Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Sức khỏe gia đình

Có bao nhiêu vi khuẩn sống trong cơ thể người?

Ngày 29/07/2024
Kích thước chữ

Từ trước đến nay, khi nghĩ đến vi khuẩn, nhiều người thường chỉ lo lắng về các tác hại chúng gây ra mà không chú ý đến những mặt tích cực và lợi ích mà chúng mang lại. Thực tế, nhiều loại vi khuẩn trong cơ thể đóng vai trò quan trọng đối với sự sống còn của con người. Vậy bạn có biết có bao nhiêu vi khuẩn sống trong cơ thể người hay không, chúng cư trú ở đâu và làm sao chung sống hòa bình với vi khuẩn trong cơ thể?

Có bao nhiêu vi khuẩn sống trong cơ thể người? Cơ thể chúng ta chứa đầy vi khuẩn, từ những loại kích thước vô cùng nhỏ bé đang ngọ nguậy bò trên da đến các chủng vi khuẩn tập trung với mật độ dày đặc trong ruột. Rất nhiều loại trong số đó là thực sự cần thiết hỗ trợ sức khỏe và thậm chí chúng ta không thể sống thiếu chúng.

Vi khuẩn là gì?

Trước khi tìm hiểu có bao nhiêu vi khuẩn sống trong cơ thể người, chúng ta cần biết vi khuẩn là gì? Chúng là các sinh vật đơn bào có kích thước rất nhỏ, từ 0.2-10μm, chỉ có thể quan sát qua kính hiển vi. Có nhiều các loại vi khuẩn khác nhau và một trong những cách phân loại chúng là dựa theo hình dạng: Hình cầu, hình xoắn, hình dấu phẩy (phẩy khuẩn), hình que, hình sợi...

Có bao nhiêu vi khuẩn sống trong cơ thể người? - 1
Vi khuẩn trong cơ thể người có nhiều kích thước khác nhau và chỉ có thể quan sát qua kính hiển vi

Vi khuẩn đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái Trái Đất. Chúng hiện diện ở khắp mọi nơi, từ bề mặt các vật thể đến cả trong đất, nước, thực vật, động vật, chất thải phóng xạ, lớp vỏ trái đất, ở suối nước nóng cũng như trong băng và sông băng ở Bắc Cực. Dựa vào điều kiện môi trường và nhu cầu oxy, vi khuẩn được phân loại thành: Vi khuẩn hiếu khí, vi khuẩn kỵ khí, vi khuẩn vi hiếu khí và vi khuẩn kỵ khí tùy nghi.

Mặc dù một số loài vi khuẩn có thể gây hại và gây nhiễm trùng cho con người nhưng hầu hết các loài khác đều vô hại và đóng vai trò cân bằng quan trọng trong sinh giới. Các vi khuẩn có lợi, chẳng hạn như: Những vi khuẩn thường trú trong hệ tiêu hóa, giúp cơ thể hoạt động hiệu quả hơn.

Có bao nhiêu vi khuẩn sống trong cơ thể người?

Vậy có bao nhiêu vi khuẩn sống trong cơ thể người? Theo tạp chí Reader’s Digest, cơ thể con người có thể chứa tới hơn 100.000 tỷ vi khuẩn với tổng trọng lượng có thể lên đến 2,26 kg. Mặc dù nhiều người có thể nghĩ rằng vi khuẩn là dơ bẩn và gây bệnh nhưng thực tế cho thấy cơ thể con người rất cần vi khuẩn có lợi để duy trì sức khỏe. Các vi khuẩn này hỗ trợ hệ miễn dịch và đóng vai trò quan trọng trong một số chức năng của não. Một số loại vi khuẩn quan trọng mà cơ thể chúng ta cần có để duy trì sức khỏe bao gồm: Vi khuẩn đường ruột, vi khuẩn làm lành vết thương, vi khuẩn bảo vệ da, vi khuẩn tăng cường hệ miễn dịch và vi khuẩn chống nhiễm trùng.

Dù có kích thước nhỏ nhưng lượng vi khuẩn chiếm số lượng đông đảo trong cơ thể và đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe con người. Do đó, sự cân bằng, ổn định của chúng tác động rất lớn đến sức khỏe mỗi người. Thông thường, ở một người khỏe mạnh hệ vi sinh vật có tỷ lệ 85% là lợi khuẩn và 15% là hại khuẩn. Nếu tỷ lệ hại khuẩn gia tăng, sự cân bằng này mất đi thì cơ thể sẽ giảm sức đề kháng, suy yếu về khả năng miễn dịch, dễ mắc một số bệnh viêm nhiễm, đặc biệt là các bệnh về hệ hô hấp và hệ tiêu hóa.

Có bao nhiêu vi khuẩn sống trong cơ thể người? - 2
Trong cơ thể người có 85% là lợi khuẩn và 15% là hại khuẩn

Hầu hết các vi khuẩn trong cơ thể là vô hại hoặc có lợi, được bảo vệ bởi hệ thống miễn dịch. Các vi khuẩn có lợi, đặc biệt là trong ruột, giúp duy trì sự cân bằng và sức khỏe. Tuy nhiên, một số loài vi khuẩn có thể gây hại và dẫn đến các bệnh truyền nhiễm như: Giang mai, tả bệnh than, phong, lao, dịch hạch và uốn ván. 

Các bệnh do vi khuẩn gây ra phổ biến nhất là nhiễm trùng đường hô hấp. Thuốc kháng sinh thường được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng vi khuẩn. Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh không đúng cách có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc ngày càng nghiêm trọng.

Vi khuẩn có mặt ở đâu trong cơ thể con người?

Cùng như câu hỏi có bao nhiêu vi khuẩn sống trong cơ thể người, vi khuẩn có mặt ở đâu trong cơ thể người cũng là thắc mắc thường gặp. Vi khuẩn hiện diện ở rất nhiều khu vực khác nhau trong cơ thể chúng ta, bao gồm:

  • Da: Bề mặt da chứa nhiều loại vi khuẩn khác nhau. Đặc biệt, các vùng ẩm ướt như: Kẽ ngón chân, nách hay háng thường có mật độ vi khuẩn cao hơn.
  • Miệng: Miệng là nơi cư trú của hàng triệu vi sinh vật, bao gồm cả vi khuẩn trong nước bọt, trên răng và lưỡi. Các loại vi khuẩn này tham gia vào quá trình tiêu hóa và bảo vệ chống lại vi khuẩn gây bệnh.
  • Đường tiêu hóa: Là nơi tập trung nhiều vi khuẩn nhất trong cơ thể con người, đặc biệt là ruột già. Hệ vi khuẩn có lợi ở đường ruột là yếu tố quan trọng không chỉ giúp ta tiêu hóa thức ăn, thải độc, bài tiết, chuyển hóa mà còn tổng hợp các thành phần vi lượng (vitamin, men), các nội tiết tố đường tiêu hóa hay các kháng sinh tự nhiên để kìm hãm và duy trì cân bằng hệ vi sinh vật, tiêu diệt vi khuẩn có hại và mầm bệnh.
  • Hệ hô hấp: Vi khuẩn có thể tồn tại trong mũi, họng và phổi, nhưng ở mức độ thấp hơn so với các khu vực khác.
  • Hệ tiết niệu: Một lượng nhỏ vi khuẩn cũng có mặt trong bàng quang và niệu đạo, mặc dù hệ tiết niệu thường là môi trường ít vi khuẩn.
  • Cơ quan sinh dục: Ở phụ nữ, vi khuẩn có mặt trong âm đạo và giúp duy trì môi trường axit bảo vệ chống lại nhiễm trùng.
Có bao nhiêu vi khuẩn sống trong cơ thể người? - 3
Đường tiêu hóa là nơi tập trung vi khuẩn nhiều nhất trong cơ thể

Những vi khuẩn này thường sống hòa bình và có lợi cho cơ thể, giúp thực hiện nhiều chức năng quan trọng. Tuy nhiên, khi sự cân bằng của hệ vi khuẩn bị phá vỡ, có thể dẫn đến nhiễm trùng và các vấn đề sức khỏe khác.

Chung sống hòa bình với vi khuẩn trong cơ thể

Sau khi biết có bao nhiêu vi khuẩn sống trong cơ thể người bạn cũng cần tìm hiểu cách để có thể chung sống hòa bình với chúng. Việc ăn uống thiếu vệ sinh, ô nhiễm môi trường, sự căng thẳng, lạm dụng kháng sinh và chất kích thích đều có thể tạo điều kiện cho các vi khuẩn bệnh lý phát triển mạnh mẽ và làm giảm số lượng vi khuẩn có lợi như Bifidobacteria.

Tuy nhiên, việc quá cẩn thận đến mức giữ cho con cái sống trong một môi trường hoàn toàn sạch sẽ có thể phá vỡ sự cân bằng tự nhiên của hệ vi khuẩn trong cơ thể, dẫn đến các vấn đề sức khỏe. Nhiều vi sinh vật bình thường giúp bảo vệ da. Do đó, việc tắm rửa quá nhiều hoặc quá kỹ có thể làm mất đi các vi khuẩn có lợi này.

Có bao nhiêu vi khuẩn sống trong cơ thể người? - 4
Chung sống hòa bình với vi khuẩn trong cơ thể là cách giúp duy trì sức khỏe

Để duy trì sức khỏe, con người cần học cách sống hòa bình với thế giới vi khuẩn. Một phương pháp hiệu quả là thường xuyên cung cấp thức ăn đặc biệt để nuôi dưỡng vi khuẩn có lợi đó là đường oligo. Khác với các loại đường thông thường bị tiêu hóa và hấp thụ ở dạ dày và ruột non, đường oligo đi xuống đại tràng và trực tràng mà không bị phân hủy, trở thành nguồn dinh dưỡng cho vi khuẩn có lợi. Đường oligo giúp phát triển vi khuẩn hữu ích như: Khuẩn lactic. Các thực phẩm giàu oligo bao gồm: Hành, đậu trắng (1-3,5%) và đậu tương (10%).

Những thông tin trên đây chắc hẳn đã giúp bạn giải đáp thắc mắc có bao nhiêu vi khuẩn sống trong cơ thể người và nơi cư trú của chúng. Để duy trì sức khỏe tốt, con người cần học cách sống hòa hợp với thế giới vi khuẩn. Vi sinh vật luôn hiện diện trong cơ thể, bao gồm cả các vi sinh vật có lợi và có hại. Việc duy trì một lối sống lành mạnh và khoa học là cần thiết để kích thích sự phát triển của vi khuẩn có lợi và kiểm soát sự xâm nhập cũng như phát triển của vi sinh vật gây hại.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin