Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Đau nhức xương khớp toàn thân cảnh báo bệnh gì?

Ngày 26/06/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nhiều người nghĩ rằng đau nhức xương khớp toàn thân là do thay đổi thời tiết, vận động sai tư thế hoặc quá sức. Tuy nhiên, tình trạng dai dẳng này cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm mà mọi người cần lưu ý.

Đau nhức xương khớp toàn thân là tình trạng hầu như ai cũng từng gặp phải. Cảm giác nhức mỏi, ê ẩm khắp người khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, không thể sinh hoạt và làm việc. Vậy khi bị đau nhức xương khớp toàn thân phải làm gì?

Đau nhức xương khớp toàn thân là bệnh gì?

Đau nhức khớp toàn thân là đau ở một số vị trí trên cơ thể như gân, cơ, xương hoặc khớp cùng một lúc. Người bệnh có thể cảm thấy đau khi cử động ở vùng cổ vai gáy, lưng, cổ tay, cổ chân, bắp tay, bắp chân. Đôi khi chỉ đơn giản là cảm giác uể oải, nặng nề khắp người. Đây là tình trạng sụn và xương khớp bị bào mòn theo thời gian. Để tìm hiểu về nguyên nhân và cách điều trị khi bị đau nhức xương khớp toàn thân, hãy theo dõi tiếp nội dung bên dưới.

Nguyên nhân đau nhức xương khớp toàn thân

Nếu như trước đây tình trạng đau nhức xương khớp toàn thân chủ yếu xảy ra ở người lớn tuổi, thì ngày nay triệu chứng này cũng xảy ra ở những người trẻ tuổi. Đau nhức, khó chịu khiến người bệnh uể oải, giảm khả năng lao động, sinh hoạt hàng ngày gặp nhiều khó khăn. Đau nhức xương khớp thường xảy ra khi:

  • Vận động sai tư thế hoặc mang vác nặng.
  • Thời tiết thay đổi đột ngột.
  • Chấn thương do thể thao, tai nạn,...
  • Ngồi lâu, ít vận động.
  • Chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng làm tăng nguy cơ khô đau khớp.
  • Thừa cân hoặc béo phì gây nhiều áp lực lên xương khớp và làm tăng nguy cơ đau xương khớp.

Ngoài ra, đau xương khớp toàn thân còn là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm hơn. Trong trường hợp này, cần thăm khám và điều trị bệnh ngay từ giai đoạn đầu để tránh những biến chứng nguy hiểm.

Đau nhức xương khớp toàn thân cảnh báo bệnh gì?

Đau nhức xương khớp toàn thân có thể cảnh báo các bệnh sau:

  • Thoái hóa cột sống
  • Thoái hóa khớp
  • Viêm khớp dạng thấp
  • Thoát vị đĩa đệm
  • Loãng xương
  • Lao xương khớp
  • Bệnh gút
  • Viêm khớp nhiễm trùng

Thoái hoá cột sống

Thoái hoá cột sống là bệnh mãn tính với biểu hiện thoái hóa khớp ở cột sống, gây ra những cơn đau âm ỉ hoặc tê ở tứ chi, cứng lưng, cổ hoặc đau cổ,... Cơn đau do có thể xuất hiện đột ngột, kéo dài vài giờ hoặc vài ngày và trở nên trầm trọng hơn nếu không được điều trị kịp thời.

Đau nhức xương khớp toàn thân cảnh báo bệnh gì? 1
Thoái hoá cột sống gây ra những cơn đau âm ỉ, cứng lưng,...

Thoái hoá khớp

Đây là nguyên nhân phổ biến gây đau nhức xương khớp toàn thân. Bệnh xảy ra khi sụn khớp bị bào mòn và không còn khả năng bao bọc đầu xương. Điều này làm cho xương cọ xát vào nhau khi bạn di chuyển khớp, dẫn đến đau. Khi khớp thoái hóa, cấu trúc của xương bên dưới sụn cũng thay đổi, dẫn đến phản ứng viêm. Thoái hóa khớp thường xuất hiện khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi. Đặc biệt khi thời tiết thay đổi thì tình trạng đau nhức càng gia tăng.

Viêm khớp dạng thấp

Đây là một bệnh khớp mạn tính thường do hệ thống miễn dịch của cơ thể bị rối loạn. Các triệu chứng bệnh bao gồm đau khớp, cứng khớp và viêm khớp khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Điều đáng lo ngại hơn nữa là nếu không được điều trị, viêm khớp dạng thấp có thể dẫn đến teo cơ, biến dạng khớp và thậm chí là tàn tật.

Thoát vị đĩa đệm

Thoát vị đĩa đệm là bệnh xương khớp rất phổ biến. Khi bị thoát vị đĩa đệm, nhân nhầy trong bao xơ thoát ra ngoài, chèn ép vào ống sống và các rễ thần kinh, gây đau nhức âm ỉ. Thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra ở bất kỳ khu vực nào của cột sống, nhưng thường gặp ở cột sống cổ và thắt lưng. Nếu cơn đau là biểu hiện của thoát vị đĩa đệm, nên điều trị sớm để ngăn ngừa bệnh trở nên tồi tệ hơn và nhiều biến chứng.

Đau nhức xương khớp toàn thân cảnh báo bệnh gì? 2
Thoát vị đĩa đệm là bệnh xương khớp rất phổ biến

Loãng xương

Đây là tình trạng thường gặp ở người cao tuổi. Nếu bị loãng xương, bạn có thể cảm thấy đau dọc xương. Không điều trị sớm, xương trở nên yếu, giòn và dễ bị gãy.

Lao xương khớp

Người mắc bệnh lao khớp có thể bị đau nhức, sưng khớp khiến việc đi lại trở nên khó khăn. Nếu bị lao cột sống thường dẫn đến khó cúi hoặc gập người. Lao khớp háng có thể không duỗi thẳng chân. Bệnh tiến triển chậm, các dấu hiệu khá yếu nên khó nhận biết. Ở giai đoạn nặng, lao khớp dễ dẫn đến các biến chứng như tê liệt tay chân, xẹp đốt sống, biến dạng xương,...

Bệnh gút

Đau nhức xương khớp toàn thân cũng có thể là cảnh báo của bệnh gút. Nguyên nhân gây bệnh là do rối loạn chuyển hóa purin ở thận, tức là thận không có khả năng lọc axit uric ra khỏi máu. Lâu dần, axit uric tích tụ, tập trung tại các khớp gây đau nhức, viêm nhiễm.

Viêm khớp nhiễm trùng

Đây là một bệnh nhiễm trùng trong khớp do vi khuẩn, virus, nấm hoặc vi trùng gây ra. Những tác nhân này có thể xâm nhập vào khớp thông qua chấn thương xuyên thấu hoặc qua dòng máu từ một bộ phận khác của cơ thể. Viêm khớp nhiễm trùng thường xảy ra ở khớp gối, khớp vai, cổ tay và mắt cá chân.

Làm gì khi bị đau nhức xương khớp toàn thân?

Nếu cơ thể có biểu hiện đau nhức xương khớp toàn thân bất thường, bạn nên đi khám để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh. Tùy vào nguyên nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị phù hợp. Một số phương pháp điều trị đau nhức xương khớp phổ biến hiện nay:

  • Sử dụng thuốc: Thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm không steroid, thuốc giãn cơ,... để giảm các cơn đau nhức. Tuy nhiên, những loại thuốc này chỉ giúp giảm đau tạm thời. Khi thuốc hết tác dụng, cơn đau có thể quay trở lại. Ngoài ra, việc lạm dụng thuốc thường xuyên có thể gây ra nhiều tác dụng phụ cho gan, thận. Vì vậy, cần dùng thuốc tuân theo chỉ định của bác sĩ.
  • Chườm nóng hoặc lạnh: Chườm nóng hoặc lạnh cũng có thể giúp giảm đau khớp nhờ tăng cường lưu thông máu và thư giãn xương khớp.
  • Châm cứu: Châm cứu đúng cách giúp cải thiện chứng viêm khớp và đau dây thần kinh, làm giảm chứng đau đầu do căng thẳng.
  • Phẫu thuật: Nếu đau xương khớp toàn thân có nguy cơ rối loạn cơ xương nghiêm trọng thì bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên, phẫu thuật chỉ được khuyến nghị khi không đáp ứng với các phương pháp điều trị trên.

Ngoài ra, người bệnh nên tăng cường chăm sóc sức khỏe tại nhà như sau:

  • Tập thể dục vừa phải, thường xuyên để nâng cao sức khỏe toàn thân và sự dẻo dai của xương.
  • Điều chỉnh lại thói quen hàng ngày, không nên ngồi quá lâu, khuân vác vật nặng, sử dụng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích khác,...
  • Bổ sung thực phẩm giàu vitamin C, E và D, canxi trong thực đơn ăn uống hàng ngày.
Đau nhức xương khớp toàn thân cảnh báo bệnh gì? 3
Chườm nóng hoặc lạnh có thể giúp giảm đau nhức xương khớp tạm thời

Đừng chủ quan khi thấy xuất hiện các cơn đau nhức xương khớp toàn thân. Vì đây ta có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý xương khớp nguy hiểm. Để khắc phục tình trạng trên, tốt nhất bạn nên thăm khám khi có dấu hiệu đau khớp.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm