Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Mắt đổ ghèn: Nguyên nhân và cách điều trị

Ngày 18/06/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Mắt đổ ghèn có thể là biểu hiện sinh lý bình thường, nhưng cũng có thể chỉ điểm bệnh lý về mắt. Vậy mắt bị đổ ghèn liên tục do nguyên nhân gì? Có thể tự khắc phục tình trạng này tại nhà hay không? Hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu về chủ đề này nhé!

Đa số chúng ta đều có ghèn mắt mỗi sáng thức giấc. Tuy nhiên, lượng ghèn thường ít và không tích tụ nhiều trong ngày. Hiện tượng mắt đổ ghèn nhiều hay đổ ghèn liên tục có thể báo hiệu cho vấn đề của đôi mắt. Đề khắc phục tình trạng mắt đổ ghèn liên tục, cần giữ đôi mắt được sạch sẽ. Nếu tình trạng mắt đổ ghèn kéo dài và nặng dần, bạn cần tới gặp bác sĩ chuyên khoa để tìm hướng điều trị phù hợp.

Mắt đổ ghèn là gì?

Ghèn mắt hay còn gọi là gỉ mắt, thường xuất hiện mỗi buổi sáng sau khi ngủ dậy. Mắt thường xuyên tiết ra lớp màng dịch để giữ ẩm cho đôi mắt. Vào ban đêm khi đi ngủ, không có hoạt động chớp mắt khiến lớp dịch này tích tụ, đóng vảy dọc lông mi và khóe mắt tạo thành ghèn mắt.

Ghèn mắt thường cứng, có màu vàng hoặc trắng ngà. Mỗi buổi sáng, mắt xuất hiện một chút ghèn là hiện tượng bình thường, lớp ghèn mắt giúp giữ ẩm cho đôi mắt qua một đêm ngủ dài. Tuy nhiên, trong trường hợp mắt bị đổ ghèn liên tục, ra ghèn nhiều là dấu hiệu bất thường, cần chú ý.

Cùng với hiện tượng mắt đổ ghèn có thể kèm theo các triệu chứng như sưng đau mắt, chảy nước mắt, mờ mắt… Đây thường là dấu hiệu chỉ điểm cho bệnh lý về mắt. Bạn nên đi khám bác sĩ nhãn khoa để tìm được nguyên nhân chính xác và điều trị dứt điểm.

Mắt đổ ghèn: Nguyên nhân và cách điều trị 1 Ghèn mắt buổi sáng là biểu hiện sinh lý bình thường

Nguyên nhân khiến mắt đổ ghèn

Đôi mắt là cơ quan nhạy cảm khi niêm mạc mắt tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài. Vậy nên, có rất nhiều nhiều nguyên nhân gây ghèn ở mắt. 

Mắt đổ ghèn do viêm kết mạc mắt

Kết mạc mắt là lớp màng mỏng trong suốt, bao phủ củng mạc nhãn cầu hay lòng trắng của mắt và mặt bên trong sụn mi. Viêm kết mạc mắt chính là viêm nhiễm lớp màng này, đồng thời mạch máu ở vị trí kết mạc sung huyết khiến kết mạch sưng phù và nóng đỏ. Do đó, viêm kết mạc mắt biểu hiện sưng đau mắt hay thường được gọi là đau mắt đỏ.

Nguyên nhân gây viêm kết mạc tới từ vi khuẩn hoặc virus:

  • Một số vi khuẩn gây viêm kết mạc như phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae), tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus), Chlamydia (gây viêm kết mạc thể vùi) và lậu cầu (Neisseria Gonorrhoeae). Vi khuẩn có thể xâm nhập trực tiếp từ môi trường bên ngoài hoặc lây lan từ cơ quan khác. Biểu hiện là mắt đổ ghèn màu xanh hoặc vàng kèm mủ đục, khiến mắt người bệnh rất đau rát, khó chịu mỗi buổi sáng.
  • Virus gây viêm kết mạc như virus herpes, adenovirus. Ghèn mắt thường nhầy, lỏng và không tạo mủ. Triệu chứng kèm theo như ngứa rát, chảy nhiều nước mắt.

Ngoài ra, viêm kết mạc có thể tới từ nấm, ký sinh trùng hoặc do người bệnh bị nhiễm độc, phản ứng dị ứng khi tiếp xúc với kháng nguyên.

Nếu bạn xuất hiện lẹo mắt kèm với mắt bị đổ ghèn liên tục, đây là dấu hiệu bệnh đã tiến triển nặng. Hãy vệ sinh mắt sạch sẽ, nhẹ nhàng, chườm gạc ấm. Nếu bệnh không thuyên giảm, cần tới khám bác sĩ để có hướng điều trị phù hợp.

Mắt đổ ghèn: Nguyên nhân và cách điều trị 2 Mắt đổ ghèn do viêm kết mạc

Mắt đổ ghèn do tắc lệ đạo (tắc tuyến lệ)

Tắc tuyến lệ thường gặp ở đối tượng trẻ sơ sinh, ít gặp hơn ở người trưởng thành. Khi xuất hiện dị vật trong ống dẫn lệ sẽ khiến tắc ống dẫn lệ, nước mắt bị ứ đọng và không thể làm ẩm mắt.

Tắc tuyến lệ biểu hiện bởi hiện tượng mắt đổ ghèn kèm khô mắt liên tục, không có nước mắt, mắt đỏ, triệu chứng biểu hiện nặng hơn trong những ngày hanh khô, trời lạnh và nhiều gió. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ thường sẽ tự khỏi sau vài tháng ở cả đối tượng trẻ sơ sinh và người trưởng thành. Có thể hỗ trợ thông tuyến lệ cho trẻ bằng cách vuốt dọc sống mũi, từ khóe mắt tới lỗ mũi.

Mắt đổ ghèn: Nguyên nhân và cách điều trị 3 Tắc tuyến lệ thường gặp ở đối tượng sơ sinh

Chăm sóc đôi mắt chưa tốt khiến mắt bị đổ ghèn liên tục

Hiện nay, môi trường sử dụng điều hòa, thiết bị điện tử thường xuyên và môi trường bụi bặm gây khô mắt, bám bụi nhiều. Mắt bị khô do tuyến lệ giảm chức năng, tiết ít nước để giữ ẩm cho mắt.

Bạn có thể cải thiện tình trạng mắt bị đổ ghèn liên tục bằng các thói quen nhỏ như hạn chế tiếp xúc với gió quạt điều hòa, bảo vệ mắt với kính râm khi ra ngoài đường, hạn chế nhìn điện thoại hay máy tính trong thời gian dài... Bạn có thể sử dụng thêm nước mắt nhân tạo hoặc các loại thuốc nhỏ mắt giúp cải thiện tình trạng khô mắt.

Ngoài ra, cần chú ý hơn trong việc vệ sinh mắt, tránh trường hợp sợ tổn thương mắt mà vệ sinh không đúng cách, không kỹ càng, tăng nguy cơ gây viêm kết mạc mắt, đặc biệt đối với trẻ nhỏ.

Xử trí khi mắt bị đổ ghèn liên tục

Dựa vào đối tượng và nguyên nhân gây mắt đổ ghèn mà cách xử trí và điều trị sẽ khác nhau. Nếu ghèn mắt tích tụ ở số lượng nhỏ, bạn có thể vệ sinh nhẹ nhàng để loại bỏ ghèn. Để vệ sinh mắt đúng cách, làm theo các bước sau đây:

  • Vệ sinh sạch sẽ hai bàn tay bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn tay nhanh.
  • Dùng gạc hay khăn mềm sạch, không khuyến khích sử dụng bông gòn vì dễ mắc lại sợi bông nhỏ ở mắt.
  • Thấm nước muối sinh lý, nước ấm và nhẹ nhàng lau mắt.
  • Lau từ khóe mắt, kéo dọc một chiều tới đuôi mắt, mỗi lần lau dùng một miếng gạc mới thấm nước.
  • Trong khi lau, tránh lau vào mí mắt, lòng trắng.
  • Lau sạch hai bên mắt, mỗi ngày lau 2 đến 3 lần hoặc khi ghèn tích tụ ở mắt.

Bạn cần theo dõi nếu tình trạng mắt đổ ghèn không đỡ mà tiến triển nặng hơn, kèm các triệu chứng đau mắt, sưng nề và đỏ vùng quanh mắt, chảy nước mắt nhiều, khô nhức mắt… Hãy đi khám để được tiếp nhận phương pháp điều trị hiệu quả từ bác sĩ chuyên khoa.

Mắt đổ ghèn: Nguyên nhân và cách điều trị 4 Vệ sinh sạch giúp giảm tình trạng mắt đổ ghèn

Phương pháp phòng tránh mắt đổ ghèn

Để phòng tránh mắt đổ ghèn cần sự ý thức giữ gìn vệ sinh và bảo vệ đôi mắt qua một số cách sau đây:

  • Không dụi mắt bằng tay bẩn hay dụi mắt quá mạnh.
  • Dùng riêng bông gạc hoặc khăn mềm sạch để lau mắt, đặc biệt mỗi sáng ngủ dậy khi ghèn mắt tích tụ nhiều.
  • Trước khi vệ sinh vùng mắt, cần rửa tay sạch sẽ.
  • Nếu sử dụng kính áp tròng, không nên đeo quá lâu mà chỉ nên đeo trong thời gian giới hạn.
  • Nếu mẫn cảm với thành phần nào, hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây ra dị ứng.
  • Để mắt nghỉ ngơi sau 30 phút nhìn thiết bị điện tử.
  • Nếu ngồi phòng điều hòa trong thời gian dài, sử dụng nước mắt nhân tạo để tránh gây khô mắt.

Trên đây là bài viết của Nhà Thuốc Long Châu về tình trạng mắt đổ ghèn. Hy vọng với bài viết, bạn có thể biết được những thông tin cơ bản về tình trạng này. Mắt đổ ghèn không gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe nhưng gây nhiều bất tiện trong cuộc sống, đồng thời đó có thể là dấu hiệu chỉ điểm bệnh về mắt. Chúc bạn đọc có một đôi mắt thật mạnh khỏe!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm