Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Cách điều trị vảy nến chân và phương pháp phòng ngừa bệnh vảy nến

28/04/2025
Kích thước chữ

Nền tảng cho một cuộc sống năng động là một đôi chân khỏe mạnh. Tuy vậy, việc mắc bệnh vảy nến chân có thể khiến cho việc đi lại trở nên khó khăn, gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người bệnh. Vậy bệnh vảy nến cụ thể là gì? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu thêm về căn bệnh này và những cách điều trị bệnh vảy nến qua bài viết sau đây nhé!

Vảy nến chân là một bệnh lý da liễu thường gặp. Người bệnh thường phải đối mặt với cảm giác ngứa ngáy, đau rát và khó chịu khi da bị bong tróc, ửng đỏ. Không chỉ gây ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của người bệnh, căn bệnh này còn có khả năng tái đi tái lại nhiều lần và có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm khác. Hãy cùng tìm hiểu thêm về bệnh vảy nến chân và những biện pháp phòng ngừa căn bệnh này qua bài viết sau đây nhé!

Bệnh vảy nến là gì?

Bệnh vảy nến là tình trạng các mảng da bong tróc tạo thành các lớp vảy nến. Vùng da bị tổn thương thường có màu hồng, đỏ, tím hoặc nâu sẫm. Các lớp vảy trên da có thể có màu trắng, bạc hoặc xám. Những mảng vảy nến có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể, thường thấy ở đầu gối, da đầu, khuỷu tay và lưng dưới. 

Cách điều trị vảy nến chân - Bệnh vảy nến là gì? 1
Bệnh vảy nến là tình trạng các mảng da bong tróc tạo thành các lớp vảy nến trên da

Vảy nến chân thường gây tổn thương vùng da ở chân hoặc lòng bàn chân. Trong trường hợp các nốt vảy bị nứt hoặc chảy máu, người bệnh có thể gặp khó khăn trong việc đi lại. Vảy nến là một bệnh lý mạn tính, không có khả năng lây truyền nhưng lại có thể bắt gặp ở bất kỳ độ tuổi nào. Đặc biệt là ở người lớn từ 20 - 30 tuổi và từ 50 - 60 tuổi, tỷ lệ nam và nữ mắc bệnh tương đương nhau.

Thông thường, người mắc bệnh vảy nến chỉ có những mảng vảy nhỏ xuất hiện trên da, một số trường hợp khác, các mảng vảy có thể gây ngứa ngáy, đau rát. Bệnh vảy nến có những dấu hiệu nhận biết phổ biến như sau:

  • Phát ban khắp cơ thể với nốt vảy như vảy gàu hoặc các nốt ban lớn.
  • Màu sắc của nốt ban tùy thuộc vào màu da của người bệnh, người bệnh da trắng thường bị nổi nốt ban hồng hoặc đỏ với nốt vảy bạc, người bệnh da nâu hoặc đen thường có những nốt ban màu tím.
  • Trẻ em thường bị nổi các đốm vảy nhỏ.
  • Da khô, nứt nẻ, chảy máu.
  • Ngứa ngáy, đau rát.
  • Phát ban theo chu kỳ.

Cách điều trị vảy nến chân

Vậy làm cách nào để điều trị vảy nến chân? Sau đây là một số phương pháp phổ biến giúp điều trị vảy nến ở chân:

Sử dụng thuốc

Để điều trị bệnh vảy nến, người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc kê đơn hoặc không kê đơn để làm dịu các triệu chứng. Đối với những ca mắc bệnh nhẹ, sử dụng steroid có thể hỗ trợ hạn chế các dấu hiệu của bệnh. Người bệnh cũng có thể sử dụng thuốc mỡ, thuốc xịt, các loại kem dưỡng hoặc kem bôi để giúp giảm sưng, ngứa. Bạn cũng có thể thay thế steroid bằng vitamin D hoặc retinol dạng bôi. Việc sử dụng các loại thuốc bôi ngoài da cũng góp phần loại bỏ các mảng vảy một cách hiệu quả.

Cách điều trị vảy nến chân - Bệnh vảy nến là gì? 2
Người bệnh có thể sử dụng thuốc mỡ, thuốc xịt, các loại kem dưỡng hoặc kem bôi để giúp giảm sưng ngứa

Điều trị bằng đèn chiếu tia UV

Bạn có thể chuyển sang điều trị với đèn chiếu tia UV nếu thuốc bôi ngoài da không có tác dụng. Các bác sĩ da liễu thường sử dụng liệu pháp điều trị các vùng da bị vảy nến bằng tia cực tím (UV). Bạn có thể tìm đến sự hỗ trợ của bác sĩ da liễu hoặc thực hiện điều trị bằng đèn chiếu tia UV cá nhân tại nhà. Việc điều trị bằng tia UV giúp kìm hãm sự phát triển của các tế bào da đã bị ảnh hưởng bởi vảy nến.

Tránh chấn thương ở chân

Các chấn thương ở chân có thể góp phần dẫn đến bệnh vảy nến chân. Theo Viện Y Tế Mỹ, bệnh vảy nến có thể xuất hiện ở một vùng da trước đó chưa bị ảnh hưởng sau khi vùng da đó bị thương, tình trạng này được gọi là Koebner. Do đó, việc phòng tránh các chấn thương ở chân là vô cùng cần thiết đối với người mắc bệnh vảy nến chân. Bạn nên hạn chế mang những đôi giày quá chật hoặc quá rộng, giày cao gót để tránh gây áp lực lên ngón chân. Hãy sử dụng những đôi giày mũi tròn, dép hở ngón, dép xỏ ngón,... để tránh làm ngón chân bị thương.

Cách điều trị vảy nến chân - Bệnh vảy nến là gì? 3
Việc phòng tránh các chấn thương ở chân là vô cùng cần thiết đối với người mắc bệnh vảy nến chân

Duy trì lối sống lành mạnh

Một chế độ ăn phù hợp, kết hợp với thói quen rèn luyện thể thao có thể mang lại những lợi ích to lớn trong quá trình điều trị vảy nến. Những người thừa cân thường phải đối mặt với những triệu chứng bệnh vảy nến nghiêm trọng hơn so với người bình thường. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng việc kết hợp lối sống lành mạnh với những liệu pháp điều trị khác giúp cải thiện bệnh vảy nến một cách đáng kể.

Biện pháp phòng ngừa bệnh vảy nến

Bệnh vảy nến không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của người bệnh mà còn có thể kéo dài suốt đời, gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được kiểm soát tốt. Vì vậy, việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế nguy cơ mắc bệnh cũng như làm chậm tiến triển của bệnh. Một số khuyến nghị phòng ngừa bao gồm:

  • Tăng cường sức đề kháng thông qua chế độ sinh hoạt lành mạnh và dinh dưỡng hợp lý, đặc biệt đối với những người chưa mắc bệnh.
  • Hạn chế tối đa các yếu tố nguy cơ như chấn thương, nhiễm trùng, hoặc các tác nhân gây suy giảm miễn dịch.
  • Đối với người có tiền sử gia đình mắc bệnh vảy nến, nên thực hiện tầm soát định kỳ để phát hiện sớm và can thiệp kịp thời.
  • Thăm khám chuyên khoa định kỳ nhằm được theo dõi, chẩn đoán chính xác và điều trị theo phác đồ phù hợp.
  • Tuân thủ điều trị y khoa, sử dụng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ; đồng thời chú ý vệ sinh da sạch sẽ và bảo vệ da khỏi tác động có hại của ánh nắng mặt trời.
  • Tránh sử dụng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá - những yếu tố có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh.
  • Hạn chế tiêu thụ thực phẩm giàu chất béo xấu và dầu mỡ, vốn có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch.
  • Tăng cường bổ sung các dưỡng chất có lợi như acid folic và omega-3 qua khẩu phần ăn hàng ngày nhằm hỗ trợ chức năng miễn dịch và giảm phản ứng viêm.
Cách điều trị vảy nến chân - Bệnh vảy nến là gì? 4
Khi bị bệnh vảy nến, bạn nên hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời

Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về bệnh vảy nến chân và cách điều trị cũng như phòng tránh căn bệnh này. Bệnh vảy nến là căn bệnh mạn tính kéo dài, cần có sự phối hợp tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ và duy trì lối sống lành mạnh. Hãy ngay lập tức tìm đến sự trợ giúp của các chuyên gia y tế ngay khi phát hiện những triệu chứng của bệnh vảy nến để được hỗ trợ điều trị đúng cách và kịp thời bạn nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin