Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

MPV là gì và phản ánh điều gì về sức khỏe của bạn?

Ngày 14/02/2023
Kích thước chữ

Hầu hết chúng ta đều khá lúng túng khi cầm kết quả xét nghiệm máu trên tay bởi có rất nhiều chỉ số viết tắt. Chỉ số MPV là một trong số đó. Vậy MPV là gì? Nó phản ánh điều gì về sức khỏe?

MPV là một chỉ số quan trọng trong xét nghiệm máu. Nếu nằm ngoài giới hạn bình thường, liệu chỉ số này có phản ánh mối nguy về sức khỏe? Để có câu trả lời chính xác, Long Châu sẽ giúp bạn tìm hiểu MPV là gì và chỉ số này có ý nghĩa gì ngay trong bài viết này. 

MPV là gì?

Máu được cấu tạo bởi 2 thành phần gồm các tế bào máu và huyết tương. Tế bào máu lại gồm 3 thành phần chính gồm tiểu cầu, hồng cầu và bạch cầu. Trong đó, tiểu cầu là một thành phần vô cùng quan trọng với chức năng cầm máu. Khi có tổn thương gây chảy máu trên cơ thể, các tế bào này sẽ liên kết lại với nhau để tạo ra các cục máu đông nhằm làm ngưng tình trạng chảy máu. Vì thế, thông tin về tiểu cầu trong máu là một thông tin quan trọng.

Chỉ số MPV là gì? Đây là chỉ số xét nghiệm được thực hiện khi cần đo lường thể tích trung bình của tiểu cầu. Nếu chỉ số này bất thường, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng rối loạn đông máu hay các bất thường khác về sức khỏe. Xét nghiệm mpv là một trong những xét nghiệm quan trọng và phổ biến nhất trong xét nghiệm máu tổng quát.

mpv là gì 1
Chỉ số MPV thường đi kèm với chỉ số về số lượng tiểu cầu trong máu

Quy trình xét nghiệm để đánh giá chỉ số MPV thường gồm các bước sau:

  • Nhân viên y tế sẽ dùng cồn 70 độ sát khuẩn vị trí tĩnh mạch chọc kim lấy máu để tránh nhiễm khuẩn.
  • Hút 3ml máu từ đường tĩnh mạch và đưa vào ống nghiệm có sẵn chất đông phù hợp. Ống nghiệm chứa máu cần đảm bảo tiêu chuẩn và có nút đậy kín. 
  • Mẫu máu cần được đưa vào máy xét nghiệm trong vòng 30 phút sau khi lấy. 
  • Mẫu máu sau đó được cho vào máy ly tâm để tách lấy huyết tương hoặc huyết thanh. Ở nhiệt độ 15 - 25 độ C, mẫu máu có thể được ổn định trong khoảng 2 ngày. 

Chỉ số MPV khi nào là bình thường và bất thường?

Như vậy, MPV là gì đến đây bạn đã biết. Điều tiếp theo chúng ta nên tìm hiểu là khi nào chỉ số này được cho là bình thường? Khi nào nó được cho là bất thường? Ở một người có sức khỏe bình thường, chỉ số này nằm trong ngưỡng 5,0 – 15,0 fL. MPV cao hoặc thấp hơn mức này đều là dấu hiệu cảnh báo bất thường về sức khỏe. Cụ thể là:

Chỉ số MPV cao hơn mức bình thường

Chỉ số MPV cao chứng tỏ lượng tiểu cầu trong máu quá nhiều dẫn đến thể tích trung bình của tiểu cầu tăng. Đây có là dấu hiệu cảnh báo rằng tủy xương đang phải làm việc “cật lực” để sản xuất nhanh tiểu cầu, nhằm thay thế một lượng tiểu cầu già đang bị phá hủy. Bình thường, tiểu cầu có thể sống từ 5 - 7 ngày. Nhưng khi có bất thường xảy ra, tuổi thọ của tiểu cầu có thể bị rút ngắn.

mpv là gì 2
Xét nghiệm máu cho biết chỉ số mpv và nhiều chỉ số quan trọng khác

Một số bệnh lý nghiêm trọng có thể liên quan đến chỉ số mpv cao như: Bệnh suy giáp, bệnh tim mạch, tiểu đường tuýp 2, tăng huyết áp, ung thư, đột quỵ,... Đây cũng có thể là dấu hiệu quả tình trạng thiếu vitamin D và rung nhĩ. 

Các bác sĩ cũng cho biết, chỉ số MPV cao có liên quan trực tiếp đến bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư vú, ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư đại tràng, ung thư lạc nội mạc tử cung, ung thư buồng trứng... Ở những bệnh nhân ung thư, tiểu cầu có thể là chất xúc tác khiến khối u phát triển về kích thước là lan sang những vùng khác của cơ thể.

Tuy nhiên, khi ai đó có chỉ số MPV cao không có nghĩa là họ bị mắc bệnh ung thư. Để chẩn đoán chính xác MPV cao do đâu, người bệnh cần được chỉ định làm thêm các xét nghiệm hay kỹ thuật thăm khám khác theo chỉ định của bác sĩ.

Chỉ số MPV thấp hơn mức bình thường

Chỉ số MPV thấp hơn bình thường đồng nghĩa với việc thể tích trung bình tiểu cần nhỏ hơn mức bình thường. Đây là dấu hiệu cho biết tủy xương đang không sản xuất đủ tiểu cầu mới theo nhu cầu của cơ thể. Chỉ số MPV thấp có thể là biểu hiện của bệnh viêm loét dạ dày, viêm đại tràng, viêm đường ruột hay bệnh Crohn.

Ngoài chỉ số MPV, bác sĩ còn cần căn cứ vào các chỉ số khác như số lượng tiểu cầu (PLY), tỷ lệ tiểu cầu có kích thước lớn (P-LCR), độ phân bố tiểu cầu (PDW) và một vài chỉ số xét nghiệm khác.

mpv là gì 3
Đến đây bạn đã rõ chỉ số MPV là gì rồi chứ?

Ý nghĩa của chỉ số MPV

Có thể thấy, chỉ số MPV không phải căn cứ duy nhất để đánh giá tình trạng sức khỏe của một ai đó. Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu cùng các kỹ thuật khám cận lâm sàng khác mới có thể đưa ra căn cứ tin cậy để bác sĩ có kết luận bệnh chính xác. Nhưng MPV là một chỉ số có ý nghĩa quan trọng. Nó hữu ích trong việc:

  • Giúp phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời để giảm những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tăng cơ hội chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân. 
  • Đây là một chỉ số giúp đánh giá sức khỏe định kỳ. Khi chỉ số này trong giới hạn bình thường, chúng ta có thể yên tâm vui sống.

Khi nào cần tiến hành xét nghiệm MPV?

Thông thường, chúng ta sẽ biết được chỉ số MPV trong những lần khám sức khỏe định kỳ. Việc này tốt nhất nên được thực hiện 6 tháng/lần. Trong một số trường hợp dưới đây, bác sĩ sẽ chỉ định việc tiến hành xét nghiệm MPV: 

  • Người gặp các dấu hiệu bất thường xuất hiện ở trên bề mặt da và ở vùng vú. 
  • Người bị ra nhiều mồ hôi hay đau bụng vào ban đêm.
  • Người khó đi tiểu tiện hay khó đi đại tiện.
  • Người quan sát thấy da bị dày lên hoặc phát hiện khối u ở trên da hoặc dưới da.
  • Người bị giảm cân hoặc tăng cân đột ngột không rõ nguyên nhân.
  • Người bị ho kéo dài kèm khàn tiếng hoặc bị khó nuốt.
  • Người thường xuyên rơi vào trạng thái mệt mỏi, đau nhức cơ thể hoặc có xuất huyết bất thường. 
mpv là gì 4
Thay đổi về chỉ số mpv cùng các triệu chứng bất thường khác có thể là dấu hiệu bệnh lý

Trên đây là những thông tin cơ bản về chỉ số MPV. Sau khi nắm được MPV là gì, bạn nên chủ động trong việc thăm khám để được bác sĩ đánh giá về chỉ số này một cách thường xuyên.

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Vinmec.com

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin