Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Một số dấu hiệu tiểu đường mà bạn nên biết

Ngày 30/08/2023
Kích thước chữ

Theo thống kê, bệnh tiểu đường đang có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hoá. Cụ thể là số người bị tiền tiểu đường đang cao hơn gấp 3 lần so với số người đã mắc bệnh. Vậy những dấu hiệu bệnh tiểu đường là gì? Có cách nhận biết triệu chứng tiểu đường giai đoạn đầu không?

Khi tìm hiểu về một dấu hiệu hay cách phòng bệnh nào đó, điều đầu tiên chúng ta nên nắm được bệnh đó là bệnh gì. Hãy cùng Long Châu tìm hiểu về các dấu hiệu tiểu đường nhé.

Một số dấu hiệu tiểu đường mà bạn nên biết 1
Nguyên nhân của bệnh tiểu đường chủ yếu đến từ thói quen sinh hoạt

Dấu hiệu tiểu đường dễ nhận biết sớm

Tiểu đường là một bệnh lý rất phổ biến thuộc nhóm bệnh lý nội khoa và không lây nhiễm. Tuy nhiên lại gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm như suy thận, bệnh tim mạch, tổn thương võng mạc, đoạn chi,... 

Nhưng bệnh lại tiến triển một cách thầm lặng đến khi đã có biến chứng thì người bệnh mới phát hiện được. Vậy nên việc nắm được các dấu hiệu tiểu đường là hết sức cần thiết.

Một số dấu hiệu tiểu đường mà bạn nên biết 2
Dấu hiệu tiểu đường thật ra rất dễ nhận biết

Theo y văn mô tả, người bệnh tiểu đường có 4 triệu chứng tiểu đường điển hình: Ăn nhiều, gầy nhiều, tiểu nhiều và uống nhiều. Về sau, nhờ quan sát thấy kiến bu vào bãi nước tiểu nên thêm triệu chứng “nước tiểu ngọt”. Cũng vì thế mà cái tên “tiểu đường” được sinh ra.

  • Ăn nhiều: Do không đủ hoặc kháng insulin làm đường không được chuyển vào tế bào, nên việc chuyển hóa đường thành năng lượng bị trì trệ. Cơ thể khiến người bệnh cảm thấy đói hơn và ăn nhiều hơn bình thường bằng cách kích thích sự thèm ăn.
  • Gầy nhiều: Khi việc chuyển hoá đường bị trì trệ, cơ thể thiếu năng lượng phải huy động lipid và protid bù đắp. Điều này khiến bạn gầy đi mặc dù ăn rất nhiều. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp tăng cân do ăn uống nhiều hơn bình thường.
  • Tiểu nhiều: Khi lượng đường trong máu cao, thận sẽ cố gắng loại bỏ lượng đường dư thừa ra khỏi máu bằng cách sản xuất nhiều nước tiểu hơn. Điều này có thể khiến bạn đi tiểu nhiều hơn bình thường, ngay cả khi bạn không uống nhiều nước.
  • Uống nhiều: Vì đi tiểu nhiều nên cần bù lại lượng nước trong cơ thể là chuyện đương nhiên. Một phần là do lượng đường trong máu cao làm tăng áp lực thẩm thấu ngoại bào, nước trong tế bào bị kéo ra ngoài gây cảm giác khát nước.

Trên thực tế, tuỳ theo loại tiểu đường mà mức độ xuất hiện sẽ khác nhau. Dưới đây là một số dấu hiệu tiểu đường dễ nhận biết được phân cấp theo từng loại tiểu đường:

Dấu hiệu bệnh tiểu đường type I

Bệnh nhân mắc tiểu đường type I thường ở độ tuổi thanh thiếu niên có thể trạng gầy. Bệnh nhân chỉ sống nếu được tiêm đủ liều insulin, do vậy nó còn có tên gọi là tiểu đường phụ thuộc insulin.

Các dấu hiệu tiểu đường type I thường xuất hiện đột ngột trong vài ngày hoặc vài tuần. Có thể bao gồm các dấu hiệu sau:

  • Mệt mỏi: Đây là một trong những triệu chứng bệnh tiểu đường type I phổ biến nhất. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc cơ thể bị thiếu năng lượng.
  • Mờ mắt: Lượng đường trong máu cao có thể làm tổn thương các mạch máu ở mắt, dẫn đến mờ mắt.
  • Khô miệng và ngứa da: Độ ẩm của cơ thể giảm vì mất nước nên miệng và da sẽ trở nên khô hơn. Da thiếu ẩm có thể kích thích ngứa ngáy ở bạn.
  • Đi tiểu ra máu: Đây là một dấu hiệu của biến chứng tiểu đường type I, thường gặp ở trẻ em.
  • Vết thương lâu lành: Quá trình chữa lành vết thương bị chậm lại do lượng đường trong máu cao. Đây là biểu hiện của bệnh tiểu đường thường gặp.
  • Nhiễm trùng: Do hệ thống miễn dịch bị tổn thương, khiến cho việc chống lại các vi khuẩn cũng yếu đi. Nguy cơ nhiễm trùng tăng cao, chẳng hạn như nhiễm trùng da, nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm trùng nấm men.

Dấu hiệu bệnh tiểu đường type II

Bệnh nhân mắc tiểu đường type II thường ở độ tuổi trung niên và già với thể trạng béo phì. Về cơ bản, các dấu hiệu tiểu đường như type I nhưng nhẹ hơn và chuyển biến chậm hơn khiến bạn không thể phát hiện ngay. Chính vì khó phát hiện nên có nhiều trường hợp diễn biến đến các biến chứng nặng về tim và não. Vậy nên việc khám sức khỏe định kỳ là rất cần thiết.

Mặc dù vậy, bạn cũng có thể phát hiện qua một số thay đổi nhỏ ở cơ thể như xuất hiện các vết thâm nám, da dễ bị khô, các vết thương bỗng nhiên khó lành, dễ bị viêm như viêm nướu, viêm họng…

Dấu hiệu tiểu đường thai kỳ

Cũng như tiểu đường type II, bệnh thường diễn biến lặng lẽ, thậm chí không có dấu hiệu của bệnh tiểu đường thai kỳ nào. May mắn thay, các mẹ bầu là đối tượng hay thăm khám sức khỏe nhiều nhất. 

Nếu cảm thấy cơ thể có cảm giác khát hơn bình thường hoặc phải đi tiểu nhiều hơn bình thường, bạn nên liên hệ bác sĩ chuyên khoa để tiến hành xét nghiệm tầm soát đái tháo đường thai kỳ - một trong những cách nhận biết bệnh tiểu đường trong thai kỳ nhanh chóng và chính xác nhất.

Một số mẹo phòng ngừa bệnh tiểu đường

Bời vì nguyên nhân lớn dẫn đến tiểu đường type I đến từ yếu tố di truyền, nên không có cách nào để phòng ngừa. Nhưng bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type II bằng cách:

  • Giữ cân nặng khỏe mạnh: Nếu bạn đang thừa cân hoặc béo phì, giảm cân không những có thể giúp bạn giảm nguy cơ mắc tiểu đường mà còn nhiều bệnh lý khác như bệnh tim, hô hấp, tiêu hoá, suy giảm miễn dịch,...
  • Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục thường xuyên có thể giúp bạn kiểm soát cân nặng, cải thiện sức khỏe tổng thể và giảm nguy cơ mắc bệnh.
  • Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp bạn kiểm soát cân nặng, kiểm soát lượng đường trong máu, đẩy lùi các dấu hiệu bị tiểu đường. Một chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm nhiều trái cây, rau, ngũ cốc và protein nạc.
  • Kiểm soát lượng đường trong máu: Nếu bạn có tiền sử gia đình mắc tiểu đường, kiểm soát lượng đường trong máu có thể giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh. Điều này có thể được thực hiện bằng cách ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên bằng các máy đo đường huyết tại nhà.
  • Không hút thuốc: Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường type II. Nếu bạn hút thuốc, bỏ thuốc có thể giúp ích cho bạn.
  • Uống rượu với liều lượng vừa phải: Liều lượng rượu vừa phải được định nghĩa là một đơn vị rượu mỗi ngày đối với phụ nữ và hai đơn vị rượu mỗi ngày đối với nam giới. Một đơn vị rượu tương đương với 100ml rượu vang (12% cồn), 330ml bia (5% cồn) hoặc 25ml rượu mạnh (40% cồn).
Một số dấu hiệu tiểu đường mà bạn nên biết 3
Hút thuốc lá là đang hủy hoại sức khoẻ của bạn

Tiểu đường là một bệnh mạn tính có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Các dấu hiệu tiểu đường thường không rõ ràng, đặc biệt là ở giai đoạn đầu, do đó việc tầm soát và kiểm tra sức khỏe định kỳ là rất quan trọng. 

Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng của bệnh tiểu đường nào, hãy đi khám bác sĩ ngay lập tức để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Xem thêm: Biến chứng tiểu đường và những điều cần biết

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin