Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Lấy tủy răng có ảnh hưởng gì không? Khi nào cần lấy tủy răng?

Ngày 28/05/2022
Kích thước chữ

Phương pháp lấy tủy răng thường được chỉ định đối với những trường hợp sâu răng nặng hay viêm tủy răng. Vậy quy trình lấy tủy răng như thế nào? Lấy tủy răng có ảnh hưởng gì không?

Phần lớn mọi người đều có tâm lý e sợ khi nhắc đến phương pháp lấy tủy răng. Bởi vì tủy răng là nơi chứa nhiều mạch máu, dây thần kinh và đảm nhiệm chức năng quan trọng. Vì vậy nên việc lấy tủy răng có ảnh hưởng gì không được rất nhiều người quan tâm. Nội dung sau đây sẽ giải đáp chi tiết cho thắc mắc này, mời bạn theo dõi.

Lấy tủy răng là phương pháp gì?

Tủy răng có cấu tạo gồm 2 phần là buồng tủy và ống tủy. Đây chính là nơi chứa các mạch máu nuôi dưỡng răng và dây thần kinh truyền cảm giác từ các kích thích bên ngoài vào răng. Tủy răng nằm sâu bên trong và được bảo vệ bởi lớp men và ngà răng nhưng thông với cơ thể bằng những lỗ nhỏ ở chân răng.

Phương pháp lấy tủy răng là phương pháp điều trị loại bỏ tủy răng khi tủy bị nhiễm khuẩn. Bằng cách lấy đi phần tủy răng bị viêm nhiễm đã chết, sau đó làm sạch và khử trùng răng, lấy tủy răng là phương pháp ngăn ngừa nhiễm trùng tủy răng ảnh hưởng đến răng và giúp giữ lại răng.

Nếu tủy răng bị nhiễm trùng mà không được điều trị kịp thời sẽ gây đau nhức răng kéo dài, gây viêm chóp răng nặng. Thậm chí tủy răng có thể bị hoại tử và nghiêm trọng hơn nữa là có thể ảnh hưởng đến cả hàm răng cũng như các cơ quan khác.

Lấy tủy răng có ảnh hưởng gì không, quy trình và khi nào nên lấy Phương pháp lấy tủy răng là phương pháp điều trị loại bỏ tủy răng khi tủy bị nhiễm khuẩn

Khi nào cần điều trị bằng phương pháp lấy tủy răng?

Phương pháp lấy tủy răng thường được bác sĩ chỉ định trong một số trường hợp sau:

  • Sâu răng nghiêm trọng, sâu răng xâm lấn xuống đến chân răng, làm cho người bệnh đau nhức răng kéo dài, đau âm ỉ.
  • Răng bị vỡ, bị mẻ miếng lớn, tủy răng bị lộ ra bên ngoài và xương răng bị viêm nhiễm.
  • Ê buốt răng khi nhai, ăn hoặc uống thức ăn nóng hoặc lạnh.
  • Khi tủy răng bị viêm nhiễm quá nặng gây cảm giác đau nhức lan vào xương, thậm chí lên đến vùng thái dương, não.
  • Xuất hiện mụn nhọt ở nướu và mủ trắng ở chân răng gây mùi hôi khó chịu ở miệng, và tái phát thường xuyên.
  • Sưng, đau và thâm nướu.

Quy trình thực hiện lấy tủy răng

Để trả lời được câu hỏi lấy tủy răng có ảnh hưởng gì không, bạn cần biết được quá trình lấy tủy răng diễn ra như thế nào. Dưới đây là 5 bước thực hiện lấy tủy răng cơ bản:

Lấy tủy răng có ảnh hưởng gì không, quy trình như thế nào Quá trình lấy tủy răng diễn ra với 5 bước cơ bản
  • Bước 1 - Thăm khám và chỉ định chụp X-quang răng: Bước này giúp bác sĩ có cái nhìn tổng quát về cấu trúc răng cần được lấy tủy và tình hình sức khỏe răng miệng hiện tại của bệnh nhân. Bác sĩ nha khoa sẽ thăm khám, sau đó chỉ định người bệnh chụp X-quang để kiểm tra răng bị nhiễm trùng tủy cần được điều trị tủy răng.
  • Bước 2 - Gây tê cục bộ: Nha sĩ sẽ tiến hành gây tê cục bộ để bệnh nhân không cảm thấy đau khi điều trị lấy tủy răng. Thuốc diệt tủy răng có thể được sử dụng trong trường hợp bệnh nhân bị dị ứng với thuốc gây tê.
  • Bước 3 - Đặt đế cao su vào chân răng: Đế cao su sẽ được đặt vào sát răng cần lấy tủy nhằm cách ly giữa răng với nướu và khoang miệng. Việc này giúp ngăn chặn thuốc hoặc hóa chất chảy vào miệng hoặc đường hô hấp gây nguy hiểm đến sức khỏe của bệnh . Bên cạnh đó, đế cao su còn có tác dụng giữ răng được khô sạch trong suốt quá trình thực hiện lấy tủy răng.
  • Bước 4 - Lấy tủy răng: Bác sĩ sẽ sử dụng mũi khoan nha khoa chuyên dụng đã được khử trùng để khoan một lỗ nhỏ vào phần thân răng và đi xuống ống tủy. Sau đó, phần tủy bị viêm nhiễm nằm bên dưới chân răng sẽ được hút sạch bằng tay hoặc bằng máy. Tiếp theo, bác sĩ sẽ tiến hành rửa và làm sạch ống tủy. Người bệnh sẽ được chụp X-quang răng thêm một lần nữa để chắc chắn rằng không còn tủy bị viêm bên trong răng.
  • Bước 5 - Trám ống tủy: Bác sĩ nha khoa dùng vật liệu chuyên dụng để thay thế phần tủy răng được lấy đi, trám và lấp đầy lại phần ống tủy. Đây là bước quan trọng cuối cùng khi tiến hành điều trị bằng phương pháp lấy tủy răng. Bước này yêu cầu phải được thực hiện kỹ lưỡng để làm khít ống tủy. Ở bước này, nha sĩ cũng có thể tiến hành bọc sứ răng đã lấy tủy, việc này tùy theo nhu cầu của người bệnh.

Lấy tủy răng có ảnh hưởng gì không?

Vậy lấy tủy răng có ảnh hưởng gì không? Hiện nay, với sự phát triển của khoa học và công nghệ, các phương pháp điều trị nha khoa ngày càng hiện đại. Điều này giúp hỗ trợ quá trình lấy tủy răng được diễn ra nhẹ nhàng, suôn sẻ và không gây đau đớn cho người bệnh. Tuy nhiên, phương pháp lấy tủy răng vẫn có thể gây ra một số ảnh hưởng như sau:

Lấy tủy răng có ảnh hưởng gì không Răng sau khi lấy tủy không chỉ yếu hơn, mà tuổi thọ của răng cũng giảm
  • Răng yếu và dễ sứt mẻ: Về mặt cấu tạo, răng sau khi bị lấy tủy sẽ yếu hơn. Bởi vì đã bị ngắt sự kết nối với các mạch máu nuôi răng. Do đó răng giòn và dễ bị vỡ, mẻ. Để bảo vệ răng sau khi thực hiện lấy tủy, giải pháp tối ưu được đưa ra là bọc sứ răng.
  • Răng bị xỉn màu: Sau khi lấy tủy, răng sẽ trở nên xỉn màu hơn so với những răng khỏe mạnh khác. Vì răng đã mất sự nuôi dưỡng từ mạch máu. Vậy nên, phương pháp bọc sứ vừa giúp bảo vệ răng khỏi tình trạng mẻ, nứt, cũng vừa che giấu răng bị xỉn màu.
  • Tác động vào xoang mũi: Với những trường hợp điều trị lấy tủy răng ở hàm trên gần với xoang mũi, việc lấy tủy răng có thể gây ảnh hưởng đến xoang mũi. Khí từ dụng cụ lấy tủy có thể thẩm thấu vào xoang mũi khiến bệnh nhân thấy khó chịu trong mũi, tắc mũi hoặc gây đau đầu. Tuy nhiên, ảnh hưởng này rất hiếm gặp và sẽ biến mất hoàn toàn trong khoảng 1 - 2 tuần sau điều trị lấy tủy.
  • Tuổi thọ của răng giảm: Răng sau khi lấy tủy không chỉ yếu hơn, mà tuổi thọ của răng cũng giảm. Chính vì thế nên người bệnh cần phải chăm sóc răng miệng đúng cách để bảo vệ răng.
  • Đau răng, viêm tủy răng: Nếu sau khi điều trị bằng phương pháp lấy tủy răng mà bệnh nhân vẫn còn cảm giác đau răng. Thậm chí còn dẫn đến viêm tủy răng, xuất hiện ủ mủ bên trong xương hàm thì đó có thể là do quá trình điều trị tủy không được đảm bảo về yếu tố vệ sinh. Hoặc cũng có thể là do chưa lấy hết tủy và ống tủy chưa được làm sạch triệt để. Tình trạng đau nhức răng sau khi lấy tủy cũng có thể do quá trình điều trị lấy tủy làm thủng sàn tủy hoặc chóp tủy, hoặc là do trám bít ống tủy không cẩn thận. Khi đó, bệnh nhân cần đến gặp nha sĩ ngay lập tức để được chẩn đoán và chữa trị kịp thời.

Nội dung bài viết trên đã giúp giải đáp thắc mắc lấy tủy răng có ảnh hưởng gì không cho quý bạn đọc. Hy vọng những thông tin bổ ích trên có thể giúp bạn hiểu thêm về phương pháp lấy tủy răng.

Ngọc Hiếu

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.