Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Microdermabrasion là gì? Cần làm gì trước và sau khi điều trị?

Ngày 21/11/2022
Kích thước chữ

Microdermabrasion (mài da vi điểm) là kỹ thuật xâm lấn tối thiểu để cải thiện các vấn đề về da, đặc biệt là trên các vùng da bị tổn thương bởi ánh nắng mặt trời. Những lợi ích và lưu ý khi áp dụng phương pháp này là gì? Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về quy trình thẩm mỹ này qua bài viết sau.

Khi tìm hiểu về phương pháp microdermabrasion, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những thuật ngữ như tẩy da chết, kỹ thuật xâm lấn tối thiểu, mài da vi điểm hay trẻ hóa da,… Phương pháp không phẫu thuật này hiện đang được áp dụng rộng rãi tại các trung tâm thẩm mỹ. Vậy microdermabrasion là gì? Cơ chế hoạt động như thế nào và đem lại hiệu quả ra sao? Mời bạn theo dõi tiếp bài viết bên dưới.

Microdermabrasion là gì?

Microdermabrasion (mài da vi điểm) là phương pháp tẩy tế bào chết sử dụng một thiết bị cầm tay đưa các tinh thể đặc biệt lên da nhẹ nhàng lấy đi tế bào chết, dầu thừa và vi khuẩn, làm thông thoáng lỗ chân lông. Đây là phương pháp điều trị da liễu không xâm lấn nhiều, không gây đau đớn, không cần thời gian phục hồi da và hạn chế tối đa tác dụng phụ sau điều trị. Một số tình trạng da như sạm da, da lão hóa, sẹo mụn,… sẽ được cải thiện và làm da trắng sáng và mịn màng. Phương pháp này phù hợp với hầu hết loại da, để biết da của bạn có phù hợp hay không, bạn cần hiểu cơ chế hoạt động và tác dụng của microdermabrasion.

Microdermabrasion là gì? Cần làm gì trước và sau khi điều trị? 1 Microdermabrasion (mài da vi điểm) là phương pháp tẩy tế bào chết sử dụng một thiết bị cầm tay đưa các tinh thể đặc biệt lên da

Cơ chế hoạt động

Để thực hiện phương pháp mài da vi điểm, bác sĩ sử dụng thiết bị bắn các tinh thể siêu nhỏ như aluminum oxide, sodium bicarbonate, magnesium oxide lên bề mặt da giúp loại bỏ các tế bào chết và bụi bẩn. Việc loại bỏ tế bào chết kích thích tái tạo da mới giúp da đều màu và mịn màng hơn. 

Các thiết bị dùng trong điều trị microdermabrasion

Có nhiều loại thiết bị khác nhau để thực hiện mài da vi điểm cụ thể như:

  • Dụng cụ có đầu kim cương: Đây là một thiết bị có đầu kim cương được sử dụng để loại bỏ lớp sừng trên cùng của da đồng thời loại bỏ bụi bẩn và tế bào chết. Phương pháp này sử dụng lực tay dễ dàng điều khiển và có độ chính xác cao, giúp tẩy tế bào chết cho vùng da quanh mắt và miệng mà không gây nguy hiểm. 
  • Dụng cụ pha lê vi da: Thiết bị cầm tay đặc biệt này mang các tinh thể thủy tinh cực mịn lên bề mặt da và loại bỏ lớp da chết, bụi bẩn và tinh thể sau khi sử dụng. Nhược điểm của thiết bị này là các hạt tinh thể có thể lưu lại trên da, khó loại bỏ hoàn toàn và không phù hợp để điều trị các vùng quanh miệng, mắt và mũi.
  • Dụng cụ thuỷ lực: Hydro microdermabrasion sử dụng chế độ hút chân không thông qua sự kết hợp giữa các đầu mài mòn kim cương và oxygen, nước muối sinh lý hoặc kết hợp các sản phẩm điều trị da để cải thiện tình trạng lão hóa da, sần sùi, lỗ chân lông to,...

Ưu điểm của microdermabrasion

Phương pháp microdermabrasion sẽ giúp cải thiện một số vấn đề về da như sau: 

  • Làm sạch da: Phương pháp mài mòn da vi điểm giúp loại bỏ dầu thừa, tế bào chết và bụi bẩn, làm sạch lỗ chân lông. 
  • Làm sáng da.
  • Làm mờ nếp nhăn: Trong khi áp dụng thiết bị lên da cũng làm tăng sinh collagen, ngăn ngừa xuất hiện nếp nhăn. 
  • Giúp hạn chế tình trạng tăng sắc tố da và tàn nhang.
  • Thu nhỏ lỗ chân lông và trị mụn đầu đen.
  • Cải thiện sẹo mụn.
  • Trẻ hóa làn da.
Microdermabrasion là gì? Cần làm gì trước và sau khi điều trị? 2 Phương pháp microdermabrasion sẽ giúp trẻ hoá làn da, khắc phục khuyết điểm trên da

Nhược điểm của microdermabrasion

Tuy nhiên, một số tác dụng phụ có thể xảy ra sau khi thực hiện microdermabrasion:

  • Da sần sùi, khô rát: Bạn sẽ cảm thấy hơi bỏng rát trong khi thực hiện quy trình. Đây là một phản ứng tự nhiên khi da được mài mòn.
  • Da mẩn đỏ và sưng tấy: Với làn da nhạy cảm, da sẽ mẩn đỏ sau khi tiếp xúc với máy mài. Nhưng sau vài giờ điều trị da sẽ trở lại bình thường.
  • Da bong tróc: Đây là quá trình làm lành vết thương tự nhiên, bạn không nên tự ý bóc lớp vảy khô.
  • Da nhạy cảm hơn: Sau khi điều trị mài da vi điểm, da nhạy cảm hơn với ánh nắng do đó phải thoa kem chống nắng thường xuyên ngay cả khi ở trong nhà.
  • Nhiễm trùng da: Nếu không chăm sóc cẩn thận dễ khiến da bị nhiễm trùng.

Những tác dụng phụ này có thể biến mất sau vài ngày nếu biết cách chăm sóc da đúng cách. 

Cần làm gì trước và sau khi điều trị microdermabrasion

Trước khi điều trị microdermabrasion

Để giảm thiểu tác dụng phụ của phương pháp mài da vi điểm, bạn nên chuẩn bị những điều sau trước khi thực hiện phương pháp này: 

  • Trước khi áp dụng phương pháp microdermabrasion trên mặt, bạn nên khám da và tham khảo ý kiến ​​của bác sĩ da liễu để xác định xem da của bạn có phù hợp với phương pháp này hay không. 
  • Hạn chế tiếp xúc ánh nắng mặt trời.
  • Không sử dụng kem lột hoặc mặt nạ tẩy da chết 3 ngày trước khi làm.

Sau khi điều trị microdermabrasion

Chăm sóc da sau khi điều trị bằng phương pháp microdermabrasion cũng là một yếu tố quan trọng quyết định đến kết quả điều trị.

  • Làm sạch da mặt: Vì da mới bị tác động nên chỉ được dùng nước hoặc nước muối sinh lý để da không bị khô và bong tróc. 
  • Luôn bôi kem dưỡng ẩm cho da. Da của bạn thường khô hơn sau khi mài da vi điểm vì vậy kem dưỡng ẩm sẽ giúp làm mềm và giữ ẩm cho da.
  • Sử dụng kem chống nắng hàng ngày: Chọn kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên để đảm bảo da được bảo vệ khỏi tác hại của tia UV.
  • Không tẩy tế bào chết cho da: Vì microdermabrasion về cơ bản cũng là tẩy tế bào chết trên da nên lúc này cần để da nghỉ ngơi và không tác động điều gì thêm lên da.
Microdermabrasion là gì? Cần làm gì trước và sau khi điều trị? 3 Không tẩy tế bào chết cho da sau khi điều trị microdermabrasion

Làn da của bạn sẽ dần cải thiện sau vài lần điều trị bằng phương pháp microdermabrasion. Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn trả lời câu hỏi microdermabrasion là gì và lợi ích của thủ thuật này trên da. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ da liễu để điều trị và chăm sóc da đạt được hiệu quả lâu dài.

Xem thêm: 

Cao Hiếu

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm