Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Nguyên nhân tiềm ẩn của ung thư dạ dày

Ngày 28/06/2024
Kích thước chữ

Ung thư dạ dày vẫn là loại ung thư phổ biến thứ 4 trên toàn thế giới, mặc dù đã giảm nhanh trong những thập kỷ gần đây. Vậy những nguyên nhân nào gây ra ung thư dạ dày? Hãy cùng Bác sĩ Melvin giải đáp câu hỏi này.

Bác sĩ Melvin Look, chuyên khoa ngoại tổng hợp tại Bệnh viện Mount Elizabeth, giải thích những điều bạn cần biết về ung thư dạ dày và nhiễm trùng dạ dày.

Ung thư dạ dày là gì?

Ung thư dạ dày xảy ra khi các tế bào niêm mạc thành dạ dày trở thành tế bào ung thư. Một khối u hoặc vết loét có thể hình thành trong dạ dày, gây ra các triệu chứng ban đầu như ợ nóng, đau dạ dày, buồn nôn và chán ăn.

Tỷ lệ ung thư dạ dày cao nhất được tìm thấy ở Châu Á, Đông Âu và Nam Mỹ. Tại Singapore, đây là bệnh ung thư phổ biến thứ 7 ở nam giới và là bệnh ung thư phổ biến thứ 9 trên nữ giới. Ở một số nhóm nhỏ nguy cơ sẽ cao hơn nhiều. Ví dụ, nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày ở nam giới Trung Quốc là khoảng 1 trên 50.

Mặc dù đã có những tiến bộ trong phẫu thuật và cũng như hiểu biết về K dạ dày, hầu hết bệnh nhân ở Singapore vẫn được chẩn đoán mắc bệnh ung thư dạ dày ở giai đoạn muộn, gây khó khăn cho việc điều trị. Điều đáng tiếc là không giống như các quốc gia khác như Nhật Bản và Hàn Quốc, Singapore không có bất kỳ chương trình sàng lọc nào được thiết lập để phát hiện các trường hợp mới ở giai đoạn đầu.

Nguyên nhân tiềm ẩn của ung thư dạ dày 1
Ung thư dạ dày là một trong các bệnh ung thư phổ biến gặp ở cả nam và nữ

Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư dạ dày là gì?

Ở giai đoạn đầu, ung thư dạ dày thường không gây ra bất kỳ triệu chứng cụ thể nào. Do đó bệnh thường không được phát hiện kịp thời. Khi các triệu chứng xuất hiện, chúng có thể mơ hồ và giống với các triệu chứng do các bệnh dạ dày khác gây ra.

Các triệu chứng sớm nhất của ung thư dạ dày bao gồm:

  • Khó tiêu;
  • Ợ nóng;
  • Cảm thấy đầy hơi;
  • Buồn nôn;
  • Chán ăn.

Tuy nhiên, những triệu chứng này có thể do một số tình trạng khác nhau gây ra, vì vậy điều quan trọng là đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và chẩn đoán chính xác.

Các triệu chứng tiến triển của ung thư dạ dày có thể bao gồm:

  • Đau bụng hoặc sưng nề;
  • Có máu trong phân của bạn;
  • Nôn mửa;
  • Giảm cân;
  • Khó nuốt;
  • Mệt mỏi.
Nguyên nhân tiềm ẩn của ung thư dạ dày 1
Các triệu chứng rối loạn tiêu hóa có thể là dấu hiệu sớm của ung thư dạ dày

Nguyên nhân gây ung thư dạ dày?

Nguyên nhân chính xác của ung thư dạ dày vẫn chưa được biết. Có giả thuyết cho rằng ung thư dạ dày bắt đầu khi một tế bào trong dạ dày phát triển và có những thay đổi trong ADN.

Kết quả là những thay đổi ADN trong tế bào làm cho tế bào phát triển nhanh chóng và tiếp tục vượt khỏi chương trình kiểm soát của tế bào. Các tế bào tích tụ tạo thành khối u có khả năng xâm lấn và phá hủy các mô khỏe mạnh. Theo thời gian, các tế bào có thể tách ra khỏi khối u và di căn sang các khu vực khác của cơ thể.

Dạ dày của bạn có 5 phần:

  • Tâm vị: Phần trên cùng, gần ống dẫn thức ăn nhất.
  • Đáy vị : Phần trên, nơi lưu trữ thức ăn chưa tiêu hóa.
  • Thân vị: Phần chính, nơi thức ăn đã được tiêu hóa một phần.
  • Hang vị: Phần dưới, nơi thức ăn trộn với dịch dạ dày.
  • Môn vị: Phần dưới cùng, đóng vai trò như một van dẫn vào ruột non.

Ung thư bắt nguồn từ tâm vị thường liên quan đến béo phì và bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GastroEsophageal Reflux Diseases - GERD), trong khi ung thư ở hang vị và môn vị thường liên quan đến nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori, hút thuốc, ăn nhiều thức ăn ủ muối, hun khói và tiền sử gia đình có người mắc ung thư dạ dày.

Yếu tố nguy cơ ung thư dạ dày

  • Nhóm máu A;
  • Nhiễm virus Epstein - Barr (EBV);
  • Làm việc trong ngành than, kim loại, gỗ hoặc cao su;
  • Tiếp xúc với amiăng.

Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) là gì?

H. pylori là một loại vi khuẩn có thể cư trú trong dạ dày. Trong một số trường hợp, nó có thể gây viêm loét nặng ở niêm mạc dạ dày và ruột. Điều này làm cho các tế bào bị đột biến có khả năng phát triển và trở thành ung thư.

Chưa nghiên cứu nào biết vi khuẩn này đến từ đâu hoặc lần đầu tiên nó được truyền sang người như thế nào, nhưng vệ sinh kém và thực phẩm bị ô nhiễm có thể là những yếu tố làm lây lan vi khuẩn. Gần 60% người trưởng thành mang vi khuẩn này nhưng hầu hết đều không phát hiện.

Nhiễm Hp có thể gây ra các triệu chứng bao gồm:

  • Đau hoặc nóng rát bụng;
  • Buồn nôn;
  • Chán ăn;
  • Cảm thấy đầy hơi;
  • Ợ hơi nhiều.

Một liệu trình kháng sinh có thể giúp người bệnh thoát khỏi tình trạng nhiễm Hp.

Nguyên nhân tiềm ẩn của ung thư dạ dày 3
H.pylori là một trong những loại vi khuẩn thường gây ung thư dạ dày

Virus Epstein-Barr (EBV) là gì?

EBV là loại virus gây bệnh bạch cầu đơn nhân, hay còn gọi là bạch cầu 'mono'. Nó gây ra các triệu chứng giả như cúm bao gồm sốt, mệt mỏi, phát ban, đau họng, sưng hạch và yếu cơ. Tuy nhiên, giống như H. pylori, người bệnh có thể đang mắc bệnh mà không biết. Và virus có thể tồn tại trong cơ thể người và hoạt động trở lại, thậm chí nhiều tháng hoặc nhiều năm sau đó.

Tiếc rằng, không có cách điều trị cụ thể cho bệnh bạch cầu đơn nhân. Cách tốt nhất để tránh mắc bệnh là tránh xa những người có triệu chứng bệnh bạch cầu đơn nhân.

Mặc dù mối liên hệ giữa EBV và ung thư dạ dày còn khá mới nhưng khoảng 9% trường hợp ung thư dạ dày được cho là có liên quan đến EBV.

Việc điều trị nhiễm H.pylori có làm giảm nguy cơ ung thư không?

Các nghiên cứu tổng thể về dân số cho thấy rằng việc giảm số lượng nhiễm H. pylori có thể giúp giảm số ca mắc bệnh ung thư. Trong một nghiên cứu cụ thể, tỷ lệ mắc ung thư dạ dày thực tế đã giảm 25%. Do đó, chẩn đoán sớm nhiễm H. pylori có thể giúp giảm nguy cơ phát triển ung thư trong tương lai.

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào của nhiễm H. pylori, hãy đến gặp ​​bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được tư vấn. Người bệnh có thể thực hiện một xét nghiệm không xâm lấn để loại trừ các nguyên nhân nghi ngờ khác. Nội soi dạ dày (một camera nhỏ được đưa vào qua thực quản) cũng có thể kiểm tra bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào của ung thư dạ dày.

Nguyên nhân tiềm ẩn của ung thư dạ dày 4
Việc điều trị H.pylori giúp giảm nguy cơ ung thư dạ dày một cách đáng kể

Cách phòng ngừa và giảm nguy cơ ung thư dạ dày

Một số thay đổi lối sống có thể thực hiện để giảm nguy cơ phát triển ung thư dạ dày bao gồm:

  • Duy trì cân nặng phù hợp: Nếu thừa cân hoặc béo phì, hãy cố gắng giảm cân với tốc độ chậm và ổn định khoảng 1kg mỗi tuần cho đến khi đạt được cân nặng phù hợp.
  • Ăn nhiều trái cây và rau củ: Cố gắng kết hợp nhiều loại trái cây và rau quả nhiều màu sắc trong chế độ ăn uống hàng ngày.
  • Tránh thức ăn ủ muối và hun khói: Giảm lượng thức ăn ủ muối và hun khói. Nghiên cứu cho thấy những người tiêu thụ những thực phẩm này có nhiều khả năng phát triển ung thư dạ dày hơn những người không ăn.
  • Bỏ thuốc lá: Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày cũng như nhiều loại ung thư khác.
  • Sàng lọc: Nếu bạn có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn do tiền sử gia đình có người mắc bệnh này, bác sĩ có thể chỉ định sàng lọc thường xuyên như nội soi. Hãy trao đổi với bác sĩ về tình trạng của bản thân để biết rõ hơn.

Trên đây là nguyên nhân tiềm ẩn của ung thư dạ dày và các vấn đề xoay quanh căn bệnh này. Hy vọng những thông tin của bài viết sẽ hữu ích cho bạn.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Bác sĩNguyễn Văn My

Đã kiểm duyệt nội dung

Bác sĩ đã có trên 20 năm kinh nghiệm làm việc với vai trò là Bác sĩ điều trị, đặc biệt là các bệnh liên quan đến chuyên ngành Truyền Nhiễm, Nhiệt đới. Nhiều năm trực tiếp thực hiện nghiên cứu về bệnh Sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, với đối tác là Đơn vị nghiên cứu Lâm sàng của Đại học Oxford tại Hà Nội và hơn 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Tiêm chủng Vắc xin: Nghiên cứu, đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn,... Đặc biệt là lĩnh vực xử trí các phản ứng sau tiêm.

Xem thêm thông tin