Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Các biện pháp phòng ngừa bệnh tiểu đường ở trẻ em như thế nào?

Ngày 24/10/2024
Kích thước chữ

Nói tới bệnh tiểu đường, chúng ta thường nghĩ chỉ có người lớn mới mắc phải căn bệnh này. Tuy nhiên, một vấn đề được đặt ra là trẻ em có thể mắc phải bệnh tiểu đường không? Nếu có thì cách phòng ngừa bệnh tiểu đường ở trẻ em như thế nào? Mời bạn đọc cùng Nhà thuốc Long Châu giải đáp các thắc mắc trên trong bài viết dưới đây nhé!

Tiểu đường là một căn bệnh gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe toàn trạng và tác động trực tiếp đến tinh thần của người bệnh. Bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc phải bệnh tiểu đường, trong đó có cả trẻ em. Vậy nguyên nhân nào khiến trẻ em mắc bệnh tiểu đường? Biện pháp phòng ngừa bệnh tiểu đường ở trẻ em như thế nào?

Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ở trẻ em

Tiểu đường hay còn gọi là đái tháo đường, là tình trạng lượng glucose trong máu tăng cao. Thông thường, hormone insulin sẽ hỗ trợ glucose di chuyển từ máu đi đến các tế bào trong cơ thể, sau đó chuyển hóa glucose thành năng lượng. Tuy nhiên, ở những trẻ bị đái tháo đường thì lượng insulin do tuyến tụy tạo ra bị thiếu hụt so với lượng glucose hoặc các phản ứng của cơ thể đối với insulin xảy ra vấn đề, từ đó khiến cho glucose không được chuyển hóa thành năng lượng và làm tăng lượng đường trong máu. Vậy có những yếu tố nguy cơ nào khiến trẻ em mắc bệnh tiểu đường?

Theo các chuyên gia, một số yếu tố dưới đây được cho là nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường ở trẻ em, cụ thể như sau:

Di truyền

Yếu tố di truyền là một nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường ở trẻ em, chiếm khoảng 10 - 20%. Theo đó, yếu tố di truyền có liên quan đến bệnh tiểu đường ở trẻ em được thể hiện ở việc ngay từ khi sinh ra trẻ đã có sự bất thường trong quá trình sản xuất insulin trong cơ thể hoặc có kháng thể đề kháng với insulin. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng lượng glucose trong máu không được điều hoà ổn định và gây ra bệnh tiểu đường ở trẻ.

Yếu tố di truyền của bệnh tiểu đường ở trẻ em còn gặp những thai phụ bị tiểu đường thai kỳ. Nếu người mẹ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ trong quá trình mang thai mà không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì có thể khiến trẻ được sinh ra cũng mắc bệnh tiểu đường.

Các biện pháp phòng ngừa bệnh tiểu đường ở trẻ em như thế nào? 1
Bệnh tiểu đường ở trẻ có liên quan đến yếu tố di truyền

Chế độ dinh dưỡng không hợp lý

Chế độ ăn uống thiếu khoa học là một nguyên nhân rất phổ biến khiến trẻ em bị tiểu đường. Theo đó, các loại đồ ăn chế biến sẵn, đồ chiên rán, đồ ngọt, nước ngọt, nước có ga, thực phẩm giàu carbohydrate… đều là những loại thức ăn yêu thích của hầu hết các bạn nhỏ. Việc tiêu thụ quá mức những loại thức ăn kể trên sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của trẻ và làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý nguy hiểm ở trẻ, trong đó có bệnh tiểu đường.

Chế độ sinh hoạt thiếu khoa học

Bên cạnh việc tiêu thụ nhiều thực phẩm có hại cho cơ thể, những thói quen sinh hoạt thiếu khoa học cũng là một yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ở trẻ. Những thói quen xấu như ăn uống không đúng bữa, lười vận động, ngại rèn luyện cơ thể… không chỉ dẫn đến bệnh tiểu đường mà còn nhiều bệnh lý khác như béo phì, tăng huyết áp…

Tiểu đường thai kỳ

Trong quá trình mang thai, thai phụ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tương đối cao. Nếu người mẹ bị tiểu đường thai kỳ thì trẻ sinh ra cũng có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường. Do đó, phụ nữ mang thai cần có những biện pháp phòng tránh bệnh tiểu đường thai kỳ trong quá trình mang thai và phát hiện sớm cũng như điều trị đúng cách nếu chẳng may mắc phải để giảm thiểu ảnh hưởng xấu tới thai nhi.

Các biện pháp phòng ngừa bệnh tiểu đường ở trẻ em như thế nào? 2
Thai phụ bị tiểu đường thai kỳ thì con được sinh ra cũng có nguy cơ bị tiểu đường

Những tác động xấu của bệnh tiểu đường ở trẻ

Trẻ bị bệnh tiểu đường không chỉ bị ảnh hưởng đến sức khoẻ mà còn chịu tác động xấu đến tinh thần. Dưới đây là những tác động xấu của bệnh tiểu đường đối với trẻ bị bệnh, cụ thể như sau:

Tác động về tinh thần

Bệnh tiểu đường ở trẻ có thể dẫn đến nhiều tác động xấu đến tinh thần, có thể kể đến như:

  • Cảm giác bị cô lập: Trẻ mắc bệnh tiểu đường có thể sẽ cảm thấy bị tách biệt với bạn bè do những yêu cầu đặc biệt và khắt khe về chế độ ăn uống cũng như quản lý bệnh tật.
  • Lo lắng và trầm cảm: Việc phải quản lý chặt chẽ bệnh mỗi ngày và những lo ngại về các biến chứng có thể khiến trẻ lo lắng, thậm chí là trầm cảm.
  • Tự ti và ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh bản thân: Ở những trẻ bị bệnh tiểu đường có thể sẽ phát triển những cảm xúc tiêu cực về chính bản thân và cơ thể của mình bởi những thay đổi có liên quan đến bệnh.
  • Mệt mỏi: Căn bệnh tiểu đường có thể khiến cho trẻ cảm thấy mệt mỏi liên tục, từ đó gây ảnh hưởng không tốt đến khả năng tập trung cũng như các hoạt động hàng ngày.
Các biện pháp phòng ngừa bệnh tiểu đường ở trẻ em như thế nào? 3
Trẻ bị tiểu đường có thể thường xuyên thấy lo lắng và dẫn đến trầm cảm

Tác động về thể chất

Bệnh tiểu đường ở trẻ không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần mà còn có thể gây ra nhiều tác động đến thể chất của trẻ, bao gồm:

  • Rối loạn chuyển hóa đường glucose: Quá trình chuyển hóa glucose trong máu thành năng lượng bị rối loạn khi trẻ mắc bệnh tiểu đường, từ đó khiến cho lượng đường trong máu luôn ở ngưỡng cao hơn bình thường.
  • Suy thận: Tiểu đường là một nguyên nhân dẫn đến bệnh suy thận.
  • Huyết áp cao và bệnh lý tim mạch: Lượng đường trong máu cao có thể khiến huyết áp tăng cao và gây ra nhiều vấn đề về tim mạch khác.
  • Sụt cân hoặc tăng cân bất thường: Cân nặng của trẻ bị tiểu đường có thể thay đổi một cách đột ngột không rõ nguyên nhân.
  • Mệt mỏi: Cơ thể của trẻ bị tiểu đường thường có xu hướng rơi vào trạng thái mệt mỏi, uể oải.
  • Rối loạn thần kinh ngoại biên: Bàn tay và bàn chân của trẻ thường xuyên bị tê, ngứa.
  • Thị lực suy giảm: Trẻ bị tiểu đường có thể phải tình trạng suy giảm thị lực.
  • Vết thương lâu lành: Các vết thương ngoài da ở những trẻ mắc bệnh tiểu đường thường kéo dài thời gian lành thương hơn so với bình thường.

Cách phòng ngừa bệnh tiểu đường ở trẻ em

Bệnh tiểu đường ở trẻ em có những ảnh hưởng nhất định đến thể chất và tinh thần của trẻ. Do đó, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh tiểu đường ở trẻ em sẽ góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh cho trẻ. Dưới đây là các biện pháp phòng ngừa bệnh tiểu đường ở trẻ em mà cha mẹ nên biết, cụ thể như sau:

Chế độ ăn uống

Như đã nói ở trên, chế độ ăn uống không lành mạnh là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh tiểu đường ở trẻ em. Do đó, để phòng ngừa bệnh tiểu đường ở trẻ em, cha mẹ cần chú ý đến chế độ ăn uống của con.

Một chế độ ăn uống lành mạnh cần đảm bảo:

  • Hạn chế đường và tinh bột: Tránh nước uống có gas hay nước ngọt, kiểm soát lượng tinh bột nạp vào cơ thể.
  • Ít chất béo, cholesterol và muối: Hạn chế tiêu thụ đồ ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ.
  • Giàu chất xơ: Ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc.

Bên cạnh đó, cha mẹ nên chia nhỏ khẩu phần ăn của trẻ thành nhiều bữa để kiểm soát lượng đường huyết tốt hơn. Đồng thời, tăng cường uống đủ nước để giúp cho các hoạt động trong cơ thể diễn ra tốt hơn và hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu được ổn định.

Các biện pháp phòng ngừa bệnh tiểu đường ở trẻ em như thế nào? 4
Ăn uống khoa học là một cách phòng ngừa bệnh tiểu đường ở trẻ em hiệu quả

Chế độ sinh hoạt

Bên cạnh chế độ ăn uống, chế độ sinh hoạt và vận động hợp lý cũng góp phần phòng ngừa bệnh tiểu đường ở trẻ hiệu quả. Cha mẹ hãy khuyến khích trẻ:

  • Tập thể dục: Việc tập thể dục đều đặn mỗi ngày sẽ giúp cải thiện sức khoẻ tổng thể và kiểm soát lượng đường huyết ổn định.
  • Ngủ đủ giấc: Giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng trong việc ổn định lượng đường trong máu cũng như sức khoẻ tổng thể. Đảm bảo trẻ ngủ đủ từ 9 - 11 giờ/đêm.
  • Duy trì cân nặng hợp lý: Tình trạng thừa cân hay béo phì chính là một yếu tố làm tăng nguy cơ dẫn đến bệnh tiểu đường tuýp 2. Do đó, cha mẹ cần đảm bảo cân nặng của trẻ trong giới hạn bình thường để phòng ngừa bệnh tiểu đường và nhiều bệnh lý khác do thừa cân - béo phì gây ra.
  • Khám sức khỏe định kỳ: Cha mẹ nên cho trẻ đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện ra yếu tố nguy cơ hoặc bệnh lý, từ đó có biện pháp khắc phục phù hợp.

Trên đây là những thông tin về các biện pháp phòng ngừa bệnh tiểu đường ở trẻ em mà cha mẹ nên biết. Bên cạnh việc thực hiện các biện pháp phòng tránh bệnh tiểu đường cho con, cha mẹ cũng nên có biện pháp giáo dục để giúp con hiểu rõ hơn về bệnh tiểu đường và tầm quan trọng của việc kiểm soát bệnh cũng như tuân thủ theo phác đồ điều trị bệnh. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin