Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Xét nghiệm máu tổng quát có vai trò quan trọng như thế nào?

Ngày 27/12/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Xét nghiệm máu tổng quát là một phần của quy trình khám chữa bệnh hoặc khám sức khỏe tổng quát định kỳ. Nếu bạn muốn tìm hiểu rõ hơn về xét nghiệm này thì đừng bỏ qua những thông tin sau.

Xét nghiệm máu tổng quát có thể giúp phát hiện ra các vấn đề về sức khỏe, do đó luôn được sử dụng trong các trường hợp tầm soát sớm các bệnh lý, khám tiền hôn nhân, khám sức khỏe tổng quát… Vậy xét nghiệm máu bao gồm những gì và có tầm quan trọng như thế nào trong khám sức khỏe định kỳ?

Xét nghiệm máu tổng quát gồm những gì?

Để tiến hành xét nghiệm máu tổng quát thì bạn cần phải đến các cơ sở y tế lấy mẫu máu 4 - 8ml từ tĩnh mạch. Sau đó, để có kết quả chính xác thì mẫu máu của bạn sẽ được chuyển tới những phòng phân tích xét nghiệm y khoa.

Xét nghiệm máu tổng quát

Xét nghiệm máu sẽ bao gồm:

Xét nghiệm đường máu (glucose)

Kiểm tra lượng đường trong máu có vượt mức bình thường, xác định xem bạn có bị tiểu đường không? Nếu lượng đường trong máu lúc đói (đã nhịn ăn hơn 8 giờ) đo được cao hơn 126 mg/dl thì có thể bạn đã bị tiểu đường. Bác sĩ sẽ cho bạn kiểm tra lại đường máu lúc đói vào 1 ngày khác hoặc dùng các xét nghiệm chuyên sâu hơn để chẩn đoán kỹ xem bạn có bị tiểu đường hay không?

Xét nghiệm mỡ máu (cholesterol, Triglyceride, LDL-C và HDL-C)

Nếu mỡ máu vượt ngưỡng bình thường thì bạn sẽ có nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, xơ vữa mạch… Mỗi trị số mỡ máu có 1 ý nghĩa khác nhau, bác sĩ sẽ giúp bạn giải đáp và đưa ra kế hoạch cải thiện các chỉ số này, nhằm giảm thiểu nguy cơ các bệnh lý về tim mạch sau này.

Xét nghiệm công thức máu (tổng phân tích tế bào máu)

Đây là 1 phần của xét nghiệm máu tổng quát giúp bạn biết được mình có bị thiếu máu, nhiễm trùng máu hay ung thư máu hay không, lượng các tế bào máu, hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu trong máu có ổn định không, thành phần các tế bào bạch cầu như thế nào?

Xét nghiệm chức năng thận (ure, creatinin)

Thận được biết đến là cơ quan điều hòa và bài tiết các chất dư thừa thông qua nước tiểu. Trong đó, Ure và Creatinin cũng là những chất được thận đào thải qua nước tiểu. Trường hợp nồng độ 2 chất này tăng cao trong máu chỉ điểm chức năng bài tiết của thận bị suy giảm. Nhờ xét nghiệm, bạn sẽ được tư vấn hoặc thực hiện các bước tiếp theo để tìm nguyên nhân hoặc bệnh lý về thận (nếu có).

Xét nghiệm các men của gan (AST, ALT, GGT)

Nồng độ các chất này trong máu tăng cao hơn 2 lần ngưỡng bình thường, giúp xác định tình trạng tổn thương tế bào gan cũng như đánh giá chức năng của gan. Từ đó, bác sĩ sẽ hỗ trợ bạn tìm ra nguyên nhân khiến gan bị tổn thương và đưa ra hướng khắc phục cụ thể. 

Vai trò quan trọng của xét nghiệm máu tổng quát 

Dường như ai cũng biết, khám sức khỏe định kỳ là việc làm rất cần thiết để theo dõi, phát hiện sớm những vấn đề bất thường của cơ thể. Từ đó giúp nâng cao hiệu quả điều trị cũng như tiết kiệm được thời gian và chi phí điều trị. Cùng với các bước khám lâm sàng, xét nghiệm máu là căn cứ rất quan trọng và bước không thể thiếu trong quy trình khám sức khỏe định kỳ. Thậm chí, được ví von như là “tấm gương” phản ánh rõ ràng và chính xác nhất tình trạng sức khỏe của mỗi người.

Xét nghiệm máu tổng quát có vai trò rất quan trọng

Xét nghiệm máu tổng quát có thể giúp theo dõi, phát hiện nhiều loại bệnh phổ biến như mỡ máu, tiểu đường, thiếu máu, gout, đánh giá chức năng gan, thận, tình trạng thừa hoặc thiếu vi chất như canxi, sắt… Nếu kết quả xét nghiệm có vấn đề bất thường, đội ngũ bác sĩ sẽ chỉ định bạn làm các xét nghiệm chuyên sâu hơn để chẩn đoán cũng như phát hiện sớm các bệnh lý nguy hiểm khác như suy thận, ung thư, tim mạch… giúp kịp thời có phương pháp điều trị.

Trước khi làm xét nghiệm máu, cần lưu ý gì?

Để xét nghiệm máu tổng quát mang lại kết quả tốt nhất thì các bạn không nên bỏ qua một số lưu ý quan trọng như sau:

Trước khi xét nghiệm máu

  • Cần tránh sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cafe… vài tiếng trước khi lấy máu xét nghiệm.
  • Tuyệt đối không uống thuốc trước khi làm xét nghiệm. Một số xét nghiệm chỉ có kết quả chính xác khi bệnh nhân không ăn uống gì trước khi làm xét nghiệm 4 - 6 tiếng hoặc không ăn sáng sau khi thức dậy (như xét nghiệm kiểm tra bệnh liên quan đường máu, mỡ máu, tim mạch, gan mật…). Bởi sau khi ăn, chất dinh dưỡng sẽ chuyển hóa thành đường glucose khiến lượng đường trong máu tăng và như vậy làm xét nghiệm, kết quả sẽ không chính xác.
  • Có một số xét nghiệm khác như HIV, suy thận, cường giáp, Alzheimer (chứng mất trí nhớ ở người già)... người bệnh không cần phải nhịn đói trước khi lấy máu.
Nên chủ động xét nghiệm máu

Thời điểm lấy máu xét nghiệm tốt nhất

Thời điểm để lấy máu xét nghiệm máu tổng quát tốt nhất chính là buổi sáng. Khi lấy mẫu máu, trong vòng 12 tiếng trước đó, bạn cần nhịn ăn, không uống nước ngọt, rượu chè, nước hoa quả… Vì các chỉ số sinh hóa máu của một số xét nghiệm nếu làm không đúng thời điểm, sau ăn hoặc sau khi dùng các chất kích thích sẽ cho kết quả không chính xác.

Chắc hẳn, đến đây các bạn cũng đã biết xét nghiệm máu tổng quát gồm những gì và tầm quan trọng của xét nghiệm máu trong việc khám sức khỏe định kỳ. mong rằng từ những thông tin hữu ích đó, bạn sẽ có thêm nhiều kiến thức mới mẻ, thú vị để chăm sóc sức khỏe của mình một cách tốt nhất.

Phiến Trần

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm