Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Tiểu đường tuýp 2 là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 11/07/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh tiểu đường tuýp 2 còn được gọi là bệnh đái tháo đường type 2, đây là một trong những bệnh lý mạn tính phổ biến trong độ tuổi trung niên ở Việt Nam. Bệnh có nhiều biến chứng nghiêm trọng về thần kinh, mạch máu, mắt hay thận. Tuy nhiên bệnh cũng có thể được phòng ngừa hiệu quả bằng việc thay đổi lối sống.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bệnh Tiểu đường tuýp 2 là gì?

Tiểu đường tuýp 2 là bệnh xảy ra khi lượng glucose trong máu, còn gọi là đường huyết, cao quá mức. Glucose là nguồn năng lượng chính và chủ yếu đến từ thức ăn nạp vào cơ thể. Insulin, một loại hormone do tụy sản xuất, giúp glucose vào tế bào để tạo năng lượng. 

Tăng glucose máu trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa khác trong cơ thể như đạm, mỡ,... gây tổn thương ở nhiều cơ quan như tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tiểu đường tuýp 2

Bốn triệu chứng điển hình của tăng đường huyết là: Ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy nhiều. Nhưng đa phần các bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 không có các triệu chứng trên mà lại có các triệu chứng muộn của các biến chứng như: Tê hai bàn tay hay hai bàn chân, nhìn mờ,...

Tác động của bệnh tiểu đường tuýp 2 đối với sức khỏe

Người mắc tiểu đường tuýp 2 tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính khác như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, bệnh lý thần kinh và mạch máu khác. Người mắc bệnh tiểu đường tăng nguy cơ tử vong và có chất lượng cuộc sống giảm.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh tiểu đường tuýp 2

Bệnh nhân tiểu đường tuýp 2, có thể gặp các biến chứng cấp tính hay mạn tính.

Các biến chứng cấp tính như: Hôn mê nhiễm toan ceton, hạ glucose máu, hôn mê tăng glucose máu không nhiễm toan ceton, hôn mê nhiễm toan Lactic, các bệnh nhiễm trùng cấp,… các biến chứng này thường liên quan đến việc đường huyết tăng quá cao hoặc quá thấp.

Các biến chứng mạn tính như: Bệnh võng mạc, bệnh thận, bệnh lý thần kinh, đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim, thiếu máu não thoáng qua và đột quỵ, bệnh động mạch ngoại biên. Các bệnh lý trên xuất hiện do tổn thương các mạch máu nhỏ và lớn trong cơ thể.

Đái tháo đường type 2 là gì? Những điều cần biết về Bệnh đái tháo đường type 2 5
Kiểm soát đường huyết kém dễ xuất hiện sớm các biến chứng ở bệnh nhân tiểu đường

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có yếu tố nguy cơ mắc bệnh hay các triệu chứng nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ chậm diễn tiến bệnh, giảm nguy cơ mắc các biến chứng của bệnh và giúp bạn nâng cao chất lượng sống của bản thân.

Xem thêm:

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh tiểu đường tuýp 2

Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường tuýp 2 chưa được xác minh rõ ràng, nhưng người ta cho rằng có sự tương tác giữa yếu tố gen và yếu tố môi trường như chế độ ăn uống, sinh hoạt,... góp phần hình thành nguyên nhân bệnh. Cơ chế sinh bệnh là do suy giảm chức năng tế bào beta dẫn đến giảm tiết insulin và đề kháng insulin ở các mô ngoại vi như mô mỡ, mô cơ, mô gan,... 

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải bệnh tiểu đường tuýp 2?

Những đối tượng có nguy cơ mắc phải bệnh tiểu đường tuýp 2 là:

Đái tháo đường type 2 là gì? Những điều cần biết về Bệnh đái tháo đường type 2 6
Béo phì là một yếu tố nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh tiểu đường tuýp 2

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, bao gồm:

  • Sau 35 tuổi;
  • Thừa cân hoặc béo phì;
  • Lối sống ít vận động;
  • Tiền sử gia đình có người thân trực hệ mắc đái tháo đường tuýp 2;
  • Tiền sử tiền đái tháo đường;
  • Đái tháo đường thai kì hoặc cân nặng trẻ sau sinh hơn 4,1 kg;
  • Tăng huyết áp;
  • Rối loạn lipid máu;
  • Tiền sử bệnh tim mạch;
  • Hội chứng buồng trứng đa nang;
  • Chủng tộc hoặc dân tộc Phi, Tây Ban Nha, Mỹ gốc Á hoặc Mỹ da đỏ;
  • Bệnh gan nhiễm mỡ;
  • Nhiễm HIV.

Xem thêm: Người mắc tiểu đường tuýp 2 sống được bao lâu?

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh tiểu đường tuýp 2

Phương pháp xét nghiệm

Có 4 phương pháp xét nghiệm đường huyết để chẩn đoán tiểu đường nói chung và bệnh tiểu đường tuýp 2 nói riêng như sau:

  • Đường huyết đói: Đường huyết đói được hiểu là chỉ số huyết tĩnh mạch đo được khi bệnh nhân không dung nạp năng lượng từ trước đó ít nhất 8 giờ.
  • Đường huyết sau dung nạp 75g đường: Đường huyết sau dung nạp 75g đường được hiểu là chỉ số đường huyết tĩnh mạch đo được sau khi bệnh nhân uống 75g glucose 2 giờ. Chú ý rằng chỉ số này chỉ có giá trị khi phòng khám thực hiện xét nghiệm này bằng phương pháp NGSP được chuẩn hóa theo nghiên cứu DCCT.
  • HbA1C: HbA1C được hiểu là phần trăm Hemoglobin (Hb) có gắn đường.
  • Đường huyết bất kỳ: Đường huyết bất kỳ được hiểu là chỉ số đường tĩnh mạch đo được ở bất kỳ thời điểm nào mà không cần quan tâm đến bữa ăn.

Phương pháp chẩn đoán

Từ các xét nghiệm trên ta có phương pháp chẩn đoán bệnh tiểu đường tuýp 2 như sau:

  • Đường huyết đói: Lớn hơn hoặc bằng 126mg/dL (hay 7.0 mmol/L).
  • Đường huyết sau dung nạp 75g đường: Lớn hơn hoặc bằng 200mg/dL (hay 11.1 mmol/L).
  • HbA1C: Lớn hơn hoặc bằng 6.5%.
  • Đường huyết bất kỳ: Lớn hơn hoặc bằng 200mg/dL (hay 11.1 mmol/L) và triệu chứng tăng đường huyết nghiêm trọng.

Trong đó với 3 xét nghiệm đầu cần được đánh giá lần 2. Nếu cả 2 lần đều cho kết quả bệnh thì mới chẩn đoán bệnh nhằm tránh việc chẩn đoán quá mức.

Phương pháp điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2 hiệu quả

Để điều trị hiệu quả bệnh tiểu đường type 2 chúng ta cần kết hợp điều trị không dùng thuốc và dùng thuốc. Trong đó điều trị bằng cách thay đổi lối sống là phương pháp điều trị nền tảng có hiệu quả, ít tốn kém nhưng khó thực hiện thành công.

Điều trị không dùng thuốc

Chế độ ăn: Hạn chế ăn quá nhiều thực phẩm chứa cacbonhydrat như: Trái cây sấy khô, sầu riêng, mít, nhãn, vải,...

Tập luyện thể dục: Tập thể dục vừa sức ít nhất 30 phút mỗi ngày trong ít nhất 5 ngày mỗi tuần, không ngừng tập trong 2 ngày liên tục.

Duy trì cân nặng hợp lý: Duy trì chỉ số BMI dưới 23kg/m2.

Điều trị dùng thuốc

Các thuốc điều trị đái tháo đường tác động lên nhiều cơ chế khác nhau nhằm tăng lượng insulin tiết ra từ tuyến tụy và tăng khả năng sử dụng đường tại mô ngoại vi. Gồm nhiều nhóm thuốc uống và thuốc tiêm.

  • Thuốc uống: Metformin, SU, TZD, SGLT2, DPP-4i,...
  • Thuốc tiêm: Insulin, ức chế GLP-1.
Đái tháo đường type 2 là gì? Những điều cần biết về Bệnh đái tháo đường type 2 7
Các thuốc điều trị bệnh tiểu đường gồm thuốc uống và thuốc tiêm

Bạn nên đến bác sĩ để được cung cấp các thông tin đầy đủ, chi tiết các phương pháp điều trị phù hợp nhất với cá nhân bạn.

Xem thêm: Các loại xét nghiệm chẩn đoán bệnh tiểu đường thường dùng

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh tiểu đường tuýp 2

Những thói quen sinh hoạt để phòng ngừa bệnh, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình điều trị. Đồng thời tái khám thường xuyên để theo dõi diễn tiến bệnh.
  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng, tăng cường các hoạt động thể lực.
  • Tái khám ngay khi cơ thể có những bất thường.

Phương pháp phòng ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2 hiệu quả

Việc phòng bệnh trong bệnh tiểu đường tuýp 2 góp phần quan trọng không so với việc điều trị bệnh vì nó cũng mang lại những lợi ích nhất định gồm các bậc dự phòng:

  • Dự phòng bậc 0: Phòng bệnh đái tháo đường bạn cần đề phòng để bản thân không bị bệnh
  • Dự phòng bậc 1: Khi có nguy cơ mắc bệnh, phòng để không tiến triển thành bệnh và loại trừ các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được bằng cách sàng lọc để tìm ra nhóm người có nguy cơ mắc bệnh; can thiệp tích cực nhằm làm giảm tỷ lệ mắc tiểu đường trong cộng đồng
  • Dự phòng bậc 2, 3: Khi đã mắc bệnh, phòng để bệnh không tiến triển nhanh và giảm thiểu tối đa các biến chứng của bệnh nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh gọi là. 

Cụ thể như sau:

Kiểm soát cân nặng

Kiểm soát trọng lượng cơ thể ở giới hạn cho phép giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ở những người bị tiền đái tháo đường, đồng thời tăng khả năng dung nạp đường ở những bệnh nhân đang mắc bệnh. Mục tiêu giảm cân dựa trên trọng lượng cơ thể hiện tại và nên chia nhỏ thành nhiều giai đoạn với số cân nặng giảm xuống hợp lý, ví dụ giảm 0.5 - 1kg/tuần đến khi chỉ số BMI dưới 23kg/m2 thì cố gắng duy trì.

Tăng cường hoạt động thể lực

Hoạt động thể lực thường xuyên giúp phòng bệnh và điều trị bệnh thông qua việc giảm cân nặng tăng độ nhạy cảm với insulin với các mô ngoại vi như mô cơ, mô gan, mô mỡ,... từ đó có thể giảm lượng đường trong máu.

Mục tiêu vận động: Tăng dần các bài tập có mức tiêu thụ năng lượng từ trung bình đến cao như: Đi bộ nhanh, bơi lội, đạp xe,... nên tập luyện ít nhất 30 phút mỗi ngày hoặc ít nhất 150 phút mỗi tuần. Duy trì các bài tập có cường độ mạnh mang tính đối kháng như đá bánh, chạy bộ,… ít nhất 2 đến 3 lần/tuần, giúp tăng sức mạnh, khả năng giữ thăng bằng và duy trì một cuộc sống năng động. Rút ngắn thời gian của các hoạt động tĩnh tại như xem tivi, lướt web hay ngồi làm việc một chỗ bằng việc hãy đứng dậy, đi lại trò chuyện, uống nước hoặc hoạt động vận động nhẹ nhàng mỗi 30 phút.

Ăn chất béo tốt

Chế độ ăn uống nên bao gồm nhiều loại thực phẩm có chất béo không bão hòa và hạn chế tối đa các chất béo không bão hòa giúp giảm cholesterol xấu trong máu và giảm nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch. Các nguồn chất béo không bão hòa thường có trong các loại thực vật và hải sản như: Dầu ô liu, dầu hướng dương, dầu hạt cải, các loại hạt như hạnh nhân, đậu phộng, đậu nành, hạt bí ngô, cá hồi, cá thu, cá mòi, cá ngừ,… Chất béo bão hòa được tìm thấy trong các sản phẩm từ da gà vịt, heo, mỡ động vật,... và thường tồn tại dạng rắn ở nhiệt độ phòng.

Ăn nhiều rau xanh

Rau xanh và các loại hạt là những thực phẩm chứa ít đường, ít tinh bột và nhiều chất xơ, vitamin, khoáng chất,... giúp ngừa bệnh tiểu đường. Bạn nên sử dụng các loại thực phẩm sau cho bữa ăn: Cà chua, ớt chuông, rau ngót, bông cải, súp lơ, cải thìa, đậu gà và đậu lăng, các loại ngũ cốc nguyên hạt và các sản phẩm được làm từ các nguyên liệu trên.

Đái tháo đường type 2 là gì? Những điều cần biết về Bệnh đái tháo đường type 2 8
Chế độ ăn giàu chất xơ cho người tiểu đường

Không hút thuốc

Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường trên 50% so với người không hút thuốc. Vì thế, nên bỏ hút thuốc hoặc không hút lá chủ động và thụ động giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc đái tháo đường.

Uống rượu hay bia trong giới hạn cho phép

Lượng cồn vừa phải ở nữ giới là khoảng 1 đơn vị mỗi ngày đối với nữ và tối đa 2 đơn vị mỗi ngày đối với nam. Trong đó một đơn vị cồn tương đương 1 lon bia 330ml.

Xem thêm: Phòng ngừa tiểu đường tuýp 2 thế nào cho hiệu quả

Nguồn tham khảo
  1. https://www.diabetesnc.com/wp-content/themes/dnc/assets/downloads/0321/ADAStandardsofCare_2021.pdf
  2. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diabetes/diagnosis-treatment/drc-20371451

Các bệnh liên quan

  1. Tăng huyết áp trong thai kỳ

  2. Rong kinh tiền mãn kinh

  3. Lỵ trực khuẩn

  4. Ung thư vú giai đoạn đầu

  5. Ống phúc tinh mạc

  6. Sốt

  7. Bướu giáp đa nhân

  8. Nhau tiền đạo

  9. Cường Aldosteron tiên phát

  10. Jet lag