Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Loãng xương ở người cao tuổi: Nguyên nhân và cách điều trị

Ngày 29/06/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Người lớn tuổi thường gặp các vấn đề sức khỏe vì các cơ quan lúc này đã bắt đầu lão hóa nhanh chóng, trong đó có hệ xương khớp. Loãng xương ở người cao tuổi là bệnh lý rất phổ biến, cần có chế độ chăm sóc, điều trị thích hợp để bảo vệ sức khỏe.

Hệ xương khớp của người lớn tuổi lão hóa nhanh và rất dễ dẫn đến bệnh loãng xương ở người cao tuổi. Tuy là bệnh lý tự nhiên của tuổi già nhưng cần hết sức cẩn thận trong quá trình chăm sóc, vận động hàng ngày, hạn chế dẫn đến gãy xương, chấn thương hệ xương khớp sẽ rất khó hồi phục.

Nguyên nhân gây loãng xương ở người cao tuổi

Loãng xương ở người cao tuổi là bệnh lý rất thường gặp và mỗi người có mức độ loãng xương nặng hoặc nhẹ khác nhau. Nguyên nhân của sự khác nhau này có thể đến từ cấu trúc xương di truyền ở mỗi người, chế độ ăn uống, bổ sung canxi, vận động, sinh hoạt khi còn trẻ,... 

Loãng xương ở người cao tuổi: Nguyên nhân và cách điều trị 1
Loãng xương ở người cao tuổi gây khó khăn trong việc vận động, đi lại

Vậy loãng xương ở người cao tuổi là do đâu? Các bác sĩ chia sẻ, người lớn tuổi thường bị loãng xương là do:

  • Tuổi cao nên các cơ quan lão hóa dần: Yếu tố tuổi tác là yếu tố rất quan trọng dẫn đến tình trạng loãng xương ở người cao tuổi. Khi tuổi tác đã lớn, các cơ quan trong cơ thể làm việc kém hơn, khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng, đặc biệt là canxi và vitamin D cũng giảm khiến cho xương khớp yếu dần, cấu trúc dần loãng và gây bệnh.
  • Ít vận động: Người cao tuổi ít vận động có nguy cơ bị loãng xương cao hơn người thường xuyên vận động nhẹ nhàng như đi bộ, chạy bộ, bơi lội,... Điều này là do khi không vận động, quá trình tái tạo xương một cách tự nhiên cũng giảm khiến xương ngày một yếu hơn.
  • Bệnh lý mãn tính khác: Các bệnh lý về thận, gan, rối loạn nội tiết,... có ảnh hưởng nhất định đến nguy cơ bị loãng xương ở người cao tuổi.

Nhận biết loãng xương ở người cao tuổi

Việc nhận biết tình trạng loãng xương ở người lớn tuổi càng sớm thông qua các biểu hiện cụ thể giúp quá trình điều trị, phục hồi có kết quả khả quan hơn. Một số triệu chứng khi bị loãng xương gồm:

Ngoài các triệu chứng liên quan đến xương khớp kể trên, người cao tuổi bị loãng xương còn có thể xuất hiện cảm giác ớn lạnh, bị chuột rút chân thường xuyên, dễ đổ mồ hôi trộm,... Ngay khi nhận thấy những dấu hiệu này, người nhà nên đưa người cao tuổi đi khám sức khỏe để sớm tìm ra nguyên nhân, bệnh lý và chữa trị từ sớm.

Hệ quả loãng xương ở người cao tuổi

Tình trạng loãng xương ở người cao tuổi mặc dù không gây nhiều trở ngại đối với tính mạng nhưng có thể để lại hệ quả khôn lường đối với sức khỏe nếu không điều trị sớm.

Đau nhức kéo dài: Hệ quả dễ nhận thấy nhất khi bị loãng xương ở người cao tuổi là triệu chứng đau nhức thường xuyên, kéo dài gây cảm giác khó chịu, đau đớn cho người bệnh. Mức độ loãng xương ngày một cao, các xương trên cơ thể xuống cấp nhanh chóng sẽ khiến cơn đau ngày một lan rộng hơn đến toàn thân.

Mất ngủ: Người bị loãng xương dễ bị chuột rút bắp chân, đặc biệt là vào ban đêm gây ảnh hưởng giấc ngủ, ngủ chập chờn, mất ngủ,... Lâu dần việc mất ngủ kèm theo đau nhức sẽ khiến người bệnh rất khó chịu, suy nhược thần kinh, stress,...

Loãng xương ở người cao tuổi: Nguyên nhân và cách điều trị 2
Cơn đau nhức xương khớp khiến người lớn tuổi mất giấc ngủ

Trầm cảm: Đau nhức xương khớp là cảm giác rất khó chịu, dễ khiến người lớn tuổi mệt mỏi, lâu dần dẫn đến bệnh trầm cảm.

Gù vẹo cột sống: Do tình trạng loãng xương ở người cao tuổi nên xương cột sống thiếu hụt canxi trở nên yếu hơn, dễ bị biến dạng khi ngồi sai tư thế, gây nên chứng gù lưng, gù vẹo cột sống.

Gãy xương: Như đã nói ở trên, loãng xương khiến mật độ xương suy giảm, xương không còn cứng cáp như trước nữa sẽ dễ gãy khi chịu áp lực mạnh, té ngã, trượt chân,... Gãy xương ở người cao tuổi không thể bình phục hoàn toàn làm ảnh hưởng việc vận động, sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

Tàn phế: Việc điều trị gãy xương ở người lớn tuổi rất khó vì khả năng phục hồi, nối liền của xương không còn như trước nữa. Chính vì vậy khi té ngã, tai nạn,..., người lớn tuổi thường bị tàn phế.

Tử vong: Té ngã, va chạm mạnh hoặc tai nạn khi đang bị loãng xương ở người cao tuổi có nguy cơ tử vong rất cao do mất khả năng vận động, hệ xương khớp yếu không chịu được tác động lực mạnh từ bên ngoài. Theo thống kê có khoảng 30% - 50% người cao tuổi bị loãng xương đã tử vong khi té ngã, gặp tai nạn.

Cách điều trị loãng xương ở người cao tuổi

Phương án điều trị loãng xương ở người cao tuổi hiệu quả và tốt nhất hiện nay là sử dụng thuốc Tây y theo đơn thuốc, căn dặn của bác sĩ. Tuy nhiên, bên cạnh việc dùng thuốc như chỉ định, người bệnh cũng cần quan tâm đến chế độ ăn hàng ngày vì đây là yếu tố cung cấp năng lượng, dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.

Hỗ trợ điều trị không dùng thuốc:

  • Chế độ vận động: Người bị loãng xương nên vận động nhẹ nhàng, đều đặn, tránh nằm hoặc ngồi một chỗ trong thời gian dài khiến khả năng vận động, tái tạo của xương giảm sút. Mỗi ngày người bệnh có thể đi bộ, bơi lội, chơi cầu lông,... trong 35 - 40 phút để xương khớp được vận động nhiều hơn.
  • Chế độ dinh dưỡng hàng ngày: Người bệnh loãng xương ở người cao tuổi cần xây dựng thực đơn đảm bảo dinh dưỡng cân đối, không quá nhiều chất béo và tinh bột, tăng cường rau xanh và hoa quả cùng các thực phẩm cung cấp dồi dào khoáng chất canxi và vitamin D như trứng, cá hồi, sữa, sữa chua, phô mai,... Những thực phẩm này sẽ giúp xương phục hồi nhanh hơn, cung cấp canxi và vitamin D để xương chắc khỏe. 
Loãng xương ở người cao tuổi: Nguyên nhân và cách điều trị 3
Bổ sung thực phẩm giàu canxi rất tốt cho quá trình điều trị loãng xương

Điều trị bằng thuốc:

  • Thuốc giảm đau: Bác sĩ có thể kê đơn thuốc giúp bệnh nhân loãng xương ở người cao tuổi giảm bớt các triệu chứng đau nhức xương khớp khó chịu, ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày.
  • Thuốc tăng mật độ xương: Để điều trị loãng xương ở người lớn tuổi cần dùng thuốc tăng mật độ xương để giúp xương chắc khỏe hơn.

Nhìn chung, bệnh lý loãng xương ở người cao tuổi không quá đáng lo ngại khi kết hợp điều trị Tây y và dinh dưỡng, sinh hoạt điều độ, cân bằng. Để phòng chống loãng xương ở người cao tuổi nên bổ sung 500 - 1000ml sữa tươi mỗi ngày, tập luyện thể thao đều đặn, thường xuyên, khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần,...

Xem thêm: Loãng xương nặng nên ăn gì: Gợi ý nguồn thực phẩm hỗ trợ cải thiện

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm