Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Tại sao trào ngược dạ dày gây hôi miệng? Cách khắc phục hiệu quả

Ngày 22/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Trào ngược dạ dày gây hôi miệng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe lẫn chất lượng cuộc sống của người bệnh. Hiểu được nguyên nhân tại sao sẽ giúp bạn có cách khắc phục hiệu quả tình trạng này.

Trào ngược dạ dày là nguồn cơn của nhiều vấn đề khó chịu ở hệ tiêu hoá như đau thượng vị, đầy bụng, ợ hơi,... Trong đó, trào ngược dạ dày gây hôi miệng cũng rất phổ biến, gây nên nhiều tình huống khó xử cho người bệnh. Vậy nguyên nhân nào khiến trào ngược axit dẫn đến mùi hôi miệng và cách giải quyết vấn đề này là gì? Hãy để Nhà thuốc Long Châu giải đáp cho bạn trong bài viết này nhé!

Trào ngược dạ dày có thể gây ra những triệu chứng gì?

Trào ngược dạ dày là tình trạng từng cơn trào ngược axit dịch vị lên thực quản, gây nên những triệu chứng như ợ nóng, ợ hơi, đau thắt vùng thượng vị cùng nhiều vấn đề đường tiêu hoá khác. Về lâu dài, dịch tiêu hoá với tính axit cao trào ngược liên tục sẽ dẫn đến tổn thương, loét đường tiêu hóa trên bao gồm thực quản và khoang miệng, gây viêm nhiễm. Nhiều trường hợp axit dịch vị còn tiếp xúc với đường hô hấp, gây viêm họng, loét cổ họng, dẫn đến đau rát, ho khan và khàn giọng.

Một trong biến chứng nguy hiểm nhất của trào ngược dạ dày là nguy cơ hình thành ung thư thực quản.

Tại sao trào ngược dạ dày gây hôi miệng? Cách khắc phục hiệu quả 1
Trào ngược dạ dày là nguyên nhân của hàng loạt triệu chứng tiêu hoá như ợ hơi, đau bụng,...

Tại sao bệnh trào ngược dạ dày gây hôi miệng?

Bên cạnh những triệu chứng kể trên thì trào ngược dạ dày cũng gây hôi miệng, chua hoặc đắng miệng. Nguyên nhân trào ngược dạ dày gây hôi miệng được cho bởi dạ dày chứa rất nhiều vi khuẩn, để thực hiện tiêu hoá thức ăn. Khi bị trào ngược, thức ăn đang tiêu hoá dở và dịch vị sẽ trào lên thực quản và miệng, gây nên mùi hôi. Ngoài ra, axit liên tục trào ngược sẽ làm bào mòn niêm mạc thực quản và vòm miệng, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh mùi sinh sôi và phát triển.

Từ những nguyên nhân kể trên, có thể thấy khi trào ngược dạ dày gây hôi miệng thì bệnh đã tiến triển nặng hơn và có nguy cơ gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Người bệnh cần chú ý để điều trị triệt để, đồng thời theo dõi ngăn chặn các biến chứng do trào ngược axit gây ra.

Tại sao trào ngược dạ dày gây hôi miệng? Cách khắc phục hiệu quả 2
Trào ngược dạ dày gây hôi miệng, khiến bạn khó xử và xấu hổ trong giao tiếp

Trào ngược dạ dày gây hôi miệng, phải làm thế nào?

Hôi miệng là một nỗi ám ảnh với nhiều người, khiến họ mất tự tin khi giao tiếp với người khác và ảnh hưởng đến cả sức khoẻ lẫn đời sống thường nhật. Tuy nhiên, khi trào ngược dạ dày gây hôi miệng, bạn không nên nôn nóng áp dụng các biện pháp truyền miệng để chữa trị mà nên nhanh chóng đi khám bác sĩ. Bác sĩ sẽ chỉ định những phương điều trị phù hợp, an toàn và hiệu quả.

Dùng thuốc điều trị trào ngược dạ dày - thực quản

Khi bệnh nhân bị trào ngược dạ dày, bác sĩ có thể chỉ định một trong các nhóm thuốc sau đây:

Nhóm thuốc ức chế bơm proton là một loại thuốc được sử dụng để điều trị trào ngược dạ dày. Các loại thuốc này bao gồm omeprazole, lansoprazole, rabeprazole và esomeprazole. Chúng hoạt động bằng cách ức chế hoạt động của bơm proton trong tế bào dạ dày, giảm lượng acid được sản xuất và giảm triệu chứng trào ngược dạ dày. Tuy nhiên, các thuốc này cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ, bao gồm đau đầu, buồn nôn và tiêu chảy. Nếu bạn đang sử dụng các loại thuốc này, hãy luôn tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và tìm kiếm sự giúp đỡ nếu bạn gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào.

Nhóm thuốc ức chế histamin H2 là một loại thuốc được sử dụng để điều trị trào ngược dạ dày. Các loại thuốc này bao gồm ranitidine, famotidine và cimetidine. Chúng hoạt động bằng cách giảm lượng acid được sản xuất trong dạ dày và giảm triệu chứng trào ngược dạ dày. Thuốc có tác dụng hiệu quả với những bệnh nhân trào ngược dạ dày trung bình và nhẹ.

Nhóm thuốc antacid là một loại thuốc được sử dụng để điều trị trào ngược dạ dày. Các loại thuốc này có tác dụng trung hòa acid trong dạ dày, giảm triệu chứng trào ngược và đau bụng. Các thành phần chính của antacid bao gồm canxi cacbonat, magie hydroxyd và nhôm hydroxyd. Thuốc nên được sử dụng sau ăn từ 1 - 3 giờ hoặc trước khi đi ngủ, với số lần dùng thuốc tùy thuộc hướng dẫn của bác sĩ.

Tại sao trào ngược dạ dày gây hôi miệng? Cách khắc phục hiệu quả 3
Bác sĩ có thể chỉ định một thuốc như PPIs để điều trị trào ngược dạ dày

Mẹo cải thiện chứng hôi miệng khi bị trào ngược

Để giảm mùi hôi miệng khó chịu trong quá trình điều trị trào ngược dạ dày đồng thời để cải thiện tình trạng trào ngược, bạn có thể thử các cách sau:

  • Thay đổi thói quen ăn uống: ăn những món dễ tiêu hóa, giảm thiểu ăn nhiều đồ ăn chứa chất béo hay đồ ăn cay nóng.
  • Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày để đảm bảo tiết đủ lượng nước bọt, góp phần làm sạch khoang miệng.
  • Nhai kẹo cao su là một cách để kích thích tiết nước bọt, vệ sinh khoang miệng một cách tự nhiên.
  • Tránh ăn quá no hoặc ăn trước khi đi ngủ. Tốt nhất bữa ăn cuối cùng trong ngày của bạn nên cách giờ đi ngủ khoảng 2 tiếng trở lên.
  • Giảm căng thẳng và stress. Bạn có thể thực hiện một số bài tập thể dục nhẹ nhàng hoặc yoga để giảm stress.
  • Đánh răng và vệ sinh lưỡi 2 lần/ngày để giảm thiểu vi khuẩn gây hôi miệng.
  • Áp dụng các biện pháp tự nhiên như dùng trà xanh hoặc lá bạc hà, cam thảo,... để giảm đau, giảm viêm dạ dày và khử mùi hôi miệng.

Súc miệng bằng nước muối sinh lý là một cách làm đơn giản nhưng hiệu quả. Nước muối sẽ giúp bạn làm sạch những mảng bám trên răng và khử khuẩn, giúp ngăn ngừa vi khuẩn gây mùi tăng sinh.

Trào ngược dạ dày gây hôi miệng không chỉ là một tình huống khó xử mà còn là một vấn đề sức khỏe cần được chú ý. Nhà thuốc Long Châu hy vọng những thông tin hữu ích trên đây sẽ giúp bạn nâng cao nhận thức về các triệu chứng của bệnh trào ngược axit dạ dày, bảo vệ sức khỏe bản thân mình và gia đình, bạn nhé!

Quỳnh Vi

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm