Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh do vi-rút Zika là gì ? Nguyên nhân và cách điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh do virus Zika lây truyền chủ yếu do bị muỗi Aedes đốt. Bệnh cũng có thể lây truyền qua đường máu, đường tình dục và từ mẹ sang con khi mang thai hoặc qua sữa mẹ. Các triệu chứng thường nhẹ bao gồm: Sốt, phát ban, viêm kết mạc, đau cơ và khớp, đau đầu và có thể có những biến chứng. Bệnh không nghiêm trọng đối với những người khỏe mạnh bình thường và có thể tự khỏi trong 6 - 7 ngày. Tuy nhiên, khi virus Zika truyền từ mẹ sang con, sẽ gây biến chứng cho trẻ, khiến trẻ bị đầu nhỏ, bại não, trí tuệ kém phát triển, trẻ em có nguy cơ tử vong sớm nếu bị nhiễm bệnh.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bệnh do virus Zika là gì?

Bệnh do virus Zika gây ra chủ yếu do muỗi đốt, muỗi này thuộc loài Aedes (Ae. AegyptiAe. Albopictus). Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi Aedes. Muỗi này sinh sôi ở những vùng nước đọng, chúng hoạt động mạnh vào ban ngày. Bạn có thể bị những con muỗi này đốt vào ban ngày và ban đêm. 

Bình thường người nhiễm virus Zika có thể không có triệu chứng hoặc có biểu hiện triệu chứng như: Sốt, phát ban, đau khớp hay viêm kết mạc và có thể có biến chứng. Virus Zika có thể truyền từ phụ nữ mang thai sang thai nhi gây ra một số dị tật bẩm sinh như tật đầu nhỏ hoặc có thể bị suy giảm thị lực và thính lực ở trẻ sơ sinh đang phát triển. Vì vậy đối với trẻ sơ sinh cần được làm xét nghiệm virus Zika nếu người mẹ từng đi du lịch hay sống tại vùng đang có dịch virus Zika. Nhiễm virus Zika cũng là nguyên nhân gây ra hội chứng Guillain-Barré, bệnh thần kinh và viêm tủy, đặc biệt ở người lớn và trẻ lớn hơn.

Đối với những người đang ở tại vùng dịch Zika hay hai tuần sau khi trở về có những triệu chứng của bệnh cần phải được xét nghiệm máu để kiểm tra xem liệu có bị nhiễm virus Zika hay không. Virus Zika có thể phản ứng chéo với các xét nghiệm kháng thể cho các bệnh sốt dengue và sốt vàng da do cùng nhóm flavivirus. Trong vòng một tuần sau khi nhiễm virus Zika, cho kết quả xét nghiệm chính xác nhất.

Chẩn đoán bệnh do virus Zika với xét nghiệm miễn dịch liên kết enzyme (ELISA) hoặc RT-PCR. Đối với phụ nữ mang thai tránh đi du lịch đến các khu vực đang có dịch Zika, phòng ngừa muỗi đốt, tránh quan hệ tình dục không an toàn với bạn tình có nguy cơ nhiễm virus Zika. Hiện tại vẫn chưa có vaccine để phòng ngừa hay thuốc điều trị bệnh bệnh do virus Zika. Điều trị bệnh do virus Zika gây ra chỉ là điều trị hỗ trợ để giảm triệu chứng bệnh.

Cần có biện pháp để giảm thiểu tối đa nguy cơ bị muỗi đốt, những người tới du lịch hay công tác ở vùng có dịch cần làm như sau: Ngủ trong màn, ở trong phòng lắp lưới chống muỗi hay bật điều hòa, bôi thuốc chống côn trùng mọi lúc mọi nơi, mặc áo dài tay, quần dài, đội mũ và đi giày kín.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh do virus Zika

Sốt, phát ban, đau đầu, đau khớp, viêm kết mạc (mắt đỏ), đau cơ là những triệu chứng thường gặp ở những người bị nhiễm virus Zika. Hơn 80% người nhiễm virus Zika đều không có biểu hiện bệnh, còn lại 20% có biểu hiện bệnh nhẹ, không cần nhập viện điều trị. Thời gian ủ bệnh từ 2 - 7 ngày và không để lại di chứng.

Đối với phụ nữ mang thai, bệnh do virus Zika không ảnh hưởng đến thai phụ, chủ yếu là về khả năng gây bệnh ảnh hưởng đến hệ thần kinh đối với thai nhi của virus Zika. Tuy nhiên qua các nghiên cứu trên lâm sàng và cảnh báo của Tổ chức y tế thế giới, nếu thai phụ nhiễm virus Zika trong 3 tháng đầu, có nguy cơ gây bệnh nhưng tỷ lệ rất thấp, chỉ khoảng 1 đến 10% và từ 3 tháng giữa đến cuối thai kỳ các ảnh hưởng của virus Zika là không đáng kể.

Hội chứng Guillain-Barré (GBS) xảy ra sau khi nhiễm virus Zika. GBS là một bệnh cấp tính, thường tiến triển nhanh, đặc trưng bởi quá trình viêm tự miễn nhiều dây thần kinh, gây ra yếu cơ và giảm cảm giác nơi thần kinh chi phối. Tuy nhiên hội chứng GBS rất hiếm xảy ra.

Nhiễm virus Zika trong thai kỳ có thể gây ra hội chứng Zika bẩm sinh bao gồm: Dị tật đầu nhỏ và các bất thường bẩm sinh khác như co thắt bẩm sinh (bàn chân khoèo) hoặc tổn thương mắt. 

Bệnh đầu nhỏ là bệnh rối loạn bẩm sinh liên quan đến sự phát triển não không đầy đủ và kích thước đầu nhỏ, các di tật nghiêm trọng về não, mắt của thai nhi…Ngoài ra trẻ sơ sinh bị nhiễm bệnh Zika từ mẹ trong tử cung, sau khi sinh ra mặc dù không có hội chứng Zika bẩm sinh, cũng có nguy cơ chậm phát triển thần kinh nên cần phải theo dõi chăm sóc đặc biệt.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra và trong thời gian gần đây đã đến khu vực đang có dịch Zika, đặc biệt quan trọng nếu bạn đang mang thai, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh do vi-rút Zika

Zika virus (ZV) được truyền qua Aedes, muỗi sinh sôi nảy nở ở những vùng nước đọng. Muỗi Andes sống cả trong nhà và ngoài trời, muỗi rất thích sống gần người và đốt người. Chúng hoạt động mạnh vào ban ngày, chúng có thể đốt người cả ban ngày lẫn ban đêm.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc bệnh do vi-rút Zika?

Bất kỳ độ tuổi và giới tính nào cũng có thể nhiễm virus Zika, nếu sống hoặc đi đến khu vực có dịch virus Zika sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh cao.

Phụ nữ mang thai: Đây là đối tượng có nguy cơ dễ mắc virus Zika nhất, điều này cực kỳ nguy hiểm vì phụ nữ mang thai nhiễm virus Zika sẽ có khả năng truyền virus sang thai nhi gây dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh.

Những người sống hoặc đi du lịch ở những nước đã có dịch, đặc biệt ở trong khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới làm tăng nguy cơ tiếp xúc với virus Zika.

Có quan hệ tình dục không an toàn: Nếu bạn tình đi đến một khu vực có nguy cơ Zika, đề nghị sử dụng bao cao su vì virus Zika có thể lây sang người khác qua tinh dịch, dịch âm đạo.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh do virus Zika

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh do virus Zika, bao gồm:

  • Nếu bạn sống hoặc đi du lịch tại các nước có dịch. Nguy cơ tiếp xúc với virus gây bệnh Zika rất cao nếu bạn đang ở khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới, đặc biệt là tại một số quốc gia ở Trung, Nam và Bắc Mỹ, một số hòn đảo khu vực Thái Bình Dương cũng như các đảo gần Tây Phi.

  • Virus Zika có thể lây lan qua đường quan hệ tình dục, đặc biệt ở những nơi đang có dịch virus Zika nếu bạn quan hệ tình dục không an toàn. Ngoài ra, virus này cũng có thể lây truyền qua máu, nước bọt. Vì vậy cần xét nghiệm virus Zika trước khi truyền máu cho bệnh nhân.

  • Phụ nữ mang thai là đối tượng có nguy cơ dễ mắc virus Zika nhất, điều này cực kỳ nguy hiểm vì nếu phụ nữ mang thai nhiễm virus Zika sẽ có khả năng truyền virus Zika sang cho thai nhi gây tổn thương mô cơ và hệ thần kinh trung ương của thai nhi. Ngoài ra, trẻ bị nhiễm virus Zika khi sinh ra có thể mắc các biến chứng như không phát triển, phát triển không bình thường, có kích thước đầu nhỏ,  khiếm khuyết ở mặt, chậm phát triển tâm thần, tăng động và động kinh.

  • Trong một số ít trường hợp, virus Zika cũng gây ra hội chứng Guillain-Barré (GBS), một hội chứng đặc trưng bởi rối loạn nghiêm trọng hệ thống thần kinh trung ương.

Vì vậy, điều quan trọng là chúng ta phải chẩn đoán và phát hiện sớm căn bệnh này để tránh biến chứng của bệnh, đặc biệt là ở phụ nữ mang thai có đi đến hoặc sống tại khu vực có dịch Zika.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh do vi-rút Zika

Nhiễm virus Zika được nghi ngờ dựa trên các triệu chứng, khu vực và ngày đi du lịch. Tuy nhiên, biểu hiện lâm sàng của nhiễm Zika tương tự như các bệnh sốt nhiệt đới như sốt rét, bệnh do leptospiro, các bệnh nhiễm arbovirus khác. Do đó, chẩn đoán nhiễm virus Zika cần phải được xác nhận bằng một trong các phương pháp sau:

Xét nghiệm huyết thanh học (ELISA) đối với IgM, xét nghiệm trung hòa giảm mảng (PRNT) đối với kháng thể virus Zika.

Virus Zika đặc hiệu IgM và kháng thể trung hoà thường phát triển vào cuối tuần đầu sau khi nhiễm bệnh và có thể phải mất hai tuần sau khi nhiễm bệnh mới đủ kháng thể để cho một kết quả xét nghiệm chính xác. Nếu lấy mẫu máu để xét nghiệm quá sớm có thể dẫn đến kết quả dương tính giả. Ngoài ra, IgM cũng có thể được sử dụng để kiểm tra dịch não tủy trong trường hợp nhiễm trùng Zika gây viêm não. Mức kháng thể virus Zika có xu hướng tăng song song với sự suy giảm RNA của virus. Như vậy, xét nghiệm IgM hiệu quả nhất trong 12 tuần đầu bị nhiễm và có thể lâu hơn. 

Virus Zika thuộc họ Flaviviridae và cùng họ với các loại virus gây sốt xuất huyết , sốt vàng và viêm não Nhật Bản. Bởi vì điều này, một thử nghiệm IgM đôi khi có thể cho một kết quả không chính xác. Do đó, cần làm thử nghiệm trung hòa giảm độ bám mảng (PRNT) để đánh giá các kháng thể trung hòa virus cụ thể và giúp phân biệt các kháng thể phản ứng chéo từ các flavivirus khác. PRNT là một xét nghiệm chẩn đoán xác định có nhiễm virus Zika hay không, được thực hiện trong trường hợp kiểm tra IgM không xác định, mơ hồ hoặc giả định.

Xét nghiệm RT-PCR để phát hiện RNA của virus trong huyết thanh hoặc nước tiểu.

Để có thể phát hiện sớm bệnh do virus Zika thì xét nghiệm RT-PCR có thể thực hiện trong tuần đầu sau khi bắt đầu triệu chứng trên mẫu huyết thanh hoặc nước tiểu. Nên lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR < 14 ngày sau khi bắt đầu có triệu chứng của bệnh.

Xét nghiệm virus Zika cho phụ nữ mang thai 

Cần xét nghiệm huyết thanh học đối với tất cả phụ nữ mang thai đã đi đến hoặc sống tại khu vực đang có dịch virus Zika, cho dù họ có các triệu chứng nhiễm Zika hay chưa, nếu nghi ngờ có tiếp xúc với virus Zika thì cần phải làm siêu âm để đánh giá thai nhi.

Xét nghiệm nên được thực hiện từ 2 đến 12 tuần sau khi phụ nữ mang thai trở lại sau khi đi du lịch đối với phụ nữ mang thai không có triệu chứng. CDC khuyến cáo nên làm xét nghiệm vào lần khám thai đầu tiên, nếu kết quả âm tính thì vào giữa 2 tháng giữa của thai kì siêu âm thai nhi nên được thực hiện ở tuổi thai từ 18 đến 20 tuần.

Trong trường hợp phụ nữ mang thai có triệu chứng thì cần xét nghiệm ngay khi có triệu chứng. 

Phụ nữ mang thai sống ở những khu vực đang bị dịch virus Zika thường có kết quả dương tính giả vì họ có nhiều khả năng bị phơi nhiễm với một flavivirus cùng họ với virus Zika. Do đó, cần làm xét nghiệm PRNT hoặc RT-PCR để chẩn đoán chính xác có nhiễm virus Zika hay không.

Kiểm tra và theo dõi trẻ sơ sinh

Nếu người mẹ bị nhiễm virus Zika trong thời gian thai kỳ, cần phải siêu âm chẩn đoán liệu trẻ sơ sinh có bị tật não nhỏ, bất thường về mắt, calci hóa nội sọ, hoặc các dị tật khác của hội chứng Zika bẩm sinh hay không. 

Nếu mẹ đi tới hoặc sống tại vùng có dịch Zika, có kết quả xét nghiệm virus Zika âm tính hoặc không được xét nghiệm với virus Zika và trẻ sơ sinh của họ không bị não nhỏ hoặc bị vôi hóa nội sọ, trẻ sơ sinh vẫn nên được theo dõi, chăm sóc đặc biệt. 

Nếu mẹ có kết quả xét nghiệm virus Zika dương tính hoặc không kết luận và con của họ có tật đầu nhỏ nên được chăm sóc, theo dõi tình trạng bệnh. Hoặc trẻ sơ sinh có kích thước đầu bình thường, virus Zika vẫn có thể bị tổn thương não, sau đó có thể không phát triển bình thường do đó dù trẻ sơ sinh không có tổn thương đầu nhỏ hoặc tổn thương mắt cũng nên được theo dõi.

Nếu trẻ sơ sinh bị chứng não nhỏ hoặc vôi hóa nội sọ, trẻ sẽ được kiểm tra virus Zika dù mẹ có kết quả xét nghiệm virus Zika âm tính hay dương tính.

Phương pháp điều trị bệnh do virus Zika hiệu quả

Tùy vào thể trạng bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp.

  • Chăm sóc hỗ trợ

Hiện nay chưa có thuốc điều trị kháng virus đặc hiệu nào để điều trị bệnh do nhiễm virus Zika. Điều trị bệnh chỉ là điều trị hỗ trợ bao gồm:

  • Nghỉ ngơi.

  • Bù dịch để ngăn ngừa mất nước. Để bù nước và điện giải bạn cần uống đủ nước sôi để nguội, nước trái cây hoặc nước oresol.

  • Paracetamol(Acetaminophen) để giảm sốt và đau.

  • Tránh dùng các NSAID (thuốc kháng viêm không steroid) khác và aspirin.

Để phòng ngừa nguy cơ xuất huyết, Aspirin và các NSAIDs khác không được sử dụng trong thời kỳ mang thai và đặc biệt tránh sử dụng ở tất cả các bệnh nhân nhiễm bệnh do virus Zika. Ngoài ra, tử vong và nhiễm trùng nặng do virus Zika có liên quan đến giảm tiểu cầu miễn dịch và xuất huyết. 

Phụ nữ mang thai dương tính với virus Zika trong huyết thanh hoặc dịch màng ối, để theo dõi sự hình thành và phát triển của bào thai thì cần phải kiểm tra thai kỳ bằng siêu âm mỗi 3 đến 4 tuần. Nên thăm khám tại các bác sĩ chuyên khoa về bệnh nhi hoặc chuyên khoa về bệnh truyền nhiễm với chuyên môn trong quản lý thai nghén.

Sự phát triển của não nên được theo dõi trong ≥ 2 năm ở tất cả trẻ sinh ra từ những bà mẹ bị nhiễm virus Zika, cho dù trẻ có đầu nhỏ, tổn thương mắt, hoặc các biểu hiện khác gợi ý hội chứng Zika bẩm sinh.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh do virus Zika hiệu quả

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh do virus Zika

Chế độ sinh hoạt:

  • Bạn cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.

  • Phụ nữ mang thai bị nhiễm virus Zika được khuyến cáo sau khi sinh không nên cho con bú sữa mẹ vì có thể gây ra mức độ nghiêm trọng cho trẻ.

  • Nơi ở thông thoáng, dụng cụ chứa nước cần che đậy, dọn dẹp những nơi có thể đọng nước xung quanh nhà như chậu hoa, lốp xe ô tô… để giảm nơi sinh sản của muỗi sẽ giảm số lượng muỗi.

  • Ngủ màn, mặc áo dài tay, quần dài, vớ, giày có thể bảo vệ chống lại muỗi cắn.

  • Màn, túi ngủ được phun với permethrin hoặc sử dụng permethrin 5%, thuốc xua muỗi trên da.

Chế độ dinh dưỡng:

Thực phẩm dinh dưỡng thích hợp có thể bổ sung chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khỏe giúp cơ thể tăng sức đề kháng, hỗ trợ trong điều trị như:

  • Tỏi có chứa hợp chất sulfur các đặc tính kháng khuẩn và chống viêm có thể giúp chống lại tất cả các bệnh nhiễm trùng do virus, nấm và vi khuẩn. Ngoài ra, trong thành phần của tỏi có chứa Allicin, giúp giảm đau, kháng khuẩn…nên được kết hợp trong thói quen ăn uống hàng ngày của bạn hoặc bạn cũng có thể uống viên dầu tỏi hay ăn tỏi đen hàng ngày.

  • Chế độ ăn uống của bạn nên có nhiều thực phẩm giàu vitamin C như trái cây và rau quả họ cam quýt như chanh, cam, nho, cà chua, kiwi, ớt chuông, dâu tây… Những thực phẩm giàu vitamin C này giúp chống oxy hóa, tăng sức đề kháng của cơ thể bạn. 

  • Tránh ăn thức ăn nhanh (fast food) vì không tốt cho cơ thể bạn nếu bạn đang bị bệnh do virus Zika.

Phương pháp phòng ngừa bệnh do virus Zika hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh do virus Zika hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã khuyến cáo rằng phụ nữ mang thai nên xem xét việc trì hoãn việc đi đến các khu vực đang lây truyền virus Zika. Trước khi đến các khu vực có nguy cơ nhiễm Zika, phụ nữ mang thai nên trao đổi với bác sĩ về các nguy cơ nhiễm virus Zika và các biện pháp phòng ngừa để tránh bị muỗi đốt.

Hiện tại vẫn chưa có vaccin để phòng ngừa nhiễm virus Zika.

Ngừa truyền qua muỗi

Để ngăn ngừa muỗi đốt, cần phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa như: 

  • Ngủ màn, mặc quần áo dài tay, sử dụng các sản phẩm chống muỗi…

  • Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, còn thau rửa, dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ lật úp các dụng cụ này khi không chứa nước, thay nước bình hoa hàng ngày…

  • Mọi người cần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, bẹ lá, vỏ xe...

Đối với trẻ em, cần lưu ý khi thực hiện phòng ngừa muỗi đốt như: 

  • Trẻ sơ sinh < 2 tháng, không sử dụng thuốc chống côn trùng.

  • Ở trẻ < 3 tuổi, Không sử dụng các sản phẩm có chứa dầu bạch đàn chanh (para-menthane diol).

  • Đối với trẻ lớn hơn, người lớn nên bôi kem, xịt xua đuổi muỗi trên tay và sau đó dùng nó cho da của trẻ.

  • Sử dụng màn chống muỗi, mặc quần dài, áo dài tay, vớ…

  • Cẩn thận khi dùng thuốc chống con trùng cho trẻ em, không để thuốc vào tay, mắt, miệng, hoặc da bị kích thích...

Phòng lây truyền qua truyền máu

Để đảm bảo an toàn trong truyền máu, tại các bệnh viện sử dụng kỹ thuật sinh học phân tử, kỹ thuật Nucleic acid Amplification Technology (NAT) để sàng lọc các túi máu và chế phẩm máu trước khi sử dụng cho bệnh nhân.

Phòng ngừa lây truyền tình dục

Vì virus Zika có thể lây truyền qua tinh dịch, CDC khuyến cáo mọi người nên sử dụng bao cao su hoặc thực hành kiêng cữ nếu một hoặc cả hai người sống cùng hoặc đi du lịch đến một khu vực có dịch virus Zika trong thời gian gần đây. Khuyến cáo này áp dụng cho dù nam giới có triệu chứng hay không vì hầu hết các trường hợp nhiễm Zika đều không có triệu chứng và khi triệu chứng phát triển, chúng thường nhẹ.

  • Những người trở về từ vùng dịch cũng cần thực hiện quan hệ tình dục (QHTD) an toàn hoặc kiêng QHTD ít nhất 4 tuần sau khi trở về.

  • CDC khuyên phụ nữ mang thai sử dụng các loại thuộc xịt muỗi, tránh tới những vùng bị ảnh hưởng bởi virus này và hạn chế quan hệ tình dục hoặc sử dụng bao cao su.

Nguồn tham khảo

https://www.msdmanuals.com/vi/chuyên-gia/bệnh-truyền-nhiễm/nhiễm-zika-virus-zv

Các bệnh liên quan

  1. Nhiễm Shigella

  2. Viêm màng não lympho bào

  3. Lao kê

  4. Áp xe

  5. Bạch hầu

  6. Giun đầu gai

  7. Bại liệt

  8. Nhiễm Candida

  9. Mụn cóc phẳng

  10. Giun tim