Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Lâm sàng là gì? Chi tiết về khám lâm sàng và cận lâm sàng

Ngày 09/02/2023
Kích thước chữ

Lĩnh vực y khoa có nhiều thuật ngữ chuyên ngành mà người ngoài khó có thể hiểu rõ và hiểu chính xác. Một trong số đó là thuật ngữ “lâm sàng”. Nếu chưa biết lâm sàng là gì, đây là bài viết dành cho bạn.

Lâm sàng là một thuật ngữ y khoa khá “quen tai” với hầu hết mọi người. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết chính xác lâm sàng là gì? Đặc biệt là các khái niệm liên quan như: Triệu chứng lâm sàng, khám lâm sàng, khám cận lâm sàng,... Trong bài viết này, Long Châu sẽ giúp bạn hiểu rõ. 

Lâm sàng là gì? Các thuật ngữ y khoa liên quan đến lâm sàng

Lâm sàng

Lâm sàng là một thuật ngữ chuyên ngành y tế. Nó được dịch từ từ Clinique trong tiếng Pháp. Trong từ điển tiếng Việt, từ này là một từ Hán Việt. Trong đó “lâm” nghĩa là đến gần một hoàn cảnh nào đó. “Sàng” nghĩa là cái giường, ý nói giường bệnh. Lâm sàng trong y khoa ý chỉ hoạt động khám, nghiên cứu, thử nghiệm… liên quan đến bệnh nhân.

Triệu chứng lâm sàng

Triệu chứng lâm sàng là những triệu chứng gồm: 

  • Triệu chứng do bệnh nhân kê khai với bác sĩ. Thông tin mang tính chủ quan.
  • Triệu chứng bác sĩ phát hiện được khi thăm khám trên bệnh nhân bằng cách quan sát, sờ bằng tay, nghe bằng tai, gõ nhẹ... Đây là những thông tin mang tính khách quan.

Tất cả những triệu chứng này gọi là triệu chứng lâm sàng.

lâm sàng là gì 1
Bạn đã biết lâm sàng là gì rồi chứ?

Chẩn đoán lâm sàng 

Chẩn đoán lâm sàng hay khám lâm sàng là một trong những thủ thuật cơ bản nhất của quy trình khám bệnh. Đây là bước đầu tiên bạn sĩ cần làm khi tiếp xúc với bệnh nhân và chắc chắn sẽ không bác sĩ nào bỏ qua. Thông qua các kỹ năng lâm sàng như nói trên, các bác sĩ sẽ phát hiện được dấu hiệu bất thường hoặc nghi ngờ tổn thương ở một hệ cơ quan nào đó trên cơ thể. Việc này gọi là khám lâm sàng.

Chẩn đoán cận lâm sàng

Chẩn đoán cận lâm sàng hay khám cận lâm sàng là khâu được thực hiện sau bước khám lâm sàng. Khám cận lâm sàng cần sử dụng những kỹ thuật với sự hỗ trợ của các thiết bị máy móc y tế như: Siêu âm, chụp X-quang, chụp cắt lớp CT, chụp cộng hưởng từ, xét nghiệm công thức máu... Đây là kỹ thuật cực quan trọng, giúp bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh một cách chính xác hơn. Ngoài ra, khám cận lâm sàng cũng áp dụng trong trường hợp khám sức khỏe định kỳ.

Bác sĩ lâm sàng 

Bác sĩ lâm sàng là người thực hiện các hoạt động khám lâm sàng. Họ là những người am hiểu lĩnh vực chuyên khoa hoặc đa khoa. Họ biết đánh giá tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và có thể phán đoán bệnh bằng các kỹ năng lâm sàng như quan sát, nghe, sờ nắn, tham vấn…

lâm sàng là gì 2
Bác sĩ lâm sàng chuyên môn càng giỏi càng chẩn đoán bệnh chính xác

Thử nghiệm lâm sàng

Cùng với khái niệm lâm sàng là gì chúng ta cũng có khái niệm thử nghiệm lâm sàng. Thử nghiệm lâm sàng là các nghiên cứu được tiến hành trên con người để chứng minh về tính an toàn và hiệu quả của thuốc hoặc phương pháp trị bệnh.

Trong hầu hết trường hợp, thử nghiệm lâm sàng là thử nghiệm một loại thuốc mới trên con người. Người tham gia thử nghiệm lâm sàng có thể là các tình nguyện viên hoàn toàn khỏe mạnh hoặc những bệnh nhân đang mắc một chứng bệnh cụ thể nào đó. Trước khi tiến hành thử nghiệm lâm sàng, các loại thuốc hay phương pháp trị bệnh đã được thử nghiệm trên động vật để xác định tính an toàn.

Chi tiết về khám lâm sàng và khám cận lâm sàng

Khám lâm sàng

Khám lâm sàng là khâu quan trọng cần thực hiện đầu tiên trong quá trình khám chữa tất cả các bệnh. Mục đích của bước này là giúp các bác sĩ tìm ra những yếu tố có thể tác động hoặc dẫn đến tình trạng sức khỏe như hiện tại của bệnh nhân. Đó có thể làm tiền sử bệnh của bản thân, tiền sử bệnh của gia đình, đặc thù nghề nghiệp, thói quen ăn uống, sinh hoạt và tập luyện, các loại thuốc bệnh nhân đang sử dụng…

Khám lâm sàng cho biết tình trạng ban đầu của bệnh, mức độ nguy cơ mắc bệnh. Đây cũng là căn cứ quan trọng để bác sĩ phán đoán nguyên nhân gây bệnh. Thông qua bước khám này, bác sĩ có thể khoanh vùng và chẩn đoán bệnh dễ dàng hơn. 

Các bác sĩ sẽ dùng những giác quan của mình từ mắt, tai, tay và các dụng cụ đơn giản như đèn, kính lúp, tai nghe, máy đo nhịp tim, huyết áp... để phát hiện các triệu chứng lâm sàng. Ví dụ: Bệnh nhân bị sốt thì mặt thường đỏ, nhịp tim nhanh. Sốt có thể do bộ phận nào đó trong cơ thể bị viêm. Từ những phán đoán ban đầu, bác sĩ sẽ chỉ định những kỹ thuật khám cận lâm sàng phù hợp để kết luận bệnh một cách chính xác nhất. 

lâm sàng là gì 3
Khám lâm sàng trước khi khám cận lâm sàng

Khám cận lâm sàng

Khám lâm sàng là cần thiết nhưng chưa đủ. Sau khi khám lâm sàng để phát hiện ra các triệu chứng lâm sàng, các bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh làm thêm các kỹ thuật khám bệnh khác để có thể chẩn đoán chính xác và đưa ra phương án điều trị hiệu quả. Tùy tình trạng bệnh và triệu chứng, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các kỹ thuật khác nhau như:

  • Xét nghiệm máu tổng quát giúp phát hiện các bệnh lý về máu, bệnh đường tiết niệu, bệnh về thận, bệnh về gan, bệnh huyết áp và tim mạch.
  • Xét nghiệm nước tiểu giúp phát hiện bệnh đường tiết niệu, bệnh về thận, bệnh đường sinh dục.
  • Soi tươi dịch âm đạo giúp phát hiện bệnh phụ khoa ở nữ giới.
  • Điện tâm đồ giúp phát hiện các bệnh về tim.
  • Chụp X-Quang, chụp cắt lớp CT, siêu âm giúp chẩn đoán hình ảnh ở các bộ phận cơ thể hay hệ cơ quan nghi ngờ bị tổn thương...
  • Nội soi để phát hiện các bệnh lý bên trong hệ hô hấp, hệ tiêu hóa...
  • Sinh thiết để phân tích hình ảnh ở mức độ tế bào.
  • Biện pháp nuôi cấy vi sinh để phát hiện vi khuẩn trong các mẫu bệnh phẩm.
  • Xét nghiệm nội tiết tố ở nam và nữ để phát hiện bệnh lý về nội tiết hay đánh giá khả năng sinh sản.

Vậy lâm sàng là gì? Có nhiều thuật ngữ y khoa liên quan đến lâm sàng. Trong đó phổ biến nhất là khám lâm sàng và khám cận lâm sàng. Đây là hai khâu quan trọng không thể thiếu khi khám, chữa bất cứ một bệnh nào. Thiếu một trong hai khâu sẽ khiến bác sĩ khó có thể chẩn đoán chính xác và đưa ra phương án điều trị bệnh hiệu quả. 

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Vinmec.com

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.