Bệnh sởi đức hay còn có tên gọi là bệnh sởi rubella. Đây là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra.
Bệnh sởi đức hay sởi rubella còn có tên gọi khác là sởi ba ngày. Bệnh có tính lây nhiễm cao và biểu hiện rất đặc trưng. Trước đây bệnh thường gặp ở trẻ em và gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên kể từ khi các nhà khoa học sáng chế ra loại vắc-xin phòng sởi – quai bị - rubella (3 trong 1) thì cơ thể có khả năng bảo vệ lên tới 99.7%. Mặc dù có tên gọi gần giống với bệnh sởi thông thường nhưng sởi đức là căn bệnh hoàn toàn khác. Bạn cần phân biệt rõ để có hướng điều trị và chăm sóc phù hợp.
Nguyên nhân gây bệnh sởi đức
Sởi đức hay còn có tên gọi khác là sởi rubella hoặc sởi 3 ngày.
Nguyên nhân khiến người bệnh mắc sởi đức là do nhiễm phải virus rubella. Đây là một dạng virus thuộc họ Togavirus mang bộ gen RNA sợi đơn. Virus rubella lây nhiễm chủ yếu qua đường hô hấp rồi cư trú ở vòm họng và các hạch bạch huyết. Sau khoảng 1 tuần người ta còn tìm thấy virus trong máu của bệnh nhân; lúc này chúng đã lan ra toàn bộ cơ thể.
Ngoài nguyên nhân do lây nhiễm cũng có một số bệnh nhân mắc sở đức do bẩm sinh. Sau khi người mẹ nhiễm trùng rubella vào trong tử cung sẽ khiến cho con bị các dị tật về tim, não, thị lực và thính giác. Thời điểm dễ gây dị tật nhất là khi mẹ mắc sởi đức vào 3 tháng đầu thai kỳ.
Biểu hiện bệnh sởi đức
Khi mới mắc bệnh trẻ có biểu hiện sốt nhẹ tương tự như cảm cúm.
Thời gian ủ bệnh tức là từ khi nhiễm virus cho tới khi có những dấu hiệu đầu tiên trong khoảng 14 – 20 ngày. Sau thời gian này các biểu hiện của bệnh sẽ tương tự như bệnh cảm cúm.
Lúc này, trên đầu, mặt, gáy,... sẽ xuất hiện các vết ban đỏ sau đó lan dần xuống tay, mình và chân. Các vết ban sởi có màu hồng đỏ, gây ngứa ngáy. Sau 3 ngày nốt ban bay mất để lại nhiều vùng thâm nhỏ trên da. Cũng chính vì thế người ta gọi sởi đức là bệnh sởi 3 ngày.
Ngoài ra bệnh nhân còn có một số biểu hiện khác như:
- Sốt nhẹ;
- Sưng hạch ở vùng chẩm hay háng;
- Đau nhức đầu;
- Đau các khớp;
- Viêm kết mạc, khó nhìn, sợi ánh sáng;
- Sưng hạch bạch huyết kéo dài tới 1 tuần lúc này bệnh nhân có thể sốt tới 38 độ C;
- Với trẻ em bị sởi đức sẽ vô cùng khó chịu, quấy khóc, bỏ ăn và sụt cân.
Bệnh này có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào. Nhưng nếu ở người cao hơn 40 tuổi thì triệu chứng sẽ nghiêm trọng hơn so với trẻ nhỏ.
Cách phòng bệnh sởi đức
Trẻ từ 12 tới 18 tháng cần phải tiêm vắc-xin để phòng bệnh.
Hiện nay cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh sởi ở trẻ em là dùng vắc-xin miễn dịch chủ động. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo mọi người nên tiêm phòng cho trẻ liều đầu tiên vào 12 – 18 tháng tuổi, liều nhắc lại vào tháng thứ 36. Phụ nữ trong độ tuổi mang thai hoặc trước khi quyết định mang thai cần phải xét nghiệm miễn dịch với virus rubella. Với người lớn chưa tiêm phòng đầy đủ từ nhỏ thì cần tới cơ sở y tế để làm xét nghiệm và tiêm vắc-xin bù.
Ngoài ra, nếu muốn phòng bệnh toàn diện hơn bạn nên mặc đủ ấm, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng. Tránh xa các nguồn lây nhiễm, bảo vệ đường hô hấp mỗi khi tới nơi đông người. Nếu tuân thủ đầy đủ thì sẽ hạn chế đến mức tối đa nguy cơ virus rubella gây bệnh cho bạn.
Huyền Trang