, người bệnh còn có thể gặp một số biểu hiện đi kèm như viêm môi, thâm quầng quanh mắt, viêm kết mạc hoặc chàm quanh núm vú.

Phần lớn người lớn mắc viêm da cơ địa có tiền sử bản thân hoặc gia đình bị các bệnh lý dị ứng như hen suyễn, viêm mũi dị ứng hay viêm kết mạc dị ứng, đều là những yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển bệnh và khiến tình trạng kéo dài dai dẳng hơn.

Hình ảnh viêm da cơ địa người lớn: Nguyên nhân và cách điều trị 6
Gãi thường xuyên khiến da thô ráp, dễ nứt nẻ và nhạy cảm hơn bình thường

Cách chữa viêm da cơ địa người lớn

Sau đây là những cách chữa viêm da cơ địa người lớn:

Dưỡng ẩm đúng cách

Dưỡng ẩm là bước nền tảng và không thể thiếu trong điều trị viêm da cơ địa. Việc thoa kem dưỡng đều đặn giúp phục hồi hàng rào bảo vệ da, giảm khô ngứa và hạn chế tái phát. Nên ưu tiên sản phẩm không chứa hương liệu, paraben, dầu khoáng hoặc các chất gây kích ứng. Có thể chọn loại chứa thành phần kháng viêm tự nhiên như flavonoid, riboflavin, probiotics hoặc prebiotics. Người lớn nên dùng ít nhất 250g kem dưỡng mỗi tuần, thoa 2 lần/ngày và đặc biệt ngay sau khi tắm khi da còn ẩm để giữ nước tối ưu. Trong trường hợp da vẫn khô ráp và ngứa dai dẳng, bác sĩ có thể chỉ định phương pháp băng ép cấp ẩm nhằm hỗ trợ giảm viêm và cải thiện tổn thương da.

Thuốc bôi ngoài da

Đây là phương pháp điều trị đầu tiên khi bệnh xuất hiện. Các loại thuốc bôi có thể ở dạng kem, gel hoặc mỡ, giúp giảm viêm, ngứa và phục hồi da. Tùy vào mức độ bệnh và vị trí tổn thương, bác sĩ sẽ chỉ định loại phù hợp.

Hình ảnh viêm da cơ địa người lớn: Nguyên nhân và cách điều trị 7
Bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc bôi ngoài da phù hợp vào mức độ bệnh và vị trí tổn thương

Corticosteroid bôi ngoài

Được sử dụng phổ biến trong giai đoạn cấp tính. Tác dụng giảm viêm, giảm ngứa nhanh chóng. Với vùng da nhạy cảm như mặt hoặc nếp gấp, nên dùng loại tác dụng nhẹ hơn. Cần tuân theo chỉ định bác sĩ để tránh biến chứng như mỏng da, rạn da hoặc giãn mao mạch.

Thuốc bôi ức chế calcineurin

Tacrolimus (Protopic) và pimecrolimus (Elidel) là lựa chọn thay thế corticosteroid, đặc biệt phù hợp cho vùng da nhạy cảm. Có thể gây châm chích nhẹ khi mới sử dụng. Tránh tiếp xúc ánh nắng trực tiếp sau khi bôi thuốc để giảm nguy cơ kích ứng.

Thuốc bôi kháng khuẩn, kháng nấm

Chỉ dùng khi có dấu hiệu nhiễm trùng trên vùng da tổn thương như sưng tấy, mưng mủ hoặc có mùi hôi. Các loại thuốc này giúp kiểm soát bội nhiễm, ngăn bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

Thuốc ức chế miễn dịch toàn thân

Dành cho các trường hợp nặng, dai dẳng hoặc không đáp ứng với điều trị tại chỗ. Một số thuốc như corticoid đường uống, cyclosporine, methotrexate, MMF hoặc azathioprine có thể được bác sĩ kê đơn. Cần theo dõi chặt chẽ do nguy cơ tác dụng phụ cao khi sử dụng lâu dài.

Thuốc sinh học (Biologics)

Áp dụng khi bệnh tiến triển nặng, kéo dài và không đáp ứng với các liệu pháp thông thường. Thuốc sinh học như dupilumab (Dupixent) hoạt động bằng cách ức chế các chất gây viêm. Đây là hướng điều trị hiện đại, đã được FDA công nhận từ năm 2017 cho các trường hợp viêm da cơ địa mức độ trung bình đến nặng.

Quang trị liệu (liệu pháp ánh sáng)

Là lựa chọn thay thế khi thuốc uống và thuốc bôi không hiệu quả. Phương pháp dùng tia UV nhân tạo chiếu lên da từ 2-3 lần mỗi tuần trong vài tuần hoặc vài tháng. Tuy nhiên, điều trị kéo dài có thể gây lão hóa da và tăng nguy cơ ung thư da, nên cần thực hiện dưới sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa.

Hình ảnh viêm da cơ địa người lớn: Nguyên nhân và cách điều trị 8
Quang trị liệu kéo dài có thể gây lão hóa da

Hướng dẫn chăm sóc da cho người bị viêm da cơ địa

Chăm sóc da đúng cách đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát viêm da cơ địa ở người lớn, giúp giảm triệu chứng và ngăn bệnh tái phát. Dưới đây là những lưu ý cơ bản cần thực hiện hằng ngày:

  • Dưỡng ẩm da ít nhất 2 lần/ngày bằng kem hoặc thuốc mỡ. Nên chọn sản phẩm không chứa cồn, hương liệu, chất tạo màu hay chất bảo quản.
  • Nếu có chỉ định chỉ dùng kem corticoid trước bước dưỡng ẩm, tối đa 2 lần/ngày và giảm dần khi da cải thiện.
  • Tắm bằng nước ấm (27-30°C) dưới 10 phút, dùng sữa tắm dịu nhẹ và thoa kem dưỡng trong vòng 5 phút sau khi tắm.
  • Ưu tiên mặc quần áo mỏng, thoáng bằng cotton, tránh vải len, lông động vật hoặc sợi tổng hợp. Hạn chế xà phòng, không dùng nước xả vải khi giặt.
  • Tránh tiếp xúc với khói thuốc, bụi và thực phẩm dễ gây dị ứng.
  • Không nên gãi thay vào đó hãy vỗ nhẹ, chườm mát hoặc thoa kem dưỡng. Cắt móng tay và đeo găng vải khi ngủ để tránh làm trầy xước da.
  • Giữ tinh thần thoải mái bằng cách nghỉ ngơi hợp lý, thiền hoặc vận động nhẹ để hỗ trợ điều trị hiệu quả hơn.

Thực hiện đầy đủ các bước chăm sóc sẽ giúp da phục hồi tốt và hạn chế nguy cơ bệnh tiến triển nặng hơn.

Hình ảnh viêm da cơ địa người lớn: Nguyên nhân và cách điều trị 9
Nên vận động nhẹ để hỗ trợ điều trị hiệu quả hơn

Phòng ngừa viêm da cơ địa ở người lớn

Để phòng ngừa viêm da cơ địa ở người lớn, cần chủ động chăm sóc và bảo vệ da đúng cách. Một số biện pháp quan trọng gồm:

  • Vệ sinh da đúng cách: Rửa vùng da tiếp xúc với chất gây kích ứng bằng sản phẩm dịu nhẹ, sau đó thoa dưỡng ẩm ngay để giữ ẩm và bảo vệ da.
  • Bảo vệ da tay: Luôn đeo găng tay khi tiếp xúc với hóa chất. Ưu tiên găng Nitrile và có thể lót thêm găng vải mỏng để hạn chế kích ứng.
  • Chọn sản phẩm phù hợp: Tránh dùng mỹ phẩm, xà phòng có hương liệu hoặc chất bảo quản. Nên thử trước sản phẩm trên vùng da nhỏ và theo dõi phản ứng sau 24 giờ.
  • Dưỡng ẩm đều đặn: Thoa kem dưỡng mỗi ngày để củng cố hàng rào bảo vệ da, giúp giảm khô ngứa và nguy cơ tái phát.
  • Xác định yếu tố kích ứng: Theo dõi và tránh các yếu tố từng làm bùng phát bệnh. Khi cần, bác sĩ có thể chỉ định test dị ứng để xác định chính xác nguyên nhân.
  • Tuân thủ điều trị: Dù da đã ổn định vẫn nên dùng thuốc và tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ để duy trì hiệu quả và ngăn tái phát.

Chăm sóc da khoa học kết hợp điều trị đúng cách sẽ giúp kiểm soát viêm da cơ địa hiệu quả và hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Hình ảnh viêm da cơ địa người lớn: Nguyên nhân và cách điều trị 10
Thoa kem dưỡng mỗi ngày để củng cố hàng rào bảo vệ da

Câu hỏi thường gặp

Sau đây là những câu hỏi thường gặp xoay quanh viêm da cơ địa người lớn mà bạn có thể tham khảo:

Bị viêm da cơ địa tắm sữa tắm được không?

Câu trả lời là không nên sử dụng sữa tắm thông thường, vì chúng có thể chứa hương liệu, chất tạo bọt hoặc hóa chất dễ gây kích ứng. Thay vào đó, nên chọn sữa tắm chuyên biệt dành cho da nhạy cảm, có độ pH cân bằng, thành phần dịu nhẹ và không chứa chất gây dị ứng để hỗ trợ làm sạch mà vẫn bảo vệ hàng rào da.

Viêm da cơ địa ở người lớn có chữa được không?

Viêm da cơ địa ở người lớn là một bệnh lý mạn tính và hiện chưa có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể kiểm soát tốt triệu chứng thông qua việc sử dụng thuốc bôi, thuốc uống hoặc kết hợp các liệu pháp hỗ trợ phù hợp.

Thuốc trị Viêm da cơ địa tốt nhất?

Thuốc điều trị viêm da cơ địa không có loại “tốt nhất” áp dụng chung cho tất cả mọi người, vì lựa chọn thuốc còn phụ thuộc vào mức độ bệnh, vị trí tổn thương và cơ địa từng người. Do đó, người bệnh nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ thăm khám và kê đơn điều trị phù hợp, đảm bảo an toàn và hiệu quả lâu dài.

Bị viêm da cơ địa nên kiêng ăn gì?

Sau đây là những thực phẩm nên kiêng khi bị viêm da cơ địa:

  • Thịt đỏ: Gây viêm, nên thay bằng thịt gà, cá.
  • Sữa và chế phẩm từ sữa: Dễ gây dị ứng, ngứa.
  • Đồ ngọt, đường tinh luyện: Làm trầm trọng triệu chứng.
  • Tinh bột tinh chế: Gây mất cân bằng miễn dịch.
  • Hải sản: Gây giải phóng histamin, kích ứng da.
  • Trứng: Tăng ngứa, dễ gây mưng mủ.

Tránh thực phẩm dễ gây kích ứng sẽ giúp kiểm soát tốt viêm da cơ địa và hạn chế tái phát.

Viêm da cơ địa người lớn là bệnh lý mạn tính có thể kéo dài và dễ tái phát nếu không được kiểm soát đúng cách. Việc nhận diện sớm các biểu hiện qua hình ảnh, hiểu rõ nguyên nhân và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp sẽ giúp cải thiện đáng kể tình trạng da. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh biến chứng, người bệnh nên chủ động thăm khám chuyên khoa da liễu càng sớm càng tốt, kết hợp chăm sóc da đúng cách và phòng ngừa tái phát bằng lối sống khoa học.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin