Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Muỗi đực có hút máu không? Phòng ngừa bệnh lây truyền do muỗi

Ngày 19/12/2023
Kích thước chữ

Muỗi là côn trùng khiến nhiều người khó chịu vì những phiền toái chúng gây ra. Nguy hiểm hơn, muỗi có thể truyền các bệnh nguy hiểm đến cho con người. Vậy, muỗi đực có hút máu không? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về câu hỏi này qua bài viết dưới đây.

Máu người và động vật là nguồn dinh dưỡng dồi dào cho muỗi. Muỗi có thể đem lại nguy hiểm cho con người khi là vật trung gian truyền bệnh cho sốt xuất huyết, sốt rét, viêm não… Vậy, tại sao muỗi có thể truyền bệnh cho chúng ta? Và muỗi đực có hút máu không? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Tìm hiểu về loài muỗi

Muỗi là loài côn trùng phổ biến sống ở hầu hết các nơi trên thế giới. Hiện tại, các nhà khoa học đã tìm ra hơn 3.700 loài muỗi khác nhau. Không phải tất cả muỗi đều đốt người và động vật. Hầu hết, mọi người đều có cảm giác khó chịu khi bị muỗi đốt, phản ứng phổ biến nhất là ngứa và sưng tấy đỏ do phản ứng của cơ thể đáp ứng lại nước bọt của muỗi. 

Bên cạnh đó, một số loài muỗi có thể là vật trung gian truyền bệnh, truyền bệnh từ loài động vật khác sang người hoặc từ người sang người. Các bệnh đó có thể là sốt xuất huyết, bệnh do vi-rút zika và bệnh sốt Tây sông Nile… có thể dẫn đến tàn tật và các hậu quả khác (như viêm não, viêm màng não, tật đầu nhỏ), thậm chí cả tử vong.

Muỗi đực có hút máu không? 3
Muỗi là vật trung gian truyền bệnh cho con người

Vòng đời của muỗi

Nơi sinh sống ưa thích của các loài muỗi là những nơi ao tù nước đọng như đầm lầy, mương, hồ, vũng nước đọng… do đó là nơi muỗi có thể đẻ trứng. Sự hiện diện của chuồn chuồn, nhện và thằn lằn hay thạch sùng giúp giảm muỗi ở môi trường xung quanh.

Hiểu biết về các giai đoạn khác nhau trong vòng đời của muỗi sẽ giúp ngăn ngừa được muỗi quanh nhà và giúp lựa chọn được phương pháp phù hợp. Tất cả muỗi thuộc các loài khác nhau đều trải qua 4 giai đoạn riêng biệt trong vòng đời của chúng:

  • Trứng thường được muỗi đẻ vào trong môi trường nước và sẽ nở sau khoảng 2 – 3 ngày thành bọ gậy.
  • Bọ gậy không có chân, có ngực lớn và ở đầu có nhiều lông để kiếm ăn. Bọ gậy lột xác nhiều lần, hầu hết đều nổi lên mặt gần mặt nước để lấy không khí và di chuyển bằng cánh uốn thân mình.
  • Cung quăng (nhộng) là bước cuối cùng trước khi muỗi trưởng thành. Đầu và ngực của nhộng được hợp nhất thành đầu ngực, bụng cong xuống bên dưới. Giống như bọ gậy, cung quang của hầu hết các loài phải thường xuyên ngoi lên mặt nước để thở.
  • Muỗi trưởng thành có đôi cánh dài và hẹp, trên bề mặt có vảy rõ rệt. Muỗi lúc này có thể hút máu và sinh sản. Sau khi giao phối, muỗi hút đầy máu và nghỉ ngơi trong 2 – 3 ngày để tiêu hóa thức ăn và cho phép trứng phát triển. Sau đó, muỗi đẻ trứng trực tiếp trên bề mặt nước và lặp lại chu kỳ trên.
Muỗi đực có hút máu không? 1
Muỗi có thể truyền bệnh cho con người

Muỗi là vật trung gian truyền bệnh

Nhiều loài muỗi được biết đến như các vật trung gian truyền bệnh nguy hiểm. Những căn bệnh mà muỗi lây lan là nguyên nhân tử vong của hàng triệu người hàng năm. Muỗi có thể phát hiện khí carbon dioxide do vật chủ thở ra cách xa nhiều mét. Ngoài ra, muỗi cũng cảm nhận được các thành phần khác trong mồ hôi như acid lactic. Khi muỗi bay đến gần mục tiêu, chúng sẽ quan sát chuyển động của các vật thể, hạ cánh và đưa vòi vào thăm dò các mạch máu bên dưới da. 

Khi tìm được vào mạch máu, muỗi sẽ bơm nước bọt vào vị trí đó, nước bọt của muỗi có chứa các chất chống đông máu giúp đảm bảo dòng máu ổn định và không bị đông. Không may rằng, nước bọt của muỗi có thể chứa mầm bệnh như ký sinh trùng sốt rét hoặc virus viêm não. Đây là cách muỗi truyền bệnh.

Muỗi Aedes, với các sọc màu đen và màu trắng dễ phân biệt, gây ra bệnh chikungunya, sốt xuất huyết Dengue, giun chỉ bạch huyết, sốt vàng da và bệnh do virus Zika. Muỗi Aedes thường hoạt động vào ban ngày, đặc biệt là sáng sớm hoặc trước khi hoàng hôn buông xuống.

Muỗi Anopheles gây bệnh sốt rét và giun chỉ. Loài muỗi Anopheles hoạt động cả ngày, cả trong nhà và ngoài trời, con cái hút máu cả người và động vật khác. Một số nhóm ưa thích hút máu người hơn các loài động vật khác, và đây là mối đe dọa lớn về bệnh tật.

Các loài Culex gây bệnh viêm não Nhật Bản, viêm não St.Louis, bệnh giun chỉ, bệnh sốt Tây song Nile và một số bệnh do nhiễm virus ở chim và ngựa. Loài này thường kiếm ăn về đêm và có thể sống cả trong nhà và ngoài trời.

Muỗi đực có hút máu không? 2
Muỗi có thể phát hiện vật chủ ở cách xa nhiều mét

Muỗi đực có hút máu không?

Sự khác biệt giữa muỗi đực và muỗi cái

Với những loài có ít sự khác nhau giữa muỗi đực và muỗi cái, có thể cần phải sử dụng kính hiển vi hoặc kính lúp để phân biệt. Muỗi đực và muỗi cái có thể khác biệt nhau ở những điểm sau:

  • Muỗi đực nhỏ hơn muỗi cái.
  • So với muỗi đực, muỗi cái có vòi giống hình kim hơn và chúng dùng để hút máu.
  • Muỗi đực có lông rậm rạp ở phần đầu, trong khi muỗi cái ít lông hơn.
  • Muỗi cái thường sống từ 2 đến 4 tuần trong khi muỗi đực có tuổi thọ ngắn hơn chỉ một hoặc hai tuần.
  • Tập tính kiếm ăn của muỗi cũng có ý nghĩa liên quan đến nhu cầu năng lượng và tuổi thọ của muỗi. Muỗi đực và muỗi cái có nguồn dinh dưỡng hoàn toàn khác nhau.
Muỗi đực có hút máu không? 4
Muỗi đực có hút máu không?

Muỗi đực có hút máu không?

Muỗi đực có hút máu không? Câu trả lời là không. Muỗi đực thường tránh tiếp xúc với con người hoặc động vật  và thích ở gần nguồn nước nơi muỗi sinh sản. Thức ăn ưa thích của muỗi đực là dung dịch đường từ các loài thực vật. Bằng cách sử dụng vòi có lông, muỗi đực có thể lấy chất dinh dưỡng từ mật hoa của thực vật có hoa hoặc từ các dung dịch chứa đường.

Trong khi muỗi đực sử dụng dung dịch đường làm thức ăn thì muỗi cái lại chuyên đi hút máu động vật để cung cấp năng lượng cho mình. Muỗi cái cần protein có trong máu động vật để phát triển trứng. Vòi của con cái không có những sợi lông mịn như con đực mà giống hình kim hơn, chiếc vòi đó được sử dụng để đâm vào da động vật hút máu từ mạch.

Muỗi đực không hút máu người và động vật, do đó không thể truyền bệnh cho con người. Tuy nhiên, muỗi đực tham gia vào vai trò sinh sản của muỗi và khiến số lượng muỗi ngày càng tăng. Vì vậy, cả muỗi đực và muỗi cái đều cần phải loại trừ khỏi môi trường sống xung quanh bạn.

Phòng ngừa bệnh lây truyền do muỗi

Thời tiết ấm áp và ẩm ướt có thể khiến muỗi phát triển và sinh sản nhanh hơn, bao gồm cả những loài có thể là vật trung gian truyền bệnh. Cách bảo vệ duy nhất khỏi các mầm bệnh đó là tránh muỗi đốt. Sau đây là một số cách khả thi mà các bạn có thể tham khảo:

  • Muỗi có thể đốt xuyên qua quần áo bó sát. Vì vậy, để bảo vệ tốt hơn, hãy mặc các quần áo dài và rộng rãi.
  • Sử dụng thuốc chống muỗi có chứa Picaridin hoặc DEET như xịt chống muỗi Remos trên tất cả các vùng da hở.
  • Hạn chế các hoạt động ở ngoài trời nếu có nhiều muỗi.
  • Loại bỏ các nơi ao tù nước đọng – môi trường sinh sản của muỗi.
  • Mắc màn che khi đi ngủ hoặc nghỉ ngơi.
  • Sử dụng bình xịt muỗi hoặc nhang muỗi có thành phần an toàn với sức khỏe để xua đuổi muỗi.
  • Với trẻ sơ sinh, nên xịt hoặc thoa thuốc chống muỗi vào quần áo thay vì trực tiếp lên da.
Muỗi đực có hút máu không? 5
Treo màn khi ngủ giúp tránh muỗi đốt

Bài viết trên của Nhà thuốc Long Châu đã cung cấp rất nhiều thông tin cho các bạn đọc về sự liên quan của loài muỗi đến sức khỏe con người. Bên cạnh đó, trả lời câu hỏi: “Muỗi đực có hút máu không?”. Từ đó, giúp các bạn có thêm kiến thức về việc phòng ngừa các bệnh lây truyền do muỗi.

Xem thêm: Nhóm máu nào hay bị muỗi đốt nhất?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin