Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Làm gì khi bị đau bụng dưới ở nam?

Ngày 27/06/2022
Kích thước chữ

Khi có dấu hiệu bị đau bụng dưới ở nam, rất có thể là dấu hiệu cảnh báo cơ quan thuộc vùng bụng dưới gặp vấn đề. Hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu kiến thức cơ bản về tình trạng này cũng như một số nguyên nhân thường gặp và cách xử trí trong bài viết dưới đây nhé!

Trường hợp bị đau bụng dưới ở nam giới có thể là những cơn đau xuất hiện đột ngột hoặc đau âm ỉ, đau theo từng cơn hoặc đau liên tục, tùy vào nguyên nhân. Thông thường, dấu hiệu đau bụng dưới thường phản ánh hệ tiết niệu hay hệ tiêu hóa đang gặp vấn đề, có thể là vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng tới sức khỏe.

Bụng dưới là vị trí nào?

Vùng bụng được chia làm 9 phân khu chia bởi hai đường thẳng song song kẻ từ điểm giữa xương đòn cắt vuông góc với hai đường kẻ ngang. Đường kẻ ngang thứ nhất nối hai điểm thấp nhất của bờ sườn, đường kẻ ngang thứ hai nối hai gai chậu trước trên.

Bụng dưới gồm ba vùng:

  • Vùng hạ vị với các bộ phận quan trọng như trực tràng, hậu môn, ruột non, bàng quang, đoạn niệu quản dưới, tinh hoàn.
  • Hai bên vùng hố chậu gồm đại tràng (đoạn sigma và đoạn manh tràng), ruột thừa.

Vậy nên, vấn đề về bộ phận thuộc vùng bụng dưới thường sẽ biểu hiện bằng triệu chứng đau bụng dưới.

Làm gì khi bị đau bụng dưới ở nam? 1 Phân khu 9 vùng của ổ bụng

Nguyên nhân gây đau bụng dưới ở nam

Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng đau bụng dưới ở nam

Viêm ruột thừa

Nguyên nhân phổ biến là viêm ruột thừa ở nam giới. Khi bị viêm ruột thừa, cơn đau sẽ đột ngột xuất hiện, tăng dần ở vùng bụng dưới bên phải hay vùng hố chậu phải. Cơn đau cũng có thể bắt nguồn từ vùng rốn và lan dần sang vùng hố chậu phải. Triệu chứng kèm theo cơn đau là rối loạn tiêu hóa, sốt cao kèm mệt mỏi nhiều. Đây là một cơn đau cấp tính và cần được đưa vào bệnh viện sớm.

Hội chứng ruột kích thích (IBS)

Hội chứng ruột kích thích hay IBS - Irritable Bowel Syndrome là chứng rối loạn tiêu hóa mãn tính. Bệnh khởi phát nhiều ở lứa tuổi thanh thiếu niên tới trung niên, tỷ lệ cao nhất rơi vào độ tuổi từ 18 - 32 tuổi, giảm dần sau 50 tuổi, nữ giới có nguy cơ mắc hội chứng ruột kích thích gấp đôi nam giới. Bệnh thường gây ra những cơn đau bụng âm ỉ ở vùng bụng dưới. Triệu chứng kèm theo là đầy hơi, tiêu chảy hoặc táo bón. Về nguyên nhân chưa rõ ràng, tuy nhiên, bệnh thường xuất hiện sau căng thẳng kéo dài hoặc chế độ ăn uống không lành mạnh khiến bệnh nặng hơn.

Viêm đại tràng

Viêm đại tràng là bệnh viêm niêm mạc của đại tràng. Bệnh thường rơi vào độ tuổi từ 15 - 35 tuổi, giảm dần sau 50 tuổi. Viêm đại tràng thường bắt nguồn từ chính vi khuẩn trong đường ruột. Mỗi vị trí bị viêm sẽ phản ánh vị trí đau khác nhau, tính chất cơn đau cũng rất đa dạng, có thể đau quặn thắt dữ dội hoặc đau âm ỉ liên tục. Ngoài ra, có các triệu chứng đi kèm như buồn nôn, táo bón hoặc tiêu chảy, chướng bụng, khó tiêu, mệt mỏi…

Làm gì khi bị đau bụng dưới ở nam? 2 Triệu chứng bị đau bụng dưới ở nam có thể do viêm đoạn cuối đại tràng

Nguyên nhân từ đường tiết niệu

Triệu chứng bị đau bụng dưới ở nam có thể kể tới nguyên nhân từ đường tiết niệu:

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu hay UTI - Urinary tract infection do vi khuẩn đi vào từ con đường niệu đạo tới bàng quang. Triệu chứng kèm theo cơn đau rất đa dạng, như tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu nhiều, nước tiểu đục mủ…
  • Sỏi tiết niệu: Sỏi có thể hình thành và xuất hiện ở bất cứ đoạn nào ở đường tiết niệu nhưng nếu bị đau bụng dưới ở nam, có thể là sỏi bàng quang, sỏi tuyến tiền liệt hoặc sỏi kẹt tại đoạn niệu quản dưới. Biểu hiện với cơn đau bụng dưới kèm tiểu buốt, tiểu khó, nước tiểu đục, sẫm màu…

Bệnh lý phụ khoa ở nam

Bệnh thường gặp là:

  • Viêm tiền liệt tuyến: Biểu hiện bởi cơn đau âm ỉ ở vùng bụng dưới, có thể lan ra sau lưng, đau quanh gốc dương vật kèm các triệu chứng khác như sốt, tiểu nhỏ giọt, tinh dịch kèm máu.
  • Xoắn tinh hoàn: Nếu bị đau bụng dưới ở nam một cách đột ngột, dữ dội có thể do thừng tinh bị xoắn xung quanh tinh hoàn. Kèm theo đó là tinh hoàn sưng to, đề lâu có thể chuyển màu tím. Cần đưa bệnh nhân tới bệnh viện gấp.

Sa tạng gây đau

Đối với nam giới thường bê vật nặng hoặc tập thể thao nặng có thể gây sa tạng hay thoát vị, vị trí thường gặp là thoát vị bẹn. Thoát vị là hiện tượng một vùng cơ hay mô của cơ quan nhô ra ngoài. Cơn đau của thoát vị thường xuất hiện khi làm việc nặng, kèm theo đó là xuất hiện một khối lồi ra quanh vùng bẹn bìu. Thoát vị bẹn không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe nhưng vẫn cần đi khám và điều trị.

Nếu bị đau bụng dưới ở nam, nguyên nhân rất đa dạng. Vì vậy, nên đi khám bác sĩ để xác định được chính xác nguyên nhân cũng như tìm được phương pháp điều trị phù hợp nhất.

Làm gì khi bị đau bụng dưới ở nam? 3 Thoát vị bẹn là vị trí thường gặp gây đau bụng dưới ở nam

Cách xử trí khi bị đau bụng dưới ở nam

Bụng dưới là vị trí chứa nhiều cơ quan quan trọng. Khi một cơ quan gặp vấn đề sẽ ảnh hưởng tới chức năng hoạt động của các cơ quan khác, như lan viêm nhiễm, chèn ép cơ quan khác. Do đó, nếu bị đau bụng dưới ở nam, nữ, trẻ em hay người già, bạn đều cần đi khám bác sĩ để nắm được thông tin cần thiết, xác định nguyên nhân và tiếp nhận phác đồ điều trị phù hợp.

Tuy nhiên, nếu bạn theo dõi triệu chứng chỉ biểu hiện nhẹ, tạm thời, không kèm các triệu chứng nặng khác như nôn mửa, táo bón nặng, tiêu chảy kéo dài, đại tiện ra máu…bạn có thể áp dụng các phương pháp được tổng hợp dưới đây giúp làm giảm cơn đau bụng dưới:

  • Chườm ấm là cách giảm đau bụng dưới hiệu quả và nhanh chóng. Nhiệt độ ấm khiến các cơ vùng bụng giãn và thả lỏng.
  • Xoa bóp vùng bụng nhẹ nhàng: Nằm ngửa và xoa bóp bụng nhẹ nhàng giúp giảm bớt cơn đau. Động tác cơ bản đó là hơ ấm bàn tay, lấy rốn làm trung tâm, xoa đều nhẹ nhàng quanh rốn khoảng vài phút.
  • Trà gừng: Gừng có tính ấm hỗ trợ lưu thông tuần hoàn, xoa dịu cơn đau bụng dưới. Ngoài ra, trà gừng kích thích tiết dịch vị và chống viêm hiệu quả, giúp làm giảm tình trạng rối loạn tiêu hóa cũng như hỗ trợ điều trị viêm ruột, viêm đại tràng.
  • Uống thuốc giảm đau: Nếu bạn có đủ thông tin cần thiết về liều lượng cần dùng và tác dụng của thuốc, thuốc giảm đau không kê đơn sẽ giúp làm giảm cơn đau bụng dưới hiệu quả. Một số loại thuốc phổ biến như paracetamol, thuốc giảm co thắt cơ trơn, thuốc kháng acid. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, bạn cần sự tư vấn và hướng dẫn của dược sĩ và bác sĩ, đặc biệt về liều lượng, tác dụng và tác dụng phụ không mong muốn.
Làm gì khi bị đau bụng dưới ở nam? 4 Chườm ấm làm giảm đau bụng dưới tạm thời hiệu quả

Trên đây là bài viết của Nhà Thuốc Long Châu về nguyên nhân và cách xử trí khi bị đau bụng dưới ở nam giới. Hy vọng với bài viết này, bạn có thể biết được những thông tin cơ bản về tình trạng này. Đau bụng dưới ở nam thường phản ánh vấn đề bất thường ở hệ tiêu hóa và hệ tiết niệu. Nếu triệu chứng kéo dài, thường xuyên và kèm các triệu chứng khác như buồn nôn, táo bón, tiêu chảy, tiểu buốt…Bạn cần tới gặp bác sĩ để có phương pháp điều trị phù hợp nhất.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTừ Vĩnh Khánh Tường

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Võ Trường Toản. Có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin