Thế nhưng có vẻ như rất ít chị em quan tâm đến vấn đề này. Việc trang bị những kiến thức về vấn đề mang thai ngoài tử cung sẽ giúp chị em phụ nữ có biện pháp phòng ngừa và có hướng xử trí kịp thời khi gặp phải tình trạng này. Vậy: “Mấy tuần thì biết thai ngoài tử cung?”, hãy cùng tìm hiểu nhé!
Mấy tuần thì biết thai ngoài tử cung?
Thế nào là thai ngoài tử cung?
Mang thai ngoài tử cung là tình trạng trứng sau khi thụ tinh không làm tổ trong buồng tử cung mà nằm lạc ở những vị trí khác như vòi trứng, buồng trứng, trong ổ bụng thậm chí ngoài ổ phúc mạc. Trong đó, thường gặp nhất là làm thai làm tổ ở vòi trứng.
Đây là một trong những hiện tượng cấp cứu sản khoa thường gặp gây nguy hiểm cho sản phụ. Nó có thể gây chảy máu ồ ạt trong ổ bụng, đe doạ tính mạng người mẹ nếu không được cấp cứu kịp thời. Trường hợp thai nằm ngoài tử cung, phôi thai sẽ khó sống sót và phát triển một cách bình thường.
Thai nằm lạc ở vòi trứng là trường hợp thường gặp nhất
Nguyên nhân thai ngoài tử cung là gì?
Các nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng này bao gồm:
-
Sự thay đổi hay hoạt động bất thường hormone nội tiết.
-
Ống dẫn trứng bị viêm và có sẹo do sản phụ từng làm phẫu thuật hoặc bị nhiễm trùng.
-
Dị dạng cơ quan sinh dục.
-
Mắc phải các bệnh lý gây ảnh hưởng đến hình dạng hay hoạt động của ống dẫn trứng.
-
Do di truyền.
Bên cạnh đó, các yếu tố nguy cơ như tuổi tác, dùng thuốc tránh thai hay dụng cụ tránh thai thường xuyên, mắc các bệnh lý lây qua đường tình dục… cũng góp phần tăng khả năng mang thai ngoài tử cung.
Tuy nhiên, bạn cũng có thể gặp thai ngoài tử cung kể cả khi không có bất cứ yếu tố nguy cơ nào kể trên. Vì vậy, nếu có những dấu hiệu bất thường nào trong suốt thai kỳ, bạn phải đến gặp bác sĩ ngay để được tư vấn kịp thời nhé!
Dấu hiệu nhận biết thai ngoài tử cung
Những dấu hiệu mang thai ngoài tử cung có nhiều điểm tương đồng với phụ nữ mang thai bình thường như: Chậm kinh, buồn nôn, ngực căng hay đau bụng… Ngoài ra, hầu hết chị em cũng dễ nhầm lẫn với dấu hiệu của rối loạn kinh nguyệt, đau dạ dày… Vì vậy bệnh thường không được phát hiện và điều trị sớm.
Tuy nhiên, bạn vẫn có thể nhận biết sớm tình trạng này qua một số dấu hiệu khác như:
-
Chảy máu âm đạo: Đây là một trong những triệu chứng thường gặp nhất. Nhưng nhiều chị em phụ nữ hay nhầm lẫn với chu kỳ kinh nguyệt. Chảy máu âm đạo trong thai ngoài tử cung thường là máu rỉ rả, kéo dài, máu loãng hơn và có màu nâu sẫm.
-
Đau bụng dưới: Thai ngoài tử cung có thể gây ra các cơn đau vùng bụng dưới. Sản phụ thường đau một bên ở vị trí mà thai làm tổ. Những cơn đau thường âm ỉ, khó chịu, đôi khi đi kèm triệu chứng táo bón.
Đau bụng dưới là một trong những dấu hiệu nhận biết thai ngoài tử cung
Trong trường hợp khối thai ngoài tử cung bị vỡ, sản phụ sẽ gặp các triệu chứng như toát mồ hôi, chóng mặt, tay chân bủn rủn, khó thở thậm chí là ngất xỉu. Vì vậy, ngay khi có những dấu hiệu như trên, bạn cần phải đến ngay các cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán và đưa ra những phương pháp chữa trị kịp thời.
Sau mấy tuần thì mẹ biết thai ngoài tử cung?
“Mấy tuần thì biết thai ngoài tử cung?” là câu hỏi được rất nhiều mẹ bầu quan tâm. Bởi tình trạng này nếu được phát hiện sớm sẽ góp phần giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác và chấm dứt thai kỳ kịp thời, tránh ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người mẹ.
Thông thường thì thai nhi nằm ngoài tử cung được phát hiện trong khoảng tuần thứ 5 - 6 của thai kỳ. Vậy nên, hãy nhớ những dấu hiệu nhận biết thai ngoài tử cung để chị em được bác sĩ theo dõi chặt chẽ vì khối thai có thể vỡ bất cứ lúc nào đấy.
Cách phòng ngừa và xử lý khi mang thai ngoài tử cung
Các biện pháp đề phòng việc mang thai ngoài tử cung bao gồm:
-
Hạn chế tối đa việc nạo phá thai, thực hiện các biện pháp tránh thai an toàn theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
-
Thăm khám phụ khoa định kỳ và ngay khi có dấu hiệu viêm nhiễm là việc hết sức cần thiết. Điều này sẽ giúp chị em phụ nữ tránh biến chứng viêm dính tắc vòi trứng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản về sau.
-
Khi bị đau bụng dưới hay xuất huyết âm đạo, thai phụ cần đi khám ngay nhé!
Mẹ bầu cần khám phụ khoa định kỳ để bảo vệ sức khỏe cho mẹ và bé
Dựa vào nhiều đặc điểm khác nhau như vị trí thai ngoài tử cung, kích thước khối thai hay những triệu chứng mà thai phụ gặp phải mà bác sĩ sẽ có những hướng xử trí phù hợp. Hai phương pháp điều trị được sử dụng phổ biến hiện nay là:
Điều trị bằng thuốc:
Phương pháp điều trị nội khoa thường áp dụng cho những trường hợp thai nhi có kích thước bé (nhỏ hơn 3 - 4cm), chưa vỡ. Methotrexate là lựa chọn đầu tay của bác sĩ, mang lại hiệu quả cao trong điều trị.
Thuốc có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của tế bào và làm tiêu biến khối thai sau 4 - 6 tuần dùng thuốc. Lưu ý thai phụ không được tự ý sử dụng mà phải dùng theo sự chỉ dẫn của bác sĩ bởi thuốc có thể gây tiêu chảy, rụng tóc, chán ăn, tăng men gan… Việc theo dõi liên tục nồng độ HCG trong máu là rất cần thiết trong quá trình điều trị.
Phẫu thuật:
Nếu kích thước thai nhi quá lớn, điều trị bằng thuốc không hiệu quả thì bạn sẽ được chỉ định phẫu thuật để lấy khối thai. Phẫu thuật nội soi đối với khối thai có kích thước lớn nhưng chưa vỡ. Còn nếu khối thai đã vỡ, gây xuất huyết quá nhiều trong ổ bụng thì thai phụ phải được tiến hành mổ mở ngay lập tức. Trường hợp khối thai vỡ và vòi trứng gần như hư hỏng hoàn toàn thì nên được đề xuất cắt bỏ.
Hy vọng qua bài viết này, bạn đã có cho mình lời giải đáp cho câu hỏi “Mấy tuần thì biết thai ngoài tử cung?” cũng như những kiến thức hữu ích liên quan đến vấn đề này. Chị em phụ nữ nên xây dựng cho mình một lối sống khoa học, lành mạnh để phòng ngừa những trường hợp không mong muốn khi mang thai nhé! Nhà thuốc Long Châu chúc mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh.
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp