Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Khỏe đẹp

Lợi ích của tư thế bánh xe trong yoga

Ngày 29/12/2022
Kích thước chữ

Tư thế bánh xe trong yoga là một động tác gập lưng sau chuyên nghiệp đòi hỏi người tập cần phải có nhiều sức mạnh, tính linh hoạt và sự dẻo dai. Hãy cùng Long Châu tìm hiểu thêm về tư thế này nhé!

Tư thế bánh xe là một tư thế trong 7 động tác yoga giúp bạn duy trì sức khỏe, sự trẻ trung. Bên cạnh đó, tư thế này được xem là động tác khó tập, cần có sự kiên nhẫn cũng như lợi ích mang đến cho người tập cực lớn. 

Tư thế bánh xe là gì?

Tư thế bánh xe còn được gọi với tên gọi Tiếng Anh là Wheel Pose, ngoài ra trong tiếng Phạn động tác này là Urdhva Dhanurasana. Tư thế này yêu cầu người tập cần có sự dứt khoát và mạnh mẽ khi ngả lưng ra sau. Động tác này giúp người tập trở nên dẻo dai, chắc khỏe và linh hoạt hơn. Ngoài ra, bộ phần ngực, vai và hông sẽ được mở rộng hiệu quả thông qua động tác này. 

Lợi ích của tư thế bánh xe trong yoga 1

Động tác bánh xe giúp người tập nâng cao sự dẻo dai của cơ thể

Lợi ích của tư thế bánh xe yoga là gì?

Nếu bạn tập luyện thường xuyên với tư thế yoga bánh xe sẽ hỗ trợ tăng cường sức mạnh, cải thiện mức độ linh hoạt của cột sống. Với tạo hình uốn cong cơ thể, lợi ích yoga mang đến cả về sức khỏe lẫn thể chất và tinh thần. Cụ thể, lợi ích tư thế mang đến như:

  • Tư thế yoga bánh xe giúp bạn mở rộng lồng ngực, vai, cải thiện khả năng hô hấp;
  • Tăng cường sức mạnh ở phần chân, cơ bụng, mông, cột sống, cổ tay và phần cánh tay;
  • Kích thích tuyến yên nhanh chóng;
  • Giúp hông, cổ tay linh hoạt, tăng cường sức mạnh cơ ở phần trung tâm;
  • Giảm đau lưng, tốt cho những người thường xuyên đau nhức xương khớp;
  •  Giúp thư giãn, giảm stress, căng thẳng, làm bạn thêm phấn chấn, tràn đầy năng lượng. 

Lợi ích của tư thế bánh xe trong yoga 2

Tư thế yoga bánh xe mang đến nhiều lợi ích cho người tập

Cách bước thực hiện tư thế bánh xe

Người tập cần nên bắt đầu với tư thế nằm ngửa, sau đó gập phần đầu gối và đặt phần bàn chân chạm thảm gần với mông. 

  • Bước 1: Đưa tay về phía bàn chân cho đến khi đầu ngón tay của bạn có thể chạm nhẹ qua phần gót chân.
  • Bước 2: Đặt hai chân song song và rộng bằng với hông.
  • Bước 3: Gập khuỷu tay và đưa hai lòng bàn tay lên trên, đặt dưới vai và các đầu ngón tay của bạn hướng về phía chân.
  • Bước 4: Cần nên ấn lòng bàn tay và chân xuống thảm, nâng từ từ vai và hông lên khỏi mặt thảm.
  • Bước 5: Bạn cần nên chú ý rằng không nên dồn trọng lực lên cổ. Hãy sử dụng tay và chân làm đòn bẩy. Lưu ý giữ khuỷu tay song song và không hướng ra hai bên nhé.
  • Bước 6: Duỗi thẳng cánh tay, đồng thời kết hợp nâng đầu lên khỏi mặt thảm.
  • Bước 7: Chú ý giữ hai bàn chân song song và phần đầu gối thẳng so với bàn chân.
  • Bước 8: Ngả lưng về phía sau và bắt đầu thực hiện bước duỗi thẳng chân.
  • Bước 9: Để cơ thể ngả hoàn toàn ra sau, hớp cằm vào ngực rồi từ từ hạ xuống.
  • Bước 10: Giữ nguyên tư thế trong vài nhịp thở rồi trở lại tư thế ban đầu thực hiện. 

Lợi ích của tư thế bánh xe trong yoga 3

Động tác bánh xe đòi hỏi người cần sự kiên nhẫn trong tập luyện

Một số mẹo thực hiện tư thế bánh xe dễ dàng

Nếu bạn thấy rằng động tác bánh xe quá khó để có thể thực hiện, hãy bắt đầu với một số động tác yoga cơ bản như tư thế cánh cung, tư thế con lạc đà, tư thế con châu chấu, tư thế chó ngẩng mặt và tư thế cây cầu. 

Những động tác này sẽ hỗ trợ giúp phần lưng và toàn bộ cơ thể của bạn trở nên dẻo dai hơn. Điều này giúp cho tư thế yoga bánh xe có thể dễ dàng thực hiện. 

Lợi ích của tư thế bánh xe trong yoga 4 Bạn có thể bắt đầu với tư thế cánh cung

Hoặc bạn có thể thực hiện một số mẹo dưới đây:

  • Nếu bạn cảm nhận phần vai cơ thể quá căng, hãy đặt tay rộng hơn vai một chút trước khi bắt đầu nâng người lên. Khoảng trống này có thể sẽ giúp bạn dễ dàng duỗi cánh tay nhiều hơn. 
  • Sử dụng dụng cụ hỗ trợ. Hãy đặt 2 khối gạch tập yoga gần tường, sau đó đặt mỗi tay vào một khối và thực hiện theo các bước hướng dẫn. Nếu bạn thấy rằng quá khó khăn ở cổ tay, bạn có thể đặt các khối dựa vào tường  với góc 45 độ. 
  • Mặt khác, bạn có thể nhờ sự hướng dẫn, hỗ trợ từ phía bạn tập hoặc giáo viên. 

Lưu ý khi thực hiện tư thế bánh xe

Người tập cần nên chú ý một số vấn đề sau:

  • Bạn nên tránh thực hiện tư thế yoga này nếu bạn bị viêm gân trong cánh tay hoặc hội chứng ống cổ tay.
  • Nếu bạn cảm nhận đau thắt lưng, hãy lập tức dừng các bước thực hiện động tác ngay.
  • Không nên thực hiện động tác này nếu bạn bị đau vai, đau đầu hoặc bị cao huyết áp.

Khi mới bắt đầu thực hiện tư thế, bạn có thể sẽ cảm thấy khó khăn khi tiến hành nhấc cơ thể ra khỏi mặt sàn. Bên cạnh đó, bạn sẽ cảm nhận bàn chân hoặc đầu gối bị trượt ra xa nhau, lưng dưới bị nén lại. Bạn có thể kết hợp dùng 1 chiếc dây hỗ trợ đeo trên đùi để giữ phần chân rộng bằng hông. Các bước thực hiện động tác sẽ càng trở nên dễ dàng hơn. 

Khi đã thành thạo tư thế, bạn có thể nâng cao tư thế bằng cách thực hiện động tác bánh xe một chân. Để có thể thực hiện, bạn cần bắt đầu với tư thế yoga bánh xe sau đó từ từ di chuyển trọng lượng cơ thể dồn về 1 chân. Kết hợp thở ra gập 1 chân và trở hướng lên trần nhà, giữ tư thế trong vài giây rồi tiến hành lặp lại với chân đối diện.

Bài viết trên đây là những chia sẻ của Nhà thuốc Long Châu về lợi ích của tư thế bánh xe trong yoga. Hy vọng rằng qua nội dung này, bạn sẽ có thêm thông tin về cách hướng dẫn và lưu ý về tư thế yoga này nhé. Yoga cần có sự kiên nhẫn, do đó đừng nóng lòng thực hiện ngay những động tác quá khó, bạn nên thực hiện các tư thế chuẩn bị dần dần ổn định rồi mới tiến hành thực hiện tư thế yoga bánh xe nhé!

Tuyết Trâm

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin