Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Ngày Quốc tế Ung thư Trẻ em 2024 - Giảm khoảng cách về chăm sóc và điều trị

Ngày 29/02/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Đối với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, ung thư cũng là căn bệnh nguy hiểm và nhận được sự quan tâm hàng đầu, đặc biệt là đối với đối tượng trẻ em. Vào ngày Quốc tế Ung thư Trẻ em 2024, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cha mẹ, gia đình và bác sĩ trong việc phát hiện sớm bệnh ung thư ở trẻ nhỏ.

Ung thư là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ em. Tuy nhiên, việc chăm sóc và điều trị bệnh ung thư ở trẻ em giữa các nước có sự khác biệt rất lớn, rõ ràng nhất ở các nước có thu nhập cao và các nước có thu nhập thấp. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, hãy cùng tìm hiểu bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu.

Khoảng cách về chăm sóc và điều trị ung thư ở trẻ giữa các nước

Ngày Quốc tế Ung thư Trẻ em (ICCD) được tổ chức vào ngày 15/02 hàng năm nhằm mục đích nâng cao nhận thức, dự phòng, phát hiện sớm và điều trị tốt hơn bệnh ung thư ở trẻ em. Đồng thời hướng đến mục tiêu tiếp cận chăm sóc và điều trị tốt hơn cho trẻ em - thanh thiếu niên bị ung thư ở mọi nơi trên thế giới.

Ngày Quốc tế Ung thư Trẻ em 2024 - Giảm khoảng cách về chăm sóc và điều trị 1
Ngày Quốc tế Ung thư Trẻ em (ICCD) được tổ chức vào ngày 15/02 hàng năm

Trên toàn thế giới, mỗi ngày có khoảng hơn 1000 trẻ em được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Với những tiến bộ về khoa học kỹ thuật trong Y tế, ở các nước có thu nhập cao, có 80% trẻ em được chẩn đoán mắc phải bệnh ung thư sẽ có cơ hội sống sót. Trong khi đó, ở một số nước có thu nhập thấp và trung bình, chỉ có khoảng 20% trẻ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư sẽ sống sót. Điều này cho thấy khoảng cách và khác biệt trong việc chăm sóc và điều trị bệnh ung thư giữa các quốc gia trên thế giới.

WHO cho biết, ở khu vực phía Đông Địa Trung Hải, vào năm 2022 đã có hơn 70% tổng số trẻ em tử vong sau khi được chẩn đoán bệnh ung thư. Khác với đối tượng là người trưởng thành, các nguyên nhân, yếu tố gây bệnh ung thư ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên chưa được làm rõ và chỉ có thể phòng ngừa được một phần nhỏ. Điều này cũng đồng nghĩa với sự phục hồi của trẻ mắc ung thư phụ thuộc phần lớn vào cơ sở vật chất, sự hiện đại của hệ thống y tế trong việc đảm bảo được chẩn đoán bệnh kịp thời và điều trị thích hợp. Điều này đặc biệt thách thức ở những quốc gia có thu nhập thấp, gặp bất ổn về thiên tai,...

Nỗ lực giảm khoảng cách về chăm sóc và điều trị ung thư ở trẻ

Từ năm 2028, WHO và Bệnh viện Nghiên cứu Trẻ em St. Jude đã phát động Sáng kiến Toàn cầu về Ung thư ở Trẻ em (hay còn được biết đến là GICC) có quy mô trên toàn cầu, khu vực và quốc gia cụ thể. Mục đích cuối cùng của GICC là giảm khoảng cách về chăm sóc và điều trị bệnh ung thư ở trẻ nhỏ, thu hẹp khoảng cách sống sót giữa các nước có thu nhập cao và các nước có thu nhập thấp, cụ thể là đảm bảo có ít nhất 60% trẻ em sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư sẽ sống sót.

Để thực hiện được mục tiêu đầy tham vọng này, WHO và các quốc gia đã tăng cường hệ thống y tế, để các bệnh viện, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, các bậc phụ huynh,... có thể phát hiện ra các dấu hiệu sớm của ung thư ở trẻ em và thanh thiếu niên, từ đó có thể giúp trẻ được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc và điều trị chuyên biệt, nâng cao khả năng sống sót cho trẻ. Ngoài việc chăm sóc và điều trị, trẻ cũng cần được quan tâm về sự phát triển thể chất, tinh thần và chế độ dinh dưỡng.

Ngày Quốc tế Ung thư Trẻ em 2024 - Giảm khoảng cách về chăm sóc và điều trị 2
Trẻ cần được quan tâm về sự phát triển thể chất, tinh thần và chế độ dinh dưỡng

Các bậc cha mẹ, người thân cần nắm được các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu của một số bệnh ung thư phổ biến ở trẻ, luôn quan sát tình trạng sức khỏe của trẻ, cho trẻ đi tầm soát ung thư và khám sức khỏe định kỳ. Khi trẻ có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường, cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán. Việc phát hiện sớm bệnh ung thư ở trẻ em đóng vai trọng trong việc điều trị có hiệu quả hay không. Điều này góp phần thu hẹp khoảng cách chăm sóc và điều trị ung thư ở trẻ giữa các nước.

Một số bệnh ung thư phổ biến ở trẻ em

Vào năm 2022, bệnh ung thư phổ biến nhất ở trẻ em và lứa tuổi thanh thiếu niên ở khu vực phía Đông Địa Trung Hải là bệnh ung thư bạch cầu. Dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh là sốt cao không rõ nguyên nhân, dấu hiệu này cũng hay xuất hiện ở bệnh ung thư hạch.

Một bệnh ung thư khác thường gặp ở trẻ em là u nguyên bào võng mạc, đây là một khối u ở mắt và có nguy cơ mù lòa rất cao nếu không được phát hiện và điều trị sớm ở giai đoạn đầu. Dấu hiệu phổ biến nhất của căn bệnh này là mắt to. Ngoài ra, các khối u não cũng thường xuất hiện ở trẻ em. Phụ huynh cần chú ý đến các triệu chứng như đau đầu, trẻ chậm phát triển, chu vi vòng đầu ở trẻ sơ sinh tăng,...

Sarcoma cũng là một bệnh ung thư mà trẻ em và thanh thiếu niên thường mắc phải. Đây là một bệnh ung thư phát triển ở trong xương, mô mềm như các mô liên kết hoặc cơ. Sarcoma cơ vân là loại phổ biến nhất ở trẻ nhỏ, nó có thể xuất hiện ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể. Sarcoma xương và ewing sarcoma phổ biến ở thanh thiếu niên trong độ tuổi dậy thì.

Ngày Quốc tế Ung thư Trẻ em 2024 - Giảm khoảng cách về chăm sóc và điều trị 3
Ung thư bạch cầu là bệnh ung thư phổ biến nhất ở trẻ em và lứa tuổi thanh thiếu niên ở khu vực phía Đông Địa Trung Hải

Ung thư đã ảnh hưởng đến cuộc sống và tính mạng của không ít trẻ em trên thế giới. Mọi đứa trẻ đều cần có cơ hội để sống hạnh phúc, mạnh khỏe dù cho chúng được sinh ra ở đâu, quốc gia nào. Hãy tập trung chăm sóc và theo dõi sức khỏe của trẻ, đó đã là những góp phần to lớn vào công cuộc chống lại căn bệnh ung thư ở trẻ nhỏ và lứa tuổi thanh thiếu niên, giúp mang đến cho trẻ em một tương lai tốt đẹp nhất.

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm