Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Tiểu đường tuýp 1: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và phương pháp điều trị

Ngày 11/07/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tiểu đường tuýp 1 còn có một tên gọi khác là tiểu đường phụ thuộc insulin. Nguyên nhân chính là do hệ miễn dịch của cơ thể tấn công và phá hủy các tế bào beta trong tuyến tụy - nơi sản xuất insulin. Vậy tiểu đường tuýp 1 là gì? Triệu chứng và cách điều trị tình trạng này như thế nào?

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tiểu đường tuýp 1 là gì?

Tiểu đường tuýp 1 là bệnh lý mà tế bào beta của tuyến tụy bị phá hủy gây thiếu một phần hoặc hoàn toàn hormone insulin, do đó dẫn đến hiện tượng tăng đường huyết.   

Tuyến tụy là một tuyến nội tiết giúp điều hòa nồng độ đường trong máu, khi đó đường huyết luôn được giữ trong khoảng ổn định dù cơ thể đang ở trạng thái đói hay no. Insulin là hormone được tiết ra từ tế bào beta tuyến tụy, giữ vai trò chuyển đường trong máu vào tế bào, qua đó gián tiếp điều chỉnh nồng độ đường huyết.

Xem thêm: Phân biệt tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của tiểu đường tuýp 1

Đa phần các bệnh nhân mắc tiểu đường tuýp 1 đều biểu hiện triệu chứng rất rầm rộ và điển hình:

  • Khát nước, uống nước nhiều, tiểu nhiều: Ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 1, nồng độ đường trong máu cao dẫn đến sự xuất hiện của đường trong nước tiểu, vì đường là chất có tính thẩm thấu tích cực nên một lượng nước đáng kể cũng di chuyển theo đường làm tăng thể tích nước tiểu. Việc tiểu nhiều khiến người bệnh mất nước, do đó họ luôn cảm thấy khát và phải uống nước nhiều.
  • Ăn nhiều và sụt cân: Mặc dù bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 có đủ lượng đường trong máu, nhưng sự thiếu hụt insulin làm cho đường không thể vào tế bào, tế bào luôn phải ở trong trạng thái thiếu năng lượng. Đáp ứng với sự thiếu hụt đó, cơ thể tiến hành phân giải mô mỡ và mô cơ để tạo năng lượng cho tế bào hoạt động. Điều này dẫn đến hiện tượng sụt cân nhanh chóng ở bệnh nhân. Bên cạnh đó, trạng thái cần năng lượng còn khiến người bệnh luôn cảm thấy đói và phải ăn nhiều.
  • Mệt mỏi và yếu sức: Đường không được chuyển vào tế bào đồng nghĩa với việc tế bào không thể hoạt động do thiếu năng lượng, từ đó khiến người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, không có sức.
  • Trẻ em mắc tiểu đường tuýp 1 thường xuất hiện triệu chứng tiểu dầm trong khi trước đó có thể chưa từng ghi nhận tình trạng này ở trẻ.
Tiểu đường tuýp 1 là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và phương pháp điều trị 1
Sụt cân là một trong những triệu chứng kinh điển của tiểu đường tuýp 1

Biến chứng có thể gặp của tiểu đường tuýp 1

Bệnh nhân tiểu đường phải đối mặt với rất nhiều biến chứng nguy hiểm, ngay tại thời điểm mới mắc và cả thời gian sau đó.

Biến chứng cấp tính của bệnh tiểu đường

Nhiễm toan ceton là biến chứng cấp tính rất thường gặp của bệnh tiểu đường tuýp 1. Khoảng ⅓ bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 nhập viện lần đầu trong tình trạng nhiễm ceton. Nó biểu hiện bởi tình trạng nôn, buồn nôn, đau bụng, hơi thở có mùi trái cây, nếu nặng hơn bệnh nhân có thể lơ mơ, hôn mê và đe dọa tính mạng

Biến chứng muộn của bệnh tiểu đường

Bệnh võng mạc do tiểu đường

Khoảng 90% bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 có bệnh võng mạc sau 15 năm mắc bệnh với các biểu hiện như giảm hoặc mất hoàn toàn thị lực, xuất hiện điểm đen, đám mờ trước mắt, đau nhức mắt. Để dự phòng, cần kiểm soát tốt đường huyết, khám mắt ngay tại thời điểm chẩn đoán và sau đó ít nhất 1 lần/năm.

Bệnh thận do đái tháo đường

Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy thận mạn ở cả Việt Nam và thế giới. Bệnh thường diễn tiến âm thầm với biểu hiện sớm là tiểu đạm vi thể tiến triển từ từ đến tiểu đạm đại thể và chức năng thận sụt giảm dần. Để dự phòng, phải kiểm soát tốt đường huyết, huyết áp và lipid máu.

Biến chứng thần kinh

Thường gồm 3 nhóm triệu chứng chính là rối loạn cảm giác, rối loạn vận động, rối loạn thần kinh tự chủ.

Với rối loạn cảm giác, bệnh nhân thường cảm thấy châm chích, rát bỏng ở hai bàn chân hoặc đau nhức như bị bóp chặt hay bị dao đâm ở cẳng chân.

Với rối loạn vận động, triệu chứng thường gặp là yếu cơ có tính đối xứng, một số trường hợp bệnh nhân liệt đột ngột thần kinh sọ não hoặc một dây thần kinh chi phối một vùng cơ thể, tuy nhiên tiên lượng thường tốt và tự phục hồi sau 3 - 6 tháng.

Với rối loạn thần kinh tự chủ, nhiều chức năng về tiêu hóa, tim mạch, tiết niệu - sinh dục, tiết mồ hôi bị rối loạn. Các biểu hiện thường gặp như tim nhanh lúc nghỉ, mất dần sự toát mồ hôi, nôn, buồn nôn sau ăn do mất trương lực dạ dày, tiêu tiểu không tự chủ…

Bệnh lý tim mạch

Tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành, nhất là bệnh lý nhồi máu cơ tim. Khoảng 55% bệnh nhân tiểu đường tử vong do nhồi máu cơ tim. Cần kiểm soát tốt đường huyết, huyết áp, lipid máu để dự phòng bệnh mạch vành.

Bệnh mạch máu ngoại biên

Bệnh thường biểu hiện ở động mạch chi dưới gây ra teo cơ, lạnh chân, loét chân hoặc hoại thư ngón chân.

Bàn chân tiểu đường

Là tình trạng nhiễm trùng, loét và phá hủy các mô sâu có kết hợp với bất thường về thần kinh và bệnh mạch máu ngoại biên ở chi dưới. Biến chứng này có thể đưa đến việc cắt cụt chi bệnh nhân. Yếu tố nguy cơ bao gồm tiểu đường trên 10 năm, giới tính nam, có biến chứng tim mạch, biến chứng võng mạc, biến chứng thận.

Nhiễm trùng

Ngoài việc nồng độ đường trong máu cao là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn thì bệnh nhân tiểu đường dễ bị nhiễm trùng còn do suy giảm miễn dịch. Các nhiễm trùng thường gặp như nhiễm trùng da, mô mềm, nhiễm trùng phế quản, nhiễm nấm candida âm đạo…

Tiểu đường tuýp 1 là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và phương pháp điều trị 6
Giảm thị lực là một trong những biến chứng thường gặp của bệnh nhân bị tiểu đường

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi nghi ngờ bản thân có triệu chứng của tiểu đường, bạn cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị sớm nhất. Kiểm soát đường huyết tốt và kịp thời là điều kiện tiên quyết để hạn chế các biến chứng nguy hiểm của tiểu đường. 

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh lý tiểu đường tuýp 1

Nguyên nhân của sự phá hủy tế bào beta (Beta cells) đảo tụy trong cơ chế bệnh sinh của tiểu đường tuýp 1 đến nay vẫn chưa rõ. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy đa phần bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 đều có các kháng thể tấn công tế bào beta tuyến tụy (Pancreas), trong khi ở người bình thường các kháng thể này chỉ đóng vai trò bảo vệ cơ thể nhờ vào khả năng tiêu diệt các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng…

Điều này có nghĩa là tồn tại một bất thường miễn dịch bên trong cơ thể bệnh nhân tiểu đường tuýp 1, sinh ra các tự kháng thể gây rối loạn khả năng kiểm soát đường huyết.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải tiểu đường tuýp 1?

Bệnh tiểu đường tuýp 1 thường gặp ở trẻ em và người trẻ tuổi.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải tiểu đường tuýp 1

Tiểu đường tuýp 1 có thể gặp ở mọi đối tượng. Tuy nhiên có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 1 như sau:

  • Di truyền: Nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 1 sẽ tăng cao một khi trong gia đình có bố mẹ hoặc ông bà bị tiểu đường tuýp 1.
  • Độ tuổi: Đối tượng thường gặp của bệnh tiểu đường tuýp 1 chủ yếu là trẻ em, người trẻ dưới 30 tuổi, nhất là trong độ tuổi vị thành niên. Do đó, bệnh lý này còn được biết đến với tên gọi là tiểu đường vị thành niên.
  • Mắc một số bệnh tự miễn khác: Nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 1 cũng tăng cao ở những bệnh nhân mắc các bệnh tự miễn khác như xơ cứng bì, basedow…
  • Virus: Tiếp xúc với một số virus như virus rubella, cytomegalovirus… có thể gây hủy hoại hệ thống miễn dịch của tế bào tiểu đảo tụy. 
Tiểu đường tuýp 1 là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và phương pháp điều trị 7
Bệnh tiểu đường tuýp 1 thường gặp ở trẻ em và người trẻ tuổi

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán tiểu đường tuýp 1

Các xét nghiệm chẩn đoán tiểu đường

  • Xét nghiệm đường huyết lúc đói: Bệnh nhân nhịn ăn ít nhất 8 giờ, tiểu đường được chẩn đoán khi chỉ số đường huyết ≥ 126mg/dL (7,0 mmol/L).
  • Xét nghiệm glucose huyết tương ở thời điểm sau 2 giờ làm nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống (OGTT): Bệnh nhân nhịn đói từ nửa đêm trước khi làm nghiệm pháp, dùng một lượng glucose tương đương với 75g glucose, hòa tan trong 250-300ml nước, uống trong 5 phút. Tiểu đường được chẩn đoán nếu sau 2 giờ chỉ số glucose ghi nhận ≥ 200mg/dL (11,1 mmol/L).
  • Xét nghiệm HbA1c: Tiểu đường được chẩn đoán khi HbA1c ≥ 6,5%.
  • Xét nghiệm đường huyết ở thời điểm bất kỳ: Tiểu đường được chẩn đoán nếu đường huyết bất kỳ ≥ 200mg/dL (11,1 mmol/L).
  • Nếu bệnh nhân không có triệu chứng kinh điển của tiểu đường (khát nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, ăn nhiều, sụt cân) các xét nghiệm trên cần được thực hiện lặp lại lần 2 để xác định chẩn đoán. Thời gian thực hiện xét nghiệm lần 2 sau lần thứ nhất có thể từ 1 đến 7 ngày.
Tiểu đường tuýp 1 là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và phương pháp điều trị 3
Xét nghiệm đường huyết là tiêu chuẩn tiên quyết trong chẩn đoán bệnh lý tiểu đường

Các xét nghiệm chẩn đoán phân biệt tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2

Vì nguyên tắc điều trị của tiểu đường tuýp 1 khác hoàn toàn so với tiểu đường tuýp 2. Do đó, việc phân biệt chúng là vô cùng cần thiết. Một số xét nghiệm giúp phân biệt như sau:

  • Định lượng nồng độ insulin máu: Sự phá hủy các tế bào đảo tụy dẫn đến sự thiếu hụt trầm trọng insulin máu ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 1, trong khi nồng độ này lại bình thường ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 2.
  • Định lượng peptid C: Tương tự insulin, peptid C cũng được tiết ra bởi tế bào đảo tụy. Do đó, nồng độ chất này ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 cũng sẽ giảm đáng kể.
  • Nghiệm pháp glucagon: Thực hiện bằng cách tiêm 1mg glucagon tĩnh mạch lúc đói, sau đó 6 phút sẽ tiến hành định lượng peptid C. Glucagon có tác dụng làm tăng đường máu, vì vậy sau khi tiêm lượng đường máu sẽ tăng lên. Ở người bình thường, tuyến tụy sẽ tiết insulin và peptid C sẽ để làm giảm lượng đường này. Do đó, nếu sau tiêm glucagon mà lượng peptid C máu không tăng hoặc tăng không đáng kể đồng nghĩa là tế bào beta đảo tụy có vấn đề dẫn đến không tiết được peptid. Khi đó có thể kết luận bệnh nhân bị tiểu đường tuýp 1.
  • Xét nghiệm tự kháng thể (ICA, GADA, IA - 2A, IAA): Bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 có các tự kháng thể kháng tế bào beta đảo tụy. Do đó, nếu một xét nghiệm một trong các tự kháng thể cho kết quả dương tính đồng nghĩa với bệnh nhân đang mắc tiểu đường tuýp 1.

Xem thêm: Các loại xét nghiệm chẩn đoán bệnh tiểu đường thường dùng

Phương pháp điều trị đối với tiểu đường tuýp 1

Một số nguyên tắc trong phác đồ điều trị tiểu đường tuýp 1 như sau:

  • Kiểm soát đường huyết (Glycemic control): Điều trị bằng insulin ngoại sinh là cách tốt nhất để bù lại lượng insulin thiếu hụt và giúp kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 1.
  • Lưu ý về triệu chứng hạ đường huyết (Hypoglycemia) : Hạ đường huyết là tai biến thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường do sử dụng sai liều insulin, chế độ ăn không hợp lý hoặc tập thể thao quá mức… Một số triệu chứng hạ đường huyết như mệt mỏi đột ngột, vã mồ hôi, run tay, da xanh, lạnh, thở hụt hơi… Nếu nhẹ bệnh nhân có thể xử trí tại nhà, nếu nặng cần đưa bệnh nhân đến cơ sở ý tế gần nhất để được thăm khám.
  • Kiểm soát các bệnh lý sẵn có: Kiểm soát tốt huyết áp và lipid máu là rất cần thiết để hạn chế các biến chứng nguy hiểm ở bệnh nhân tiểu đường.
  • Dự phòng biến chứng: Bệnh nhân cần nắm rõ triệu chứng của các biến chứng có thể xảy ra để thăm khám kịp thời.
  • Thay đổi lối sống: Bệnh nhân cần thiết lập một lối sống khoa học, ăn uống điều độ, tập luyện thể dục, không hút thuốc lá, không dùng chất kích thích… 

Xem thêm: Các loại thuốc điều trị tiểu đường tuýp 1

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của tiểu đường tuýp 1

Chế độ sinh hoạt:

Về tuân thủ điều trị:

  • Tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, nhất là đối với cách sử dụng và liều lượng insulin.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ nếu có thắc mắc hoặc xuất hiện những triệu chứng bất thường trong quá trình điều trị nhất là các triệu chứng của hạ đường huyết và các biến chứng của tiểu đường.
  • Không sử dụng thêm bất kỳ loại thuốc hay dược liệu nào khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.
  • Bệnh nhân nên luyện tập thể dục phù hợp với sức khỏe, tuổi tác để rèn luyện sự dẻo dai, cải thiện hoạt động của tim mạch và cải thiện tâm lý.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng bao gồm các nhóm nhất như đạm, đường, chất béo, chất xơ, vitamin.
  • Hạn chế các thức ăn có chỉ số đường cao như thức ăn nhanh, gạo, bánh mì nguyên cám, bánh quy, dưa hấu, vải…
  • Nên chia thành nhiều bữa ăn để tránh tăng đường huyết (Hyperglycemia) sau ăn.
  • Hạn chế rượu vì rượu làm lu mờ các triệu chứng hạ đường huyết.
  • Không hút thuốc lá vì nó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, góp phần dẫn đến biến chứng tim mạch ở bệnh nhân tiểu đường.

Xem thêm: Chế độ ăn cho người tiểu đường tuýp 1

Phương pháp phòng ngừa tiểu đường tuýp 1 hiệu quả

Theo cơ chế bệnh sinh về bất thường trong cơ chế sản xuất kháng thể nên tiểu đường tuýp 1 không có phương pháp phòng ngừa. Tuy nhiên, có một số cách giúp phát hiện bệnh sớm để điều trị kịp thời tránh những biến chứng nguy hiểm:

  • Tầm soát sớm tiểu đường tuýp 1 nếu có ông bà, bố mẹ mắc bệnh hoặc bản thân bệnh nhân đang mắc các bệnh tự miễn khác.
  • Nhận biết sớm các dấu hiệu của tiểu đường, thăm khám và điều trị để làm chậm tiến triển của bệnh. 
Tiểu đường tuýp 1 là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và phương pháp điều trị 2
Tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, nhất là đối với cách sử dụng và liều lượng insulin

Xem thêm:

Nguồn tham khảo

https://medinet.gov.vn/

https://www.healthline.com/

Các bệnh liên quan

  1. Cổ trướng

  2. Hội chứng mất trí nhớ Korsakoff

  3. Bệnh Pellagra

  4. Cường Aldosterone

  5. Cholesterol máu cao

  6. Thiếu canxi

  7. Bướu giáp nhân

  8. Hội chứng tăng tiết ADH không thích hợp

  9. Xơ gan do rượu

  10. Basedow