Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bị đau quặn bụng dưới do nguyên nhân gì? Đau quặn bụng dưới phải làm sao?

Ngày 07/01/2025
Kích thước chữ

Cơn đau quặn bụng dưới là tình trạng thường gặp ở khá nhiều người. Có trường hợp đau bụng dưới không đáng lo ngại nhưng mặt khác, cũng có những trường hợp là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe đang có vấn đề. Vậy, bị đau quặn bụng dưới phải làm sao?

Đau quặn bụng dưới là tình trạng bụng bị đau nhói, đau quặn từng cơn vùng dưới rốn và mức độ đau có thể từ nhẹ đến nặng. Mời bạn đọc hãy theo dõi bài viết dưới đây để hiểu thêm về cơn đau quặn bụng dưới cũng như cách để khắc phục tình trạng này tại nhà.

Đau bụng dưới là gì?

Vùng bụng dưới sẽ bao gồm các cơ quan như ruột non, trực tràng, đại tràng, ruột thừa, đường tiết niệu, tử cung, buồng trứng,... Đau quặn bụng dưới chính là tình trạng đau quặn từng cơn, xảy ra tại vị trí vùng dưới rốn và mức độ đau có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau bụng. Các cơn đau cũng có thể lan sang các vị trí khác của cơ thể như lưng, hông,...

Các cơn đau thường không quá nguy hiểm, tuy nhiên, nếu chúng xảy ra với mức độ thường xuyên, nghiêm trọng, đi kèm thêm nhiều biểu hiện khác và không được chẩn đoán, điều trị kịp thời thì sẽ gây ảnh hưởng xấu đến tính mạng của người bệnh.

Bị đau quặn bụng dưới phải làm sao?1
Đau quặn bụng dưới là tình trạng khá thường gặp

Các triệu chứng đau quặn bụng dưới

Người bệnh sẽ có những triệu chứng đau quặn bụng dưới khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau quặn bụng dưới. Theo đó, mỗi nguyên nhân sẽ thể hiện bằng các cơn đau khác nhau, người bệnh có thể đau nhói, đau âm ỉ hoặc thậm chí là đau ngắt quãng với các mức độ từ nhẹ đến nặng,... Các cơn đau cũng có thể xuất phát từ vị trí hạ vị, tức là vùng dưới rốn và lan sang tới vùng mông, vùng thắt lưng hay vùng đùi. Ngoài ra, người bệnh có thể cảm nhận rõ cơn đau khi đi tiểu hoặc trong lúc quan hệ tình dục.

Bên cạnh đó, cơn đau quặn bụng dưới còn có thể đi kèm theo một số triệu chứng khác như:

  • Sốt;
  • Các cơn đau dữ dội, ngày một nghiêm trọng hơn và không có dấu hiệu thuyên giảm;
  • Buồn nôn, nôn, nôn ra máu;
  • Hạ huyết áp, người đừ, mạch nhanh nhẹ, sốc,...;
  • Đi tiểu ra máu.

Một khi người bệnh nhận thấy các dấu hiệu đau quặn bụng dưới bất thường, cần nhanh chóng tới ngay các cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và can thiệp điều trị kịp thời khi cần thiết.

Bị đau quặn bụng dưới phải làm sao?2
Đau bụng có thể đi kèm theo một số các triệu chứng khác như sốt, mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn,...

Nguyên nhân gây đau quặn bụng dưới

Bệnh lý tiêu hóa

Có rất nhiều bệnh lý cơ quan đường tiêu hóa có thể gây đau quặn bụng dưới như:

  • Viêm ruột thừa: Nếu bị viêm ruột thừa, các cơn đau có thể xuất hiện một cách đột ngột, âm ỉ rồi nặng dần. Các cơn đau có thể từ vùng quanh rốn, sau đó lan sang các vị trí khác như vùng bụng dưới, hố chậu phải và kèm theo các biểu hiện của rối loạn tiêu hóa khác như nôn, chướng bụng, sốt, chán ăn,...
  • Hội chứng ruột kích thích: Hội chứng ruột kích thích thường gây ra biểu hiện đau vùng bụng dưới âm ỉ hoặc từng cơn.
  • Viêm loét đại tràng mãn tính: Bệnh viêm loét đại tràng mãn tính sẽ gây ra một số các biểu hiện như đau vùng bụng dưới, tiêu chảy, đi ngoài phân nhầy máu, sụt cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi kéo dài,...

Một số các bệnh lý khác như viêm ruột thừa, táo bón mãn tính,... cũng gây ra biểu hiện đau quặn vùng bụng dưới.

Bệnh lý đường tiết niệu

Mặt khác, một số bệnh lý đường tiết niệu cũng là nguyên nhân chính gây ra tình trạng đau quặn bụng dưới. Những bệnh lý thường gặp có thể kể tới bao gồm:

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu: Viêm đài bể thận, viêm niệu đạo cấp, viêm niệu quản,...
  • Tắc nghẽn đường tiết niệu do sỏi, u,...

Ngoài biểu hiện đau quặn bụng dưới, các bệnh lý đường tiết niệu còn gây ra những biểu hiện gây khó chịu khác như tiểu khó, tiểu gắt, bí tiểu, nước tiểu đục màu hoặc có màu sẫm, sốt,... 

Vấn đề phụ khoa ở nữ giới

Ở nữ giới, đau quặn vùng bụng dưới có thể là biểu hiện của một số các vấn đề phụ khoa thường gặp như đau bụng kinh, viêm vùng chậu, lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, u nang buồng trứng, ung thư cổ tử cung, viêm phần phụ,... Các tình trạng bệnh lý này đều rất nguy hiểm và có thể gây ảnh hưởng tới khả năng sinh sản, sức khỏe tổng thể của các chị em về lâu dài nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Theo đó, không chỉ đau quặn bụng dưới, các chị em có thể gặp một vài các triệu chứng khác như sụt cân bất thường, ra máu âm đạo, rối loạn chức năng tiểu tiện,...

Bị đau quặn bụng dưới phải làm sao?3
Các vấn đề về phụ khoa ở nữ giới có thể gây ra biểu hiện đau quặn bụng dưới

Vấn đề nam khoa

Ở nam giới, đau quặn bụng dưới có thể là do:

  • Xoắn tinh hoàn: Tình trạng này khiến cho người bệnh đau bụng dưới một cách bất ngờ và dữ dội, tinh hoàn sưng to, tím tái.
  • Viêm tuyến tiền liệt.

Như bạn đọc có thể thấy, có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra tình trạng đau quặn bụng dưới. Để biết được chính xác nguyên nhân, người bệnh sẽ cần đi thăm khám với các bác sĩ và từ đó đưa ra được phương pháp điều trị đúng đắn, phù hợp. Tuyệt đối không chủ quan bỏ qua các biểu hiện đau hay tự mua thuốc về đề điều trị khi không có sự cho phép của các bác sĩ.

Cải thiện tình trạng đau bụng dưới

Với các trường hợp đau bụng dưới nhẹ, do nguyên nhân không nguy hiểm gây ra thì người bệnh có thể tự chăm sóc, cải thiện sức khỏe tại nhà. Bạn đọc hãy tham khảo một số cách điều trị cơn đau bụng dưới nhẹ tại nhà như:

  • Sử dụng túi trà gừng ấm pha cùng mật ong hoặc sử dụng túi chườm nóng ở vùng bụng để làm dịu các cơn đau đối với những trường hợp đau quặn bụng dưới do rối loạn tiêu hóa hay đến kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ,...
  • Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn như naproxen, paracetamol, ibuprofen,... với các trường hợp đau nhẹ. Tuy nhiên, cần hỏi ý kiến của các bác sĩ, chuyên gia trước khi sử dụng và đảm bảo sử dụng đúng liều lượng quy định, không lạm dụng thuốc để tránh gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn đối với sức khỏe.

Kết hợp với việc duy trì thói quen sống lành mạnh để giảm thiểu tình trạng đau quặn bụng dưới như:

  • Chế độ dinh dưỡng: Bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, tăng cường rau xanh, các loại củ quả để tránh tình trạng rối loạn tiêu hóa, táo bón. Có thể tham khảo sử dụng men vi sinh để bổ sung thêm lợi khuẩn cho hệ tiêu hóa hoạt động tốt.
  • Tránh sử dụng các chất kích thích như rượu bia, đồ uống chứa gas, chứa cồn, thuốc lá,...
  • Duy trì thói quen luyện tập thể dục, các bài tập vận động nhẹ nhàng như đi bộ, yoga có thể giảm bớt mức độ các cơn đau.

Nếu sau khi đã áp dụng các phương pháp trên mà tình trạng đau quặn bụng dưới vẫn không thuyên giảm, kèm theo các biểu hiện khác xuất hiện như sốt, mệt mỏi, chán ăn,... người bệnh hãy tới các cơ sở y tế gần nhất để tìm ra được chính xác nguyên nhân, tình trạng sức khỏe đang gặp phải và có lối điều trị phù hợp.

Bị đau quặn bụng dưới phải làm sao?4
Duy trì lối sống khoa học, lành mạnh để giảm thiểu các cơn đau quặn bụng dưới

Như vậy, đau quặn bụng dưới có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau và người bệnh tuyệt đối không thể chủ quan. Việc hiểu được nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách để cải thiện tình trạng đau quặn bụng dưới sẽ giúp cho bạn đọc biết cách bảo vệ sức khỏe của bản thân cũng như những người thân yêu trong gia đình một cách hiệu quả từ sớm.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin